Việt Nam dự Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - EU
Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đoàn Việt Nam tham dự hội nghị.
Các bộ trưởng cùng chia sẻ ý nghĩa quan trọng của Hội nghị lần này được tổ chức đúng vào dịp kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ đối thoại ASEAN - EU (1977-2012), đồng thời đánh giá cao những kết quả quan trọng đã đạt được trong quan hệ và hợp tác giữa hai khu vực về cả song phương và đa phương.
Là một trong những bên đối tác đầu tiên và quan trọng nhất của ASEAN, EU đã luôn tích cực hỗ trợ ASEAN trong quá trình phát triển, liên kết khu vực và xây dựng cộng đồng. Nhiều hoạt động hợp tác đang được triển khai tích cực trong khuôn khổ Tuyên bố ASEAN - EU về Đối tác Tăng cường và Kế hoạch Hành động giai đoạn 2007-2012.
Về kinh tế, hiện nay EU là đối tác thương mại lớn thứ hai của ASEAN với giá trị thương mại hai chiều đạt 208 tỉ USD, trong khi các nước EU đứng đầu về đầu tư ở khu vực ASEAN với tổng vốn lên đến 230 tỉ USD. Ngoài ra, ASEAN và EU cũng hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn và cơ chế hợp tác khu vực.
Các nước EU khẳng định tiếp tục hợp tác chặt chẽ với ASEAN trong nhiều lĩnh vực và sẽ sớm tham gia Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC), thể hiện cam kết mạnh mẽ của EU đóng góp cho hòa bình, an ninh, ổn định và thịnh vượng ở Đông Nam Á. EU ủng hộ vai trò của ASEAN ở khu vực và cam kết hỗ trợ ASEAN xây dựng thành công Cộng đồng vào năm 2015, tăng cường liên kết khu vực và hợp tác với ASEAN triển khai Kế hoạch Tổng thể về Kết nối, thông qua các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và nâng cao năng lực trong các lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng, an ninh năng lượng và lương thực. EU sẽ tiếp tục thúc đẩy đàm phán các Hiệp định Thương mại Tự do với các nước ASEAN nhằm làm cơ sở cho một Hiệp định Thương mại giữa hai khu vực.
Các Bộ trưởng đã thông qua Kế hoạch hành động ASEAN - EU giai đoạn 2013-2017, tập trung nguồn lực và ưu tiên hỗ trợ ASEAN xây dựng cộng đồng, tăng cường kết nối, thu hẹp khoảng cách, hợp tác kinh tế thương mại, ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, an ninh nguồn nước, an ninh năng lượng, an ninh biển, chống tội phạm xuyên quốc gia… Nhân dịp này, EU công bố khoản 20 triệu ơrô bổ sung hỗ trợ quá trình hội nhập và liên kết ASEAN.
Tại hội nghị, các Bộ trưởng cũng đã trao đổi ý kiến về nhiều vấn đề thế giới và khu vực cùng quan tâm như tình hình Trung Đông và Bắc Phi, Bán đảo Triều Tiên và khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu. Các Bộ trưởng chia sẻ mối quan tâm và nhấn mạnh tầm quan trọng của tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải, trên cơ sở luật pháp quốc tế và Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Nhân dịp này, các Bộ trưởng đánh giá cao những tiến triển tích cực ở Myanmar, hoan nghênh quyết định của EU nới lỏng các biện pháp hạn chế và cấm vận đối với Mianma, cung cấp viện trợ trị giá 150 triệu euro cho Myanmar… mở ra một chương mới trong quan hệ giữa EU và Myanmar.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chia sẻ đánh giá về tầm quan trọng và những kết quả tích cực đã đạt được trong quan hệ giữa hai bên trong 35 năm qua và đặc biệt là những năm gần đây. Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh trong thời gian tới ASEAN và EU cần tiếp tục đẩy mạnh và tăng cường hợp tác trên cơ sở thực hiện Kế hoạch Hành động giai đoạn 2013-2017 theo hướng ngày càng hiệu quả và toàn diện, về cả kinh tế - thương mại, chính trị - an ninh, văn hóa - xã hội.
Bộ trưởng cũng đề nghị các nước EU tăng cường hợp tác với ASEAN trong xây dựng cộng đồng, thu hẹp khoảng cách, khoa học công nghệ, giáo dục, du lịch, ứng phó với các thách thức về an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, quản lý thiên tai, an ninh nguồn nước ở Tiểu vùng Mekong, an ninh năng lượng, an ninh biển… Ngoài ra, Bộ trưởng cũng mong muốn EU chia sẻ kinh nghiệm với ASEAN và khuyến khích doanh nghiệp tham gia và đầu tư trong thực hiện Kế hoạch Tổng thể về Kết nối ASEAN về phát triển hạ tầng cơ sở giao thông.
Về kinh tế, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh ASEAN và EU cần tiếp tục tích cực triển khai Chương trình Công tác ASEAN - EU về Thương mại và Đầu tư, cũng như thúc đẩy các đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA) song phương giữa EU và các nước ASEAN, để duy trì đà tăng trưởng về thương mại và đầu tư giữa hai khu vực, đồng thời hợp tác cùng vượt qua khó khăn và hậu quả của khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị các bên đối thoại của ASEAN tăng cường hợp tác và đóng góp xây dựng vào nỗ lực chung của ASEAN thúc đẩy hòa bình, an ninh và hợp tác ở khu vực. Bộ trưởng nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác ở khu vực vì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải ở khu vực, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế và Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS).
Bộ trưởng Phạm Bình Minh cũng cho biết Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho việc đảm nhận vai trò điều phối quan hệ đối thoại ASEAN - EU vào tháng 7-2012, khẳng định Việt Nam sẽ nỗ lực và hợp tác chặt chẽ cùng các nước để thúc đẩy và nâng quan hệ và hợp tác giữa ASEAN và EU lên tầm cao mới.
Nhân dịp này, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và đoàn Việt Nam đã có các cuộc tiếp xúc song phương với Cao ủy phụ trách chính sách đối ngoại và an ninh của EU, Ngoại trưởng Hà Lan, Đan Mạch, Látvia, Bulgaria, Estonia, Quốc Vụ khanh Ngoại giao Áo, các Trưởng đoàn Lítva, Croatia, Slovakia, Tây Ban Nha, Phần Lan, Ba Lan và Manta.
Bộ trưởng Phạm Bình Minh và Ngoại trưởng, trưởng đoàn các nước đã trao đổi và thống nhất nhiều biện pháp nhằm thúc đẩy quan hệ song phương trên nhiều lĩnh vực, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư, văn hóa và giáo dục.../.
Việt Nam dự hội nghị Liên hợp quốc về thương mại, phát triển  (27/04/2012)
Việt Nam - Singapore: mối quan hệ ngày càng được củng cố và phát triển  (27/04/2012)
Lãnh đạo Lào tiếp đoàn cấp cao kiểm toán Nhà nước Việt Nam  (27/04/2012)
Trưng bày "Thăng Long - Thiên Trường triều Trần”  (27/04/2012)
Liên hợp quốc xác định thiệt hại do tội phạm có tổ chức gây ra  (27/04/2012)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên