Phát huy truyền thống vẻ vang, Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam nỗ lực phấn đấu vì thắng lợi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa
*
* *
Nghề khai thác mỏ tại Việt Nam có từ lâu, nhưng đến đầu thế kỷ XIX, quá trình khai thác than và khoáng sản mới tạo điều kiện cho đội ngũ công nhân mỏ hình thành. Cùng với việc mở rộng phạm vi, quy mô khai thác mỏ than, mỏ khoáng sản, đội ngũ công nhân mỏ ra đời và phát triển mạnh mẽ. Họ hầu hết xuất thân từ nông dân, bị bọn địa chủ phong kiến, thực dân áp bức, bóc lột tàn khốc, cướp hết ruộng đất, tài sản, bị bần cùng hóa phải làm tá điền, hoặc đi cuốc mỏ, làm phu đồn điền, trở thành người vô sản, với cuộc sống cùng cực.
Dù còn non trẻ, đội ngũ công nhân mỏ mang đầy đủ những đặc điểm của giai cấp công nhân Việt Nam, đồng thời có những đặc điểm riêng như xuất thân từ nông dân, sống tập trung, bị áp bức, bóc lột nặng nề nhất; công nhân có tính kỷ luật cao, nhạy cảm về thời cuộc, sớm chịu ảnh hưởng của phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc... Tới đầu thế kỷ XX, công nhân mỏ là một bộ phận đông đảo và tập trung nhất trong giai cấp công nhân Việt Nam. Và, trong đội ngũ công nhân mỏ, thì công nhân khai thác than có số lượng đông đảo nhất, mang đặc trưng rõ nhất của công nhân mỏ Việt Nam.
Tiếp thu truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc ta và các trào lưu tư tưởng tiến bộ trên thế giới, phong trào đấu tranh của công nhân mỏ không ngừng phát triển với nội dung ngày càng phong phú và thiết thực. Vì chưa có một chính đảng, một bộ tham mưu lãnh đạo, nên những cuộc đấu tranh của công nhân mới chỉ dừng ở mức tự phát, chủ yếu là đòi quyền lợi về vật chất. Nhưng công nhân vùng mỏ đã thể hiện lòng yêu nước, tình cảm giai cấp, ý thức đoàn kết, tạo thành sức mạnh đấu tranh chống áp bức của thực dân Pháp xâm lược và chế độ phong kiến hà khắc, giành quyền sống cho mình.
Trước tình hình đó, ngay từ năm 1925, trong tác phẩm Bản án chế độ thực dân Pháp, đồng chí Nguyễn Ái Quốc thấu hiểu: “Việc cần thiết hiện nay là phát động một cuộc tuyên truyền để thành lập các tổ chức công đoàn ở các nước thuộc địa, nửa thuộc địa và phát triển các công đoàn hiện có còn dưới hình thức phôi thai”(2).
Năm 1928, Việt Nam Thanh Niên Cách mạng đồng chí Hội đã cử nhiều hội viên về nước, đi vào các xí nghiệp, nhà máy, hầm mỏ, đồn điền để hoạt động, tự rèn luyện mình, gọi là phong trào “vô sản hóa”. Và, cuối năm 1928, chi bộ Việt Nam Cách mạng thanh niên đầu tiên ở vùng mỏ ra đời. Chi bộ xuất bản báo Than để tuyên truyền vận động công nhân và tố cáo tội ác của kẻ thù.
Tháng 3-1929, chi bộ Việt Nam cách mạng thanh niên ra đời ở Mạo Khê và chi bộ quyết định thành lập Công hội đỏ. Đây là tổ chức Công hội đỏ đầu tiên ở khu mỏ Quảng Ninh. Ngày 28-7-1929, Đại hội I Tổng Công hội đỏ Bắc kỳ thông qua Chương trình, Điều lệ, bầu Ban Chấp hành lâm thời, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Đức Cảnh, trong đó có đại biểu của đội ngũ công nhân mỏ khu vực Đông Triều - Mạo Khê. Điều đó khẳng định vị trí, vai trò của đội ngũ công nhân mỏ trong phong trào công nhân cả nước.
Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời. Ngay sau đó, chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên ở khu mỏ được thành lập ở Mạo Khê cùng các chi bộ khác ở các nơi lãnh đạo phong trào công nhân mỏ tại Quảng Ninh. Tháng 10-1930, Trung ương Đảng quyết định thành lập đặc khu Đông Triều - Hòn Gai - Cẩm Phả trực thuộc Trung ương. Đảng bộ Đặc khu ra đời đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của lịch sử và sự vận động của phong trào công nhân, tạo ra bước nhảy vọt trong đấu tranh giai cấp và đấu tranh dân tộc ở vùng mỏ Đông Bắc của Tổ Quốc.
Đội ngũ công nhân mỏ tập hợp trong các tổ chức Công hội đỏ, do Đảng bộ Đặc khu mỏ tham mưu và lãnh đạo. Đó là nhân tố quan trọng đưa phong trào đấu tranh cách mạng của công nhân và lao động lên bước phát triển mới. Từ tháng 3 tới tháng 10-1930, ở các khu mỏ có trên 20 cuộc đấu tranh thu hút đông đảo công nhân tham gia, mà mở đầu và tiêu biểu là cuộc đấu tranh của công nhân Nhà sàng Cửa Ông nổ ra ngày 8-4-1930. Và, cao trào cách mạng 1930 - 1931 cả nước nói chung và các khu mỏ nói riêng là cuộc tổng diễn tập lớn; qua đó, giai cấp công nhân tỏ rõ tinh thần cách mạng triệt để và tinh thần đoàn kết công nông, đấu tranh chống thực dân Pháp.
Như mạch ngầm sôi sục, phong trào cách mạng của công nhân ở các khu mỏ từng bước phát triển giữa vòng vây của kẻ thù. Và đêm ngày 12-11-1936, cuộc bãi công của 5.000 công nhân mỏ Cẩm Phả nổ ra, làm cho kẻ thù hết sức bất ngờ và hoảng sợ. Cuộc bãi công của công nhân và nhân dân lao động Cẩm Phả cuối cùng đã giành thắng lợi trong trùng điệp âm mưu thâm độc của thực dân Pháp và tay sai của chúng. Đó là cuộc đấu tranh trong bình tĩnh và kỷ luật, với một ý chí không gì lay chuyển nổi của giai cấp vô sản. Đây là bài học, kinh nghiệm chủ yếu từ cuộc bãi công của công nhân mỏ Cẩm Phả.
Thắng lợi của công nhân mỏ Cẩm Phả là động lực làm dấy lên phong trào đấu tranh của công nhân toàn khu mỏ hết sức sôi động rộng khắp, mạnh mẽ, quyết liệt, trở thành cuộc tổng bãi công, liên tục tiến công bọn thực dân, chủ mỏ... từ Mông Dương, Hòn Gai, Hà Lầm, Hà Tu đến Cửa Ông, Cái Đá, Kế Bào, qua Đồng Đăng, Hạ Long, Yên Lập... và đã giành được những thắng lợi to lớn và quan trọng.
Cuộc Tổng bãi công tháng 11-1936 của ba vạn công nhân mỏ là một đòn chí mạng làm rung chuyển, gây choáng váng cho bộ máy thống trị thực dân Pháp và chủ mỏ Đông Dương. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công 1936 đã mang lại bài học to lớn về tập hợp lực lượng công nhân, về tính kỷ luật, đồng tâm trong đấu tranh, về sự đùm bọc, tương thân, tương ái của những người cùng cảnh ngộ, cùng nghề nghiệp, cùng giai cấp. Bài học “Kỷ luật, đồng tâm” đã đồng hành với cuộc đấu tranh của đội ngũ công nhân mỏ trong các chặng đường cách mạng tiếp theo. Thắng lợi của cuộc Tổng bãi công này đã góp phần quan trọng khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân trong tiến trình cách mạng Việt Nam, nâng cao địa vị của giai cấp công nhân Việt Nam trên trường quốc tế, và là động lực mạnh mẽ tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
*
* *
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp công nhân vùng mỏ (dù năm 1945 chỉ còn khoảng 4.000 công nhân so với năm 1930 là 40.000 công nhân, do bị thực dân Pháp sa thải) cùng toàn thể nhân dân làm nên Cách mạng Tháng Tám thành công ở Quảng Ninh. Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là thắng lợi của đường lối cách mạng đúng đắn của Đảng, là sự phát huy cao độ truyền thống đấu tranh anh dũng của nhân dân lao động và đội ngũ công nhân Vùng Mỏ anh hùng. Trong quá trình giành chính quyền ở khắp tỉnh Quảng Ninh, trực tiếp là các khu công nghiệp, trung tâm chính trị, văn hóa của kẻ thù, lực lượng đông đảo, chủ chốt, quyết định thắng lợi của cách mạng là đội ngũ công nhân, nhân dân lao động.
Cùng cả nước bước vào hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đội ngũ công nhân, người lao động ngành Than tiếp tục phát huy truyền thống kiên cường, dũng cảm và đoàn kết một lòng, dưới ngọn cờ của Đảng, là lực lượng nòng cốt đi tiên phong trong sản xuất và chiến đấu. Máu và mồ hôi của những người thợ mỏ thắm đỏ hòn than và thấm mặn đất Vùng Mỏ!
Trong cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp, giữa vòng vây của địch, thực hiện chủ trương của Đặc khu ủy, tự vệ công nhân mỏ ở khắp các khu đứng lên chiến đấu chống giặc, phá hủy các cơ sở của giặc. Từ Cửa Ông, Cẩm Phả, Dương Huy tới Hòn Gai, Quảng Yên, Uông Bí, qua Sơn Dương, Đông Triều, Mạo Khê...đâu đâu lực lượng tự vệ công nhân mỏ cũng cùng bộ đội, nhân dân phá hủy cơ sở hầm lò, công sở của địch, ngăn chặn sự điên cuồng phá hoại của quân thù. Đồng thời với chiến đấu, đẩy mạnh phá hủy các cơ sở kinh tế của địch, đội ngũ công nhân tích cực củng cố công đoàn cơ sở, tiếp tục phát triển đội ngũ và phong trào công nhân mỏ, xây dựng tổ chức đảng và du kích bí mật... theo sự chỉ đạo của Trung ương Đảng. Theo đó, Đại đội Hồ Chí Minh gồm lực lượng tự vệ công nhân mỏ được vũ trang tập trung ra đời ở Hoành Bồ, Đặc khu Hòn Gai chỉ sau một năm (từ cuối 1947 tới cuối 1948) phát triển số đoàn viên công đoàn lên gấp mười lần các phong trào “Ủng hộ kháng chiến”, “Mùa đông binh sỹ”, “Hũ gạo nuôi quân”, “Tặng quà Bác Hồ”... được công nhân hưởng ứng nhiệt tình ở khắp các mỏ. Khắp nơi trên vùng Mỏ trở thành những trận địa bao vây, tiêu diệt quân Pháp xâm lược. Tất cả điều đó góp phần quan trọng đưa cuộc kháng chiến chống Pháp trên Vùng Mỏ đi tới thắng lợi.
Và, ngày 24-5-1955, Vùng Mỏ hoàn toàn giải phóng, công nhân mỏ vĩnh viễn thoát khỏi cuộc đời nô lệ, tự mình làm chủ vận mệnh của mình. Nhân dịp này, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư cho đồng bào Hồng Quảng, Người dặn: “Anh em công nhân phải bảo vệ hầm mỏ, nhà máy, kho tàng, nâng cao sản xuất”. Đáp lời Người, “công nhân được phát động đã tỏ rõ vai trò chủ nhân của mình, ý thức tự nguyện, tự giác thi đua sản xuất và tiết kiệm, thi đua bảo vệ tầng lò lên khá mạnh. Cơ sở công đoàn và tự vệ công nhân đóng vai trò nòng cốt, đồng thời là đòn xeo để giữ vững và đẩy mạnh sản xuất”, như Báo cáo của Khu ủy với Trung ương.
Với ý chí “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”, công nhân Vùng Mỏ Quảng Ninh cùng toàn quân và toàn dân ta viết tiếp những trang sử vẻ vang. Các phong trào thi đua nối tiếp nhau trong sản xuất và chiến đấu, góp phần to lớn vào việc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ khôi phục và phát triển kinh tế, củng cố và tăng cường sức mạnh của miền Bắc, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn miền Nam, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước, của Quảng Ninh và ngành Than. Các khẩu hiệu “Trận địa là nhà, vùng Mỏ là quê hương”, “Tay búa tay súng”, “Vừa sản xuất vừa chiến đấu”, “Giặc phá hoại một, ta làm bù hai, ba”... đã thấm vào tinh thần và đời sống công nhân, viên chức và biến thành hành động cách mạng sôi nổi. Các phong trào “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Ngày thứ bảy đẩy mạnh sản xuất”; các chiến dịch “Sản xuất than chống Mỹ, cứu nước”, “Vì miền Nam ruột thịt”, “Mùa Xuân thắng Mỹ”... dấy lên khí thế cách mạng tiến công ở từng hầm mỏ, tại mỗi trận địa phòng không và trong mỗi người thợ mỏ và lập nhiều thành tích sản xuất to lớn, nhiều chiến công oanh liệt. Qua đó, đội ngũ công nhân, viên chức và đoàn viên công đoàn ở các mỏ than, trưởng thành mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng. Trình độ mọi mặt, nhất là tay nghề của họ khồng ngừng được nâng lên. Hàng vạn những người thợ trở thành đảng viên. Kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến cống Mỹ cứu nước, năm 1975, Vùng Mỏ vinh dự có 4 đơn vị, 11 công nhân, viên chức được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, hàng nghìn tổ sản xuất đạt danh hiệu Tổ Lao động Xã hội chủ nghĩa...
Đất nước thống nhất, đội ngũ công nhân mỏ và ngành Than cùng dân tộc bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Lớp lớp người thợ liên tục nối tiếp nhau, phát huy truyền thống vẻ vang, hào hùng của các thế hệ ông cha, đem hết tâm sức, ngày đêm lao động cần cù, sáng tạo để cung cấp ngày càng nhiều than, khoáng sản cho Tổ quốc. Đặc biệt, từ năm 1994, khi Tổng Công ty Than Việt Nam (nay là Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam) được thành lập, ngành Than - Khoáng sản liên tục đổi mới, phát triển mạnh mẽ và đang trở thành tập đoàn kinh tế lớn của đất nước, là nòng cốt trong nhiệm vụ cung cấp than cho đất nước, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và các cân đối lớn về sản phẩm khoáng sản. Đội ngũ 135 nghìn công nhân, viên chức, người lao động phát triển mạnh mẽ và toàn diện cả bộ mặt và chất lượng đời sống vật chất và đời sống tinh thần.
Đồng hành với sự trưởng thành lớn mạnh của Tập đoàn, Than Quảng Ninh tiến những bước mạnh mẽ vững chắc. Phát huy truyền thống hào hùng của công nhân mỏ “kỷ luật và đồng tâm”, Đảng bộ Than Quảng Ninh tiếp tục lãnh đạo đội ngũ thợ mỏ đông đảo, khỏe mạnh, lành nghề, có tác phong công nghiệp, đủ sức gánh vác trọng trách được giao phó. Và, trên vùng đất “Vàng đen” của miền Đông Bắc Tổ quốc những người thợ mỏ đang làm việc hết mình, làm chủ công nghệ sản xuất mới, với đời sống vật chất, tinh thần phong phú và lành mạnh.
Truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” chính là nền tảng để Đảng bộ Than Quảng Ninh vượt qua khó khăn, thách thức, tận dụng cơ hội phát triển, hoàn thành thắng lợi, toàn diện các nhiệm vụ: hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh và tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước; góp phần cùng Tập đoàn đáp ứng nhu cầu than cho đất nước, làm tốt vai trò tập đoàn kinh tế nhà nước trong bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, góp phần xây dựng Tập đoàn trở thành tập đoàn kinh tế mạnh của đất nước, có thương hiệu và uy tín cao trong nước và các đối tác nước ngoài. Đời sống vật chất và tinh thần người lao động ngày càng được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong doanh nghiệp và trên địa bàn được bảo đảm. Hoạt động của các đoàn thể được đổi mới, vai trò lãnh đạo của Đảng trong doanh nghiệp được giữ vững, đội ngũ cán bộ, đảng viên ngày càng trưởng thành, lớn mạnh. Truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” được nêu cao trong toàn hệ thống chính trị, tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển ngành Than - Khoáng sản.
Với những thành tựu và đóng góp to lớn của công nhân, cán bộ, ngành Than - Khoáng sản Việt Nam đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng những phần thưởng cao quý: Huân chương Sao Vàng (năm 1996); Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới cho Tổng Công ty Than Việt Nam; 30 tập thể và cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động; 13 tập thể, cá nhân được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, hàng trăm huân chương các loại và nhiều phần thưởng cao quý khác. Đảng bộ Than Quảng Ninh vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao Động hạng Nhì (năm 2007).
*
* *
Tự hào với truyền thống vẻ vang của công nhân Vùng Mỏ - Truyền thống ngành Than, trên 135 nghìn công nhân, cán bộ mà nòng cốt là trên 28.000 đảng viên Tập đoàn công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam vững bước kế tục sự nghiệp sản xuất than - khoáng sản làm giàu cho Tổ quốc, góp phần thực hiện thắng lợi công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong thời gian tới với những tiềm lực, vận hội mới; đồng thời sẽ phải đối mặt với khó khăn, thách thức mới không kém phần gay go, phức tạp so với chặng đường đã qua. Với tư duy chiến lược, Tập đoàn định hướng những mục tiêu, giải pháp cơ bản là: “Từ tài nguyên khoáng sản và nguồn nhân lực đi lên giàu mạnh”, phát triển hài hòa và thân thiện với môi trường, với địa phương và cộng đồng; với đối tác, bạn hàng; hài hòa trong nội bộ Tập đoàn; không ngừng nâng cao trình độ nghề nghiệp, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân viên chức và người lao động. Tập trung vào các ngành kinh doanh chủ yếu là: công nghiệp than, điện lực, khai thác khoáng sản - luyện kim, công nghiệp cơ khí, hóa chất mỏ, vật liệu xây dựng, thương mại - dịch vụ, du lịch... Tiếp tục tăng cường đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị; đổi mới tổ chức quản lý; phát triển nguồn nhân lực; đa dạng hóa nguồn vốn; bảo đảm an toàn lao động, cải thiện môi trường; mở rộng quan hệ hợp tác với đối tác, bạn hàng, với địa phương; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần người lao động; xây dựng văn hóa doanh nghiệp; phát huy sức mạnh tổng hợp cả hệ thống chính trị trong toàn Tập đoàn./.
------------------------------------------
(1) Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, 1996, tr. 12, tr. 412
(2) Hồ Chí Minh: Sđd, tr. 2, tr. 126
Những nội dung mới về bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XI của Đảng  (16/12/2011)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII xem xét phạm vi điều chỉnh của Luật tài nguyên nước  (16/12/2011)
Đại sứ Việt Nam ở nước ngoài tăng lập quan hệ nghị viện  (15/12/2011)
Phiên họp thứ tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII: Đánh giá cụ thể hiệu quả của các khu kinh tế, khu kinh tế cửa khẩu  (15/12/2011)
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Vai trò của Nhà nước trong giải quyết mối quan hệ giữa phát triển kinh tế - xã hội với phục dựng, bảo tồn di sản văn hóa
- Hoàn thiện một số quy định của Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay