TCCSĐT - Ngày 8-11-2011, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ hai - 2011 chính thức khai mạc tại thành phố Sóc Trăng, tỉnh Sóc Trăng. Festival do các bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Công thương, Văn hóa - Thể Thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông; Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trong cả nước, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phối hợp tổ chức.
 


Tham dự Festivaval có khoảng 1.500 khách mời là các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước; lãnh đạo các địa phương trong cả nước, các đoàn khách quốc tế; đại diện các viện nghiên cứu khoa học, các trường đại học, các nhà vườn, nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi ngành hàng lúa gạo; các đơn vị, doanh nghiệp phục vụ phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn; các doanh nghiệp xuất khẩu lúa gạo uy tín; các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa nông sản và các sản phẩm thương mại, du lịch, làng nghề truyền thống trong nước.

Với chủ đề “Vinh danh hạt ngọc Việt - Môi trường xanh cho cánh đồng vàng”, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ hai - 2011 tại Sóc Trăng (diễn ra từ ngày 8-11 đến 11-11) nhằm giới thiệu, tôn vinh những thành tựu của nền văn minh lúa nước đồng bằng sông Cửu Long - Việt Nam; tạo cơ hội hỗ trợ người sản xuất và các đối tượng tham gia chuỗi ngành hàng lúa gạo gia tăng giá trị, năng suất và chất lượng sản phẩm; góp phần cải tiến hệ thống phân phối lúa gạo, xúc tiến thương mại - đầu tư và tiếp thị hình ảnh, thương hiệu  lúa gạo Sóc Trăng - Việt Nam trên thị trường trong và ngoài nước...


 
 Mô hình con tàu xuất khẩu gạo Việt Nam tại  Festival.


Phát biểu trong ngày khai mạc Festival, ông Nguyễn Trung Hiếu, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, nhấn mạnh: “Việt Nam hiện là quốc gia xuất khẩu gạo đứng hàng thứ hai trên thế giới, thương hiệu “Gạo Việt Nam” bước đầu đã được quan tâm xây dựng và đã có bước phát triển khá bền vững. Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ hai - 2011 sẽ góp phần xây dựng “Con đường lúa gạo Việt Nam” vươn ra toàn thế giới. Trong những ngày diễn ra Festival, chúng ta hy vọng sẽ tìm ra các giải pháp để góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững; đa dạng hóa thị trường và nâng cao chuỗi giá trị ngành lúa - gạo Việt Nam. Thông qua Festival,  những thành quả lao động của nông dân, trí thức, doanh nhân kinh doanh lúa gạo sẽ tiếp tục được ghi nhận, tôn vinh, tạo niềm tin để xây dựng thành công “Thương  hiệu  Gạo Việt  Nam” trên thị trường.

Một trong những hoạt động trung tâm của Festival là Hội chợ - Triển lãm khai mạc từ sáng ngày 8-11 với khoảng 1.000 đơn vị, gian hàng của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong nước tham gia. Điểm nhấn của khu vực Hội chợ - Triển lãm là Khu Triển lãm “Hạt Ngọc Việt và Con đường lúa gạo Việt Nam”, tái hiện mô hình sự phát triển của cây lúa Việt Nam qua các thời kỳ”, mô hình công cụ sản xuất nông nghiệp từ thời khẩn hoang đến thời hiện đại, triển lãm các giống lúa đạt chuẩn xuất khẩu của các địa phương, giới thiệu mô hình trồng lúa của các vùng, miền trong nước, các phương pháp canh tác hiện đại, vị thế và đóng góp của lúa gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế...


 
 Đông đảo khách đến tham quan các gian hàng tại Khu Hội chợ- Triển lãm trong ngày khai mạc Festival.

Trong thời gian diễn ra Festival, có 3 cuộc hội thảo quan trọng là:  Hội thảo quốc tế: “Định vị thương hiệu lúa gạo Việt Nam - Gạo Việt Nam: Ai bán? Ai mua?” (sáng ngày 9-11); Hội thảo: “Việt Nam - Con đường phát triển lúa gạo chất lượng cao” (sáng ngày 10-11); Hội thảo: “Bãi Xàu (Ba Xuyên) - Sóc Trăng: Từ Cảng biển quốc tế đầu tiên nhìn đến tương lai phát triển” (sáng ngày 11-11). Song song đó, còn có các hội thi gồm: Cuộc thi viết “Bãi Xàu - Thương cảng quốc tế xưa và nay”; Hội thi nhiếp ảnh nghệ thuật  “Cây lúa Việt Nam với biến đổi khí hậu toàn cầu”; Hội thi: “ Gạo ngon thương hiệu Việt”, “Nông dân sản xuất lúa giỏi”, “Người đẹp miệt vườn”. Nhiều chương trình lễ hội đặc sắc cũng được tiến hành trong những ngày diễn ra Festival như: Lễ hội “Đua Ghe Ngo Ok - om- pooc” truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer,  Lễ hội “Đâm cốm dẹp” nhằm tái hiện làng nghề làm cốm dẹp truyền thống của tỉnh Sóc Trăng, chương trình biểu diễn nghệ thuật dân gian đặc sắc của cộng đồng ba dân tộc Kinh - Khmer -Hoa ở miền Tây Nam Bộ, Chương trình “Ẩm thực Việt Nam, ẩm thực Nam Bộ, ẩm thực Sóc Trăng”.

Trong đêm bế mạc Festival (11-11), Ban Tổ chức sẽ tổ chức Lễ Tôn vinh 50 nông dân điển hình tiên tiến - sáng tạo”; trao “Cúp vàng Doanh nghiệp” cho 25 doanh nghiệp ngành hàng sản xuất, kinh doanh, chế biến, xuất khẩu gạo và giải thưởng của các Hội thi trong khuôn khổ Festival./.