Ngày 8-3 vừa qua, Hạ nghị sỹ Mỹ Eni Faleomavaega cho rằng, dự luật nhân quyền Việt Nam 2011 vừa được thông qua tại Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ là không công bằng với cả nhân dân và Chính phủ Việt Nam.

Nghị sĩ Faleomavaega cho rằng, với việc thông qua dự luật trên, người ta đã áp dụng một "tiêu chuẩn kép" đối với Việt Nam, tức là áp đặt một tiêu chuẩn cao hơn về nhân quyền đối với Việt Nam so với các nước khác, trong đó có chính nước Mỹ. Ông nói: "Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực hết sức để loại bỏ những xâm phạm về nhân quyền, và Chính phủ Mỹ cũng đang có những nỗ lực tương tự. Cái mà tôi muốn chỉ ra là một thứ tiêu chuẩn kép. Tại sao chúng ta lại đặt riêng Việt Nam ra trong khi các nước khác cũng có những vấn đề tương tự."

Theo Nghị sĩ Faleomavaega, trong các cuộc tham vấn giữa Quốc hội với Bộ Ngoại giao Mỹ, chính bộ này đã thừa nhận rằng phía Việt Nam đã và đang cố gắng để cải thiện quyền con người. Ông cũng cho rằng, chính nước Mỹ đang có một vấn đề về đạo đức cần phải khắc phục. Ông nói: "Nếu đã nói về những việc làm trước kia, thì phải nói đến chuyện hàng triệu galông chất độc da cam/dioxin, loại hóa chất độc hại nhất, mà người Việt Nam phải hứng chịu, chỉ vì sai lầm của chúng ta đã gây ra cho Việt Nam", rồi đặt câu hỏi: "Tại sao Chính phủ Mỹ không giải quyết vấn đề này?."

Trước đó, ngày 7-3, phát biểu trong cuộc thảo luận ở Ủy ban Đối ngoại Hạ viện mà ông là thành viên, Nghị sỹ Faleomavaega cho rằng, dự luật nhân quyền Việt Nam có cách tiếp cận "thiển cận," đi ngược lại những nỗ lực của các chính quyền từ Tổng thống Bill Clinton, George W. Bush và Barack Obama nhằm củng cố quan hệ đối tác với Việt Nam. Ông cho rằng cần phải thừa nhận những tiến bộ thực chất và định lượng được mà Việt Nam đã thực hiện trong vấn đề nhân quyền. Theo ông, dự luật nhân quyền Việt Nam lại chỉ dựa trên những dữ liệu có từ cách đây 10-15 năm và được nhắc đi nhắc lại bởi những người chưa bao giờ đến Việt Nam.

Để giảm bớt những khác biệt giữa hai bên, Nghị sỹ Faleomavaega cho rằng, Quốc hội Mỹ cần thông qua Bộ Ngoại giao Mỹ tìm hiểu cụ thể các vụ việc có cáo buộc về nhân quyền, và cần có sự phản hồi chính thức từ phía Việt Nam, xác nhận tính chân thực hay không của các sự việc, những gì đã diễn ra, các việc đã và sẽ làm./