Khủng hoảng năng lượng toàn cầu và lựa chọn của nhân loại
Vấn đề đặt ra ở đây là, giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay như thế nào để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thế giới mà vẫn đảm bảo các mục tiêu phát triển bền vững. Đặc biệt là bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh lương thực cho hơn 8 tỉ người và giữ gìn hoà bình thế giới, vốn rất mong manh.
Nguyên nhân và hậu quả
Trong mấy năm gần đây, các nhà khoa học hàng đầu của Mỹ, Nga, Trung Quốc, Ấn Độ… đã đưa ra lời cảnh báo về một cuộc khoảng hoảng năng lượng trong thế kỷ XXI. Phân tích về nguyên nhân dẫn đến cuộc khủng hoảng này, các nhà khoa học cho rằng chủ yếu do nguồn dầu lửa, khí đốt, than đá đã cạn kiệt, nhu cầu sử dụng năng lượng ngày càng cao do nhiều quốc gia đang đẩy mạnh công nghiệp hoá trong khi chưa có nguồn năng lượng chủ đạo mới thay thế dầu lửa; bất ổn về an ninh ở các vùng chiến lược về năng lượng của thế giới (chủ yếu do chính sách chính trị cường quyền của Mỹ) và thế giới còn bất đồng quan điểm về các giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng.
Dầu lửa và nhiên liệu hoá thạch đang cạn kiệt. Các số liệu tìm kiếm, thăm dò và nhận định về trữ lượng dầu toàn cầu của Văn phòng Tổ chức kiểm soát năng lượng Anh (EWG) tại Đức cho biết, dưới lòng đất chỉ còn có khoảng 1.255 tỉ thùng, đủ để cho con người sử dụng trong 42 năm tới. Với tốc độ khai thác như hiện nay, trong vòng 30 năm nữa nguồn dầu lửa dưới lòng đất không còn nhiều và 50 - 60 năm nữa sẽ hoàn toàn cạn kiệt. Theo đó, thế giới sẽ chỉ sản xuất được 39 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2030 so với con số 81 triệu thùng/ngày như hiện nay. Trong khi đó, theo Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA), nhu cầu dầu lửa thế giới sẽ tăng đến 116 triệu thùng/ ngày vào năm 2030 so với 86 triệu thùng/ngày như hiện nay. Tức là vào thời điểm đó, thế giới chỉ được cung cấp chưa đến 1/3 nhu cầu dầu lửa. Than đá và khí đốt cũng ở tình trạng tương tự. Theo ước tính của các chuyên gia, trữ lượng than đá và khí đốt tự nhiên chỉ còn khoảng 909 tỉ tấn và sẽ cạn kiệt trong 155 năm nữa.
Nhu cầu năng lượng ngày càng tăng cao. Trong nhiều năm qua, do sự bùng nổ của công nghiệp hoá ở các nước đang phát triển ở châu Á, châu Phi và Mỹ La-tinh, nhu cầu dầu lửa của thế giới ngày càng tăng một cách nhanh chóng. Các nhà nghiên cứu quốc tế đánh giá, 2/3 lượng tăng nhu cầu năng lượng của thế giới là do nhu cầu của Trung Quốc và Ấn Độ. Phần còn lại là do sự tăng nhu cầu dầu lửa của các nước đang phát triển khác. IEA dự báo, năm 2008 thế giới sẽ cần bổ sung thêm khoảng 2,2 triệu thùng dầu mỗi ngày so với 1,5 triệu thùng trong năm 2007 và nhu cầu này sẽ tăng 2%/ năm cho đến năm 2012. Theo Bộ Năng lượng Mỹ, nhu cầu sử dụng dầu mỏ của thế giới đến 2025 sẽ tăng thêm khoảng 35%.
Được coi là "công xưởng" của thế giới, với số dân 1,3 tỉ người, tốc độ tăng trưởng kinh tế tăng trên 10% trong vòng hơn 10 năm qua, Trung Quốc vượt qua Nhật Bản và đứng sau Mỹ về mức độ tiêu thụ dầu lửa với số lượng nhập khẩu khoảng 6,8 triệu thùng/ngày (tăng 15% mỗi năm). Khu vực Đông Nam Á, tuy có trữ lượng nhiên liệu hoá thạch khá dồi dào với 22 tỉ thùng dầu, 227.000 tỉ feet khối khí đốt tự nhiên, 46 tấn than đá, 234 gigawatts thuỷ điện và 20 gigawattts địa nhiệt điện, nhưng do các nước thành viên ASEAN đang đẩy mạnh công nghiệp hoá nên vẫn thiếu năng lượng trầm trọng. Các nước phát triển vẫn là các nước tiêu thụ năng lượng nhiều nhất, đặc biệt là Nhật Bản và Mỹ. Mỹ vẫn tiếp tục dẫn đầu thế giới với mức tiêu thụ khoảng 21 triệu thùng/ngày (chiếm gần ¼ lượng tiêu thụ dầu của thế giới) và con số sẽ tăng lên khoảng 44% trong 20 năm tới đây, bằng cả mức tiêu thụ của ba nước đang có tốc độ tăng trưởng nhanh là Trung Quốc, Ấn Độ và Hàn Quốc cộng lại. Ngoài ra, thế giới còn có trên 800 triệu xe ô tô, mỗi ngày tiêu thụ 10 triệu tấn xăng dầu, bằng nửa sản lượng khai thác mỗi ngày.
Tất cả những điều này đã làm cho giá dầu "lập" hết kỷ lục này đến kỷ lục khác. Tính đến ngày 10-4-2008, giá dầu thô thế giới đã vượt ngưỡng 112 USD/thùng. Mỹ và các nước tư bản phát triển đổ lỗi cho sự bất hợp tác của Tổ chức các nước sản xuất dầu lửa (OPEC) không chịu tăng sản lượng khai thác. Các nước thành viên OPEC lại cho rằng, giá dầu thế giới tăng cao là do đồng USD sụt giá, kinh tế Mỹ suy yếu và do bất ổn an ninh ở các "điểm nóng".
Bất ổn về an ninh ở các khu vực chiến lược về năng lượng của thế giới. Từ trước đến nay, các khu vực trọng điểm chiến lược về dầu lửa của thế giới luôn là mục tiêu của các nước có tham vọng khu vực và toàn cầu. Đó là các khu vực Trung Đông, Trung Á, Mỹ La-tinh, châu Phi và các đại dương. Trong Chiến tranh Lạnh, các khu vực này đã là các khu vực tranh chấp của các quốc gia thù địch trong thế đối đầu Xô- Mỹ. Sau Chiến tranh Lạnh, trật tự hai cực tan vỡ, với mộng bá chủ thế giới và mưu toan thiết lập trật tự đơn cực, và để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về năng lượng của nền kinh tế số một thế giới, Mỹ đã triển khai các chiến lược toàn cầu, xúc tiến kế hoạch xâm chiếm những vùng giàu tiềm năng về dầu mỏ. Ngay từ năm 1980, học thuyết J. Ca-tơ đã “coi mọi hành động của bất cứ thế lực nào nằm bên ngoài nước Mỹ nhằm giành quyền kiểm soát vùng Vịnh đều được coi là hành động tấn công vào quyền lợi của nước Mỹ và buộc phải ngăn chặn bằng mọi biện pháp, kể cả dùng vũ lực”. Vì vậy, nước Mỹ đã tìm mọi cách để nắm nguồn năng lượng sống còn tại vùng Vịnh và các vùng chiến lược khác. Không có gì ngạc nhiên khi trong chiến dịch tấn công I-rắc năm 1991, nước Mỹ đã phải tiêu tốn khoảng 7 tỉ USD để “giải phóng Cô-oét”. Viện cớ chống khủng bố, Mỹ đã phát động cuộc chiến tranh xâm lược Áp-ga-ni-xtan và I-rắc và chiếm đóng hai nước này. Tuy nhiên, Mỹ không đạt được các mục tiêu như dự tính ban đầu. Không những không ổn định được tình hình an ninh, không tiêu diệt được lực lượng Ta-li-ban và tổ chức khủng bố An Kê-đa, mà các mục tiêu về năng lượng cũng không đạt được. Mỹ đang sa lầy ở I-rắc và Áp-ga-ni-xtan. Sau 5 năm bị Mỹ chiếm đóng, sản lượng dầu lửa hiện nay của I-rắc chỉ đạt 1,95 triệu thùng/ngày, thấp nhiều hơn so với con số 6 triệu thùng/ngày trước đây.
Đồng thời, những mâu thuẫn dân tộc, tôn giáo bị dồn nén trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh lại bùng lên dữ dội làm nảy sinh các cuộc xung đột vũ trang và chiến tranh cục bộ, hình thành các điểm nóng của thế giới. Rất tiếc rằng, những bất ổn chính trị và xung đột vũ trang lại chủ yếu xảy ra ở các vùng giàu tiềm năng về năng lượng, đặc biệt là dầu lửa. Tại Ả-rập Xê-út, quốc gia chiếm 25% trữ lượng dầu thế giới với những nhà máy lọc dầu và hệ thống kho chứa khổng lồ từng là mục tiêu tấn công của các tổ chức khủng bố quốc tế. Dự tính, chỉ cần một vài nhà máy lọc dầu trọng yếu của Ả-rập Xê-út bị tấn công thì kinh tế toàn cầu sẽ đình trệ ngay lập tức và rơi vào khủng hoảng. Tại Ni-giê-ri-a, từ năm 2005 đến nay, các nhóm vũ trang chống đối chính phủ đã tấn công hàng loạt nhà máy khai thác, lọc dầu của Mỹ, Anh, bắt cóc nhiều nhân viên kỹ thuật và đòi những khoản tiền chuộc lên tới hàng tỉ USD. Những bất ổn chính trị tại một số nước Mỹ La-tinh, Trung Á, vùng Ca-xpi… cũng góp phần làm giảm nguồn cung cấp dầu lửa thế giới. Xung đột lợi ích của các công ty dầu lửa Mỹ với Chính phủ của Tổng thống Vê-nê-du-ê-la Hu-gô Cha-vét là một ví dụ điển hình.
Giải pháp nào để giải quyết cuộc khủng hoảng?
Trước tác động sâu sắc của cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu, nhiều quốc gia và các tổ chức liên kết khu vực đã tích cực nghiên cứu, triển khai các giải pháp xử lý cuộc khủng hoảng. Các nhà phân tích cho rằng, các giải pháp gây áp lực buộc OPEC phải tăng sản lượng khai thác dầu để hạ giá dầu chỉ là biện pháp trước mắt chứ không phải là giải pháp gốc. Vì vậy, tất cả các quốc gia đều đi tìm nguồn năng lượng mới, kêu gọi tiết kiệm trong sử dụng xăng dầu, khí đốt, than, điện và giải quyết xung đột ở các điểm nóng.. Tuy nhiên, mỗi giải pháp đều có những hạn chế của nó và cần có thời gian cũng như tiền bạc.
Một là, giải pháp đa dạng hoá các nguồn cung cấp năng lượng. Thế giới đã và đang tập trung phát triển năng lượng hạt nhân, năng lượng tái sinh và năng lượng sinh học. Tuy nhiên, mỗi một dạng năng lượng này đều có những nhược điểm, thậm chí là rất lớn. Về năng lượng hạt nhân, đến nay đã có 32 quốc gia và vùng lãnh thổ (dân số gần 4 tỉ người) có nhà máy điện hạt nhân với 441 tổ máy, công suất đạt 367.197 MW, cung cấp 16,4% sản lượng điện toàn cầu. Theo ước tính của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), tổng thời gian vận hành tích luỹ của các tổ máy điện hạt nhân trên thế giới đạt tới 12.000 năm. Ở nhiều nước, năng lượng điện nguyên tử giữ vai trò chủ chốt trong chiến lược an ninh năng lượng. Ở Pháp, điện nguyên tử cung cấp 80% tổng nhu cầu điện năng quốc gia; ở Hàn Quốc con số này là 46% (tính đến 2005); Nhật Bản và Mỹ: 25%, Nga: 16%… Tuy nhiên, năng lượng hạt nhân có nhược điểm là thiếu sự an toàn (đã xảy ra sự cố xảy ra ở Mỹ, Nga, Nhật Bản), nguy cơ bị chủ nghĩa khủng bố quốc tế đánh cắp, bị lợi dụng sản xuất vũ khí hạt nhân, và không phải quốc gia nào cũng có đủ tài chính và công nghệ để xây dựng và vận hành nhà máy điện nguyên tử.
Hai là, năng lượng tái sinh cũng được các quốc gia hướng tới. Hiện có ít nhất 45 quốc gia đang sử dụng loại năng lượng này, 60 nước có chương trình quốc gia phát triển năng lượng tái sinh, 19 nước khuyến khích sử dụng năng lượng mặt trời để thắp sáng và sưởi ấm. Theo ước tính, đến năm 2010, các nước muốn thoát khỏi tình trạng phụ thuộc vào nguyên liệu hoá thạch sẽ nhận được 30% sản lượng điện từ năng lượng tái sinh. Ở một số nước, tỷ lệ này sẽ cao hơn tỷ lệ trung bình của thế giới như Áo (từ 75-80%), Thụy Điển (dự kiến 60%), Lát-vi-a (49%)… Tuy nhiên, năng lược tái sinh có khá nhiều nhược điểm. Ví dụ, nguồn nước trên thế giới ngày một khan hiếm nên không thể phát triển thuỷ điện, các công trình thuỷ điện lớn có thể gây ra những biến đổi về địa chất, gây ra những thảm họa thiên tai khó lường (đập Tam Hiệp của Trung Quốc là một ví dụ điển hình); năng lượng gió và năng lượng mặt trời lại bị phụ thuộc khá nhiều vào điều kiện thời tiết và chế độ gió, số giờ nắng vốn hết sức thất thường, không phải ở đâu cũng sản xuất được điện từ gió và nắng.
Ba là, phát triển năng lượng sinh học như sản xuất ê-ta-nôn, dầu diezen từ dầu cọ và lương thực. Năng lượng sinh học được xem như một loại “năng lượng xanh” bởi nó ít thải ra khí các-bon-níc gây hiệu ứng nhà kính, hủy hoại môi trường. Tuy nhiên, giải pháp này đang bị các nhà khoa học, bảo vệ môi trường phản đối. Sản xuất diêzen sinh học sẽ cướp đi một diện tích đất canh tác (hiện nay là 14 triệu ha, chiếm 1%, và sẽ là 3,5% vào năm 2030 diện tích đất canh tác của thế giới, bằng cả diện tích Pháp và Tây Ban Nha cộng lại) sẽ làm làm giảm sản lượng lương thực, trong khi thế giới đang đối mặt với khủng hoảng lương thực. Không thể chấp nhận được tình trạng, trong khi hàng tỉ người trên hành tinh đang ở tình trạng thiếu đói thì hàng triệu tấn lương thực lại được dùng để làm nhiên liệu. Hơn thế nữa, việc phá rừng để trồng cây nguyên liệu (chủ yếu là cọ) sẽ gây ra những hậu quả khủng khiếp về môi trường. Vấn đề phá rừng, trồng cọ ở đảo Bô-rơ-nê-ô (In-đô-nê-xi-a) là một ví dụ điển hình. Việc phá hàng ngàn héc-ta rừng trồng cọ ở đây đã làm thay đổi lưu vực sông, phá hoại môi trường sống của các loài động vật, tạo ra những đợt khói dày đặc kéo dài hàng tháng, lan toả hàng trăm km, bao phủ cả Đông Nam Á. Một nghiên cứu được đưa ra trước hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu đã xếp In-đô-nê-xi-a là nước có lượng khí thải các-bon-níc nhiều thứ ba thế giới, chỉ sau Mỹ và Trung Quốc. Chính vì vậy mà vào tháng 10 năm 2006, Ủy ban Nghị viện châu Âu kiến nghị Liên minh châu Âu (EU) cấm tất cả nhiên liệu sinh học làm từ dầu cọ. Các nhà hoạt động bảo vệ môi trường quốc tế đã ngăn chặn được một dự án trồng cây cọ làm nguyên liệu sản xuất dầu diêzen sinh học lớn nhất thế giới tại In-đô-nê-xi-a trị giá 8 tỉ USD.
Ngoài ra, tiết kiệm năng lượng cũng là một giải pháp được các gia ưu tiên, điển hình là ở Nhật Bản. Tuy tiết kiệm là một ưu tiên hàng đầu, nhưng nó không thể làm giảm được nhu cầu sử dụng năng lượng ngày một tăng của thế giới. Người ta vẫn phải tìm ra loại năng lượng khác để thay thế dầu lửa, than đá, khí đốt mà không gây ra những hậu quả về môi trường và an ninh. Câu trả lời vẫn còn ở phía trước.
Khủng hoảng năng lượng toàn cầu và lựa chọn của nhân loại  (14/04/2008)
Đẩy mạnh phong trào sáng tạo trẻ hiện nay  (14/04/2008)
Công tác đối ngoại biên phòng sau khi Việt Nam gia nhập tổ chức thương mại thế giới  (14/04/2008)
Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên ở cơ sở  (14/04/2008)
Bầu cử Mỹ: Bà Hillary Clinton dẫn trước ông Obama tại bang Pensylvania  (13/04/2008)
Chính trường Italy trước cuộc bầu cử Quốc hội  (13/04/2008)
- Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm an ninh kinh tế, góp phần bảo đảm an ninh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế
- Hoàn thiện pháp luật về tổ chức, hoạt động của chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả ở Việt Nam
- Vai trò của các quốc gia tầm trung trong hệ thống quốc tế và gợi mở cho Việt Nam trong mục tiêu khẳng định vị thế quốc gia trong bối cảnh mới
- Đắk Nông: “Điểm sáng” trong phát triển du lịch thời kỳ hội nhập quốc tế
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên