Đẩy mạnh phong trào sáng tạo trẻ hiện nay

Đặng Cảnh Khanh
15:29, ngày 14-04-2008

Với những đặc trưng về thể chất và sức mạnh, với vị thế và vai trò quan trọng của mình trong cơ cấu nhân khẩu xã hội, thanh niên bao giờ cũng đứng ở trung tâm của những hoạt động lao động sáng tạo. Phát huy được sức mạnh sáng tạo ở thanh niên sẽ là cơ sở và nguồn cảm hứng để tạo ra động lực chung cho sức sáng tạo của toàn bộ xã hội.

Sáng tạo là bản chất và đặc trưng của tuổi trẻ

Trong xã hội nào cũng vậy, người ta luôn luôn cảm nhận được sự phản ứng của những người lớn tuổi về rất nhiều hoạt động của giới trẻ mà họ không hài lòng. Đó có thể là một hoạt động vượt qua các rào cản, một sự phá bỏ các chuẩn mực, một sự được coi là "quậy phá", vốn luôn tạo ra những phản ứng khác nhau của các tầng lớp xã hội. Xã hội không phải đã không nhiều lúc, nhiều khi coi thanh niên là "ngựa bất kham", là "trứng khôn hơn vịt", là "coi trời bằng vung"

Trong rất nhiều các hoạt động "vượt rào" của giới trẻ, có thể có nhiều hoạt động dẫn đến những sai phạm, thậm chí sai phạm rất đáng trách, nhưng bao giờ nó cũng có một đặc trưng chung, đặc trưng mà rất cần tới suy xét và đánh giá một cách khách quan, nghiêm túc và khoa học - đó là sự hướng tới những cái mới, hướng tới sự sáng tạo.

Các nhà nghiên cứu xã hội học thanh niên đã không ngần ngại coi sáng tạo là một đặc trưng trong các hoạt động của thanh thiếu niên với hai lý do. Thứ nhất, nguồn sinh lực dồi dào trong cơ bắp và trí tuệ của tuổi trẻ khiến họ ý thức được rõ ràng hơn các thế hệ khác khả năng và sức mạnh của chính mình trước các giới hạn của tự nhiên và xã hội. Với tương lai đang mở ra ở phía trước và bầu nhiệt huyết căng đầy trong cơ thể, giới trẻ thường không thỏa mãn với những gì mà xã hội đã bày đặt sẵn cho họ. Họ luôn muốn vượt qua tất cả và không có cảm giác ngần ngại trước khó khăn. Thái độ "coi trời bằng vung" vừa là ảo giác vừa là hiện thực trong cảm nhận của giới trẻ đối với hiện thực xã hội. Nó vừa hạn chế nhưng lại vừa là động lực, giúp họ sáng tạo, vượt qua các giới hạn. Bác Hồ, quả thực đã hết sức thấu hiểu về sự sáng tạo của giới trẻ khi dạy rằng đối với thanh niên thì: "không có việc gì khó, chỉ sợ lòng không bền, đào núi và lấp biển quyết chí ắt làm nên"...

Thứ hai, những người trẻ tuổi không có quá nhiều kinh nghiệm đối với cuộc đời để những kinh nghiệm này khiến họ phải đắn đo, cân nhắc khi đứng trước các rào cản. Thực tế đã chứng minh rằng, kinh nghiệm có thể giúp con người tránh được những thất bại trong cuộc đời nhưng cũng có thể khiến họ trở nên bảo thủ, trì trệ. Tuổi trẻ thì ít khi như vậy. Sự non yếu về kinh nghiệm trong hoạt động thực tiễn có thể khiến họ dễ vấp ngã nhưng cũng lại khiến họ dễ đứng dậy, có thể khiến họ vội vàng và hấp tấp, nhưng cũng lại khiến họ mạnh dạn và táo bạo. Dám nghĩ, dám làm chỉ có thể tồn tại ở những người không quá câu nệ vào kinh nghiệm.

Chính đặc trưng về sự sáng tạo trong hoạt động sống của thanh niên đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến những xung đột thế hệ. Nó là biểu hiện của mối quan hệ ngược chiều nhau giữa những tập tục thói quen dựa vào kinh nghiệm của những người lớn tuổi với phong cách năng động sáng tạo trong lối sống của những người trẻ tuổi.

Chúng ta đều biết, sáng tạo và sai lầm vốn là đối nghịch nhau nhưng lại luôn gần gũi và đồng hành với nhau. Những người muốn vượt qua cái cũ để đến với cái mới là những người luôn phải đối diện với thử thách, với sự thất bại, sai lầm. Chính vì vậy mà để đạt tới sự sáng tạo, người ta bao giờ cũng phải ở vào tình huống đối mặt với sự sai lầm và thất bại. Do vậy, trong thực tế không phải người nào cũng ưa thích sự năng động, ủng hộ cách làm việc có tính sáng tạo.

Tuy nhiên, những người muốn duy trì các thói quen cũ, những cách làm đã trở thành thông dụng, mặc dù chắc chắn sẽ ít gặp sai lầm hơn, nhưng lại dễ rơi vào tình trạng bảo thủ, khuôn cứng, không thể có được cái mới, cái phát triển, cái đột biến. Một xã hội chỉ dựa trên những kinh nghiệm của quá khứ, học hỏi quá khứ đơn thuần theo kiểu "vật bất cổ bất linh, nhân bất cổ bất danh" (không phải là vật xưa thì không thể linh thiêng, không phải là những người thời xưa thì không thể có danh tài), xã hội đó sẽ khó có thể chấp nhận cải cách và phát triển.

Bởi vậy, kết hợp một cách khoa học giữa kinh nghiệm với sáng tạo luôn là một phương thức đúng đắn cho sự vận hành của một xã hội phát triển. Việc xử lý một cách đúng đắn mối quan hệ này là vô cùng cần thiết để phát huy được cả ưu thế của những kinh nghiệm truyền thống vốn tạo ra sự ổn định của xã hội với những hoạt động sáng tạo mang tính thời đại với tư cách là tác nhân của sự phát triển. Sự thống nhất biện chứng giữa kinh nghiệm với sáng tạo biểu hiện ở chỗ, kinh nghiệm luôn là cơ sở, là tiền đề vững chắc cho sự sáng tạo. Và ngược lại, sáng tạo sẽ là nguồn bổ sung kiến thức cho kinh nghiệm, giúp cho những kinh nghiệm ngày càng phong phú và vững chắc hơn.

Những nhân tố tác động tới các hoạt động sáng tạo ở tuổi trẻ

Sáng tạo là đặc trưng quan trọng trong hoạt động sống của tuổi trẻ, nhưng không phải hoạt động nào của họ cũng có thể mang ý nghĩa của sự sáng tạo. Sự xuất hiện của hành vi đua xe máy trong những năm gần đây ở một vài nhóm thanh niên, mặc dù mang tính thời sự nhưng chỉ có ý nghĩa của sự sai lệch chứ không phải là sáng tạo. Nó gây nên sự lo lắng cho mọi tầng lớp nhân dân hơn là giúp họ hướng tới cái mới mẻ. Việc tiếp nhận nhiều hành vi ứng xử và nếp sống phương Tây trong nhiều trường hợp có thể gây "shok" cho xã hội nhưng chưa hẳn tất cả đã là sáng tạo.

Vậy để tránh các hành vi sai lệch và hướng tới các hành vi sáng tạo, cần phải làm gì. Chúng tôi xin nêu lên một số nguyên tắc có tính phương pháp luận đối với việc xây dựng những điều kiện khách quan, phát huy những nhân tố chủ quan cho hoạt động sáng tạo của thanh niên.

Về những điều kiện khách quan: Muốn có các hoạt động lao động sáng tạo cần có những điều kiện khách quan nhất định. Trước hết là những điều kiện vật chất cần thiết cho sự sáng tạo.

Muốn có được bữa cơm ngon, phải có ít nhất là thực phẩm tốt, bếp núc, củi lửa đầy đủ. Muốn có được những hoạt động lao động sáng tạo trong nông nghiệp cũng cần đến những yếu tố cơ bản về ruộng đất, cây giống, thủy lợi. Để có được sự sáng tạo trong sản xuất công nghiệp, không thể không đề cập đến những nhân tố về kỹ thuật, công nghệ. Điều kiện vật chất càng thuận lợi thì khả năng sáng tạo của con người càng cao. Bởi vậy, muốn có được một phong trào lao động sáng tạo mạnh mẽ thì việc quan tâm đầu tư, xây dựng những cơ sở vật chất cho các hoạt động này là không thể thiếu được.

Về phương diện này, việc phát triển sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vừa là mục tiêu hướng tới của các hoạt động lao động sáng tạo, vừa đồng thời là việc xây dựng những điều kiện vật chất cần thiết cho các hoạt động lao động sáng tạo. Chính công nghiệp hóa và hiện đại hóa đã vừa tạo ra nguồn lực vật chất làm nảy sinh những ý tưởng sáng tạo vừa là cơ sở thực tiễn để đưa những ý tưởng sáng tạo này vào cuộc sống.

Hoạt động lao động sáng tạo cũng phụ thuộc vào môi trường lao động sản xuất của chính thanh niên. Một đơn vị sản xuất làm ăn thuận lợi, thu nhập cao, mọi người lao động đoàn kết, chăm lo đến lợi ích chung sẽ là một môi trường lao động sáng tạo tốt cho người lao động. Ngược lại, một đơn vị làm ăn thất bát, mất đoàn kết nội bộ, không chăm lo đến lợi ích của người lao động, đơn vị ấy không thể là môi trường tốt cho sự lao động sáng tạo.

Hoạt động lao động sáng tạo cũng có liên quan đến các mối quan hệ xã hội trong lao động. Chúng ta đều biết rằng sáng tạo không chỉ là hoạt động của cá nhân mà còn là của tập thể. Một cá nhân chỉ có thể có những sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, những phát minh trên cơ sở cá nhân đó biết vận dụng và kế thừa những kiến thức chung của cả tập thể. Môi trường tập thể sáng tạo sẽ là "đất lành" làm xuất hiện nhiều cá nhân sáng tạo. Bởi vậy, nếu chúng ta tạo được những tập thể có ý thức đoàn kết tốt, có tinh thần lao động sáng tạo cao, chúng ta cũng sẽ tạo được những cơ sở xã hội tốt cho tinh thần lao động sáng tạo của mỗi cá nhân. Mặt khác, người hoạt động sáng tạo cũng cần đến sự giúp đỡ, ủng hộ của anh em, bè bạn, gia đình, các cấp chính quyền, đoàn thể, cộng đồng.

Về những nhân tố chủ quan: Hoạt động lao động sáng tạo của một con người cũng không chỉ phụ thuộc vào những điều kiện khách quan bên ngoài mà còn vào chính bản thân họ. Đó là những điều kiện về thể chất, sức khỏe, sự thông minh nhanh nhạy, quan niệm và ý thức về sự sáng tạo và chính khả năng về tri thức, học vấn của người ấy.

Để có thể lao động một cách sáng tạo, người lao động cần phải khỏe mạnh cả về thể lực và trí lực. Không thể có lao động sáng tạo tốt nếu người lao động nay ốm mai đau, hoặc bị bệnh tinh thần, nghiện ngập, chơi bời. Vì vậy, chăm lo đến sức khỏe của người lao động, tạo cho họ có một cuộc sống luôn trong sáng, lành mạnh bao giờ cũng là nhân tố quan trọng để họ lao động, sáng tạo. Thực tế đã cho thấy, nơi nào mà chính quyền, đoàn thể luôn chăm lo đến đời sống, sức khỏe, nghỉ ngơi, thể dục - thể thao cho người lao động thì nơi ấy, các hoạt động lao động sáng tạo cũng phát triển mạnh mẽ. Bởi vậy, không phải ngẫu nhiên mà các công ty và tập đoàn lớn trên thế giới đều rất quan tâm đến những hoạt động nâng cao đời sống tinh thần cho cán bộ công nhân viên của họ. Bên cạnh những hoạt động sản xuất của người công nhân, các nhà quản lý bao giờ cũng chú ý đến những hoạt động vui chơi, giải trí, văn hóa, thể thao, du lịch...

Hoạt động sáng tạo về bản chất là hoạt động của tri thức và trí tuệ. Bởi vậy, khả năng sáng tạo sẽ bị hạn chế rất nhiều, thậm chí sẽ không thể có lao động sáng tạo đối với những người kém hiểu biết, có trình độ văn hóa, chuyên môn thấp. Trong thời đại của cuộc cách mạng công nghệ và thông tin, thời đại của nền kinh tế tri thức, khả năng sáng tạo của con người phụ thuộc rất nhiều vào trình độ học vấn của người ấy. Về phương diện này, có thể coi việc không ngừng nâng cao trình độ văn hóa, chuyên môn, kỹ thuật là yếu tố quan trọng giúp người lao động phát huy tiềm năng sáng tạo của mình.

Cần phải tạo điều kiện tốt nhất để người lao động không chỉ làm việc với năng suất và chất lượng cao mà còn phải học tập, bổ sung và tăng cường kiến thức. Phải mở rộng nhiều nội dung và hình thức học tập, đa dạng hóa các phương thức đào tạo phù hợp với từng đối tượng lao động cụ thể. Kiến thức và học vấn vừa là điều kiện để nâng cao tiềm năng hoạt động lại vừa là nguồn cảm hứng sáng tạo cho người lao động. Nó giúp người lao động vượt qua được những cung cách và nhịp độ lao động nhàm chán hằng ngày để cải tiến kỹ thuật, đổi mới phong cách lao động, phát huy sáng kiến, vừa nâng cao chất lượng lao động vừa nâng cao tầm hiểu biết của chính mình.

Khả năng sáng tạo của con người cũng tùy thuộc vào trạng thái tinh thần, nhận thức và thái độ của người ấy đối với công việc. Không thể có hoạt động sáng tạo nếu người lao động không có ý thức sáng tạo.

Cần phải tạo cho người lao động sự yêu thích về chuyên môn, nghề nghiệp, tìm thấy ở nghề nghiệp niềm vui sáng tạo. Có thể thấy, trên thế giới, các công ty và doanh nghiệp lớn đều rất chú trọng tới việc tạo niềm hưng phấn trong lao động sáng tạo cho người lao động. Họ chú ý xây dựng một môi trường lao động gần gũi, dễ chịu, một chế độ đãi ngộ lao động thỏa đáng, một định hướng các giải pháp khen thưởng, động viên, khuyến khích người lao động gắn bó tự nhiên với công ty, doanh nghiệp. Các giải pháp đồng bộ nói trên là cơ sở để tạo ra tính tích cực trong hoạt động lao động, tâm lý chủ động, sáng tạo của người lao động.

Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh với phong trào sáng tạo trẻ

Ở nước ta, phong trào lao động sáng tạo từ lâu đã gắn bó với hoạt động của các cấp chính quyền, đoàn thể, trong đó có Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tại các nhà máy, xí nghiệp, doanh nghiệp. Hoạt động của Đoàn là nhân tố quan trọng góp phần tạo ra một môi trường thuận lợi, giáo dục ý thức chủ động, xung kích trong lao động sáng tạo của thanh niên công nhân, viên chức.

Để đẩy mạnh phong trào sáng tạo trẻ trong thanh niên công nhân, viên chức, theo chúng tôi, Đoàn Thanh niên các cấp cần phải tập trung vào các hoạt động sau:

1 - Tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức sáng tạo trong thanh niên. Cần phải tạo cho thanh niên công nhân ý thức say mê với công việc, chủ động và tự giác trong hoạt động lao động. Đoàn Thanh niên cần phải phối hợp với các cấp ủy, chính quyền, công đoàn tổ chức các hoạt động thi đua lao động sáng tạo, tổ chức thi tay nghề, khen thưởng động viên kịp thời các hoạt động lao động sáng tạo, phát hiện và học tập những tấm gương tốt trong lao động sáng tạo

2 - Phải đoàn kết tập hợp những thanh niên, công nhân viên chức và người lao động có ý thức lao động sáng tạo, tổ chức các hình thức trao đổi học tập kinh nghiệm giữa những thanh niên có tinh thần dám nghĩ dám làm, xây dựng các mô hình, các câu lạc bộ lao động sáng tạo, biến các hoạt động lao động sáng tạo đơn lẻ của các cá nhân, đơn vị, thành một phong trào lớn, cuốn hút được sự tham gia của đông đảo thanh niên, công nhân, viên chức và người lao động vào phong trào này. Để tạo được phong trào này, Đoàn Thanh niên các cấp cần phải là người chủ động đứng ra tổ chức các hoạt động, kêu gọi các cấp chính quyền, đoàn thể đầu tư về vật chất và tinh thần cho hoạt động, đa dạng hóa nhiều phương thức hoạt động phù hợp với thanh niên và tâm lý lao động sáng tạo của thanh niên.

3 - Tạo điều kiện để thanh niên nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn và tay nghề, giúp họ có đủ khả năng để làm chủ được công nghệ, máy móc thiết bị, làm chủ được kiến thức lý luận và thực tiễn để thực hành sáng tạo trong lao động. Cần phải mở thêm các lớp học đa dạng, phong phú và thiết thực với công việc ngay tại cơ sở để giúp thanh niên nâng cao trình độ văn hóa và chuyên môn. ở đây chúng tôi muốn nhắc đến bài học về công tác đào tạo của Đoàn Thanh niên ở Nhà máy đóng tàu Hạ Long, một trong những đơn vị đã làm rất tốt công tác đào tạo tay nghề cho thanh niên công nhân. Chính sự phối hợp chặt chẽ giữa đoàn thanh niên với ban giám đốc trong việc đầu tư, tổ chức các mô hình hoạt động học tập đã giúp cho nhà máy không chỉ là nơi sản xuất mà còn là một trường học lớn đối với những công nhân trẻ mới vào nghề. Việc tiến hành đồng bộ các hoạt động học tập, đào tạo bồi dưỡng từ rèn luyện tay nghề đến bổ túc văn hóa và đào tạo đại học ngay tại cơ sở đã giúp cho nhà máy có được một đội ngũ công nhân lành nghề, thường xuyên đáp ứng được nhu cầu đóng mới những con tàu vượt đại dương vào loại lớn nhất trên thế giới.

4 - Tạo dựng một môi trường lao động sáng tạo thuận lợi cho thanh niên công nhân, trong đó có việc xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật và công nghệ mới, mở rộng các hình thức lao động thực nghiệm về các công nghệ mới, xây dựng các phòng thí nghiệm, các cơ sở nghiên cứu nhỏ, phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện để thanh niên có điều kiện thực thi các hoạt động sáng tạo, biến các ý tưởng sáng tạo từ trong suy nghĩ thành hành động thực tế. Cần phải tạo ra một không khí hoạt động sáng tạo trong đơn vị, tập thể, hỗ trợ, giúp đỡ những người có ý tưởng sáng tạo trong hoạt động lao động. Khuyến khích và đầu tư cho các hoạt động sáng tạo của các cá nhân và tập thể.

Trong môi trường lao động sáng tạo này, Đoàn Thanh niên cần phải phát huy tốt vai trò đầu tàu trung tâm của mình. Thông qua phong trào sáng tạo trẻ, Đoàn Thanh niên không chỉ góp phần tạo dựng nên một thế hệ người lao động mới, chủ động, năng động, sáng tạo trong lao động sản xuất mà còn xây dựng và củng cố tổ chức Đoàn, tạo cho hoạt động của Đoàn ngày càng thiết thực, gắn bó hơn với nhu cầu thực tiễn của thanh niên và phong trào thanh niên.