Trong bối cảnh kinh tế châu Âu, đặc biệt là các nước thuộc Khu vực đồng euro (Eurozone) hết sức ảm đạm, nền kinh tế Đức được coi là một điểm sáng.
Mặc dù thừa nhận còn nhiều thách thức kinh tế và chính trị lớn, nghiên cứu hàng năm do Viện Allensbach (Đức) vừa công bố cho biết 49% số người Đức lạc quan về viễn cảnh đất nước trong năm 2012.

Theo kết quả nghiên cứu, Đức kết thúc năm 2011 với nhiều thành quả kinh tế khá tốt. Tăng trưởng kinh tế trong năm 2011 của nền kinh tế đứng đầu châu Âu này đạt 3%, mức khá cao so với nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU).

Tỷ lệ thất nghiệp cũng giảm xuống 6,6% (khoảng 2,8 triệu người), mức thấp nhất từ khi nước Đức thống nhất cách đây 20 năm. Lạm phát tuy có gia tăng nhưng vẫn ở mức thấp. Sự lạc quan của người Đức khiến mức tiêu thụ nội địa gia tăng, góp phần quan trọng vào sự hưng thịnh của nước này.

Mặc dù vậy, nghiên cứu trên cho biết trong năm 2012, tăng trưởng kinh tế của Đức sẽ giảm đi rất nhiều. Chính phủ và nhiều viện nghiên cứu kinh tế độc lập ở Đức dự đoán tăng trưởng kinh tế chỉ đạt từ 0,5% tới 1%.

Theo các nhà phân tích, những thách thức mà Đức sẽ phải đương đầu là do kim ngạch xuất khẩu - động lực chính của nền kinh tế, giảm sút mạnh do các thị trường chính là EU (chiếm 60%), Mỹ (chiếm 10%) và Trung Quốc (chiếm 6%) đang chịu ảnh hưởng lớn từ cuộc khủng hoảng nợ châu Âu.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới năm 2012 có nhiều rủi ro về tài chính, Giám đốc Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde dự đoán kinh tế thế giới có thể rơi vào cuộc khủng hoảng mới, thậm chí nghiêm trọng hơn cuộc khủng hoảng vừa xảy ra cuối thập kỷ 20 thế kỷ trước.

Trong bối cảnh như vậy, nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Đức sẽ chịu nhiều áp lực lớn, đặc biệt khi hai khu vực khách hàng lớn nhất của Đức là EU lại đang có nhiều nguy cơ, hoặc chưa có khả năng phục hồi như ở Mỹ.

Một trong những thách thức lớn nhất không thể không kể đến là tương lai của đồng euro.

Năm 2012 sẽ là năm đầy khó khăn với số phận của đồng tiền chung này cũng như tương lai của EU. Tuy kết quả Hội nghị thượng đỉnh EU diễn ra đầu tháng 12 vừa qua được xem là thành công khi các nước đều nhất trí liên kết chặt chẽ về kinh tế, tài chính và ngân sách để có thể đưa đồng euro thoát khỏi giai đoạn khó khăn, song cuộc khủng hoảng nợ châu Âu diễn biến phức tạp vẫn đang là thách thức đối với sự tồn tại của đồng tiền chung này.

Hiện hai đầu tàu chính cả về kinh tế lẫn chính trị của châu Âu là Pháp và Đức đang chuẩn bị đưa ra một dự thảo Hiệp định mới cho Khu vực đồng euro cùng sự tham gia của 9 nước còn lại trong EU (trừ Anh). Đây là một vấn đề hóc búa nhất cho gần nửa tỷ người ở châu Âu trong năm nay.

Hiện người dân châu Âu chưa biết nội dung cụ thể của dự thảo hiệp định mới này, song tiến trình thông qua tại các hội nghị thượng đỉnh EU trong tương lai chắc chắn sẽ rất khó khăn. Tiến trình thông qua hiệp định mới tại từng quốc gia thành viên cũng được cho là phức tạp, lâu dài và tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Đây là những kinh nghiệm thực tế sau các cuộc trưng cầu ý dân diễn ra ở Pháp và Hà Lan năm 2005, khi đa số người dân nói "không" với văn bản Hiến pháp EU, khiến sau đó EU phải mất vài năm mới cho ra đời được Hiệp ước Lisbon vào năm 2007./.