Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 8-9 đến 14-9-2008)
1. Chính phủ Mỹ tiếp quản Fannie Mae và Freddie Mac nhằm bình ổn thị trường
Ngày 7-9, Chính phủ Mỹ đã quyết định tiếp quản quyền điều hành trực tiếp đối với hai tập đoàn tín dụng thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac. Đây là cuộc thâu tóm lớn nhất của chính phủ liên bang đối với các tổ chức ngân hàng và tín dụng nhằm bình ổn thị trường tài chính và ngăn chặn nguy cơ sụp đổ dây chuyền do tác động của cuộc khủng hoảng nợ xấu và tín dụng thế chấp. Fannie Mae và Freddie Mac là hai tổ chức kiểm soát tới một nửa trong tổng số 12.000 tỉ USD giá trị của thị trường tín dụng thế chấp Mỹ, do vậy có vai trò quyết định trong việc xoay chuyển tình thế khó khăn hiện nay trên thị trường nhà đất. Quyết định trên được đưa ra khi hai tập đoàn này đang nắm giữ khoản nợ lên tới 5.000 tỉ USD. Chủ tịch Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke ngay lập tức lên tiếng ủng hộ mạnh mẽ quyết định của Chính phủ, cho rằng đây là bước đi cần thiết nhằm giúp củng cố thị trường nhà đất và bình ổn thị trường tài chính. Hai ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ và Cộng hòa Mỹ cũng tuyên bố ủng hộ quyết định trên. Ngoài việc tiếp quản quyền điều hành trực tiếp, Bộ Tài chính Mỹ cũng ngay lập tức chi 1 tỉ USD để mua lại các cổ phiếu ưu đãi của mỗi tập đoàn trên và sẵn sàng bơm vốn cho mỗi tập đoàn 100 tỉ USD, nếu cần. Bộ này cũng sẽ thành lập một chương trình, theo đó từ nay đến ngày 31-12-2009 sẽ chi hàng tỉ USD để mua lại các chứng khoán được bảo lãnh bằng thế chấp do Fannie Mae và Freddie Mac nắm giữ. Hai tập đoàn này sẽ tăng danh mục vốn đầu tư cho các khoản nợ tới cuối năm 2009, sau đó giảm các danh mục này 10% mỗi năm nhằm hạn chế những rủi ro trong hệ thống tài chính
2. I-ran bắt đầu tiến hành tập trận quy mô lớn
Từ ngày 8-9-2008, I-ran bắt đầu tiến hành cuộc tập trận quân sự quy mô lớn kéo dài 3 ngày với sự tham gia của các hệ thống phòng không, Lực lượng vệ binh cách mạng I-ran và quân đội chính quy. Cuộc tập trận diễn ra vào thời điểm có tin đồn về khả năng Mỹ và I-xra-en chuẩn bị tiến công các cơ sở hạt nhân của I-ran. Quân đoàn vệ binh cách mạng I-ran được coi là lực lượng bảo vệ chế độ Hồi giáo cầm quyền ở I-ran, có Bộ Tư lệnh và các đơn vị lục quân, không quân và hải quân riêng. Mục đích của cuộc tập trận là nhằm nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của các đơn vị liên quan, thử nghiệm các loại vũ khí mới và các kế hoạch phòng thủ. Theo tuyên bố của Phó Tư lệnh lục quân của Quân đoàn vệ binh cách mạng I-ran, tên lửa tầm xa mới của I-ran có khả năng răn đe các cuộc tấn công tiềm tàng của kẻ thù. Những phát triển mới đây về các thiết bị quân sự và các loại vũ khí hiện đại, trong đó các loại tên lửa tầm xa, đã giúp I-ran có đủ khả năng ngăn chặn và đáp trả các cuộc tấn công từ bên ngoài. I-ran cũng đã ký hợp đồng mua của Nga các dàn tên lửa phòng không S-300 có khả năng bắn rơi tất cả các khí tài tiến công đường không hiện đại nhất như tên lửa hành trình và máy bay ném bom “tàng hình” của Mỹ.
3. Triều Tiên tuyên bố sẽ giáng trả mọi cuộc tấn công của Mỹ
Ngày 8-9-2008, CHDCND Triều Tiên kỷ niệm 60 năm thành lập nước. Nhân dịp này, Bình Nhưỡng tuyên bố nước này sẽ huy động mọi tiềm lực chiến tranh để chiến đấu và không khoan nhượng trước bất cứ cuộc tấn công quân sự nào của Mỹ. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng xung quanh tiến trình phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên đang lâm vào bế tắc do phía Mỹ vẫn trì hoãn việc đưa CHDCND Triều Tiên ra khỏi danh sách các nước ủng hộ khủng bố. Trong bài phát biểu tại lễ minh tinh kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Kim Yong-nam nhấn mạnh: “Toàn thể quân đội và nhân dân Triều Tiên sẽ chung sức bảo vệ độc lập, chống lại mọi mưu đồ xâm lược của đế quốc Mỹ. Triều Tiên sẽ không dung thứ cho những kẻ xâm lược và sẽ huy động mọi tiềm năng của cuộc cách mạng quân sự để giành chiến thắng cuối cùng trong cuộc chiến chống Mỹ".
4. Thượng nghị sỹ Mỹ thừa nhận lính Nga đã hành động đúng trong cuộc xung đột ở Nam Ô-xê-ti-a
Ngày 9-9-2008, tại phiên họp của Thượng viện Mỹ, thượng nghị sỹ Đ.Rô-ra-ba-cơ (D.Rorabaker) cho biết, cơ quan tình báo Mỹ có chứng cứ khẳng định rằng Nga đã hành động đúng trong việc đáp trả chiến dịch quân sự của Gru-di-a hôm 8-8-2008. Ông E-ric E-den-man, Phó Tổng cục trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề chính sách của Mỹ, đã thừa nhận nguyên nhân duy nhất khiến quân đội Nga phải tiến vào Gru-di-a là do hành động của Tbi-li-xi. Theo ông, quyết định của giới lãnh đạo Gru-di-a dùng vũ lực tại khu vực xung đột là “thiếu suy nghĩ”. Phía Gru-di-a tiến công Nam Ô-xê-ti-a vào tối ngày 7 rạng sáng ngày 8-8-2008 với quy mô của một chiến dịch quân sự hạn chế là nhằm mục tiêu thiết lập chủ quyền tại Nam Ô-xê-ti-a. Ông E-ric E-den-man bày tỏ “lấy làm tiếc” về sự việc này và khẳng định, Bộ Quốc phòng Mỹ không ủng hộ những hành động như vậy. Thượng nghị sỹ Đảng Cộng hoà Đ.Rô-ra-ba-cơ tuyên bố tại Thượng viện Mỹ: “Người Nga đúng, chúng ta không đúng. Người Gru-di-a gây hấn còn người Nga buộc phải đáp trả để kết thúc sự việc này.
5. Triển vọng mờ mịt trong tiến trình hòa giải dân tộc ở Pa-le-xtin
Ngày 10-9-2008, Phong trào Hồi giáo vũ trang Ha-mát tại Pa-le-xtin, lực lượng đang kiểm soát dải Ga-da, trong một bức thư gửi tới Tổng thống Pa-le-xtin Ma-hơ-mut A-bat, tuyên bố từ chối tiến hành bất kỳ cuộc đối thoại nào với Phong trào Fa-ta của ông A-bat và các phe phái khác, chừng nào chưa giải quyết được vấn đề trao đổi tù binh liên quan tới binh sĩ I-xra-en bị nhóm này bắt cóc năm 2006. Ha-mat lo ngại việc đối thoại với Fa-ta sẽ dẫn tới một thỏa thuận về việc tiến hành các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội trước thời hạn. Trước đó, thông qua các nhà trung gian hòa giải của Ai Cập, Ha-mat đề nghị I-xra-en thả hàng trăm tù binh để đổi lấy Sa-lit, một trung sĩ của I-xra-en bị các nhóm vũ trang ở Ga-da bắt cóc năm 2006. Tuy nhiên, cho đến nay, các cuộc thương lượng giữa I-xra-en với Ha-mat về trao đổi tù nhân vẫn chưa có kết quả do cả hai bên đều không chịu nhượng bộ. Tuyên bố của Ha-mat đã làm tiêu tan những nỗ lực của Mỹ và Ai Cập trong việc dàn xếp mâu thuẫn trong nội bộ Pa-le-xtin. Ai Cập hiện đang tiến hành các cuộc thương lượng song phương với lãnh đạo các phái Pa-le-xtine để thúc đẩy việc tổ chức một cuộc đối thoại toàn diện tại thủ đô Cai-rô trong tháng 10-2008.
6. Máy bay ném bom chiến lược của Nga tới Vê-nê-du-ê-la
Ngày 10-9-2008, theo tin từ Bộ Quốc phòng Nga, 2 máy bay ném bom chiến lược Tupolev TU-160 của Nga xuất phát từ sân bay Ăng-ghen (tỉnh Xa-ra-tôp) bay tới sân bay Ô-le-ne-gô-xcơ (tỉnh Muôc-man-xcơ của Nga) và từ đây thực hiện chuyến bay 13 giờ liên tục trên không phận quốc tế, không cần tiếp nhiên liệu, đã hạ cánh xuống một sân bay quân sự ở Vê-nê-du-ê-la để chuẩn bị cho cuộc diễn tập quân sự tại đây. Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vét đã xác nhận thông tin này. Một quan chức dấu tên từ Lầu Năm góc cho hay, Mỹ sẽ theo dõi sát diễn biến "để xem việc diễn tập hay huấn luyện ra sao". Theo nhiều chuyên gia phân tích, việc 2 máy bay ném bom Nga tới quốc gia Nam Mỹ này cùng với việc Nga sẽ tham gia diễn tập hải quân chung với Vê-nê-du-ê-la được cho là hành động đáp trả sau sự hiện diện các tàu chiến của Mỹ và NATO trên Biển Đen. Có thể, 4 tàu chiến và 1.000 lính thủy đánh bộ thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga sẽ tham gia cuộc tập luyện chung với hải quân Vê-nê-du-ê-la từ ngày 10 đến ngày 14-2008. Đây sẽ là lần đầu tiên hải quân Nga tham dự diễn tập quân sự ở khu vực Nam Mỹ. Thông báo về cuộc tập trận chung quy mô lớn này dường như là "một mũi tên trúng 2 đích": vừa thách thức sức mạnh của Mỹ, vừa thể hiện sự ủng hộ của Nga đối với chính sách của Tổng thống Hu-gô Cha-vét. Máy bay ném bom siêu âm chiến lược Tu-160 được dùng để tiêu diệt các mục tiêu của đối phương ở các khu vực xa. Máy bay có tầm bay 13 ngàn km, được trang bị vũ khí chính là 12 tên lửa hàng trình có thể mang được đầu đạn hạt nhân. Hiện nay các lực lượng không quân Nga được trang bị 15 máy bay loại này, thuộc biên chế Sư đoàn không quân ném bom hạng nặng thứ 22, đóng tại căn cứ không quân Ăng-ghen.
7. “Chiến tranh ngoại giao” giữa Mỹ với một số nước Mỹ La-tinh
Ngày 10-9-2008, Tổng thống Bô-li-vi-a, ông E-vô Mô-ra-let, tuyên bố trục xuất Đại sứ Mỹ ở Bô-li-vi-a về nước với lý do “vị đại sứ này không được chào đón ở Bô-li-vi-a”. Trước đây, Tổng thống E-vô Mô-ra-let đã từng cáo buộc một quan chức an ninh của Đại sứ quán Mỹ tại nước này làm gián điệp. Để bày tỏ sự đoàn kết với người anh em Bô-li-vi-a, Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vét tuyên bố trục xuất Đại sứ của Mỹ tại Ca-ra-cát trong vòng 72 giờ. Tuyên bố của Tổng thống Hu-gô Cha-vét được đưa ra sau khi cho biết, chính phủ Vê-nê-du-ê-la đã phát hiện ra âm mưu lật đổ chính phủ nước này và Đại sứ Mỹ có dính líu vào chuyện đó. Ngày 11-9-2008, Tổng thống Cha-vét lên án Mỹ có kế hoạch lật đổ các chính phủ được bầu một cách dân chủ tại Mỹ La-tinh, đồng thời cảnh báo nếu các âm mưu đó được thực hiện, Vê-nê-du-ê-la sẽ ủng hộ các phong trào vũ trang để bảo vệ chính quyền nhân dân tại khu vực này. Bày tỏ tình đoàn kết với Bô-li-vi-a và Vê-nê-du-ê-la, Tổng thống Hôn-đu-rat Ma-nu-en Xê-lai-a tạm thời ngừng tiếp nhận quốc thư của Đại sứ Mỹ lẽ ra được tổ chức vào ngày 12-9-2008. Đáp trả, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo trục xuất Đại sứ Vê-nê-du-ê-la và Đại sứ Bô-li-vi-a tại Mỹ.
8. Pa-ki-xtan phản đối các hoạt động quân sự của nước ngoài
Ngày 10-9-2008, tướng Pa-vet Cai-a-ni, Tư lệnh quân đội Pa-ki-xtan tuyên bố, nước này sẽ không để các lực lượng quân sự nước ngoài chỉ huy các hoạt động quân sự trên lãnh thổ Pa-ki-xtan. Tuyên bố này được đưa ra trong bối cảnh Pa-ki-xtan đang điều tra chiến dịch “thiếu thận trọng” của quân Mỹ mấy tuần trước đó trong một trậntruy quét tàn quân Ta-li-ban tại khu vực giáp biên giới với Ap-ga-ni-xtan. Tướng Pa-vet Cai-a-ni còn nhấn mạnh: “Sự toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia phải được bảo vệ bằng mọi giá và không một lực lượng quân sự nước ngoài nào được phép chỉ huy các hoạt động quân sự trên lãnh thổ của chúng tôi”. Gần đây, Mỹ tăng cường hoạt động truy quét Ta-li-ban trên lãnh thổ Pa-ki-xtan và đã gây mâu thuẫn trong quan hệ giữa Mỹ và Pa-ki-xtan. Phía Pa-ki-xtan đã triệu Đại sứ Mỹ đến để tra hỏi việc hoạt động quân sự này đã làm chết 15 dân thường Pa-ki-xtan. Phía Mỹ thừa nhận hoạt động này chưa được phép chính thức từ phía Chính phủ Pa-ki-xtan vì lý do an ninh cho các đơn vị thực hiện nhiệm vụ. Cuộc chiến chống Ta-li-ban tại Ap-ga-ni-xtan và vùng biên giới với Pa-ki-xtan dường như không hồi kết thúc, bất chấp việc Liên quân vượt trội về vũ khí khí tài hiện đại. Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ G.Bu-sơ vẫn tuyên bố tăng cường 4.500 quân cho chiến trường Ap-ga-ni-xtan.
9. Ngoại trưởng Nga tới Ba Lan hội đàm về việc triển khai tên lửa của Mỹ tại đây
Ngày 11-9-2008, Ngoại trưởng Nga Xec-gây Láp-rốp tới Vac-sa-va tham gia các cuộc đàm phán với nhà chức trách Ba Lan về lá chắn tên lửa của Mỹ sắp triển khai ở nước này. Nga cực lực phản đối kế hoạch trên vì cho rằng hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ làm mất thế cân bằng chiến lược ở châu Âu, và cảnh báo Ba Lan sẽ trở thành mục tiêu tấn công hạt nhân của Nga nếu chấp nhận cho Mỹ bố trí lá chắn tên lửa. Chuyến thăm Ba Lan lần này của ông Láp-rốp diễn ra sau khi kết thúc cuộc chiến tranh ở Nam Ô-xê-ti-a, trong đó Ba Lan phản đối hành động của Nga, nên cuộc đàm phán không mấy thuận lợi. Tuy nhiên, Thủ tướng Ba Lan Đô-an Tu-xcơ cho rằng Ba Lan vẫn cần hợp tác với Nga, một đối tác thương mại quan trọng. Trong các cuộc đàm phán với Ngoại trưởng Nga Xec-gây La-vrôp, cả Thủ tướng Đô-an Tu-xcơ và Ngoại trưởng Ra-dô-xlap Xi-cô-xki (Radoslaw Sikorski) cố tìm cách thuyết phục phía Nga rằng, 10 quả tên lửa đánh chặn do Mỹ đặt ở Ba Lan sẽ không nhằm vào Nga như nghi ngờ của Mat-xcơ-va, còn Mỹ thì liên tục khẳng định lá chắn tên lửa ở Đông Âu là “để chặn hỏa tiễn tầm xa từ các quốc gia thù địch như I-ran”.
10. Thủ tướng Thái Lan Xạ-mạc buộc phải rời khỏi chính trường
Ngày 14-8-2008, ông Chai Chit-chôp, Chủ tịch Hạ viện Thái Lan hoãn phiên họp Quốc hội theo kế hoạch để bầu Thủ tướng, do không đủ số nghị sĩ cần thiết. Phần lớn các đảng trong liên minh cầm quyền và một số thành viên của PPP đã tẩy chay cuộc họp với lý do ông Xạ-mạc không nên được tiếp tục giới thiệu vào chức Thủ tướng nữa. Trước tình thế đó, ông Xạ-mạc, lãnh đạo Đảng Sức mạnh nhân dân (PPP), quyết định từ bỏ chiếc ghế Thủ tướng sau khi chứng kiến các nghị sĩ bỏ họp do không tán thànhviệc ông được tái đề cử để tiếp tục giữ vị trí này. Cùng ngày, đảng cầm quyền Thái Lan quyết định không ủng hộ ông Xa-mạc tiếp tục làm Thủ tướng. Quyết định này đánh dấu sự quay ngược 180 độ của Đảng Sức mạnh nhân dân (PPP) vì trước đó họ dường như rất quyết tâm tái đề cử ông. Hiện đang có nhiều thông tin không đồng nhất về việc quyết định trên xuất phát từ đảng cầm quyền hay từ 5 đối tác trong liên minh của họ. Lúc này, Đảng PPP sẽ phải thống nhất về một ứng viên để trình Quốc hội dự kiến họp vào ngày 17-9-2008 để bỏ phiếu bầu Thủ tướng mới.
11. Cuộc tập trận “Khaan Quest - 2008”
Từ ngày 4-9 đến ngày 21-9-2008, Mông Cổ cùng với một số nước tiến hành cuộc Tập trận quốc tế mang tên “Khaan Quest 2008” tại Trung tâm huấn luyện Ta-van Tôn-gôi. Đến dự khai mạc có Tổng thống kiêm Tổng Tư lệnh lực lượng vũ trang Mông Cổ En-khơ-bai-a (Enkhbayar), Bộ trưởng Quốc phòng Bat-khui-ac (Batkhuiag) và Tổng Tham mưu trưởng lực lượng vũ trang Tô-gô (Togoo). Cuộc tập trận “Khaan Quest 2008” nhằm củng cố niềm tin quân sự, học tập trao đổi kinh nghiệm, đào tạo đội ngũ sĩ quan, quân nhân trong hoạt động gìn giữ hòa bình của lực lượng vũ trang của các nước trong khu vực. Năm 2003, lần đầu tiên chỉ có Mỹ và Mông Cổ tổ chức tập trận “Khaan Quest”, đến nay nội dung cuộc tập trận đã được mở rộng thành hoạt động gìn giữ hòa bình của khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Năm nay, hơn 360 sĩ quan, quân nhân đến từ các nước Nê-pan, Thái Lan, Ấn Độ, Mỹ, Mông Cổ tham gia tập trận. Các nước Hàn Quốc, Đức, Xin-ga-po, Nga, Trung Quốc cử quan sát viên tham gia. Đại diện một số tổ chức quốc tế, một số tuỳ viên quân sự nước ngoài tại Bắc Kinh cũng đã tới quan sát cuộc tập trận./.
Việt Nam - nhìn từ các chỉ số phát triển  (15/09/2008)
Trật tự thế giới sẽ thay đổi sau cuộc khủng hoảng Cáp-ca  (15/09/2008)
Việt Nam tham gia ngày Hội Báo Nhân đạo (Pháp)  (15/09/2008)
Những sự kiện quốc tế đáng chú ý trong tuần (từ 8-9 đến 14-9-2008)  (15/09/2008)
Để chống lạm phát tránh gây lạm suy cho sản xuất  (15/09/2008)
Tôn vinh 476 Hoa Trạng Nguyên các tỉnh phía Nam  (15/09/2008)
- Tỉnh Yên Bái nâng cao chỉ số hạnh phúc cho người dân: Từ nghị quyết đến thực tiễn
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 2)
- Nâng cao chất lượng công tác phát triển đảng viên trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương
- Một số giải pháp thúc đẩy quá trình chuyển đổi số tại các cơ sở giáo dục đại học ngoài công lập ở Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên