TCCS - Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu vừa qua đã khiến nền kinh tế của nhiều khu vực rơi vào tình trạng lao đao, dẫn đến khủng hoảng việc làm sâu rộng. Theo nhận định của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), nạn thất nghiệp sẽ tiếp tục tăng cho đến cuối năm 2010 và có thể kéo dài tới 8 năm nữa. Các giải pháp giảm thiểu tỷ lệ thất nghiệp nhằm nỗ lực tái tăng trưởng kinh tế đang là vấn đề ưu tiên của mọi quốc gia.

Khủng hoảng việc làm - vấn nạn toàn cầu

Theo thống kê mới đây của ILO, số người thất nghiệp trên thế giới tăng nhanh, từ 190 triệu (năm 2007) lên đến 239 triệu vào năm 2009. Đây là con số kỷ lục, tương ứng với tỷ lệ thất nghiệp 7,4%, vượt xa con số 6,5% của năm 2003 và là mức cao nhất kể từ năm 1991. Dự báo, thế giới sẽ có thêm từ 20 đến 25 triệu người thất nghiệp trong hai năm tới.

Các ngành chịu tác động nặng nề từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu dẫn tới tỷ lệ thất nghiệp cao như: xây dựng, kinh doanh bất động sản, tài chính, dịch vụ, du lịch... Ngoài ra, còn có ngành nông nghiệp, nhất là khi an ninh lương thực đang là mối quan ngại của nhiều quốc gia trong bối cảnh vốn đầu tư vào nông nghiệp giảm sút, số người thất nghiệp và người nghèo cần cứu trợ lương thực gia tăng.

Hiện nay, giới trẻ đang là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ khủng hoảng việc làm. Số thanh niên mất việc làm trong năm 2009 tăng gần 17 triệu người, khiến tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên tăng từ 12% (năm 2008) lên 15% (năm 2009). Trong 3 tháng đầu năm 2009, đã có thêm 5 triệu thanh niên trong khối EU đăng ký tìm việc làm, tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn tồn tại một vấn đề nổi cộm là tình trạng bóc lột sức lao động trẻ em phổ biến ở nhiều nước trên thế giới. Hiện có 218 triệu trẻ em phải lao động, trong đó 126 triệu em làm việc trong những điều kiện nguy hiểm, 8,5 triệu em lao động như nô lệ. Nguy cơ thuê trẻ em làm việc bất hợp pháp với giá rẻ vẫn gia tăng.

Tầng lớp lao động nghèo ngày càng rơi vào tình trạng khốn đốn. Theo ILO, sẽ có 40 triệu người sống với mức dưới 1 USD/ngày, khoảng 200 triệu lao động nghèo sẽ gia nhập hàng ngũ những người thu nhập dưới 2 USD/ngày. Số người nghèo cần cứu trợ lương thực gia tăng, có thể lên gần 1 tỉ người. 2/5 dân số châu Phi đang sống trong cảnh nghèo khổ với thu nhập dưới 1USD/ngày. Khoảng cách giàu nghèo từ những năm 90 của thế kỷ XX nay ngày càng giãn rộng.

Không những thế, cuộc khủng hoảng lần này còn giáng cả vào tầng lớp trung lưu. Ngay tại 30 nước được coi là phát triển trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), một nửa số người không có việc làm không nhận được trợ cấp thất nghiệp. Phần lớn các nước đang phát triển không có hình thức trợ cấp này. Trên thế giới, cứ 10 người thất nghiệp thì 8 người không được hưởng một khoản bảo hiểm nào. Trong khi đó, từ năm 2006, theo ILO, thế giới cần tạo 430 triệu việc làm trong thập niên tới để có thể đạt được các mục tiêu thiên niên kỷ vào năm 2015. ILO cho rằng, hiện nay nền kinh tế toàn cầu không tạo đủ số việc làm cần thiết cho người lao động. Rõ ràng là vấn đề thất nghiệp và việc làm đã trở nên vô cùng cấp bách trong giai đoạn này.

Xét về góc độ quốc gia, các nước phát triển chịu tác động nặng nề nhất. Các nước này chiếm khoảng 35% - 40% tổng số người thất nghiệp, trong khi chỉ chiếm 16% tổng số lao động toàn cầu. Theo thống kê của OECD (tháng 6-2009), 30 nước thành viên của khối đã mất 15 triệu việc làm tính từ cuối năm 2007 đến nay. Tỷ lệ thất nghiệp của OECD đã tăng lên 7,8% trong tháng 4-2009, mức cao nhất trong vòng 15 năm qua. Trong vài tháng tới, sẽ có thêm 10 triệu người bị gạt ra khỏi thị trường lao động. Như vậy, tỷ lệ này của OECD sẽ tăng lên 10% vào năm 2010. Ở một số nước như Mỹ, Tây Ban Nha, Ai-len - những quốc gia có tỷ lệ thất nghiệp tăng vọt trong 12 tháng qua - thu nhập của các hộ gia đình mất việc giảm 40%.

Tại châu Âu, tỷ lệ thất nghiệp của khu vực sử dụng đồng ơ-rô là 9,6% trong tháng 9-2009, mức cao nhất từ 10 năm qua với hơn 15,2 triệu người bị mất việc làm. Khu vực EU 27 là 9,1%, tương đương 21,9 triệu người. Dự đoán, con số thất nghiệp ở EU sẽ tăng lên 11,5% vào năm 2010.

Trong số các nước thành viên EU, Tây Ban Nha là quốc gia bị ảnh hưởng nhất từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Tháng 9-2009, tỷ lệ thất nghiệp của nước này là 18,9% - mức cao nhất châu Âu. Hơn 1/3 lực lượng lao động Tây Ban Nha dưới độ tuổi 25 bị thất nghiệp. Giới chuyên gia dự báo, tỷ lệ này sẽ vào khoảng 19% (năm 2009) và 20% trong năm tới. Đứng thứ hai EU là Lát-vi-a với tỷ lệ 18,3% (tháng 9-2009); tiếp đến là Lít-va: 15,5%, Xlô-va-ki-a: 11,1% và E-xtô-ni-a: 11%.

Tình trạng thất nghiệp ở Anh cũng trở nên tồi tệ với tỷ lệ 7,1% và có thể vượt 10% (năm 2009). Đây là tỷ lệ thất nghiệp kỷ lục tính từ năm 1971. Tới giữa tháng 7-2009, tổng số người thất nghiệp của Anh là 2,4 triệu người, mức cao nhất từ năm 1995 đến nay. Dự báo, từ nay tới cuối năm, sẽ có thêm 3 triệu người Anh thất nghiệp. Theo tính toán, tại nhiều khu vực của Anh, phải mất đến 10 năm nữa mới có thể phục hồi số việc làm như trước thời kỳ suy thoái. Như vậy, hơn một nửa số công việc được tạo ra trong 5 năm qua ở Anh sẽ biến mất trong vòng chưa đầy 3 năm tới. Triển vọng thị trường việc làm ở đây còn rất ảm đạm.

Tháng 5-2009, Đan Mạch cho biết kinh tế nước này sẽ suy giảm 2,5% trong năm nay, với tỷ lệ thất nghiệp tăng lên 2,4%; còn Pháp là 9,5% (ước tính tỷ lệ này sẽ là 8,5% vào cuối năm 2009 và vượt qua mức 10% vào đầu năm 2010). Thất nghiệp cũng đang là vấn đề nan giải của Thụy Sĩ. Số người đăng ký thất nghiệp đến cuối tháng 5-2009 của nước này là 135.128 người, tương đương 3,4% lực lượng lao động, cao hơn tới 42% so với cùng kỳ năm trước. Dự báo tỷ lệ thất nghiệp ở đây có thể lên đến 200.000 người vào giữa tháng 3-2010, mức cao nhất kể từ năm 1997.

Thị trường lao động Đức tiếp tục chịu ảnh hưởng của suy thoái kinh tế với tỷ lệ thất nghiệp là 8,3% (tháng 8-2009); Ba Lan đã ở mức 10,8%. Thụy Điển cho biết thất nghiệp của nước này tăng từ 6,4% vào tháng 12-2008, lên 8% trong tháng 9-2009. Nhân tố này làm kinh tế Thụy Điển sẽ suy giảm 4,2% trong năm 2009. Áo có tỷ lệ thất nghiệp là 8,3% (tháng 1-2009) và dự báo có thể lên tới mức kỷ lục 8,8% vào năm 2010. Tỷ lệ thất nghiệp của nước này sẽ không giảm cho tới năm 2013 khi toàn bộ nền kinh tế phục hồi.

Tính đến tháng 4-2009, số người lao động thất nghiệp tại Nga tăng lên 7,7 triệu (tương đương 10,2%). Tình trạng này có thể tiếp tục xấu đi khi hơn 1/3 số công ty Nga có kế hoạch tiếp tục giảm việc làm. Cả năm 2009, số thất nghiệp ở Nga sẽ là 7,8 triệu người, tăng 1,8 triệu người so với dự đoán cách đây một năm.

Khu vực châu Á - Thái Bình Dương có tới 112,2 triệu người bị thất nghiệp. Tại Nhật Bản, trong tháng 7-2009, tỷ lệ thất nghiệp của nước này là 5,7%, với 3,59 triệu người - mức cao nhất trong vòng 6 năm qua. Đây là tháng thứ 8 tỷ lệ thất nghiệp tăng liên tiếp. Trong quý IV-2008 và quý I-2009, 20 tập đoàn hàng đầu Nhật Bản đã cắt giảm 87.000 nhân công.

Dù được đánh giá là một trong không nhiều nền kinh tế vẫn tăng trưởng trong nửa đầu năm 2009, nhưng thị trường lao động Hàn Quốc vẫn rất trì trệ. Trong tháng 2-2009, tỷ lệ thất nghiệp ở Hàn Quốc tăng lên 3,9%; tháng 5-2009, số lao động nước này bị mất việc làm là 219.000 người, mức cao nhất trong hơn một thập niên qua.

Tính đến tháng 9-2009, Trung Quốc đã mất gần 41 triệu việc làm và đang nỗ lực duy trì tỷ lệ thất nghiệp trong năm 2009 dưới mức 4,6%. Mặc dù vậy, đây vẫn là mức cao nhất kể từ năm 1980. Trong khi đó, số dân di cư làm việc tại thành phố của Trung Quốc lên tới hơn 200 triệu người và hàng triệu người đang lũ lượt hồi hương.

Tại Phi-líp-pin, con số này là 7,6% (tháng 7-2009). Thủ đô Ma-ni-la là nơi có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất (12,1%). Chiếm phần lớn đội quân thất nghiệp là nam giới từ 15 - 24 tuổi và mới chỉ tốt nghiệp trung học.

Tháng 8-2009, Ô-xtrây-li-a công bố tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7-2009 vẫn ở mức cao là 5,8%. Dự báo thất nghiệp của Ô-xtrây-li-a có thể lên tới 8,5% vào giữa năm 2011, với gần 1 triệu người.

Ở khu vực châu Mỹ, tỷ lệ thất nghiệp của Ca-na-đa đã tăng lên 8,6% trong tháng 6-2009, mức cao nhất trong 11 năm qua và tăng mạnh so với mức 8% của tháng 4-2009. Theo ILO, số người thất nghiệp ở các nước Trung Mỹ đã lên tới 1,27 triệu người và nửa triệu người khác sẽ gia nhập đội quân này vào cuối năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp của khu vực này hiện là 9% (tăng 3% so với 5 năm trước đây).

Tại châu Phi, tình hình thất nghiệp cũng hết sức căng thẳng. Châu Phi đang phải đối diện với một thách thức sống còn là giải quyết việc làm cho khoảng 200 triệu thanh niên ở độ tuổi từ 15 đến 24, trong khi từ nay đến năm 2045, số thanh niên ở châu lục này còn có thể tăng gấp đôi. Hiện nay, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên châu Phi vào khoảng 50%.

Giải pháp khắc phục khủng hoảng việc làm ở một số nước

Trước nguy cơ thất nghiệp gia tăng làm nảy sinh tình trạng bất ổn xã hội, ILO đã đề nghị chính phủ các nước xúc tiến nhiều giải pháp như: tiếp tục đẩy mạnh các chính sách trợ cấp và bảo hiểm thất nghiệp, tái đào tạo lao động dư thừa, đầu tư vào kết cấu hạ tầng, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ...

OECD yêu cầu các nước "nhanh chóng đánh giá lại, điều chỉnh thị trường lao động cùng các chính sách xã hội nhằm hạn chế mất việc làm dài hạn". OECD nhấn mạnh, tất cả các nước thành viên phải nỗ lực để tránh đối mặt với "một cuộc khủng hoảng lâu dài trong lĩnh vực lao động". Giải quyết thất nghiệp là điều kiện tiên quyết để thoát khỏi khủng hoảng.

Tại châu Á, Nhật Bản là một trong số các quốc gia đã đưa ra giải pháp tạo việc làm ở nông thôn nhằm tạo dựng một thế hệ nông gia mới, giảm tình trạng thất nghiệp ở giới trẻ. Chính phủ Nhật Bản cũng đã hỗ trợ khẩn cấp 1.600 tỉ yên tạo việc làm; hỗ trợ từ 100.000 đến 120.000 yên/tháng cho người tìm việc; 300 tỉ yên khác sẽ được phân bổ cho các chương trình cấp bách về việc làm. Chính phủ Nhật Bản còn trợ giúp các công ty để giảm giờ phụ trội, phân phối lại công việc, tránh sa thải công nhân.

Tạo việc làm mới là một trong những ưu tiên hàng đầu của Hàn Quốc, theo đó, tháng 5-2009, nước này đã triển khai chương trình dịch vụ xã hội, tạo 250.000 việc làm và có tới 70% số người ở độ tuổi trên 50 được hưởng lợi từ chương trình này. Bộ Tài chính Hàn Quốc cho biết sẽ chi thêm 4.900 tỉ uôn nhằm tạo ra 200.000 công việc ổn định, thông qua các chương trình đào tạo, xúc tiến việc làm. Chính phủ sẽ tuyển khoảng 68.000 sinh viên mới tốt nghiệp làm trợ giảng ở các trường học, cũng như làm nhân viên ở các công ty nhà nước. Giống như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ dành 486 tỉ uôn cho chương trình chia sẻ việc làm; 307 tỉ uôn cho chương trình trợ cấp duy trì việc làm ở các công ty tư nhân trong vòng sáu tháng.

Trung Quốc coi bình ổn thị trường việc làm là mục tiêu ưu tiên trong thời gian tới. Chính phủ nước này đã công bố một loạt biện pháp nhằm ngăn chặn thất nghiệp và hỗ trợ những người mất việc làm, đặc biệt là đối với số lao động nông thôn ra thành phố, trong đó có việc cung cấp thông tin về việc làm cho số lao động này, đào tạo bổ sung cho những người về quê tìm việc. Trung Quốc hy vọng chương trình kích thích gần 600 tỉ USD với mức đầu tư lớn vào kết cấu hạ tầng có thể tạo 51,35 triệu việc làm mới.

Chính phủ Thái Lan cam kết thưởng lớn hơn cho nông gia trong khuôn khổ chương trình kích thích kinh tế, đem lại việc làm cho hàng nghìn người thất nghiệp. Chính phủ cũng tăng cường mở cửa cho vay mềm để khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục hoạt động, đồng thời hoàn trả học phí cho những lao động chấp nhận về làm việc ở nông thôn. Thái Lan cũng công bố một kế hoạch đào tạo trị giá 195 triệu USD nhằm hỗ trợ người thất nghiệp. Theo kế hoạch, chính phủ sẽ mở các lớp hướng nghiệp miễn phí kéo dài một tháng cho 240 nghìn người trong năm 2009 và 260 nghìn người trong năm 2010. Trong thời gian học, người thất nghiệp sẽ được cung cấp các kỹ năng cần thiết về công việc, được nhận tiền sinh hoạt và đi lại. Sau khi kết thúc khóa học, những lao động muốn trở về quê tìm việc sẽ được nhận tiền tàu xe cộng với số tiền hỗ trợ 135 USD/tháng trong vòng 3 tháng.

Tháng 9-2009, Ma-lai-xi-a cho biết, hai gói kích thích kinh tế trị giá 19,15 tỉ USD mà chính phủ nước này đưa ra nhằm khắc phục ảnh hưởng của suy thoái kinh tế đã tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập trong nhiều lĩnh vực, đặc biệt ở các vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, nước này đã chi 1 tỉ ring-gít để đầu tư phát triển nguồn nhân lực, nhằm bảo đảm sự cạnh tranh và tăng cường kỹ năng của lực lượng lao động. Trước đó, tháng 3-2009, Ma-lai-xi-a đã chi 48 triệu ring-gít cho kế hoạch tuyển dụng 1.000 sinh viên tốt nghiệp trong năm làm giáo viên hợp đồng. Trong tháng 6-2009, chính phủ nước này đã thực hiện chương trình thực tập việc làm trị giá 72 triệu ring-gít cho 3.000 sinh viên tốt nghiệp ngành công nghệ thông tin đang thất nghiệp.

Phi-líp-pin đã có một “kế sách” độc đáo, theo đó, 180 nghìn người thất nghiệp tại quốc gia này sẽ được chính phủ trả công để trồng cây phủ xanh đất nước. Chương trình trị giá 148 triệu USD này là một phần trong nỗ lực của chính phủ nhằm hỗ trợ số người thất nghiệp ngày càng tăng ở Phi-líp-pin do khủng hoảng kinh tế.

Ở một số khu vực khác, chính phủ các nước cũng nỗ lực trong giải pháp tìm kiếm việc làm. Như tại châu Âu, Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất chi ngân sách 19 tỉ ơ-rô từ Quỹ Xã hội châu Âu trong năm 2009 và 2010 nhằm tạo việc làm mới và nâng cao kỹ năng lao động...

Chính phủ Anh đã chính thức khởi động chương trình 1 tỉ bảng Anh vào tháng 7-2009 để giúp tạo việc làm cho thanh niên, bảo đảm “không để cả một thế hệ tài năng” không có việc làm do suy thoái kinh tế gây ra. Quỹ tạo việc làm này nhằm vào đối tượng từ 18 đến 24 tuổi bị thất nghiệp từ 12 tháng trở lên, với mục đích tạo ra khoảng 50.000 việc làm trong các lĩnh vực chăm sóc xã hội, giáo dục, du lịch và thể thao. Anh cũng đã đưa ra một số chính sách mới để giúp những lao động trẻ, ngăn chặn nguy cơ thất nghiệp dài hạn. Từ tháng 4-2009, các chủ doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ 1.000 bảng Anh nếu tiếp nhận những lao động đã thất nghiệp 6 tháng quay trở lại làm việc. Từ tháng 1-2010, tất cả những lao động trẻ thất nghiệp hơn 1 năm sẽ được bảo đảm có việc làm hoặc được đào tạo hướng nghiệp.

Tại Pháp, chính phủ đã công bố kế hoạch phục hồi kinh tế trị giá 26 tỉ ơ-rô, trong đó có các gói hỗ trợ đầu tư, tạo công ăn việc làm. Tổng thống Pháp N. Xác-cô-di cho biết: tăng cường đầu tư và tạo công ăn việc làm mới là nền tảng cho sự phát triển bền vững của nền kinh tế. Đối với những lao động trẻ, Pháp thành lập các trung tâm hỗ trợ việc làm, với gói trợ cấp trị giá 500 triệu ơ-rô. Đồng thời, chính phủ khuyến khích người dân tự lập công ty để đối phó với nạn thất nghiệp.

Thụy Điển thông báo cắt giảm thuế thu nhập lên tới 10 tỉ cua-ron để thúc đẩy thị trường việc làm - mục tiêu ưu tiên của nước này. Thụy Điển đã phát động một loạt biện pháp khuyến khích người dân tìm việc, thay vì tiếp tục sống bằng những khoản trợ cấp của chính phủ.

Đức tăng ngân sách cho các khoản phúc lợi dành cho 3,6 triệu người thất nghiệp, đồng thời tăng cường sử dụng lao động tạm thời. Biện pháp này đã giúp thị trường việc làm tại Đức bớt căng thẳng phần nào.

I-ta-li-a đã đưa ra kế hoạch chống suy thoái trị giá 2 tỉ ơ-rô, trong đó 190 triệu ơ-rô sẽ dùng để hỗ trợ thất nghiệp, đào tạo lao động bị mất việc.

Trong số các biện pháp chống thất nghiệp của Nga có việc dạy nghề mới, di dân đến những vùng đang thiếu lao động, tạo công ăn việc làm mới, tích cực hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Chính phủ Ô-xtrây-li-a tiếp tục chi thêm 33 tỉ USD cho gói kích cầu nhằm hỗ trợ 90.000 việc làm trong vòng hai năm. Gói kích cầu bao gồm phát tiền cho dân, giảm thuế cho các công ty nhỏ và xây dựng hàng ngàn nhà ở và trường học mới; đồng thời khích lệ các nhà tuyển dụng lao động giữ nhân công, sẵn sàng cho triển vọng kinh tế phục hồi. Hành động của chính phủ cộng với nỗ lực chung của giới chủ và người lao động đã làm dịu bớt tác động của suy thoái toàn cầu đối với tình hình việc làm ở đây.

Tại Mỹ, việc kiềm chế số người thất nghiệp được coi là nhiệm vụ cấp bách hàng đầu. Tháng 2-2009, Mỹ đã ký ban hành luật tái đầu tư và khôi phục, với trị giá 787 tỉ USD. Gói kích thích này sẽ giúp tạo ra và bảo vệ 3,5 triệu việc làm trong hai năm tới, với 90% việc làm thuộc khu vực tư nhân. Các kế hoạch thúc đẩy kinh tế được công bố bao gồm: 200 hệ thống đường ống nước sinh hoạt và nước thải mới ở các khu vực nông thôn (tạo ra 125.000 việc làm), cùng với các dự án bảo dưỡng và xây dựng 98 sân bay, hơn 1.500 đường cao tốc, 107 công viên quốc gia. Ngoài ra, còn phải kể đến các dự án lớn khác như: mở rộng dịch vụ y tế đối với 300.000 bệnh nhân trên khắp nước Mỹ; tài trợ cho 135.000 việc làm trong ngành giáo dục; nâng cấp 90 trung tâm y tế; duy trì 5.000 việc làm trong lĩnh vực thực thi pháp luật; 1.300 dự án tái định cư và xây dựng tại 359 địa điểm quân sự. Đồng thời, Mỹ đã có kế hoạch cắt giảm ít nhất 736 tỉ USD tiền thuế đối với các gia đình trung lưu và 100 tỉ USD đối với các doanh nghiệp nhỏ trong vòng 10 năm tới./.