“Chiến thắng” đầu tiên của NATO?
TCCSĐT - Ngày 28-10, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố Tổ chức này sẽ chấm dứt các hoạt động quân sự tại Libya kể từ ngày 31-10. Có thể nói, đây là chiến thắng đầu tiên của NATO trong thế kỷ XXI, vì trước đó NATO cũng đã tiến hành 2 cuộc chiến tranh ở Afganixtan (2001) và Iraq (2003) nhưng đã bị sa lầy. Dư luận quốc tế đang quan tâm đến những đánh giá khác nhau về “chiến thắng” mà NATO đã đạt được trong chiến dịch quân sự kéo dài 7 tháng vừa qua tại Libya.
Phát biểu tại cuộc họp báo diễn ra ở Bruc-xen (Bỉ) chiều 5-10, Tổng Thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố, bộ trưởng quốc phòng 28 nước thành viên nhất trí rằng chiến dịch “Người bảo vệ thống nhất” tại Libya đã thu được thắng lợi to lớn và NATO đã hoàn thành sự ủy nhiệm của Liên hợp quốc.
Tuy nhiên, ngay sau khi chiếm được Tripoli cụm từ “Thành công thê thảm” đã “được dùng phổ biến trong NATO (Times of London dẫn lời một nhà ngoại giao giấu tên ở Benghazi) nếu không thì cũng là một thành công hỗn loạn do phe đối lập chưa sẵn sàng cầm quyền và sẽ có một khoảng trống quyền lực khi ông M.Gadaphi ra đi”.
Một chuyên gia thuộc Viện Nghiên cứu An ninh châu Âu cho rằng: “Đây là một thành công lớn về mặt chiến thuật, song cũng có một câu hỏi lớn về mặt chiến lược được đặt ra là liệu Libya có trở thành một nước dân chủ hay không? Đến nay câu hỏi này vẫn chưa có lời giải đáp rõ ràng”.
Cuộc chiến ở Libya đã kết thúc với hàng chục ngàn người chết, bị thương và phải đi lánh nạn ở nước ngoài, thiệt hại ước tính lên tới hàng chục tỉ USD, nhưng đất nước này còn rất nhiều khó khăn phải vượt qua và sẽ mất không ít thời gian để ổn định trở lại.
Về kinh tế, theo số liệu thống kê của IMF thì biến động chính trị tại Trung Đông - Bắc Phi đã làm các nước bị ảnh hưởng mất hơn 55 tỉ USD. Trong 6 nước bị thiệt hại thì Libya là nước nặng nề nhất, các hoạt động kinh tế trong cả nước, kể cả sản xuất dầu, bị đình trệ với cái giá phải trả là 7,7 tỉ USD (28% GDP). Tổng chi phí trong cân bằng ngân sách lên tới 6,5 tỉ USD, gần bằng 29% của tổng sản phẩm quốc gia.
IMF dự báo, năm 2011, kinh tế Libya sẽ suy giảm khoảng hơn 50% do ngành dầu mỏ bị tê liệt. Trong khi dầu mỏ nước này chiếm 70% GDP và 95% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Kinh tế các nước Trung Đông - Bắc Phi, trong đó có Libya sẽ đồng loạt suy giảm từ 2,3% xuống 1,9% trong năm nay. Các công ty dầu lửa và các nước phương Tây cũng lo ngại rằng lực lượng NTC vẫn bị chia rẽ do bất đồng nội bộ, từ đó có thể dẫn đến các cuộc giao tranh mới, gây hại cho sự phục hồi sau chiến tranh và việc nối lại hoạt động xuất khẩu dầu mỏ.
Chuyên gia dầu lửa của công ty Wood Mackenzie ước tính sau khi chế độ M.Gadaphi sụp đổ, Libya sẽ phải mất ít nhất 3 năm mới có thể khôi phục sản lượng dầu 1,6 triệu thùng/ngày, chiếm gần 2% tổng sản lượng dầu thế giới.
Giới phân tích chính trị còn cho rằng, dù cuộc chiến này kết thúc một cách dễ dàng thì Libya cũng vẫn phải đối mặt với một thời kỳ hỗn loạn hơn. Một cuộc đấu đá chính trị sẽ khiến cho môi trường kinh doanh không thể sớm trở lại như thời kì trước chiến tranh.
Thách thức lớn nhất là an ninh?
Theo các quan chức Mỹ, M.Gadaphi ra đi đã để lại một khoảng trống quyền lực vô cùng lớn, bởi đất nước này vốn còn một bộ phận dân chúng cũng như quan chức không nhỏ rất trung thành với ông và vị trí địa chính trị của Libya sẽ là miền đất hứa cho Al-Qaeda triển khai lực lượng.
Gần đây các cơ quan tình báo và chống khủng bố Mỹ đã công bố một tài liệu mật đánh giá về sức mạnh, vai trò và hoạt động của các chiến binh cũng như các phe phái thời hậu M.Gadaphi. Tài liệu đã cung cấp về khả năng các chiến binh Hồi giáo sẽ phản ứng thế nào với chính quyền mới và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan ở đây sẽ hoạt động ra sao?
“Vấn đề hiện nay là những kẻ khủng bố đã tìm được vị trí vững chắc trong quân đội” thời hậu M.Gadaphi, một quan chức Mỹ khẳng định. “Đây là một vấn đề tiềm ẩn”, cộng đồng tình báo Mỹ “đang hết sức chú ý đến điều này”.
Bruce Riedel, nguyên là một chuyên gia phân tích cao cấp của CIA, người trực tiếp tư vấn cho Tổng thống B. Obama về các chính sách khu vực cho biết, ông đặc biệt lo ngại rằng các chiến binh Hồi giáo sẽ sử dụng Libya là bàn đạp để truyền bá ảnh hưởng vào các nước và khu vực xung quanh như Algieria, bán đảo Sinai, Ai Cập và Gaza…
“Hiện nay đang có những mối bận tâm rất lớn rằng các nhóm thánh chiến đang xuất khẩu vũ khí và ý tưởng của mình sang phía Đông và phía Tây”.
Nhiệm vụ chủ yếu của tình báo Mỹ là phải xác định chính xác lực lượng ủng hộ ông M.Gadaphi và Al-Qaeda đã nắm giữ những vị trí nào trong chính quyền mới. Đây là một bài toán khó, bởi NTC vốn được xây dựng trên nền tảng một đội quân phức tạp, nhiều thành phần.
Vì thế, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc trong khi hoan nghênh một số diễn biến tích cực, nhưng cũng trông chờ sẽ mau chóng thiết lập một chính phủ chuyển tiếp đại diện cho mọi thành phần xã hội, một chính phủ tôn trọng quyền con người và những quyền tự do căn bản của người dân Libya.
Một nghị quyết mới do Nga và Anh đồng soạn thảo cũng bày tỏ quan ngại về sự lan tràn của vũ khí tại Libya, về những tin tức cho biết đã có các vụ tấn công trả thù, những vụ bắt giữ tùy tiện và hành quyết người mà không qua xét xử của tòa án.
Ngày 26-10, Phó Đại sứ Libya tại Liên hợp quốc, Ibrahim Dadbashi đã yêu cầu Hội đồng Bảo an hoãn biểu quyết thêm mấy ngày nữa, do lo ngại tình hình an ninh. Nhưng Hội đồng Bảo an đã không đáp ứng lời kêu gọi này.
Bài học nào cho NATO?
Theo Tổng Thư ký NATO, các bộ trưởng quốc phòng đã rút ra những bài học đầu tiên trong chiến dịch tại Libya.
Tại chiến dịch này, NATO đã hành động đúng, nhanh và linh hoạt, nhưng còn thiếu một số khả năng quan trọng đặc biệt tại châu Âu, do đó phải dựa quá nhiều vào Mỹ trong việc triển khai các nhiệm vụ như tin tức tình báo, trinh sát, tiếp dầu trên không…
Ông Anders Fogh Rasmussen nhấn mạnh để đối phó hiệu quả hơn với những thách thức trong tương lai, các quốc gia thành viên NATO đều phải đạt được và duy trì những khả năng tới hạn, chứ không phải chỉ một số quốc gia như vừa qua.
Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đã cảnh báo rằng các nước thành viên NATO không thể tiếp tục trông chờ vào Mỹ, vì Mỹ đã quyết định cắt giảm ngân sách quốc phòng 450 tỉ USD trong vòng 10 năm tới.
Cũng tại cuộc họp báo, Tổng Thư ký NATO cho biết NATO sẵn sàng tham gia vào quá trình xây dựng an ninh và quốc phòng tại Libya thời hậu M.Gadaphi nếu được yêu cầu.
Ông nói: “Nếu được yêu cầu, chúng tôi có thể giúp chính phủ Libya trong quá trình chuyển đổi dân chủ như xây dựng quốc phòng, cải cách khu vực an ninh, nhưng tôi cho là nhiệm vụ sẽ không đi quá xa”.
Trả lời câu hỏi liên quan đến lời kêu gọi của NTC về việc NATO mở rộng sứ mệnh ở Libya đến cuối năm 2011, ông Anders Fogh Rasmussen nói rằng NATO sẽ không đóng vai trò chính trong giai đoạn hậu xung đột ở Libya.
Như vậy, với lời tuyên bố chiến thắng của người đứng đầu NATO trước khi kết thúc sứ mệnh tại Libya vào ngày 31-10-2011, đã đánh dấu một chương mới của NATO kể từ khi tổ chức này viết lại Hiến chương của mình năm 2006. Tuy nhiên, thắng lợi thực sự của NATO vẫn còn phải chờ câu trả lời từ một nước Libya dưới chính thể mới. Và, sự đánh giá khác nhau của dư luận quốc tế về “thắng lợi” và hiệu quả của cuộc chiến của NATO ở Libya là điều dễ hiểu./.
Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ hai: “Vinh danh hạt ngọc Việt”  (08/11/2011)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Đại Công tước Luxembourg Henry  (08/11/2011)
Thông cáo số 13, kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XIII  (08/11/2011)
Quốc hội thông qua Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015  (08/11/2011)
Khai trương Trang thông tin điện tử Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Hưng Yên  (08/11/2011)
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
- Tự chủ chiến lược dưới tác động của các vấn đề an ninh phi truyền thống tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương
- Xây dựng nền văn hóa Việt Nam ngày càng bền vững, tiến bộ, bản sắc, tương xứng với trình độ phát triển kinh tế - xã hội hiện nay theo tinh thần Đại hội XIII của Đảng
- Từ Chỉ thị thành lập Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân của Chủ tịch Hồ Chí Minh đến xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị trong tình hình mới
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay