TCCSĐT - Ngày 13-1-2010, tại Hà Nội, Ban Bí thư Trung ương tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Dự Hội nghị có các đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo.

Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khoá VIII) đã ban hành Chỉ thị số 30-CT/TW về xây dựng và thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Đây được đánh giá là một bước đổi mới về cả nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng trong quá trình mở rộng và phát huy dân chủ trong thời kỳ mới, là kết quả tất yếu của quá trình Đảng lãnh đạo thực hiện dân chủ và thực sự là bước đột phá quyết định để phát huy dân chủ ở cơ sở.

Ngay sau khi Chỉ thị số 30-CT/TW ra đời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa X) đã ban hành các nghị quyết số 45/1998, số 55/1998 và số 60/1998 giao cho Chính phủ ban hành các nghị định về thực hiện Quy chế Dân chủ ở 3 loại hình cơ sở. Chính phủ cũng đã ban hành: Nghị định số 29/1998NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ ở xã (11-5-1998); Nghị định số 71/1998/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ trong hoạt động của các cơ quan (8-9-1998); Nghị định số 07/1999/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước (13-2-1999). Triển khai Chỉ thị số 30-CT/TW, Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ từ trung ương đến cơ sở đã được thành lập và hoạt động dần đi vào nề nếp. Ở các bộ, ban, ngành, các doanh nghiệp đều thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Trưởng Ban thường là lãnh đạo cao nhất của Đảng hoặc chính quyền tại địa phương.

Qua 10 năm thực hiện, hiệu quả tích cực nhất được đánh giá là ở các cấp cơ sở xã, phường, thị trấn (hầu hết các xã, phường, thị trấn đã xây dựng và ban hành các quy chế, quy định, quy ước nêu rõ hình thức và nội dung thực hiện dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân trong các lĩnh vực hoạt động). Với các cơ quan, đơn vị sự nghiệp, hiệu quả được đánh giá là tương đối tốt; tuy nhiên, một số nơi còn thực hiện có tính chất hình thức (Chỉ thị đã được triển khai gắn với các chương trình cải cách hành chính, cải cách “một cửa”, “một cửa liên thông”, công khai đường dây “nóng”, công khai các khoản thu, chi tài chính, công tác cán bộ, thủ tục hành chính). Riêng với các loại hình doanh nghiệp, mặc dù một số nơi đã xây dựng quy chế thực hiện theo tinh thần Nghị định số 07/1999/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ ở doanh nghiệp nhà nước và Nghị định số 87/2007/NĐ-CP về Quy chế thực hiện dân chủ trong trong công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn, nhưng nhìn chung, việc thực hiện Quy chế Dân chủ còn hạn chế, công tác triển khai còn chung chung, nhất là trong các công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn.

Chỉ thị số 30-CT/TW của Bộ Chính trị ra đời đã đáp ứng kịp thời những đòi hỏi bức xúc của người dân ở cơ sở. Sau 10 năm thực hiện, Chỉ thị đã phát huy hiệu quả trong đời sống xã hội. Trong đó có các kết quả quan trọng sau:

Thứ nhất, qua việc thực hiện Quy chế, nhận thức, trách nhiệm thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa đã từng bước được nâng cao. Dân chủ trực tiếp được phát huy, được nhân dân đồng tình tham gia và thực hiện có hiệu quả, ý thức chấp hành pháp luật, tinh thần đoàn kết, trách nhiệm của người đứng đầu, của mỗi cán bộ, công chức trong cơ quan, đơn vị được thể hiện rõ nét hơn.

Thứ hai, thực hiện Quy chế đã thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, giữ vững an ninh, trật tự ở cơ sở. Ở mỗi cấp, nhân dân đã được trực tiếp tham gia bàn bạc, tháo gỡ những vấn đề liên quan đến cuộc sống của mình như xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng, xây dựng hạ tầng cơ sở... Thực tế, ở nhiều nơi đã tổ chức rất tốt việc lấy ý kiến nhân dân về quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, giá đền bù, giải phóng mặt bằng, các công trình xây dựng cơ bản... Nhân dân cũng trực tiếp tham gia xây dựng các quy ước về an ninh trật tự, từ đó an ninh nông thôn cơ bản được bảo đảm.

Thứ ba, việc thực hiện Quy chế Dân chủ cũng đã góp phần củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở.

Tại Hội nghị, 18 ý kiến từ cơ sở cũng đã phản ánh những kết quả đạt được, những khó khăn, hạn chế và những kinh nghiệm rút ra trong quá trình thực hiện Quy chế. Đại diện tỉnh Nghệ An nêu kinh nghiệm là ngay từ khi triển khai, Ban chỉ đạo tỉnh đã xây dựng chương trình với 27 bài giảng và triển khai tập huấn đến tận các bí thư chi bộ xóm để các đối tượng nắm rõ những việc bản thân được và không được làm nhằm tránh lạm quyền, gây mất dân chủ. Đại diện Đảng ủy Cục Đường sắt Việt Nam cũng khẳng định, từ khi triển khai Quy chế, thông qua các cuộc đối thoại trực tiếp bằng cầu truyền hình giữa lãnh đạo với cán bộ, công nhân trong ngành trên cả nước thì tinh thần dân chủ được phát huy tốt hơn, nhiều vấn đề liên quan đến đời sống, tâm tư, nguyện vọng của người lao động được giải quyết kịp thời. Đại diện phường An Cựu (Thành phố Huế) dẫn chứng những kết quả đạt được từ việc triển khai thực hiện Quy chế Dân chủ. Đó là, qua lấy ý kiến nhân dân, huy động từ sức dân, từ năm 2000 đến nay, phường đã hoàn chỉnh hệ thống điện chiếu sáng, 100% hộ được dùng nước sạch, 17 km đường được bê - tông hóa...

Sau một ngày làm việc, Hội nghị đã thống nhất đánh giá: Đây là Chỉ thị rất quan trọng của Bộ Chính trị, hợp lòng dân, được các cấp, các ngành triển khai thực hiện khá nghiêm túc, có hiệu quả ở phần lớn các loại hình cơ sở, các lĩnh vực hoạt động xã hội. Việc ban hành và triển khai thực hiện tốt Chỉ thị là bước tiến mới về mở rộng dân chủ, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ đất nước trong thời kỳ mới, thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế của đất nước.

Phát biểu bế mạc, đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, đã nhấn mạnh 5 vấn đề cần quan tâm, chỉ đạo trong thời gian tới:

Một là, tiếp tục quán triệt sâu sắc các quan điểm của Đảng về phát huy quyền làm chủ của nhân dân, về thực hiện quyền dân chủ trực tiếp tại cơ sở. Đẩy mạnh tuyên truyền, không ngừng nâng cao nhận thức về dân chủ và thực hành dân chủ xã hội chủ nghĩa. Thường xuyên gắn việc thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở với quy chế hoạt động của cán bộ, công chức, các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước và Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

Hai là, tiếp tục hoàn thiện và ban hành các văn bản để thực hiện Quy chế Dân chủ ở các loại hình cơ sở; công khai, minh bạch hóa các chủ trương, chính sách, chế độ của Đảng, Nhà nước các cấp, coi trọng hơn nữa các hình thức tự quản ở cơ sở; nghiêm khắc xử lý việc lợi dụng dân chủ.

Ba là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nêu cao vai trò, trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân các cấp và vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở.

Bốn là, thường xuyên kiện toàn Ban Chỉ đạo thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở. Tạo điều kiện thuận lợi để Ban Chỉ đạo các cấp hoạt động có hiệu quả.

Năm là, các cơ quan chức năng ở Trung ương, căn cứ theo thẩm quyền, cần ban hành bổ sung cơ chế, chính sách, pháp luật một cách đồng bộ trong thực hiện Quy chế Dân chủ ở cơ sở; chú ý đến các loại hình cơ sở mà công tác triển khai còn nhiều hạn chế./.