TCCSĐT - Chiều 16-9, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã có cuộc làm việc với Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng.

Tham dự cuộc làm việc có lãnh đạo một số bộ, ngành; các cục, vụ chuyên trách phòng, chống tham nhũng của các bộ, ban, ngành Trung ương.

Đây là bước chuẩn bị cho cuộc họp của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng sắp được tổ chức tới đây.

Theo Báo cáo của Văn phòng Ban Chỉ đạo: trong thời gian qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến tích cực về cả mặt nhận thức và hành động, trong phòng ngừa và xử lý hành vi tham nhũng. Cụ thể: trên một số lĩnh vực, tham nhũng đã được kiềm chế như: quản lý và sử dụng tài sản công, sử dụng vốn ODA, chi tiêu thường xuyên bằng ngân sách nhà nước, các chương trình mục tiêu quốc gia.

Theo đánh giá, so với nhiều năm trước đây, công tác phòng chống tham nhũng đã có bước tiến triển, tạo ra tiền đề thúc đẩy cho các năm tiếp theo.

Báo cáo cho biết: trong 4 năm (2006-2010), Kiểm toán Nhà nước đã tiến hành 138 cuộc kiểm toán đối với các bộ, cơ quan Trung ương; 140 cuộc đối với các tỉnh, thành phố; 89 cuộc đối với  đầu tư xây dựng cơ bản và chương trình mục tiêu quốc gia; 117 cuộc đối với doanh nghiệp và ngân hàng; 10 cuộc kiểm toán chuyên đề. Qua đó, đã phát hiện, kiến nghị xử lý, tăng thu cho ngân sách nhà nước năm 2006 là 12.667 tỉ đồng, năm 2007 là 15.991 tỉ đồng, năm 2008 là 24.212 tỉ đồng, năm 2009 là 22.709 tỉ đồng, năm 2010 dự kiến tăng thu 1.668 tỉ đồng. Đã kiến nghị sửa đổi 123 văn bản của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương…

Trong 4 năm (2006-2010), Thanh tra Chính phủ đã kết thúc 96 cuộc thanh tra, phát hiện tổng giá trị sai phạm 19.132 tỉ đồng, 7.028.236 USD, 10.272 ha đất đai, xuất toán và loại ra khỏi giá trị quyết toán 1.878 tỉ đồng, kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý 8.089 tỉ đồng, kiến nghị xử lý hành chính 63 tập thể và 59 cá nhân, kiến nghị chuyển cơ quan điều tra 13 vụ việc.

 

10 nhiệm vụ trọng tâm trong công tác phòng, chống tham nhũng nhiệm kỳ 2011-2015

- Tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tham nhũng;

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục;

- Bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về quản lý kinh tế - xã hội;

- Hoàn thiện cơ chế, giải pháp phòng chống tham nhũng;

- Tăng cường tính công khai, minh bạch trong việc xây dựng và thực hiện chính sách, pháp luật;

- Nâng cao vai trò giám sát của Quốc hội, Hội đồng Nhân dân các cấp;

- Phát huy vai trò của xã hội trong phòng chống tham nhũng;

- Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử;

- Tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ban chỉ đạo Trung ương và đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng chống tham nhũng.

 

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, báo cáo cũng chỉ ra những  hạn chế, yếu kém, chưa tạo ra được sự chuyển biến có tính cơ bản trong công tác phòng, chống tham nhũng trong thời gian qua.

Tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng và diễn biến phức tạp trong nhiều lĩnh vực, nhiều ngành, nhiều cấp. Nhiều hạn chế, yếu kém chậm được khắc phục, chưa được ngăn chặn, từng bước đẩy lùi như mục tiêu Nghị quyết Trung ương 3, khóa X đã đề ra, tệ tham nhũng vẫn còn là vấn đề bức xúc và mối quan tâm lớn của Đảng và toàn xã hội.  

Phát biểu, thảo luận cuộc họp, các đại biểu đã đề cập đến những vấn đề cụ thể, nhất là những vấn đề vẫn đang là điểm nóng trong công tác phòng, chống tham nhũng. Đồng chí Phạm Anh Tuấn, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo đã thẳng thắn đề cập đến chất lượng điều tra, truy tố, xét xử nhiều vụ án tham nhũng còn hạn chế, số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp xử lý chậm, để kéo dài, hồ sơ trả lại để điều tra bổ sung quá nhiều lần, một số vụ án cho hoãn xét xử hoặc đình chỉ quá nhiều bị can, có biểu hiện hữu khuynh, nể nang, lạm dụng việc bồi thường, khắc phục hậu quả để xử lý hành chính.

Đồng chí Nguyễn Thế Bình, Vụ trưởng Vụ 3 (Văn phòng Ban Chỉ đạo) cho biết: tỷ lệ án tham nhũng 4 năm tuy đã có xu hướng giảm dần nhưng vẫn phức tạp. Trong khi đó, tình trạng xử lý cho án treo với tội tham nhũng còn nhiều ở các địa phương. Đồng thời kiến nghị, riêng với các đối tượng của vụ án nghiêm trọng không cho bị can, bị cáo tại ngoại vì sẽ gây khó khăn cho công tác điều tra, truy tố, xét xử.

Phát biểu kết luận, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng, nhằm từng bước đẩy lùi thực trạng này, củng cố niềm tin trong nhân dân. Một trong những điểm mà Phó Thủ tướng lưu ý Văn phòng Ban Chỉ đạo là sớm cùng các bộ, ngành tổ chức nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách với cấp có thẩm quyền trong việc kiên quyết bảo vệ người tố cáo tham nhũng và tích cực chống tham nhũng.

Giao nhiệm vụ cho Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương, Phó Thủ tướng nhấn mạnh: với vai trò là cơ quan tham mưu, phối hợp, Văn phòng Ban Chỉ đạo cần chủ động nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị với Thủ tướng, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đối với việc đổi mới, kiện toàn cơ chế hoạt động, phương pháp làm việc, nội dung công tác để hoạt động của Ban Chỉ đạo ngày càng hiệu quả.

Về việc kiện toàn Ban Chỉ đạo tại các địa phương, Phó Thủ tướng cho là cần thiết để đáp ứng yêu cầu hoạt động và tình hình đang đặt ra của từng địa phương. Đây cũng là cơ sở để Văn phòng Ban Chỉ đạo Trung ương từng bước tổng kết mô hình hoạt động của Ban Chỉ đạo các tỉnh, thành.

Bên cạnh đó, cần tổ chức các cuộc làm việc, kiểm tra công tác phòng, chống tham nhũng với các địa phương đang có nhiều bức xúc trên tinh thần khách quan, công tâm, không ngại va chạm. Đồng thời, giữ gìn phẩm chất, bản lĩnh, năng lực của cán bộ cơ quan phòng chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương./.