Mỗi nước theo đuổi một chương trình nông nghiệp cho phát triển sẽ phải quyết định làm gì và làm như thế nào. Câu hỏi làm gì yêu cầu một khung chính sách dựa trên hành vi của các bên: nhà sản xuất và các tổ chức của họ, khu vực tư nhân trong chuỗi giá trị, và nhà nước. Làm thế nào để đòi hỏi công tác quản trị tốt, tập trung được sự hậu thuẫn chính trị và năng lực thực hiện. Việc này vẫn dựa trên hành vi của các bên như nhà nước, xã hội dân sự, khu vực tư nhân, các nhà tài trợ và các định chế toàn cầu.

1- Xác định một chương trình nông nghiệp cho phát triển

Các hộ gia đình nông thôn tiến hành hàng loạt các hoạt động nông nghiệp và phi nông nghiệp cho phép họ tích lũy vốn từ các kỹ năng khác nhau của các thành viên và phân tán rủi ro. Những con đường thoát nghèo có thể thông qua canh tác nông hộ nhỏ, làm thuê ăn lương trong nông nghiệp, thu nhập từ việc làm tự trả lương phi nông nghiệp nông thôn, hoặc kết hợp một số cách trên. Sự khác biệt giới trong việc tiếp cận tài sản và những trở ngại về khả năng cơ động là những nhân tố quan trọng quyết định con đường thoát nghèo.

Tạo dựng nền nông nghiệp hiệu quả hơn để hỗ trợ phát triển bền vững và giảm nghèo bắt đầu từ môi trường chính trị xã hội thuận lợi, công tác quản trị phù hợp và các nền tảng kinh tế vĩ mô hợp lý. Việc này yêu cầu xác định một chương trình nghị sự đối với từng loại quốc gia, dựa trên việc kết hợp bốn mục tiêu chính sách mà xây một hệ thống chính sách và các cấu phần của hệ thống này có quan hệ chặt chẽ với nhau: Mục tiêu 1: Cải thiện khả năng tiếp cận thị trường và xây dựng các chuỗi giá trị hiệu quả. Mục tiêu 2: Tăng cường tính cạnh tranh của các nông hộ nhỏ và xúc tiến việc tham gia thị trường. Mục tiêu 3: Cải thiện sinh kế thông qua canh tác tự túc và việc làm nông thôn ít kỹ năng. Mục tiêu 4: Tăng việc làm trong nông nghiệp và kinh tế phi nông nghiệp nông thôn, tăng cường các kỹ năng.

Để nông nghiệp phục vụ sự phát triển, mỗi quốc gia phải xây dựng một chương trình nghị sự với các đặc điểm sau:

- Xây dựng các điều kiện tiền đề: Nếu không có ổn định xã hội, quản trị hợp lý và các nền tảng vĩ mô phù hợp, sẽ có rất ít hợp phần của chương trình nông nghiệp cho phát triển có thể thực hiện được.

- Toàn diện: Chương trình nghị sự kết hợp bốn mục tiêu trong hệ thống chính sách tùy thuộc vào bối cảnh quốc gia, và cụ thể hóa những chỉ tiêu báo giúp cho việc theo dõi và đánh giá tiến độ đạt được từng mục tiêu chính sách.

- Khác biệt hóa: Các chương trình nghị sự sẽ khác nhau theo từng loại quốc gia. Việc này phản ánh sự khác biệt trong ưu tiên chính sách các điều kiện cơ cấu trong ba thế giới nông nghiệp. Các chương trình nghị sự phải được biến hóa hơn nữa theo đặc thù quốc gia thông qua các chiến lược nông nghiệp quốc gia với sự tham gia của nhiều bên liên quan.

- Bền vững: Các chương trình nghị sự phải bền vững về mặt môi trường để giảm các tác hại đến môi trường của nông nghiệp cũng như duy trì tăng trưởng nông nghiệp trong tương lai.

- Khả thi: Để được thực hiện và có tác động quan trọng, các chính sách và chương trình phải đáp ứng những điều kiện về tính khả thi chính trị, năng lực hành chính và mức độ đáp ứng về mặt tài chính.

2- Các quốc gia đang chuyển đổi: giảm chênh lệch thu nhập nông thôn - thành thị và giảm nghèo nông thôn

Tại các nước đang chuyển đổi, với 600 triệu người nghèo và 2,2 tỉ cư dân nông thôn, các ngành phi nông nghiệp đã có sự tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Trọng tâm chính của nông nghiệp cho phát triển là thu hẹp chênh lệch thu nhập thành thị - nông thôn và giảm nghèo nông thôn trong khi tránh cái bẫy của trợ cấp và bảo hộ những thách thức không được đề cập đúng mức. Với sự quan tâm chính trị ngày càng tăng về cách biệt thu nhập đang lớn dần, áp lực về việc sử dụng sức mạnh nông nghiệp cho phát triển ngày càng tăng.

Tại những nước này, nông nghiệp chủ yếu nằm trong tay các nông hộ nhỏ. Áp lực dân số ngày càng tăng đồng nghĩa với việc diện tích canh tác giảm đến mức quá nhỏ để tồn tại nếu không có cơ hội thu nhập phi nông nghiệp. Cạnh tranh để tiếp cận với nguồn nước cũng là vấn đề khẩn cấp với nhu cầu đô thị hóa ngày càng tăng và việc chất lượng nguồn nước kém đi. Khi thu nhập phi nông nghiệp tăng, áp lực giải quyết sự chênh lệch thu nhập thành thị - nông thôn thông qua trợ cấp sẽ cạnh tranh để có nguồn vốn tài chính, với chi phí cơ hội cao của hàng hóa công cộng và nhu cầu cơ bản của nông thôn. Mặt khác, giải quyết sự chênh lệch thông qua bảo hộ nhập khẩu sẽ tăng chi phí lương thực đối với số đông những người nghèo mua lương thực ròng.

Để giải quyết vấn đề thất nghiệp ở nông thôn, một mục tiêu chính sách bổ sung và xúc tiến khu vực phi nông nghiệp năng động tại các thị trấn kết nối giữa kinh tế nông thôn và thành thị. Trung Quốc đã mạng được công nghiệp về các thị trấn thứ cấp nông thôn, đa dạng hóa các nguồn thu nhập nông thôn. Đây là một hướng tiếp cận có thể áp dụng ở những quốc gia đang chuyển đổi khác. Tại tất cả các quốc gia này, việc chuyển lao động sang các ngành kinh tế năng động phải được xúc tiến thông qua đầu tư mạnh vào kỹ năng cho thế hệ hiện tại và thế hệ tiếp theo. Những thay đổi mang tính động lực tới việc tái cơ cấu này phải được đảm bảo thông qua các chương trình mạng lưới an sinh hiệu quả, cho phép các hộ gia đình đánh giá rủi ro trước khi đi đến lựa chọn. Giải quyết thành công vấn đề chênh lệch thu nhập tại những nước đang chuyển đổi có thể tạo nên thành tích giảm nghèo to lớn.

3- Thực hiện chương trình nông nghiệp cho phát triển

Chương trình nông nghiệp cho phát triển có hai thách thức trong việc thực hiện. Một là, quản lý đối với các chính sách nông nghiệp để vượt qua những lệch lạc chính sách, thiếu đầu tư và đầu tư không đúng chỗ. Thứ hai, tăng cường công tác quản trị đối với việc thực hiện các chính sách nông nghiệp, đặc biệt là tại các nước nông nghiệp và chuyển đổi có mức tiêu chí về quản trị thấp.

Sự quan tâm không đầy đủ về thể chế chính sách và những thách thức về quản trị là lý do chính khiến một số kiến nghị chính về nông nghiệp đã không được thực hiện đầy đủ, đặc biệt về tự do hóa thương mại, tăng cường đầu tư và nghiên cứu phát triển, cung cấp dịch vụ giáo dục và y tế tốt hơn cho cộng đồng nông thôn.

Tương lai đối với một nền nông nghiệp cho phát triển

Ngày nay triển vọng dường như tươi sáng hơn so với trước đây. Những thiên hướng lệch lạc phản nông nghiệp trong các chính sách kinh tế vĩ mô đã giảm do những cải cách kinh tế rộng hơn. Nông nghiệp có khả năng được lợi từ việc cải cách quản trị chung hiện đang có vị thế cao trong chương trình nghị sự như phân cấp, và cải cách quản lý khu vực công. Nhưng những cải cách cụ thể để sử dụng nông nghiệp cho phát triển vẫn chưa được thực hiện rộng rãi.

Cũng có những bằng chứng chứng minh môi trường thể chế đang thay đổi tạo điều kiện thuận lợi hơn cho nông nghiệp và phát triển nông thôn.
 
Dân chủ hóa và sự hiện diện của chính sách huy động sự tham gia tạo cơ hội cho những tiểu nông và người nghèo nông thôn cất cao tiếng nói chính trị của họ. Các tác nhân mới có sức mạnh đã tham gia vào các chuỗi giá trị nông nghiệp. Họ có lợi ích kinh tế trong ngành nông nghiệp thịnh vượng và năng động cũng như có tiếng nói trong các vấn đề chính trị. Tuy nhiên, một mình các điều kiện được cải thiện này không đảm bảo việc sử dụng thành công hơn nền nông nghiệp cho phát triển. Những tiểu nông phải có tiếng nói của họ trong các vấn đề chính trị, và những nhà hoạch định chính sách và tài trợ phải nắm bắt được các cơ hội mới.
 
Vai trò mới của nhà nước
 
Những thất bại thị trường có tính dai dẳng, đặc biệt tại những nước nông nghiệp. Do đó cần phải có chính sách công để đảm bảo những kết quả xã hội mong muốn. Nhà nước có vai trò trong phát triển thị trường - đó là tạo ra các hàng hóa công cộng cơ bản, cải thiện môi trường đầu tư cho khu vực tư nhân, và quản lý tốt hơn tài nguyên thiên nhiên thông qua việc tạo ra những khuyến khích và xác định quyền sở hữu.

Tăng cường năng lực của nhà nước và các vai trò mới trong việc điều phối liên ngành và cùng khu vực tư nhân, xã hội dân sự thực hiện khẩn trương các chương trình nghị sự nông nghiệp cho phát triển. Tại hầu hết các quốc gia, các bộ nông nghiệp hiện đang cần cải cách hơn nữa để xác định lại vai trò của họ và phát triển những năng lực mới. Những mô hình mới đang nổi lên trong việc hợp đồng các dịch vụ tư vấn nông nghiệp, cho phép các tổ chức người sản xuất có tiếng nói trong quá trình xét trao hợp đồng.

Kết hợp giữa các dịch vụ tập trung và phân cấp
 
Thông qua việc đưa chính quyền gần hơn với người dân, phân cấp có thể giải quyết những mặt không đồng nhất và có tính địa phương trong nông nghiệp, đặc biệt là khuyến nông. Nhưng không phải dịch vụ nông nghiệp nào cũng nên phân cấp. Các dịch vụ như nghiên cứu khoa học và kiểm soát bệnh gia súc là những ngành có hiệu quả kinh tế theo quy mô, cần được quản lý tập trung. Những định chế được phân cấp cần đề cập đến nguy cơ bị các thế lực địa phương lũng đoạn đẩy một số nhóm xã hội ra ngoài rìa xã hội, đặc biệt là về vấn đề đất đai.

Phát triển định hướng cộng đồng có thể tận dụng tiềm năng của các cộng đồng nông thôn - kiến thức, tính sáng tạo và vốn xã hội của họ. Phân cấp và phát triển định hướng cộng đồng đặc biệt đóng góp cho chương trình nông nghiệp vì phát triển theo cách có trình tự, tập trung vào các dịch vụ cơ bản và hàng hóa công cộng trước và tham gia vào các hoạt động tạo thu nhập khi mà các nhu cầu cơ bản đã được đáp ứng. Phát triển theo lãnh thổ có thể giúp quản lý các dự án kinh tế với quy mô lớn hơn là cách tiếp cận phát triển định hướng cộng đồng.

Cải thiện hiệu quả tài trợ
 
Tại những nước nông nghiệp, các nhà tài trợ thực sự có ảnh hưởng lớn. Các chiến lược nông nghiệp do quốc gia lãnh đạo và các chiến lược giảm nghèo rộng hơn tạo ra khuôn khổ cho các nhà tài trợ lồng ghép hỗ trợ của họ vào ngành nông nghiệp và cùng nhau sử dụng các hệ thống chi tiêu công và mua sắm của chính phủ như là các cơ chế để thực hiện các chương trình.
 
Cải cách thể chế toàn cầu
 
Chương trình nông nghiệp cho phát triển không thể thực hiện được nếu không có các cam kết quốc tế nhiều hơn và tốt hơn. Các nhiệm vụ bao trùm toàn cầu của thế kỷ XXI - đó là xóa đói giảm nghèo, duy trì môi trường đảm bảo an ninh và sức khỏe toàn cầu - sẽ không được hoàn thành mà không có nông nghiệp. Chương trình nông nghiệp toàn cầu có nhiều bình diện: thiết lập các quy tắc công bằng trong thương mại quốc tế, thỏa thuận về các tiêu chuẩn sản phẩm, quyền sở hữu trí tuệ, cung cấp những công nghệ mới vì lợi ích người nghèo, tránh những ngoại ứng tiêu cực như dịch bệnh gia súc, bảo tồn đa dạng sinh học của thế giới và giảm thiểu, thích ứng với thay đổi khí hậu.

Với các trọng tâm ngành hẹp, các thể chế toàn cầu được xây dựng để hỗ trợ nông nghiệp vào thế kỷ XX, dù có nhiều thành tựu, nhưng không được chuẩn bị phù hợp để giải quyết các chương trình nghị sự đan ngành và tính tương hỗ ngày nay. Cải cách và đổi mới thể chế là cần thiết để xúc tiến sự phối hợp giữa các cơ quan quốc tế và với những bên tham gia mới trên vũ đài toàn cầu, bao gồm cả xã hội dân sự, các khu vực doanh nghiệp và các tổ chức từ thiện.

Thực hiện chương trình nghị sự toàn cầu đòi hỏi sự kết hợp giữa các trật tự và tổ chức thể chế. Những tổ chức chuyên môn như Nhóm tư vấn về nghiên cứu nông nghiệp quốc tế, Tổ chức Nông Lương Thế giới của Liên hiệp quốc và Quỹ Phát triển Nông nghiệp quốc tế có thể hỗ trợ và đưa ra cam kết dài hạn thông qua cải thiện hiệu quả và phối hợp giữa các tổ chức. Các mạng lưới liên ngành, đặc thù theo từng vấn đề có thể ứng phó nhanh với những sự cố như kiểm soát cúm gia cầm và nắm bắt các cơ hội như củng cố vi chất sinh học thông qua các loài cây trồng được tăng cường dinh dưỡng. Trong trường hợp khác, việc đưa những ưu tiên toàn cầu như thích ứng với thay đổi khí hậu vào hỗ trợ của nhà tài trợ cho nông nghiệp có thể là hiệu quả nhất. Thực hiện theo chương trình nghị sự quốc tế là một vấn đề không chỉ là lợi ích riêng có ý nghĩa toàn cầu, mà còn liên quan tới sự bình đẳng, công lý giữa thế giới phát triển và đang phát triển và giữa thế hệ hiện tại tương lai./.