EU: Hiểm họa chưa qua, tin dữ chưa hết

Lạn Kha
17:30, ngày 08-11-2011

TCCSĐT - Những cuộc họp cấp cao vừa qua trong EU và cả Hội nghị cấp cao của Nhóm G20 đều chưa đủ để giúp EU có thể phần nào yên tâm với những biện pháp đối phó khủng hoảng đã được nhất trí thông qua.

Chỉ trong thời gian rất ngắn sau đó, chính trường và tình hình nội bộ ở Hy lạp lại diễn biến theo hướng vẫn đầy rủi ro và bất trắc đối với cả EU, Italy bị xô đẩy đến gần hơn bờ vực của khủng hoảng và Pháp đã buộc phải đi đến quyết định chấp nhận chương trình tiết kiệm chi tiêu ngặt nghèo nhất kể từ nhiều thập kỷ trở lại đây.

Dư luận coi chương trình tiết kiệm đó là “viên thuốc đắng” đối với nước Pháp nhưng lại là liều thuốc cần thiết để duy trì mức độ xếp hạng tín nhiệm cao nhất (AAA). Những nội dung cơ bản của chương trình tiết kiệm này là tăng mức thuế giá trị gia tăng, nâng mức độ tuổi làm việc trước khi được nhận lương hưu sớm hơn dự kiến, chi tiêu của nhà nước từ năm 2013 sẽ giảm hàng năm 1 tỉ euro. Tổng cộng lại, Chính phủ Pháp dự kiến tiết kiệm được 65 tỉ euro cho tới năm 2016.

Cuối tuần qua, Thủ tướng Pháp Francoise Fillon đã nói với báo chí: ngân sách nhà nước năm 2012 sẽ là một trong số những ngân sách năm ngặt nghèo nhất kể từ năm 1945 trở lại đây. Ông F.Fillon còn dự báo: "Những năm 2008 đến 2012 sẽ đánh dấu chấm hết sự thống trị của các nền kinh tế phương Tây và sự chuyển dịch trọng lực của kinh tế thế giới sang châu Á".

Cách đây 3 tháng, Chính phủ Pháp đã thực hiện kế họach tiết kiệm chi tiêu 12 tỉ euro. Tuy nhiên, kinh tế Pháp vẫn trì trệ và thâm hụt ngân sách nhà nước vẫn không giảm. Với kế họach tiết kiệm mới, Chính phủ Pháp muốn ngăn chặn khả năng nước Pháp bị các hãng xếp hạng tín nhiệm hạ bậc như Hy Lạp hay Italy. Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy đang tìm mọi phương án cấp thiết để hành động và cải thiện tình hình nhằm duy trì cơ hội tái cử trong cuộc bầu cử tổng thống vào năm tới.

Trong khi đó, Thủ tướng Hy Lạp Giorgos Papandreou đã chấp nhận từ chức để mở đường cho việc thành lập chính phủ thống nhất dân tộc với sự tham gia của phe đối lập. Việc thành lập chính phủ quá độ này là cơ hội cuối cùng giúp Hy Lạp tránh bị vỡ nợ và còn được ở lại trong diện các thành viên EU sử dụng đồng euro.

Do phe chính phủ và phe đối lập bất hợp tác với nhau suốt thời gian dài nên việc hai bên đạt được sự nhất trí về thành lập chính phủ thống nhất dân tộc được coi là thành quả chính trị có ý nghĩa lịch sử. Nhiệm vụ của chính phủ này là xử lý vấn đề nợ và xóa nợ, thực thi kế hoạch tiết kiệm chi tiêu và giảm số lượng công chức nhà nước. Không thành lập chính phủ này, Hy lạp sẽ không nhận được tiền cứu trợ từ EU. Có thể nói, lại thêm một chính phủ nữa trong EU bị đổ vì khủng hoảng tài chính.

Còn ở Italy, Thủ tướng Silvio Berlusconi đang mất dần đa số trong Quốc hội khiến cho áp lực buộc thủ tướng từ chức ngày càng tăng. Hiện Italy không những đã bị đặt dưới sự kiểm soát về tài chính của Quỹ Tiền tệ quốc tế mà còn đứng trước nguy cơ bất an, bất ổn ngày càng tăng về chính trị nội bộ. Nhiều dấu hiệu cho thấy, tình hình chính trị ở Italy có nguy cơ diễn biến như ở Hy lạp, tức là sẽ có một chính phủ bao gồm các chuyên gia chứ không tiến hành tổng tuyển cử trước thời hạn. Tại Italy và trong EU, dư luận đã bàn luận công khai về sự ra đi của Thủ tướng Silvio Berlusconi và những kịch bản có thể xảy ra sau khi vị thủ tướng này từ chức.

Tất cả những diễn biến ấy đều cho thấy, tình thế khó khăn và khó xử hiện tại của EU. Hiện EU không thể bảo đảm cho một kịch bản tích cực có nhiều khả năng xảy ra hơn là kịch bản tiêu cực. Rủi ro đối với EU nói chung và một số thành viên EU nói riêng vẫn rất lớn vì tính khả thi của những biện pháp giải cứu và đối phó khủng hoảng còn nhiều hạn chế./.