Bằng nhiều giải pháp cụ thể được xây dựng từ thực tiễn, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt lên khó khăn thách thức, phát huy những thành tựu đã đạt được, chắc chắn năm 2008, Đồng Nai sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và phát triển bền vững.

Trong giai đoạn 2001 - 2005, Đồng Nai đã duy trì và phát triển nhịp độ tăng trưởng GDP bình quân đạt 12,8%/năm, mức tăng trưởng bình quân 2 năm 2006 - 2007 là 14,7%; riêng 6 tháng đầu năm 2008 tăng 15,3% so với cùng kỳ năm 2007. Cơ cấu kinh tế của tỉnh tiếp tục được chuyển dịch theo hướng công nghiệp - xây dựng; dịch vụ; nông - lâm và thủy sản. Trong đó, công nghiệp - xây dựng chiếm 57,7%; dịch vụ chiếm 30,2%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 12,1%. Kinh tế nhà nước của Đồng Nai tiếp tục được sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả; kinh tế tập thể có bước phát triển ổn định, kinh tế tư nhân phát triển nhanh và cùng với kinh tế có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm vị trí ngày càng quan trọng trong kinh tế của tỉnh… Môi trường, cơ chế, chính sách được cải thiện tích cực và điều hành linh hoạt, nhờ đó các tiềm năng, lợi thế về vị trí, đất đai, lao động v.v… của tỉnh được khai thác có hiệu quả, thu hút đầu tư nước ngoài tăng nhanh (đạt 2,67 tỉ USD, tăng 2,4 lần so năm 2006 và tăng gấp 2,2 lần so với kế hoạch năm 2007), được các doanh nghiệp trong và ngoài nước đánh giá là địa bàn hấp dẫn các nhà đầu tư. Trong các lĩnh vực công nghiệp, xuất khẩu, khả năng thu hút vốn đầu tư trong và ngoài nước đều tăng cao so với Nghị quyết đề ra; nhiều dự án công nghệ cao, công nghệ sạch, các dự án thuộc lĩnh vực dịch vụ, nông nghiệp, vận tải, viễn thông, ngân hàng, bảo hiểm v.v... đều nhanh chóng được triển khai góp phần đáng kể trong việc cải thiện tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh. Song song với phát triển kinh tế, lĩnh vực xã hội của tỉnh cũng có nhiều chuyển biến. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được nâng lên một bước cơ bản, một số chỉ số về phát triển xã hội của tỉnh cao hơn mức chung của cả nước như thu nhập bình quân đầu người của dân cư, tỷ lệ hộ nghèo, tỷ lệ hộ dùng nước sạch ở nông thôn v.v… Kết cấu hạ tầng không ngừng được đầu tư nâng cấp và mở rộng, nhất là kết cấu hạ tầng nông thôn phục vụ dân sinh như điện, đường, trường học, trạm xá, nhà văn hóa, bưu điện… góp phần tích cực thay đổi diện mạo và thúc đẩy phát triển các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội của tỉnh.

Kết quả trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu là do phát huy hiệu quả của công tác cải cách hành chính, áp dụng mô hình “một cửa”, “một cửa liên thông” trong việc cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy phép đăng ký kinh doanh... và sự năng động, sáng tạo trong vận dụng, triển khai thực hiện các Nghị quyết của Trung ương, của tỉnh vào đời sống.

Năm 2008 là năm thứ ba thực hiện kế hoạch 5 năm 2006 - 2010, có ý nghĩa quan trọng cho việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đến năm 2010 của tỉnh. Mục tiêu tổng quát mà tỉnh Đồng Nai đặt ra là “phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng cao, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tạo sự đột phá ở lĩnh vực thu hút đầu tư trong và ngoài nước theo hướng phát triển mạnh các ngành công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực, các ngành dịch vụ chất lượng cao... Chỉ tiêu phấn đấu về tăng trưởng kinh tế năm 2008 của tỉnh là 15,5%; trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, ngành công nghiệp - xây dựng chiếm 57,8%, ngành dịch vụ chiếm 31,5%, ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản chiếm 10,7% v.v...

Để đạt được các mục tiêu trên và bảo đảm giữ vững nhịp độ tăng trưởng kinh tế trong năm 2008 và tạo đà cho những năm tiếp theo, Đồng Nai triển khai một số giải pháp chủ yếu:

Một là, tăng cường công tác quy hoạch, kế hoạch. Nâng cao chất lượng và hiệu lực quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường kiểm tra giám sát thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch, làm cơ sở cho việc điều hành, giám sát và đánh giá hiệu quả công tác quản lý nhà nước của các cấp chính quyền. Các ngành, các địa phương tiếp tục rà soát lại quy hoạch để điều chỉnh cho phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặt trong quy hoạch phát triển của vùng Đông Nam bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2020.

Hai là, đẩy mạnh phát triển sản xuất công nghiệp. Ưu tiên phát triển mạnh các ngành công nghiệp quy mô lớn, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp phụ trợ phục vụ các ngành công nghiệp chủ lực. Đẩy mạnh thực hiện công tác khuyến công tại các địa bàn nông nghiệp nông thôn. Tập trung hoàn tất quy hoạch khu đô thị công nghệ cao để có điều kiện thu hút các dự án thuộc lĩnh vực này.

Ba là, chú trọng phát triển kinh tế nông nghiệp và nông thôn. Triển khai đầu tư dự án Khu liên hiệp nông - công nghiệp DONATABA, dự án khu nông nghiệp ứng dụng kỹ thuật cao DONAFOODS, khu trung tâm nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học. Tiếp tục nghiên cứu, hướng dẫn nông dân phương thức canh tác tiên tiến, công nghệ cao, nâng giá trị sản xuất các sản phẩm nông nghiệp sạch, sản xuất theo công nghệ hiện đại chiếm tỷ trọng cao trong giá trị sản xuất toàn ngành. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp hợp lý để không ngừng tăng năng suất cây trồng, vật nuôi. Chú trọng đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn, chuyển đổi mục đích sử dụng một số công trình thủy lợi phù hợp với quy hoạch sử dụng đất; điều chỉnh, nghiên cứu đầu tư hệ thống tưới tiêu phù hợp với địa hình và loại cây trồng.

Bốn là, phát triển mạnh các ngành dịch vụ. Tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ chất lượng cao và dịch vụ phục vụ công nghiệp. Hoàn thành hồ sơ quy hoạch xung quanh sân bay Long Thành để kêu gọi đầu tư các dự án dịch vụ; tập trung đầu tư khu du lịch Bửu Long; phê duyệt quy hoạch khu kho trung chuyển để kêu gọi đầu tư; triển khai dự án cảng Phước An, đầu tư nâng cấp và mở rộng cảng Đồng Nai, cảng ICD Long Thành; kêu gọi đầu tư Tổng kho trung chuyển 1400 ha tại Trảng Bom, hoàn tất quy hoạch khu thương mại dịch vụ công nghiệp ở Long Thành, tập trung hoàn tất thủ tục để triển khai bước đầu chuyển khu công nghiệp Biên Hòa I thành khu thương mại dịch vụ.

Năm là, tập trung nguồn lực đầu tư phát triển khoa học công nghệ và thông tin: đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học; chú trọng việc quản lý, theo dõi và ứng dụng các đề tài khoa học áp dụng vào sản xuất và đời sống. Xây dựng, nâng cấp và hoàn thiện các hệ thống thông tin phục vụ sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của nhà nước.

Sáu là, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên gắn với bảo vệ môi trường. Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các khu công nghiệp, khu đô thị, khu dân cư; tiếp tục gọi vốn đầu tư xây dựng hệ thống thoát nước và xử lý nước thải thành phố Nhơn Trạch đi đôi với tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đất đai, tài nguyên, môi trường.

Bảy là, đẩy mạnh cải cách hành chính và nâng cao hiệu lực của bộ máy nhà nước. Tiếp tục rà soát, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức có đủ phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành và địa phương trong xử lý công việc, trong thực hiện quy trình “một cửa”, “một cửa liên thông” đảm bảo xử lý nhanh và đúng luật các hồ sơ. Tiếp tục rà soát, đơn giản hoá mẫu đơn, tờ khai hành chính. Phát huy dân chủ ở cơ sở, tăng cường đối thoại giữa chính quyền với doanh nghiệp nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất - kinh doanh cho các doanh nghiệp. Chú trọng phát triển mạng lưới giao thông, hạ tầng đô thị và các dự án thuộc lĩnh vực thương mại - dịch vụ - du lịch... đi đôi với thực hiện tốt công tác giám sát đầu tư của cộng đồng.

Để các giải pháp trên được triển khai có hiệu quả, tỉnh xác định bên cạnh đẩy nhanh tiến độ đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng bằng huy động các nguồn vốn trong và ngoài nước, cải thiện môi trường đầu tư để thu hút đầu tư của các thành phần kinh tế, phải triển khai đồng bộ và thực hiện xã hội hóa trong phát triển mạng lưới giáo dục và đào tạo, hệ thống y tế cơ sở; củng cố và nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cao chất lượng hoạt động các cơ sở văn hóa cấp xã, phường. Trong đó, cùng với chú trọng công tác đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tiếp tục triển khai thực hiện 6 chương trình của đề án đào tạo phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng công tác xóa đói giảm nghèo, khuyến khích nhân dân làm giàu hợp pháp, thực hiện tốt chính sách ưu đãi người có công với nước, người già cô đơn, trẻ mồ côi, người tàn tật v.v...

Phát huy những thành tựu đã đạt được, quyết tâm triển khai đồng bộ và hiệu quả các giải pháp chủ yếu trên, chắc chắn trong năm 2008, kinh tế Đồng Nai sẽ tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao và phát triển bền vững./.