TCCSĐT - Tuần qua, Ngân hàng trung ương châu Âu đã quyết định sẽ “bơm” 489 tỉ euro (tương đương 643 tỉ USD) cho các ngân hàng thuộc Eurozone vay với thời hạn 3 năm và lãi suất hiện hành thấp (khoảng 1%) nhằm giữ ổn định tín dụng cho nền kinh tế.

 

Ngân hàng trung ương châu Âu hy vọng các ngân hàng sẽ dùng số tiền mới vay để mua lại các khoản nợ công

 

Động thái tích cực này của Ngân hàng trung ương châu Âu được đưa ra trong bối cảnh khủng hoảng nợ công đang ngày càng trầm trọng tại các nền kinh tế Eurozone như Hy Lạp, Cộng hòa Ireland, Bồ Đào Nha và đang bắt đầu tác động đến một số nền kinh tế lớn như Italy và Tây Ban Nha.

Ngay khi có thông báo trên, hơn 500 ngân hàng châu Âu đã ra sức chạy đua để có thể vay được số tiền vượt xa cả sự trông đợi này. Đồng euro đã tăng mạnh nhưng sau đó lại giảm về tỉ giá cũ.

Đây là khoản tiền cho vay trong thời hạn 3 năm đầu tiên và cũng là lượng tiền lớn kỷ lục được Ngân hàng trung ương châu Âu “bơm” vào hệ thống tài chính của khu vực châu Âu. Trong cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2009, Ngân hàng trung ương châu Âu cũng chỉ cung cấp khoản vay 450 tỉ euro với thời hạn 1 năm.

Tuy nhiên, ảnh hưởng của số tiền kỷ lục này đến thị trường Eurozone vẫn còn rất mập mờ. Ông James Nixon, nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Societe Generale (Pháp) cho rằng, đây là một con số tích cực nhưng vẫn không thể cải thiện được nhiều tình hình tài chính của tất cả các ngân hàng trong năm 2012.

Ngay khi Ngân hàng trung ương châu Âu đưa ra thông báo cho vay, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy gợi ý rằng, các ngân hàng nên dùng số tiền này để mua lại những khoản nợ công của các Chính phủ trong Eurozone. Tuy nhiên, các nhà phân tích lại không mấy tin tưởng vào gợi ý đó.

Theo giới phân tích, các ngân hàng chỉ nên dùng khoản vay đó để nâng bảng cân đối thu chi lên, bởi Ngân hàng trung ương châu Âu đã giảm bớt các yêu cầu về thế chấp tài sản để tạo điều kiện cho các ngân hàng nhỏ cũng có thể tiếp cận khoản vay vốn mới này.

Trước đó, các ngân hàng trong Eurozone đã vay các khoản tiền lớn từ Chính phủ bằng cách mua lại trái phiếu quốc gia. Phương án đầu tư này vốn vẫn được xem là tương đối an toàn song lãi suất từ những trái phiếu này, còn được gọi là lợi tức, đang tăng lên trong vài tháng qua. Điều đó cho thấy, nguy cơ một số quốc gia có thể lâm vào cảnh vỡ nợ. Italy là một ví dụ, lợi tức của nước này đã đạt con số kỷ lục 7% vào tháng trước.

Tình hình này khiến các ngân hàng lại phải cho vay ít hơn, chỉ có thể cung cấp các khoản tiền nhỏ giọt cho người tiêu dùng và một số công ty nhỏ. Vì thế, khoản vay mới của Ngân hàng trung ương châu Âu sẽ gián tiếp tạo điều kiện thuận lợi cho các công ty cũng như cá nhân có thể dễ dàng hơn trong việc vay vốn để đầu tư kinh doanh và phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, khoản tiền vay kỷ lục từ Ngân hàng trung ương châu Âu còn cung cấp một khoản lãi hời cho các ngân hàng đồng thời gia tăng nhu cầu mua nợ công, từ đó có thể hỗ trợ các nước đang khốn đốn về tài chính như Italy và Tây Ban Nha./.