Cộng hòa Liên bang Đức trong quan hệ hợp tác với Việt Nam
TCCS - Đức là một trong những nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu và thường xuyên cho Việt Nam. Tổng ODA mà Đức cung cấp cho Việt Nam đạt trên 1,5 tỉ USD, đứng thứ 2 trong EU (sau Pháp). Nguồn vốn ODA này được sử dụng hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam như: Xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng, xây dựng năng lực thể chế và đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường. Đức tiếp tục cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam trong những năm tới hướng vào những lĩnh vực hợp tác mới như: ứng phó với sự biến đổi khí hậu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Khái quát tình hình kinh tế - xã hội Cộng hòa Liên bang Đức hiện nay
Nằm ở trung tâm châu Âu, Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức được xác định có vị trí bản lề giữa Đông và Tây Âu, giữa bán đảo Xcan-đi-na-vi và Địa Trung Hải, với diện tích hơn 357 nghìn km2, dân số hơn 82 triệu người.
Lịch sử nước Đức đã trải qua một quá trình hình thành lâu dài, đến ngày 03-10-1990, Cộng hòa Dân chủ Đức sáp nhập vào CHLB Đức hình thành nước Đức ngày nay và ngày này được coi là ngày Quốc khánh của nước CHLB Đức thống nhất.
Thể chế chính trị của nước Đức hiện nay là Cộng hòa Liên bang, bao gồm 16 bang. Trong cơ cấu tổ chức nhà nước, tổng thống là người đứng đầu với nhiệm kỳ 5 năm. Nhà nước Đức được xây dựng trên 5 nguyên tắc: cộng hòa, dân chủ, liên bang, pháp quyền và nhà nước xã hội. Tuy nhiên, thực chất quyền điều hành đất nước nằm trong tay chính phủ, đứng đầu là thủ tướng liên bang và ở mỗi bang là thủ hiến bang. Nội các Đức do tổng thống bổ nhiệm theo đề nghị của thủ tướng; thủ tướng là người đứng đầu của đảng chính trị hoặc liên minh chính trị giành thắng lợi đa số trong các cuộc bầu cử quốc hội.
Trong hơn 50 năm qua, ở CHLB Đức chỉ có hai đảng chủ yếu là Đảng Liên minh Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) và Đảng Dân chủ xã hội (SPD) thay nhau cầm quyền. Có thể nói, đây là hai Đảng lớn nhất ở Đức, giữ vị thế và vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế và chính trị đất nước. Chính phủ hiện nay là chính phủ liên minh giữa CDU, Đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) và Đảng Dân chủ Tự do (FDP) dưới sự lãnh đạo của bà An-giê-la Méc-ken, người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Đức trở thành thủ tướng.
Sau cuộc bầu cử Quốc hội tháng 9-2009, Chính phủ liên minh được thành lập, SPD trở thành đảng đối lập trong Quốc hội. Việc Tổng thống Hốt-xơ Kô-lơ (Horst Kohler), người của Đảng CDU bất ngờ từ chức ngày 31-5-2010 và ứng cử viên Cri-xtan úp do Liên minh cầm quyền giới thiệu phải mất ba vòng bỏ phiếu trong Hội đồng Liên bang mới trúng cử cho thấy những bất đồng tồn tại trong liên minh này và tình hình chính trường Đức còn nhiều phức tạp và chưa ổn định.
Tại Đức và các nước châu Âu hiện nay, ảnh hưởng của các đảng lớn như CDU, SPD liên tục suy giảm, mất phiếu vào các đảng nhỏ. Tỷ lệ cử tri bầu cho SPD và CDU đang giảm dần từ 65% trong những năm 1960 xuống còn 45% trong giai đoạn hiện nay, buộc các đảng này phải thành lập chính phủ liên hiệp, hoạt động kém tính ổn định hơn trước. Các đảng nhỏ như Đảng Xanh, Đảng Cánh tả đã triệt để lợi dụng những thay đổi này để thu hút cử tri. Mặt khác, số lượng cử tri đi bầu giảm cũng ảnh hưởng đến tính đại diện của kết quả bầu cử (tỷ lệ cử tri đi bầu Nghị viện châu Âu thấp, chỉ khoảng 50% cử tri Đức, 40% toàn châu Âu).
Đảng Cánh tả là đảng kế thừa của Đảng Xã hội chủ nghĩa thống nhất Đức trước đây, hiện nay đang gặp khó khăn về việc thống nhất đường lối và cơ cấu tổ chức. Trong khi đó, SPD đang bị suy giảm vị thế trong xã hội, số lượng đảng viên trong 20 năm qua giảm một nửa. Sau thất bại tại bầu cử Quốc hội tháng 9-2009, SPD đã mất vai trò lãnh đạo sau 11 năm liên tiếp nắm quyền, hiện đang tiến hành đổi mới tổ chức, bổ sung đường lối, thay đổi phương thức hoạt động nhằm thích ứng trong điều kiện mới.
Về kinh tế, Đức chủ trương thực hiện đường lối “kinh tế thị trường xã hội” với phương châm “ít nhà nước như có thể, nhiều nhà nước như cần thiết”. Nhà nước không can thiệp vào việc hình thành giá cả và lương mà chỉ tạo điều kiện khung cho các quá trình phát triển kinh tế - xã hội bảo đảm hiệu quả, công bằng và ổn định xã hội; mô hình kinh tế thị trường xã hội rất chú trọng vấn đề phúc lợi xã hội và dân sinh.
Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tác động mạnh đến nền kinh tế Đức: Năm 2009, GDP giảm 5%, tình trạng thâm hụt ngân sách cao cùng với tỷ lệ thất nghiệp tăng nhanh gần 9%. Bước sang năm 2010, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi nhưng với tốc độ chậm (mức 0,3% trong quý I). Đức là nền kinh tế đầu tàu của châu Âu và lớn thứ 4 thế giới về quy mô GDP theo giá hiện hành (sau Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc), do vậy đã ảnh hưởng đến khả năng phục hồi của kinh tế Liên minh châu Âu (EU) trong thời gian tới.
Để khắc phục khủng hoảng kinh tế, Chính phủ của bà An-giê-la Méc-ken đã đưa ra các giải pháp như thực thi gói kích thích kinh tế, tiến hành cải tổ điều chỉnh, tăng cường giám sát hoạt động của hệ thống ngân hàng tài chính, phối hợp chính sách giữa các chính phủ trong khốí EU nhằm ổn định thị trường tài chính và phục hồi nền kinh tế. Hiện nay, Chính phủ liên minh đang đối phó với cuộc khủng hoảng nợ công xuất phát từ Hy Lạp đang lan rộng ở nhiều nước châu Âu, khủng hoảng khu vực đồng ơ-rô, thực hiện các chính sách giảm chỉ tiêu và tăng thuế nhằm khắc phục tình trạng thâm hụt ngân sách.
Trong chính sách đối ngoại, CHLB Đức coi trọng phát triển quan hệ với các nước châu Á - Thái Bình Dương, trước hết là với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam.
Quan hệ hợp tác Việt Nam - CHLB Đức
Ngày 23-9-1975, CHLB Đức và Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức. Trong 35 năm qua, nhất là từ khi nước Đức thống nhất, quan hệ hai nước ngày càng phát triển nhanh chóng và tiếp tục được củng cố trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, thương mại, giáo dục - đào tạo, văn hóa - xã hội...
Về quan hệ chính trị, ngoại giao:
Hai nước đã trao đổi nhiều đoàn cấp cao và các cấp khác nhau, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm CHLB Đức của Thủ tướng Phan Văn Khải (tháng 10-2001), của Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh (tháng 3-2004), Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (tháng 3-2008). Về phía CHLB Đức, Thủ tướng Ghét-hác Xru-ê-đơ thăm Việt Nam 2 lần (năm 2003 và 2004). Tháng 5-2007, Tổng thống Hốt-xơ Kô-lơ đã sang thăm chính thức Việt Nam... Các chuyến thăm cấp cao đã tạo động lực quan trọng thúc đẩy quan hệ hợp tác hai nước phát triển sâu rộng, hiệu quả và thực chất. Trong các cuộc trao đổi, tiếp xúc, phía Đức hoan nghênh và ủng hộ đường lối đổi mới của Việt Nam, đánh giá cao vai trò và vị thế của Việt Nam trong khu vực và trên trường quốc tế. Việt Nam là một đối tác quan trọng của CHLB Đức trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam coi trọng và đánh giá cao vai trò và vị trí của Đức - “trái tim của châu Âu”- trong EU và trên thế giới.
Giữa hai nước có mối quan hệ gần gũi, thân thiện, tin cậy và hiểu biết lẫn nhau, có quan điểm tương đồng về các vấn đề quốc tế như toàn cầu hóa, chống khủng bố, cải cách Liên hợp quốc..., cùng hợp tác, thường xuyên ủng hộ và phối hợp chặt chẽ với nhau trên các diễn đàn đa phương và quốc tế. Đức ủng hộ Việt Nam gia nhập WTO cũng như trong việc mở rộng và tăng cường quan hệ mọi mặt với châu Âu và EU. Hai nước nhất trí xây dựng mối quan hệ Việt Nam - Đức trở thành quan hệ “đối tác chiến lược”.
Về hợp tác kinh tế:
Hai nước đã ký một số hiệp định tạo cơ sở pháp lý cho quan hệ hợp tác kinh tế như: Hiệp định hợp tác hàng hải, hàng không... Kim ngạch thương mại giữa hai nước hằng năm đều tăng. Chính phủ Đức khuyến khích doanh nghiệp Đức tăng cường hợp tác kinh tế với Việt Nam, song nhìn chung, hợp tác kinh tế giữa hai nước chưa tương xứng với tiềm năng, mong muốn của mỗi bên cũng như quan hệ chính trị tốt đẹp giữa Việt Nam và CHLB Đức.
Đức ngày càng quan tâm đến hợp tác thương mại với Việt Nam, đất nước có nguồn nhân lực dồi dào, thị trường tiềm năng lớn, chính trị ổn định. Hiện nay, Đức là bạn hàng lớn nhất của Việt Nam tại châu Âu và là nước nhập khẩu lớn nhất đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam vào EU. Năm 2009, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu vào Đức chiếm 19% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam vào 27 nước EU. Trong quan hệ thương mại, Việt Nam vẫn xuất siêu đối với Đức theo tỷ lệ xuất/nhập trung bình là 2/1. Các mặt hàng chủ yếu Việt Nam xuất khẩu sang Đức theo thứ tự tổng giá trị bao gồm: giày dép, hàng dệt may, cà phê hạt, đồ gỗ, thủy sản, đồ da... Đức là nước nhập khẩu hàng đầu thế giới đối với cà phê hạt và hạt tiêu đen của Việt Nam. Các hàng hóa nhập khẩu của Việt Nam từ Đức chủ yếu là máy móc, thiết bị.
Mặc dù chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu, nhưng tổng giá trị trao đổi thương mại hai nước năm 2009 vẫn đạt mức 4,6 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức đạt 3,2 tỉ USD.
Dự báo kim ngạch thương mại giữa hai nước sẽ tăng nhanh trong thời gian tới, thực hiện mục tiêu đưa kim ngạch thương mại hai nước năm 2010 vượt ngưỡng trên 5 tỉ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Đức dự kiến đạt khoảng 3,6 tỉ USD, tăng 6% so với năm 2009.
Về đầu tư và cung cấp ODA:
Với nhiều lợi thế so sánh so với các nước trong khu vực, Việt Nam trở thành một trong những điểm đến đầu tư hấp dẫn của các nhà đầu tư Đức. Hiện có khoảng 200 doanh nghiệp Đức đang đầu tư tại Việt Nam trong nhiều lĩnh vực quan trọng, với 139 dự án đầu tư có tổng số vốn đăng ký là 778 triệu USD, đứng thứ 22 trong số 90 nước và vùng lãnh thổ đầu tư trực tiếp vào Việt Nam. Năm 2009, CHLB Đức có 15 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng số vốn 112 triệu USD, tăng gần 2% so với năm 2008. Trên 3/4 tổng số dự án và 2/3 tổng số vốn đầu tư của Đức vào Việt Nam tập trung chủ yếu ở các ngành Đức có thế mạnh và khả năng cạnh tranh cao như kết cấu hạ tầng, giao thông, dịch vụ ngân hàng, chế biến, chế tạo, dịch vụ kỹ thuật, công nghệ phần mềm và thông tin truyền thông, tài chính, bảo hiểm.
Các dự án đầu tư của Đức tại Việt Nam bước đầu đã có những đóng góp tích cực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Hiện có 22 tỉnh, thành của Việt Nam đã tiếp nhận các dự án đầu tư của Đức nhưng chủ yếu tại TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bình Dương và Đồng Nai. Một số tập đoàn lớn của Đức đã có dự án đầu tư tại Việt Nam như Metro Cash & Carry, Siemens, Deutsche Bank, Allianz. Đặc biệt, dự án tuyến tàu điện ngầm số 2 tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến được triển khai trong năm nay, sẽ thu hút thêm các nhà đầu tư lớn khác của Đức vào Việt Nam.
Đức là một trong những nước viện trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu và thường xuyên cho Việt Nam. Tổng ODA mà Đức cung cấp cho Việt Nam đạt trên 1,5 tỉ USD, đứng thứ 2 trong EU (sau Pháp). Nguồn vốn ODA này được sử dụng hiệu quả trong các lĩnh vực ưu tiên của Việt Nam, như: xóa đói, giảm nghèo, y tế, giáo dục, kết cấu hạ tầng, xây dựng năng lực thể chế và đào tạo nguồn nhân lực, bảo vệ môi trường. Đức tiếp tục cam kết cung cấp ODA cho Việt Nam trong những năm tới hướng vào những lĩnh vực hợp tác mới, như: ứng phó với sự biến đổi khí hậu, nghiên cứu khoa học, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao.
Về hợp tác giáo dục - đào tạo, khoa học - kỹ thuật:
Năm 1996, nghị định thư hợp tác nghiên cứu khoa học giữa Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam và Bộ Giáo dục và Nghiên cứu CHLB Đức được ký kết, tạo môi trường và nền tảng pháp lý thuận lợi cho việc đẩy mạnh hợp tác khoa học và công nghệ giữa hai nước. Hai bên thường xuyên trao đổi thông tin, chuyên gia, tổ chức hội nghị, hội thảo khoa học và thực hiện các dự án nghiên cứu khoa học chung.
Hợp tác khoa học và công nghệ giữa Việt Nam và Đức phát triển mạnh mẽ. Trước năm 1995, hợp tác giữa hai nước trong lĩnh vực khoa học và công nghệ chủ yếu thông qua các chương trình đào tạo, nâng cao trình độ cho các cán bộ nghiên cứu với sự tài trợ của các tổ chức, các quỹ của Đức. Trong lĩnh vực công nghệ xử lý nước thải và môi trường, Đức đã hỗ trợ 150 triệu ơ-rô cho các chương trình nghiên cứu xây dựng hệ thống thoát nước và nhà máy xử lý nước thải tại Việt Nam.
Năm 1998, Đức hợp tác với Việt Nam xây dựng Trung tâm trao đổi khoa học - kỹ thuật trong khuôn viên Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đức cũng muốn Việt Nam tiếp tục gửi nhiều sinh viên sang học ở Đức. Đức đã ký với Việt Nam một thỏa thuận hỗ trợ sinh viên Việt Nam sang du học ở Đức bằng học bổng của Việt Nam. Tháng 9-2008, Trường Đại học Việt - Đức tại TP. Hồ Chí Minh đã được khánh thành và đưa vào hoạt động. Dự kiến, Trường Đại học Việt - Đức sẽ trở thành một trung tâm nghiên cứu hàng đầu của Việt Nam đạt chuẩn quốc tế và là một biểu hiện cụ thể cho quan hệ hữu nghị Việt Nam - CHLB Đức. Hiện Đức dành cho Việt Nam khoảng 100 học bổng cấp Liên bang và 85 học bổng cấp Bang để đào tạo nghiên cứu sinh (nhiều nhất trong EU); giúp ta đào tạo gần 30 tiến sĩ, 40 thạc sĩ và hàng trăm cán bộ khoa học thông qua các chương trình hợp tác với sự tài trợ của Cơ quan trao đổi Viện Hàn lâm Đức, Quỹ khoa học trẻ, Quỹ đào tạo chuyên gia ngành công nghiệp, Quỹ phát triển. Ngoài ra, Đức đã viện trợ cho Việt Nam một số trang thiết bị nghiên cứu với tổng giá trị 800 nghìn USD.
Trong các lĩnh vực khác, sự hợp tác giữa hai nước đều có sự phát triển. Về văn hóa, năm 1990 Việt Nam và Đức ký Hiệp định hợp tác văn hóa tạo tiền đề cho việc thúc đẩy hợp tác và trao đổi văn hóa giữa hai nước. Được sự cho phép của Chính phủ Việt Nam, năm 1997 Đức thành lập Trung tâm văn hóa Đức (Viện Gớt) tại Hà Nội. Đây là địa điểm thường xuyên tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu văn hóa Đức và giảng dạy tiếng Đức tại Việt Nam. Việt Nam cũng thường xuyên cử các đoàn nghệ thuật sang Đức phục vụ bà con Việt kiều tại Đức, đồng thời qua đó giới thiệu nền nghệ thuật phong phú, đa dạng của Việt Nam tới công chúng Đức.
Ở Việt Nam, hiện có khoảng 100 nghìn người đã từng lao động, học tập và công tác tại Đức. Ở Đức, cộng đồng người Việt Nam hiện có khoảng 126 nghìn người, đứng thứ hai tại châu Âu. Nhìn chung, công dân Việt Nam cư trú hợp pháp ở Đức có điều kiện sinh sống và làm việc khá và ổn định. Đó là cây cầu hữu nghị gắn kết giữa hai nền kinh tế, văn hóa, góp phần thắt chặt hơn quan hệ hợp tác giữa hai nước.
Năm 2010 được coi là năm đặc biệt trong quan hệ hữu nghị hợp tác giữa hai nước, với việc lấy năm 2010 là “Năm Đức tại Việt Nam” và “Năm Việt Nam tại Đức”. Với chuỗi sự kiện, chương trình hoạt động phong phú và đa dạng trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội... diễn ra ở hai nước sẽ kết nối giao lưu giữa hai nước, góp phần hiểu biết lẫn nhau, tạo điều kiện giới thiệu, quảng bá các thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của hai nước, phản ánh toàn diện và sâu sắc mối quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương Việt Nam - CHLB Đức. Năm 2010 cũng là dịp nhìn lại những kết quả đạt được, những điều kiện, tiềm năng phát triển trong 35 năm qua, để cùng hướng tới những cơ hội, triển vọng hợp tác mới.
CHLB Đức là một nước lớn, thành viên chủ chốt của nhiều tổ chức quốc tế, có vị thế và ảnh hưởng quan trọng về chính trị, quốc phòng, an ninh, thương mại đầu tư, văn hóa giáo dục, khoa học và công nghệ của châu Âu và trên thế giới. Quan hệ Việt Nam - CHLB Đức có truyền thống hợp tác lâu đời. Cộng hòa Dân chủ Đức đã ủng hộ và giúp đỡ to lớn về vật chất và tinh thần cho Việt Nam, tạo nền tảng quan trọng phát triển quan hệ hợp tác toàn diện, sâu rộng và hiệu quả giữa Việt Nam và CHLB Đức trong thời gian qua và sắp tới.
Quan hệ kinh tế giữa hai nước có điều kiện thuận lợi tiếp tục phát triển, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ giữa Việt Nam và EU đang phát triển, hai bên đã kết thúc Vòng đàm phán thứ 8 về Hiệp định Hợp tác và Đối tác (PCA), nhiều khả năng Hiệp định này sẽ được ký kết trong năm nay. Hơn nữa, thế và lực của Việt Nam không ngừng được nâng cao. Việt Nam được đánh giá là một điểm sáng về phát triển kinh tế thời kỳ hậu khủng hoảng, đã hoàn thành tốt đẹp nhiệm kỳ 2 năm ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, tổ chức thành công Hội nghị cấp cao ASEAN 16 tại Hà Nội và là nước chủ nhà của Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) về Đông á 2010, Chủ tịch ASEAN năm 2010, được dư luận đánh giá là một nước có nền kinh tế năng động, phát triển và đổi mới, tham gia tích cực và có trách nhiệm vào hoạt động của cộng đồng quốc tế. Điều này góp phần đưa quan hệ Việt Nam - CHLB Đức phát triển lên tầm cao mới.
Trong chuyến thăm CHLB Đức của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tháng 3-2008, hai nước đã thiết lập khuôn khổ quan hệ "Đối tác vì sự phát triển", tập trung tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên là chính trị - ngoại giao, kinh tế - thương mại - đầu tư, hợp tác phát triển và giáo dục - đào tạo.
Hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai nước còn nhiều điều kiện và cơ hội phát triển mạnh hơn nữa để tương xứng với tiềm năng và truyền thống quan hệ tốt đẹp giữa hai nước. Việc Việt Nam và CHLB Đức cùng đưa quan hệ hợp tác song phương lên chất lượng mới, tầm cao mới, sẽ tạo điều kiện đưa quan hệ hợp tác giữa hai nước nói riêng và các nước khác trong EU phát triển toàn diện, sâu rộng, ổn định lâu dài./.
Mẫu mực quan hệ quốc tế  (15/09/2010)
Hội nghị Ô-xlô: Những thách thức tăng trưởng, việc làm và cố kết xã hội  (15/09/2010)
Thông tấn xã Việt Nam kỷ niệm 65 năm ngày thành lập  (15/09/2010)
Nghìn năm ký, tản văn về Thăng Long - Hà Nội  (15/09/2010)
Hội thảo đánh giá về quan hệ hữu nghị Việt Nam-Mỹ  (15/09/2010)
Giới thiệu chính sách mới số 209  (15/09/2010)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên