Liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang - thực trạng và giải pháp
Kết
quả bước đầu từ những mô hình cụ thể
Khi thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, vai trò và lợi ích của các bên tham gia được nâng lên đáng kể. Nhà nông (nông hộ cá thể, hợp tác xã, nhóm/câu lạc bộ…) có điều kiện tiếp cận vốn, các tiến bộ khoa học và công nghệ, được cung cấp vật tư nông nghiệp và được bao tiêu sản phẩm theo hợp đồng đã ký với doanh nghiệp, họ yên tâm và mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao trình độ thâm canh. Nhà doanh nghiệp (đại lý vật tư, công ty bảo vệ thực vật, công ty lương thực, nhà máy, thương lái…), có nơi tiêu thụ vật tư, phân bón, xăng dầu, thuốc phòng trừ dịch bệnh, có nguồn nguyên liệu ổn định, chủ động trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm ở thị trường trong và ngoài nước. Nhà nước (chính quyền các cấp và các cơ quan quản lý nhà nước liên quan) tổ chức liên kết, triển khai thực hiện các chính sách hỗ trợ và nâng cao vai trò quản lý. Nhà khoa học (cơ quan khuyến nông, cơ quan nghiên cứu, viện/ trường, trạm/ trại) có điều kiện nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất và chế biến lúa gạo, từng bước đưa nông dân vào tiến trình hội nhập và cạnh tranh quốc tế của hạt gạo An Giang.
Theo một số nhà khoa học, qua thực tiễn triển khai thực hiện cho thấy, vai trò liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang còn được đánh giá thông qua 6 tiêu chí là: hỗ trợ chính sách, tổ chức liên kết, cung ứng vật tư, cung ứng kỹ thuật, cung cấp vốn và tiêu thụ lúa gạo. Vai trò của từng nhà được xếp theo thứ tự: nhà doanh nghiệp, Nhà nước, nhà nông và cuối cùng là nhà khoa học, trong đó, doanh nghiệp giữ vai trò rất quan trọng trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo. Vai trò của các tác nhân trong liên kết “4 nhà” ở An Giang được thể hiện qua 6 tiêu chí vừa nêu như sau:
Tiêu
thụ lúa gạo, có 3 tác nhân chính tham gia và xếp theo thứ tự quan trọng là
thương lái, nhà máy và công ty lương thực.
Cung ứng vật tư, các cửa hàng đại lý vật tư cấp I và cấp II tại địa phương là tác nhân chủ yếu cung ứng vật tư cho nông dân. Ngoài ra, việc cung ứng vật tư và chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho nông dân còn có công ty bảo vệ thực vật, công ty xuất, nhập khẩu tham gia.
Cung cấp vốn, chủ là ngân hàng, các tổ chức tín dụng, có sự tham gia của hội nông dân, hội phụ nữ. Tuy nhiên, các tổ chức này chỉ thực hiện theo chức năng của mình, chứ không có mối liên kết nào rõ ràng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Cung ứng, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, chủ yếu là cơ quan, cán bộ khuyến nông, bên cạnh đó là sự tương tác lẫn nhau giữa các nông hộ, các nhà khoa học đến từ các viện/ trường cũng được xem là những kênh chuyển giao khoa học - kỹ thuật có hiệu quả, gắn kết mối quan hệ giữa nhà nông với nhà khoa học.
Tổ chức liên kết, hỗ trợ chính sách, chủ yếu là Nhà nước (chính quyền địa phương các cấp, các ban, ngành liên quan) vì Nhà nước có quyền lực và chức năng tổ chức liên kết, hỗ trợ chính sách và là cơ quan đại diện, làm trung gian, người “trọng tài” bảo đảm cho mối liên kết “4 nhà” bền vững.
Các mô hình thực tiễn liên kết “4 nhà” thành công trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang hiện nay, ngoài mô hình liên kết của Công ty cổ phần Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) thông qua triển khai thực hiện chương trình “Cùng nông dân ra đồng”, còn có mô hình liên kết của Công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) Angimex – Kitoku.
Công ty TNHH Angimex – Kitoku là doanh nghiệp liên kết với nông dân về sản xuất và tiêu thụ lúa Nhật. Trong giai đoạn đầu mới liên kết, Công ty (nhà doanh nghiệp) gặp nhiều khó khăn do phải ký hợp đồng với từng nông hộ (nhà nông), nên một số hợp đồng bị phá vỡ và diễn ra tranh chấp, từ năm 2008 – 2009 đến nay, Hội Nông dân tỉnh An Giang thay mặt chính quyền địa phương đứng ra làm đại diện đàm phán ký kết hợp đồng với Công ty trách nhiệm hữu hạn Angimex - Kitoku, thông qua các cấp hội nông dân cơ sở triển khai kế hoạch thực hiện đồng bộ hợp đồng đã ký. Từ đó, mối liên kết mới thực sự đi vào nền nếp và không ngừng phát huy hiệu quả với diện tích gần 2.000 ha. Đồng thời, thông qua mô hình liên kết này, ngành nông nghiệp An Giang (nhà khoa học), có điều kiện hướng dẫn, hỗ trợ kiến thức, kỹ thuật canh tác cho nông dân; doanh nghiệp có trách nhiệm cung ứng giống chất lượng cao, trực tiếp chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác, bao tiêu sản phẩm; các nông hộ tham gia liên kết đều thực hiện nghiêm túc các quy định về quy trình kỹ thuật canh tác, tạo ra sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. “Đầu vào” của doanh nghiệp và “đầu ra” của nông hộ được bảo đảm, hiệu quả sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đạt cao, lợi ích kinh tế giữa các bên tham gia liên kết được chia sẻ thỏa đáng.
Theo số liệu điều tra thực tế năm 2010 cho thấy, số hộ nông dân có thu nhập từ bán lúa dưới 150 triệu đồng/năm/hộ chiếm 55% (phổ biến), có khoảng gần 14% số hộ có thu nhập từ bán lúa 150 triệu đồng/năm/hộ và 31% số hộ có thu nhập từ bán lúa trên 200 triệu đồng/năm/hộ.
Sự thành công của mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang mặc dù còn khá khiêm tốn, nhưng cũng đã góp phần vào việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương. Năm 2010, sản lượng lúa đạt 3.640.000 tấn, tăng 1,77 lần; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt gần 800 triệu USD, tăng 7,74 lần; thu nhập bình quân đầu người đạt gần 21 triệu đồng, tăng 1,75 lần so với năm 2000, và năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo chiếm 34%/tổng lao động xã hội, tăng 23%; giải quyết việc làm cho 170.000 lao động, tăng hơn 100.000 lao động; tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 4%, giảm xuống 9% so với năm 2005.
An Giang có sản lượng và kim ngạch xuất khẩu gạo cao so với nhiều tỉnh trong vùng ĐBSCL, hằng năm kim ngạch xuất khẩu gạo chiếm hơn 29%/tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh. Năm 2010, lượng gạo xuất khẩu của An Giang ước tính đạt trên 530,3 ngàn tấn, kim ngạch xuất khẩu gạo đạt gần 224,5 triệu USD, tăng 16% về lượng, 22% về giá trị so với năm 2009. Thị trường xuất khẩu gạo của An Giang năm 2010 được mở rộng ở 49 nước thuộc nhiều châu lục khác nhau, trong đó châu Phi: 16 nước, châu Á: 15 nước, châu Âu: 9 nước, châu Mỹ: 5 nước và châu Đại Dương: 4 nước.
Nhận
diện rõ những hạn chế để khắc phục
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện mô hình liên kết “4 nhà” ở An Giang còn nhiều bất cập, thiếu chặt chẽ, nhất là việc ký kết và thực hiện hợp đồng sản xuất, tiêu thụ lúa gạo giữa doanh nghiệp với nông hộ đa số thường bị phá vỡ, nông hộ không bán được sản phẩm và giá cả theo những hợp đồng đã ký với doang nghiệp.
Theo báo cáo kết quả thực hiện Quyết định số 80/TTg của Thủ tướng Chính phủ năm 2010 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang cho thấy, tỷ lệ sản lượng lúa thu mua theo hợp đồng rất thấp so với sản lượng đã ký: 13 % năm 2003, 8% năm 2004, 36% năm 2007, 77% năm 2008 và tính trung bình cho các năm này, thì sản lượng lúa thu mua chỉ đạt khoảng 44%/tổng số sản lượng đã ký trong hợp đồng. Theo kết quả điều tra, nông dân bán nông sản của mình, chủ yếu là bán lúa qua bốn kênh: thương lái; nông dân khác; công ty hợp đồng; công ty lương thực.
Sự lỏng lẻo và yếu kém của mối liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang không chỉ gây ra những khó khăn, bất lợi cho nông dân khi bị thương lái, doanh nghiệp ép giá mà nông hộ còn gặp rất nhiều khó khăn trong tiếp cận, tiếp nhận vốn tín dụng, chuyển giao, ứng dụng khoa học - kỹ thuật. Nông dân phải mua vật tư nông nghiệp với giá cao và tiêu thụ lúa gạo với giá bất lợi, lợi nhuận bị giảm thấp. Ngay cả khi giá lúa trên thị trường nội địa và giá xuất khẩu gạo cao lợi nhuận này cũng phải chia cho nhiều tầng nấc trung gian. Hệ quả tất yếu là đã gây bất ổn cho sản xuất nông nghiệp, gây trở ngại cho phát triển và chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn, cản trở đến việc triển khai và thực hiện Chương trình “Tam nông”, Chương trình xây dựng “nông thôn mới”, các chương trình giải quyết việc làm và xóa đói, giảm nghèo và do đó, làm hạn chế tốc độ tăng tưởng kinh tế và phát triển văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh An Giang. Nguyên nhân hạn chế, yếu kém của mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang nêu trên có nhiều, nhưng chủ yếu là do:
Công tác tuyên truyền của các tổ chức, cơ quan chức năng và sự nhận thức về vai trò của từng nhà trong “4 nhà”, nhất là nhà nông, nhà doanh nghiệp còn rất hạn chế. Cả 2 nhà đều mới quan tâm đến lợi ích trước mắt, mà chưa hoặc không quan tâm, tôn trọng, “nuôi dưỡng” lợi ích lâu dài, họ bất chấp và sẵn sàng phá bỏ hợp đồng để bán lúa cho các đối tượng khác với giá cao hơn giá hợp đồng (nông dân) và không thực hiện hợp đồng mua hết số lượng và giá cả đã ký với nông dân, nếu giá lúa trên thị trường sụt giảm (doanh nghiệp). Những nhà nông, nhà doanh nghiệp này không bị chế tài về mặt pháp lý, không chịu trách nhiệm về mặt vật chất khi phá vỡ hợp đồng; và do đó, nhiều hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa gạo chỉ mang tính “hình thức”, thiếu hoặc không mang tính pháp lý, tính ràng buộc giữa các bên tham gia.
Nhà nước (chính quyền, các cơ quan, ban, ngành liên quan), chưa mạnh dạn và quyết liệt “vào cuộc” tổ chức liên kết, hỗ trợ liên kết và chưa xây dựng được một cơ chế, chính sách phù hợp để “xâu chuỗi”, gắn kết “4 nhà”, xử lý các vi phạm hợp đồng và chia sẻ lợi ích cũng như rủi ro của “4 nhà”. Có thể nói, lợi ích của mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang hiện nay, Nhà nước được lợi là tăng thêm nguồn thu cho ngân sách, ổn định và phát triển sản xuất, ổn định đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, góp phần tạo thêm việc làm và xóa đói, giảm nghèo cho dân cư nông thôn, lợi ích của nhà nông, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học là lợi ích kinh tế - lợi nhuận thu được dưới hình thức tiền tệ và được xếp theo thứ tự thu lợi nhiều nhất là nhà doanh nghiệp, kế đến là nhà nông và thấp nhất là nhà khoa học, mặc dù vai trò của nhà khoa học rất quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và giảm chi phí sản xuất, chế biến lúa gạo.
Các hình thức tổ chức kinh tế tập thể trong sản xuất nông nghiệp An Giang phát triển chậm. Tổ chức sản xuất nông nghiệp ở tỉnh chủ yếu dưới hình thức hộ cá thể, quy mô diện tích đất canh tác nhỏ và phân tán; đây là một trong những khó khăn cho việc tổ chức mô hình liên kết “4 nhà” và phát huy vai trò của từng nhà, vì vậy, việc ký kết và thực hiện hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa gạo của nông dân còn gặp nhiều khó khăn, nông dân không được bảo vệ quyền lợi khi xảy ra tranh chấp hợp đồng với doanh nghiệp v.v..
Những
vấn đề đặt ra cần tập trung giải quyết
Để khắc phục hạn chế, yếu kém và phát triển, nâng cao chất lượng mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang, trong thời gian tới cần tập trung giải quyết những vấn đề chủ yếu dưới đây:
Một là, phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc đẩy mạnh và thường xuyên tổ chức tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục dưới nhiều hình thức để nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, lợi ích của việc liên kết “4 nhà” cho từng nhà, đặc biệt là cho nhà nông, nhà doanh nghiệp; học tập các mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo đạt hiệu quả hiện có trong tỉnh và một số tỉnh ĐBSCL để áp dụng nhân rộng trong tỉnh.
Hai
là, khẩn trương xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để tổ chức,
hỗ trợ liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo, bao gồm cơ chế,
chính sách xử phạt quy trách nhiệm về lợi ích vật chất, phân chia lợi ích kinh
tế hài hòa giữa các nhà, trong đó, chú trọng đến lợi ích của nhà nông, nhà khoa
học và các chính sách hạn điền, khoa học và công nghệ, tín dụng, khuyến nông,
khuyến công, khuyến thương và chính sách giá cả tiêu thụ và cơ chế, chính sách
hợp đồng sản xuất và tiêu thụ lúa gạo.
Ba là, tuyên truyền, vận động và đẩy mạnh tổ chức các hình thức hợp tác sản xuất tập thể trong nông nghiệp từ thấp đến cao (tổ, đội liên kết sản xuất, câu lạc bộ, hợp tác xã) bảo đảm các nguyên tắc tự nguyện, tự chủ của các nông hộ để tạo điều kiện cho việc triển khai và thực hiện có hiệu quả mô hình liên kết “4 nhà” trong sản xuất và tiêu thụ lúa gạo ở An Giang./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.TS. Nguyễn Văn Sánh: Phân
tích và đánh giá mối quan hệ “4 nhà” và đề xuất các biện pháp cho sản xuất và
tiêu thụ lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long. Báo cáo tổng kết đề tài khoa học và
công nghệ cấp bộ. Cần Thơ. Tháng 3-2011
2. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh An Giang lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010 -
2015. Tháng 2-2011
4. Cục Thống kê An Giang: Niên giám thống kê năm 2000, 2005 và 2010
Quản lý giá vàng - cần cơ chế minh bạch và phương pháp khoa học  (19/09/2011)
Diễn đàn Kinh tế thế giới Đa-vốt lần thứ 5 - cùng cam kết và hành động  (19/09/2011)
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng thăm tỉnh Xi-ha-núc Vin  (19/09/2011)
Thế giới đang đối mặt với nhiều thiên tai  (19/09/2011)
- Tăng cường vai trò của tài chính vi mô cho phát triển “nông nghiệp, nông dân và nông thôn xanh” tại Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
- Một số nội dung chủ yếu trong đường lối, chủ trương của Đảng về công nghiệp hóa, hiện đại hóa liên quan đến chuyển đổi công nghiệp
- Mối quan hệ giữa già hóa dân số và tăng trưởng kinh tế: Kinh nghiệm của Nhật Bản và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam