TCCS - Là một xã miền núi với điều kiện tự nhiên không thuận cho phát triển nông nghiệp, cách đây gần 10 năm, xã Lão Hộ (huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang) là một trong những địa phương nghèo nhất huyện. Với những giải pháp táo bạo khi vận dụng các chủ trương, đường lối của Đảng vào thực tiễn, giờ đây xã Lão Hộ đã thoát nghèo và đang từng bước vươn mình trở thành xã nông thôn mới.

Những ghi nhận từ xã nông thôn mới Lão Hộ

Bài toán về sự phát triển của một xã nghèo

Khi xe chạy từ huyện về xã Lão Hộ, đồng chí Nguyễn Văn Hiển, Phó Chánh Văn phòng Huyện ủy Yên Dũng hồi tưởng: Cách đây chưa lâu, con đường bê-tông mà xe đang đi chỉ là đường đất, trời mà mưa to là lầy lội, bà con chẳng thể lên chợ huyện.

Trong câu chuyện “ôn cố tri tân” những ngày đầu năm, những người từng biết về Lão Hộ bùi ngùi nhớ lại thời mà nơi đây còn là một trong bốn xã nghèo của huyện Yên Dũng. Là xã bán sơn địa, “chưa mưa đã úng, chưa nắng đã hạn”; diện tích đất nông nghiệp ít, đất trồng lúa chỉ có 138ha/355ha diện tích tự nhiên, các ruộng lúa phần lớn nằm ngoài đê, đất bạc màu chiếm tỷ lệ lớn; mỗi năm chỉ mong thực hiện tốt một vụ mùa đã là khó; giao thông không thuận lợi khiến xã như bị tách biệt với bên ngoài, Lão Hộ nhiều năm loay hoay với bài toán thoát nghèo tưởng không có lời giải. Đến năm 2004, 67% số hộ trong xã vẫn thuộc diện nghèo.

Những giải pháp đột phá đúng đắn, sáng tạo

Để có được những thành quả đáng tự hào hiện nay, những biện pháp đúng đắn hợp ý Đảng, lòng dân đã được triển khai thực hiện. Trong đó, nổi bật hơn cả là ba nhóm giải pháp:

Bước đầu tiên cho lời giải bài toán thoát nghèo của xã là: Mở đường. Đường giúp xã khai thông với bên ngoài, thoát cảnh bị cô lập để hòa chung vào sự phát triển sôi động của cả nước. Đường giao thông giúp nhân dân mở rộng  con đường kiếm kế sinh nhai. Đường đưa các nhà đầu tư từ huyện, tỉnh về với xã. Xã chỉ cách Thủ đô Hà Nội 80km, cách thị xã Bắc Giang 12km, do vậy phát triển giao thông chính là giải pháp đầu tiên để xã phát huy lợi thế “cận thị, cận giang”.

16.058 triệu đồng là số tiền được đầu tư để xã xây dựng kết cấu hạ tầng giai đoạn 2004 - 2009. Trong đó, Nhà nước hỗ trợ khoảng 20% -  30%; tài trợ của các dự án phi chính phủ là khoảng 1,3 tỉ đồng, số còn lại là do địa phương và nhân dân đóng góp. Mở đường và xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn phù hợp với điều kiện tự nhiên, xã hội của địa phương thực sự là giải pháp mang tính khai thông trong bài toán phát triển của Lão Hộ.

Giải pháp đột phá quan trọng nhất, mang tính cốt lõi là chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Điều kiện tự nhiên không thuận lợi để xã phát triển nông nghiệp cũng là một lý do khiến Lão Hộ chưa thoát được nghèo. Xã xác định được con đường đúng đắn là phát triển kinh tế theo hướng: xây dựng kinh tế trang trại, đẩy mạnh nuôi gia súc, gia cầm, thủy cầm theo mô hình VAC; phát triển công nghiệp, dịch vụ, xuất khẩu lao động.

Về nông nghiệp, xã chuyển vụ đông thành vụ chính của năm. Quyết định đúng đắn đó cùng với những thành công của việc đầu tư xây dựng hệ thống giao thông, thủy lợi, áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, đã thúc đẩy nông nghiệp phát triển tích cực.

Công nghiệp được phát triển dựa trên tài nguyên đất đai và mạng lưới giao thông đã được nâng cấp. Thu hút đầu tư của xã chủ yếu vào lĩnh vực sản xuất gạch và dệt may. Trong đó, 2 nhà máy sản xuất gạch tuy-nen có vốn đầu tư hơn 80 tỉ đồng giai đoạn 1, giải quyết việc làm cho hơn 180 lao động. Xuất khẩu lao động và phát triển dịch vụ cũng là những thế mạnh của xã. Riêng năm 2011, xã đã giới thiệu được 68 người đi xuất khẩu lao động.

Quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng giúp xã thành công trong chuyển dịch cơ cấu lao động. Lao động nông nghiệp chỉ còn 41,3% nhưng vẫn bảo đảm an ninh lương thực cho xã; sản lượng lương thực năm 2011 đạt 1.555 tấn, năng xuất lúa đạt 61,2 tạ/ha, bình quân lương thực là 480kg/người/năm.

Giải pháp quan trọng thứ ba là phát triển văn hóa - giáo dục. Việc thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được Đảng bộ xã gắn chặt với quyết tâm đưa xã thoát nghèo, từng bước phát triển kinh tế để nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần; tạo điều kiện cho con em trong xã được hưởng thụ nền giáo dục tiên tiến. Lãnh đạo xã nhận thức rõ rằng, muốn hiện đại hóa nông thôn thì phải đầu tư cho văn hóa - giáo dục; kinh tế phát triển tạo điều kiện cho đời sống văn hóa của nhân dân được nâng lên.

Thành quả nền tảng quan trọng

Ngày nay, đến Lão Hộ, khó hình dung, chưa đầy 10 năm trước, đây đã từng là một xã nghèo. Nhìn vào kết cấu hạ tầng nông thôn, vào những nhà máy sản xuất hiện đại, những ngôi nhà khang trang với những vườn cây, ao cá, vào ánh mắt người dân nơi đây đã thấy một vùng quê trù phú, phát triển cả về kinh tế và văn hóa, xã hội.

Đồng chí Trần Tân Hợi, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Lão Hộ, cho biết: Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm chỉ còn 15,7%; thu nhập bình quân đạt 14,2 triệu đồng/người/năm (năm 2010 đạt bình quân 8,7 triệu). Mỗi năm, thu nhập từ nông nghiệp khoảng hơn 18 tỉ đồng, công nghiệp và dịch vụ khoảng 16 tỉ đồng, xuất khẩu lao động gần 11 tỉ đồng. Chỉ tính riêng hợp tác xã nuôi trồng thủy sản được thành lập trên diện tích 48ha với sự tham gia của 20 hộ, mỗi năm thu sản lượng trên 100 tấn; thu nhập, sau khi trừ chi phí, đạt từ 30 đến 50 triệu đồng/hộ/năm.

Đồng chí cũng nói vui với chúng tôi rằng trước đây mở được con đường liên xã đã là thành công lắm, nhưng giờ trong xã, khi có nhiều hộ mua được ô-tô thì lại thấy đường còn nhỏ, cần mở rộng hơn nữa.

Ghi nhận thành công thoát nghèo của xã, huyện Yên Dũng đã chọn Lão Hộ là xã thí điểm xây dựng nông thôn mới. Tiếp nối thành quả từ trước đó, nên chỉ sau một thời gian không lâu - khoảng 6 tháng - xã đã đạt 11/19 tiêu chí nông thôn mới; phấn đấu hết năm 2012 sẽ hoàn thành 14/19 tiêu chí(1).

Thành công từ chuyển dịch cơ cấu kinh tế đã đem đến kết quả: Lão Hộ đã hoàn thành chỉ tiêu về chuyển dịch cơ cấu lao động - tiêu chí được xem là khó hoàn thành nhất đối với nhiều xã nông thôn mới.

Đến nay xã có 1 thôn,  2 cơ quan đạt danh hiệu đơn vị văn hóa cấp tỉnh; 1 thôn, 3 cơ quan đạt văn hóa cấp huyện, 95% số hộ đạt gia đình văn hóa. Xã có trường mầm non, trường tiểu học, trạm y tế đạt chuẩn quốc gia. Từ năm 2006 đến nay, xã có 46 học sinh thi đỗ đại học. Cả 4 thôn đều có nhà văn hóa, hoàn chỉnh hương ước, toàn xã có 4 đội văn nghệ và duy trì thường xuyên, sôi nổi các hoạt động thể dục, thể thao.

Bài học về vai trò của tổ chức cơ sở đảng

“Mở đường” cho sự vươn mình của Lão Hộ là Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 (khóa IX), tháng 3-2002, về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010. Lãnh đạo xã đã tìm ra con đường cũng như nguồn lực để thoát nghèo: xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn với tinh thần Nhà nước và nhân dân cùng làm và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thoát khỏi tình trạng loay hoay mãi với bài toán phát triển nông nghiệp.

Bước ngoặt quyết định đến sự phát triển của xã là từ Nghị quyết Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương (khóa X), tháng 8-2008, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để sớm đưa Nghị quyết vào cuộc sống, tháng 1-2009, Huyện ủy Yên Dũng đã lập Đề án số 03 về xây dựng nông thôn mới, với 4 nội dung lớn: phát triển kinh tế trong nông thôn, xây dựng kết cấu hạ tầng và đô thị hóa nông thôn, xây dựng đời sống văn hóa trong nông dân, củng cố hệ thống chính trị ở các thôn. Đến tháng 4-2009, Ban Chỉ đạo thực hiện đề án đã lập bản Hướng dẫn thực hiện đề án một cách khoa học, chi tiết trên từng lĩnh vực. Lão Hộ là một trong hai xã được chọn để thực hiện đề án này.

Đề án số 03 thực sự đã mở đường cho xây dựng nông thôn mới ở Bắc Giang. Điều đó lý giải tại sao khi đến giữa năm 2011, từ thành công của 11 xã thí điểm của Trung ương, Đảng và Nhà nước nhân rộng ra các xã nông thôn mới cấp huyện, Lão Hộ đã bắt nhịp và sớm hoàn thành 11/19 tiêu chí.

Đáng ghi nhận là, không có gia đình đảng viên nào ở Lão Hộ còn thuộc diện hộ nghèo. Cán bộ xã đồng thời cũng là những người giỏi làm ăn kinh tế, nhờ thế  được nhân dân tín nhiệm bầu vào các cương vị lãnh đạo và tin tưởng làm theo. Năm 2011, 100% đảng viên thuộc Đảng bộ xã hoàn thành nhiệm vụ, trong đó 83 đồng chí (85,56%) hoàn thành tốt nhiệm vụ, 14 đồng chí (14,44%) hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; kết nạp 5 quần chúng ưu tú vào Đảng; 6/8 chi bộ được công nhận trong sạch, vững mạnh (đạt 75%).

Một trong những gương mặt điển hình trong xây dựng nông thôn mới của xã là đồng chí Nguyễn Văn Tỵ, Bí thư Chi bộ thôn Quyết Chiến. Chúng tôi được biết, trang trại nuôi vịt, cá, tôm của đồng chí năm qua đem lại thu nhập cho gia đình khoảng 250 triệu đồng. Khi được hỏi về bài học quan trọng nhất rút ra trong thời gian làm “lãnh đạo” (trước khi là bí thư chi bộ, đồng chí đã 2 khóa giữ cương vị trưởng thôn - PV), đồng chí hồn hậu trả lời: “Chỉ khi mình làm được thì nhân dân mới tin ở mình mà làm theo thôi”.

Điều tâm đắc nhất của đồng chí Nguyễn Khắc Thể, Bí thư Đảng ủy xã, là: “Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới đã thực sự đúng, trúng với ý dân, một mặt, đã tạo bàn đạp để nông thôn phát triển; mặt khác, đã làm tăng thêm niềm tin, sự đoàn kết, thống nhất của nhân dân, nhất là giai cấp nông dân, đối với sự lãnh đạo của Đảng và với tổ chức cơ sở đảng”.

Theo đồng chí, thành công của xã, trước hết nhờ truyền thống đoàn kết, nội bộ trong sạch, vững mạnh suốt 16 năm qua. Trên cơ sở đó, với tư duy năng động, khi đề ra những giải pháp phát triển táo bạo như mở đường, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đã có được sự đồng thuận từ trong Đảng tới toàn  dân; nhân dân đồng tình ủng hộ và làm theo với quyết tâm cao nhất. Trong suốt quá trình thực hiện các dự án xây dựng kết cấu hạ tầng với tổng đầu tư gần 17 tỉ đồng đã không xảy ra bất cứ thất thoát, khiếu kiện nào. Ngay những dự án công nghiệp trên địa bàn cũng là do các đồng chí lãnh đạo xã chủ động kêu gọi đầu tư. Đảng ủy xã lãnh đạo toàn hệ thống chính trị và nhân dân phát huy nội lực quan trọng, cộng hưởng với những chủ trương, đường lối, sự chỉ đạo đúng đắn của cấp ủy, chính quyền các cấp, tạo sức mạnh thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị.

Đánh giá về xã nông thôn mới Lão Hộ nói riêng và xây dựng nông thôn mới ở Yên Dũng nói chung, đồng chí Nguyễn Viết Tuấn, Bí thư Huyện ủy nhận định: “Các xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới và Huyện ủy Yên Dũng luôn tâm niệm: chủ trương của Đảng về xây dựng nông thôn mới là chủ trương lớn, đúng đắn, nhân dân đặt nhiều kỳ vọng. Song trong quá trình triển khai thực hiện đưa Nghị quyết vào cuộc sống còn nhiều khó khăn, phức tạp, trở ngại. Vấn đề cốt lõi, chìa khóa thành công đó là: trước hết, làm tốt công tác tuyên truyền, vận động để người dân thấy được sự cần thiết, và không có nhiệm vụ nào quan trọng hơn lúc này là phải tập trung cao xây dựng nông thôn mới theo 19 tiêu chí, mà chủ thể chính là người dân. Đồng thời, đội ngũ cán bộ, đảng viên, tổ chức cơ sở đảng cần lao vào thực tiễn, dám làm, dám chịu trách nhiệm, không ngại khó khăn, gian khổ; năng động sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; thực sự là tấm gương cho nhân dân; trực tiếp chỉ đạo, hướng dẫn, chung sức đồng lòng với nhân dân. Có như vậy, chủ trương, đường lối mới thực
sự phát huy hiệu quả trong cuộc sống”.

Với sự năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cấp ủy, chính quyền xã, với sự đồng thuận của nhân dân, sự lãnh đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp, ngành liên quan, tin tưởng rằng Lão Hộ sẽ sớm trở thành một xã nông thôn mới điển hình./.

-------------------------------------------------

(1) 11 tiêu chí đã đạt là: Quy hoạch, cơ sở vật chất trường học, cơ sở vật chất văn hóa, bưu điện (có điểm phục vụ bưu chính viễn thông, có Internet), cơ cấu lao động, có Tổ hợp tác, HTX hoạt động có hiệu quả, giáo dục, xã đạt chuẩn quốc gia về y tế,  văn hóa, hệ thống tổ chức  chính trị - xã hội vững mạnh, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. 3 tiêu chí phấn đấu hoàn thành trong năm 2012 là: Giao thông nông thôn, thu nhập đầu người, môi trường (thực hiện giai đoạn 1 về nước sạch nông thôn)