Nghìn năm ký, tản văn về Thăng Long - Hà Nội
TCCSĐT - Cho dù văn học viết về đất Kẻ Chợ đã xuất hiện từ rất lâu, nhưng có thể nói, kể từ khi Lý Thái Tổ soạn Thiên đô chiếu, quyết định chuyển kinh đô từ Hoa Lư về thành Đại La, thì văn hóa và văn học Thăng Long mới hình thành với đúng nghĩa của nó. Trải nhiều biến thiên dữ dội của lịch sử, văn học Thăng Long - Hà Nội, trong đó có ký và tản văn đã phát triển liên tục, góp phần khẳng định vị trí trung tâm văn hóa, văn học của nước Việt ngàn năm văn hiến.
Từ thế kỷ X - XV: Thành tựu và vẻ đẹp riêng, độc đáo
Suốt thời Lý - Trần, ký - tản văn Thăng Long xuất hiện dưới dạng các tác phẩm mang chức năng hành chính và nghi lễ tôn giáo, trong đó chủ yếu là các tác phẩm thuộc loại văn khắc và một số tác phẩm có tính chất truyện ký, tiểu truyện(1). Tuy thiên về văn học chức năng, nhưng ký - tản văn giai đoạn này cũng có những thành tựu và vẻ đẹp riêng, độc đáo.
Văn khắc thời Lý - Trần chủ yếu là bi văn (văn bia), mộ chí (bia mộ) và chung minh (văn chuông). Cả ba loại đều gắn bó mật thiết với hoạt động tôn giáo tín ngưỡng (chủ yếu là Phật giáo). Phật giáo giai đoạn này không đơn thuần là một học thuyết tôn giáo, mà còn là hệ tư tưởng chính của Nhà nước, có quan hệ mật thiết với thể chế chính trị đương thời, được tôn lên địa vị quốc giáo, được ứng dụng để “đôn nhân luân, hậu phong tục”. Được sự ủng hộ của chính quyền, lại bắt rễ từ lâu trong đời sống tâm linh người Việt, (đất vua, chùa làng, phong cảnh Bụt), chùa chiền được xây dựng ở khắp nơi. Các văn bia Lý - Trần hiện còn phần lớn được khắc trong dịp xây dựng hay tôn tạo các ngôi chùa lớn, để ghi lại việc dựng xây và công đức cho nhà chùa. Tác giả các bài văn bia không phải tăng lữ thì cũng là quan chức cao cấp của triều đình, tức đều là những bậc thức giả uyên thâm, nên dấu ấn Tam giáo trong văn khắc là khá rõ nét. Đọc văn bia thời Lý - Trần, bên cạnh việc thưởng ngoạn cảnh đẹp chùa chiền được viết bởi văn phong khoa trương rất mực, người đọc còn được tiếp xúc với những gương mặt văn hóa - chính trị quan trọng đương thời, như Lý Thường Kiệt trong Văn bia chùa Linh Xứng núi Ngưỡng Sơn và Văn bia chùa Báo Ân núi An Hoạch, Lý Nhân Tông trong Bia tháp Sùng Thiện Diên Linh thời vua thứ tư triều Lý nước Đại Việt; những vị nữ lưu danh giá như Phụng Thánh phu nhân đời Lý hay công chúa Phụng Dương thời Trần qua Mộ chí của phu nhân Phụng Thánh họ Lê và Văn bia công chúa Phụng Dương,… Phần lớn các nhân vật được đề cập đến trong văn bia thời Lý - Trần đều là những người có công lớn trong công cuộc đấu tranh bảo vệ tổ quốc, phát triển đất nước và phát dương truyền thống văn hóa tốt đẹp của đất kinh kỳ.
Bên cạnh văn khắc, phải kể đến các tiểu truyện trong Việt điện u linh của Lý Tế Xuyên, Thiền uyển tập anh, Thánh đăng ngữ lục, Tam tổ thực lục (khuyết danh), Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp và Nam Ông mộng lục của Hồ Nguyên Trừng. Tuy là những tác phẩm thiên về chức năng lễ nghi tôn giáo, mang dấu ấn huyền thoại dân gian, hoặc giả là sáng tác cá nhân, nhưng đều có thể tìm được trong đó những trang viết về Thăng Long. Độc giả có thể tìm thấy ở đây những ghi chép về các vị thần, các anh hùng dân tộc, các vị vua tài đức, các nhân sĩ trí thức hay các tăng đồ tôn giáo xuất chúng… từng sinh ra và lớn lên ở đất Thăng Long, hoặc có cống hiến lớn lao cho sự phồn vinh của mảnh đất này, như: Đổng Thiên vương, Lý Thái Tông, Thái úy Lý Thường Kiệt, Thiền sư Vạn Hạnh, Thiền sư Pháp Thuận, Ni sư Diệu Nhân, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Pháp Loa tôn giả, Thiền sư Huyền Quang, Chu Văn An…
Có thể nói, ký - tản văn Thăng Long trong năm thế kỷ đầu dựng đô không chỉ thể hiện vẻ độc đáo của văn hóa - lịch sử đương thời mà còn đặt nền móng cho sự phát triển vượt bậc của thể loại trong các giai đoạn tiếp theo. Các tác phẩm thuộc loại hình văn khắc tiếp tục con đường chức năng của nó nhưng dần mở rộng sang các lĩnh vực xã hội khác, đặc biệt là văn bia đề tên Tiến sĩ trải suốt từ đời Hồng Đức, đã ghi lại các kì thi quan trọng bậc nhất từng diễn ra tại đất đế đô cũng như sự trọng thị, bồi dưỡng nhân tài của quốc gia. Các tác phẩm mang tính chất địa chí dần phát triển thành kiểu thức chuyên biệt, đạt thành tựu cao từ khoảng thế kỷ XVIII, là những công trình mang tính khảo cứu công phu, tư liệu phong phú về địa lí, phong tục, tập quán, cổ tích, nhân vật... Đại Nam nhất thống chí, Phương Đình dư địa chí, Tây hồ chí là các tác phẩm như vậy. Riêng ký truyện thì phát triển theo hai nhánh, hoặc mở rộng kết cấu để thành các tác phẩm ký trường thiên, nhiều thiên, mang vẻ đẹp hoành tráng; hoặc phát triển theo hướng mài giũa tinh tế để thành những tác phẩm có dung lượng nhỏ, xinh xắn và hấp dẫn.
Thế kỷ XVI - cuối thế kỷ XIX: lặng lẽ tạo nền móng cho sự phát triển của ký nghệ thuật ở giai đoạn sau
Thời Lê - Mạc, ký Thăng Long - Hà Nội tuy không có nhiều thành tựu nổi bật nhưng lại lặng lẽ tạo nền móng cho sự phát triển của ký nghệ thuật ở giai đoạn sau. Điều đó gắn liền với việc bắt đầu hình thành quan niệm mới về con người cá nhân, yếu tố cơ bản làm nên phẩm tính của ký nghệ thuật. Với Thánh Tông di thảo, Lê Thánh Tông đã đem đến cho văn học một cái nhìn mới mẻ về con người, manh nha một hướng đi mới trong văn học. Tiếp nối ông, Nguyễn Dữ đã nâng cao thêm vị thế của con người, không phải theo hướng ý thức trách nhiệm của cá nhân trước cộng đồng mà là ý thức khẳng định quyền sống của con người cá nhân trước cuộc sống. Qua tiếng nói nhân văn đòi quyền được sống, tình yêu lứa đôi, Truyền kỳ mạn lục đã riết róng đặt ra câu hỏi về bản chất và ý nghĩa của cuộc sống trần thế. Tuy tên sách có chữ “lục”, nghĩa là ghi chép, song trên thực tế, trong Truyền kỳ mạn lục, tác giả đã xác lập danh giới khá rạch ròi giữa truyện và ký, đánh dấu sự phát triển đến đỉnh cao của thể thức truyền kỳ, tạo sự ảnh hưởng sâu rộng đối với đời sau.
Đời sống có quá nhiều xáo động của kinh đô từ thời Trịnh - Nguyễn phân tranh trở đi đã trở thành mảnh đất mầu mỡ cho sự phát triển và nở rộ của thể ký. Người viết ký là người trong cuộc, sự kiện trong ký là sự kiện đời thường hằng sống, hằng tác động tới con người. Khi ấy, những nhà văn bắt đầu mang trong mình ý thức cá nhân không thể không phản ánh thế cuộc bể dâu bằng cái nhìn thế sự. Vũ Phương Đề ghi nhanh đời sống trong lúc rảnh rang (Công dư tiệp ký) để mấy chục năm sau, Trần Trợ thấy cần thiết phải tục biên (Tục Công dư tiệp ký). Trần Tiến viết niên phả nhưng nhiều lúc do quá bức xúc đã phải ghi thêm vào đấy những lời ta thán (Tiên Tướng công niên phả lục, Trần Khiêm Đường niên phả lục). Rồi Lãn Ông Lê Hữu Trác ghi việc lên kinh (Thượng Kinh ký sự) với bao chuyện bi hài. Tùng Niên Phạm Đình Hổ cũng để lại di sản văn chương khá đa dạng, khi thì tạp thảo, khi thì tùy bút về nỗi gió mưa thời đại (Phong châu tạp thảo, Vũ trung tùy bút); cùng Kính Phủ Nguyễn án ghi lại thế cuộc bể dâu (Tang thương ngẫu lục)… Hàng loạt tác phẩm ký xuất sắc giai đoạn này đã đem đến cho văn học Thăng Long một bước phát triển vượt bậc. Trong đó, đặc biệt phải kể đến hai gương mặt nổi bật là Hải Thượng Lãn Ông và Phạm Tùng Niên. Nếu với Thượng kinh ký sự, Lê Hữu Trác là người hoàn thiện và đưa ký trường thiên lên đến đỉnh cao thì với Châu phong tạp thảo, Vũ trung tùy bút và Tang thương ngẫu lục, Phạm Đình Hổ cũng đạt được thành tựu tương tự với loại ký nhiều thiên. Cái độc đáo trong tác phẩm của hai ông, là dù chúng được sáng tác ở dạng dài hơi, nhưng nếu ngắt lấy trong đó một nhịp thở của thời đại (như đoạn Giã nhà lên kinh, Vào Trịnh phủ, Về thăm cố hương trong Thượng kinh ký sự hay các bài Hồ Tây trong mưa, Cuộc diện đối ở hành tại trong Châu phong tạp thảo; Hoa thảo, Cách uống trà trong Vũ trung tùy bút,…) thì chúng không hề thua kém những bài ký lẻ kiểu như Bài ký về chuyến viếng thăm đền thờ Chu Văn Trinh của Nguyễn Huy Vinh… Có thể nói, là những trí thức lớn đồng thời là nghệ sỹ tài năng, Lê Hữu Trác và Phạm Đình Hổ là hai cây bút đã đưa ký nghệ thuật thời trung đại đến độ điển nhã, mẫu mực.
Không nghi ngờ gì nữa, ký nói riêng và loại hình tự sự nói chung đã trở thành lãnh địa thuận lợi để các tác giả bày tỏ ước mơ, lý tưởng thẩm mỹ của mình. Thấm nhuần tinh thần nhân văn, mỗi phương thức tự sự đã lựa chọn và mở ra một hướng đi tối ưu để chiếm lĩnh và thể hiện đời sống qua những thế giới nghệ thuật phong phú, đa dạng. Tuy chưa chú ý nhiều đến con người cá nhân như truyện ngắn, cũng ít khi tái hiện cuộc sống ở góc nhìn đại quan như tiểu thuyết chương hồi, ký - tản văn Thăng Long giai đoạn này chủ yếu quan tâm đến những vấn đề thế sự. Qua các ký sự, tiệp ký, tùng ký, ngẫu lục, tạp thuật… những điều tai nghe mắt thấy của xã hội Việt Nam xưa hiện lên hết sức phong phú và sống động. Tuy nhiên, phía sau những đoạn trường, những biến đổi sâu sắc về giá trị, trong các trang ký, ta vẫn nhận thấy hình ảnh một đế đô Thăng Long hào hoa, thanh lịch.
Nhà Nguyễn lập nước, kinh đô được chuyển vào Huế, Thăng Long trở thành cố đô, rồi thành tỉnh Hà Nội - kinh thành khi ấy tỉnh bây giờ. Nhưng trong tâm thức người Việt, Thăng Long mãi vẫn là đế kinh muôn đời. Hình ảnh Thăng Long hiện diện trong văn học nghệ thuật giản dị và đầy ưu tư như cổ thành trầm mặc u hoài soi bóng trong thơ Bà Huyện Thanh Quan. Phải chăng vì thương nhớ Thăng Long, và vì vị thế đặc biệt của nó mà người ta dành nhiều sự khảo cứu về cố đô như muốn lưu lại bóng hình nước cũ? Độc giả ngày nay có thể tìm thấy trong địa chí tỉnh Hà Nội nét vàng son của Phượng thành khi xưa (Đại Nam nhất thống chí), qua khảo cứu ngọn nguồn con sông Nhị Hà để nhắc nhớ về kì tích Rồng bay (Phương Đình dư địa chí), nhìn thấy trong sóng nước Tây Hồ vẻ duyên dáng của đất Hà thành (Tây hồ chí)… Chính những tác phẩm ký - khảo cứu này đã góp phần lưu giữ vẻ đẹp truyền thống của đất đế kinh, để sau gần một thế kỷ tưởng chừng ngủ yên trong lặng lẽ rêu phong, Thăng Long - Hà Nội vùng lên quật cường khi thực dân Pháp đem quân ra Bắc. Thăng Long - Hà Nội sống lại trong những khúc tráng ca của một cuộc đấu tranh mới, không khoan nhượng với kẻ thù.
Từ đầu thế kỷ XX đến 1945: đậm nét trữ tình và đầy chất hiện thực
Năm 1858, thực dân Pháp tấn công vào bán đảo Sơn Trà - Đà Nẵng mở đầu cuộc xâm lược nước ta. Năm 1873, Pháp đánh ra Bắc kỳ lần thứ nhất, hạ thành Hà Nội và lập quyền lãnh sự tại đây. Mười năm sau, 1883, Pháp đánh Bắc kỳ lần hai và chính thức đặt Hà Nội, Hải Phòng dưới quyền kiểm soát trực tiếp của người Pháp. Tuy nhiên, phải đến đầu thế kỷ XX, cùng với các cuộc khai thác thuộc địa có quy mô lớn, xã hội Việt Nam mới có sự phân hóa đáng kể. Hội nhập với văn hóa Pháp và văn minh Âu Tây, văn hóa Việt Nam từng bước hòa nhập vào quỹ đạo văn hóa thế giới. Hà Nội được trả lại vị trí xứng đáng là trung tâm văn hóa chính trị của cả nước. Ký - tản văn với đặc tính năng động và khả năng bám sát đời sống, trong một môi trường văn hóa rộng mở, đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng và trở thành thể loại tiên phong của nền văn học mới.
Nếu như thành tựu của truyện ngắn và tiểu thuyết trong hai mươi năm đầu thế kỷ XX chưa thật nổi bật thì ký lại nhanh chóng xác định được vị thế của mình. Vị thế này, một mặt, do lớp nhà nho cựu học có tinh thần canh tân tiếp tục sử dụng lối viết ký truyền thống như ký sự, ký khảo cứu, ký phong cảnh,… đặc biệt là du ký để ghi chép tình cảnh đất nước đương thời; mặt khác, do ký đã tìm được chỗ đứng vững chắc trên báo chí bởi sự góp mặt của nhiều cây bút thấm nhuần tinh thần Tây học. Sau bài ký đầu tiên bằng chữ Quốc ngữ của Trương Vĩnh Ký - Bài ký về chuyến đi Bắc kỳ năm ất Hợi (1876) - chỉ tính riêng trên Đông Dương tạp chí và Nam Phong tạp chí, số lượng các tác giả và tác phẩm ký - tản văn tăng lên rất nhanh và mở rộng đến cả Trung Bắc chủ nhật, Tao đàn tạp chí, Tri tân tạp chí,… với những tên tuổi xuất sắc như Tản Đà, Phan Kế Bính, Thượng Chi Phạm Quỳnh, Tùng Vân Nguyễn Đôn Phục, Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, Sở Bảo Doãn Kế Thiện, Phạm Mạnh Phan… Trong sáng tác của họ, hình ảnh một lớp người Hà Nội tài hoa, những kẻ sinh bất phùng thời, với những thú chơi tao nhã và các triết luận nhân sinh thời thế được thể hiện rất sinh động. Đây là những tác phẩm có ý nghĩa gây mầm cho thể tùy bút trong văn học Việt Nam hiện đại. Một bộ phận khác lại hướng đến hiện thực đầy biến động bởi cuộc xúc tiếp Đông - Tây và cùng với nó là sự xuất hiện của thể loại phóng sự, ký báo chí... Dù có được những bước phát triển đáng kể như vậy, nhưng phải đến những năm ba mươi của thế kỷ XX, văn học nói chung và ký - tản văn nói riêng mới thực sự bước vào quỹ đạo hiện đại.
Ký tản văn Thăng Long - Hà Nội giai đoạn này có hai nguồn cảm hứng: một bên đậm chất trữ tình và bên kia, đầy chất hiện thực. Cái chất trữ tình, lãng mạn trong ký, như một biểu hiện của trào lưu lãng mạn thể hiện rõ hơn cả trong tản văn, tùy bút Nguyễn Tuân. Trong văn phẩm của ông, cái individuality cá nhân cá thể chiếm ngôi vị độc tôn. Nếu đọc Vang bóng một thời, độc giả như bước vào một vườn hoa tinh tế và thanh cao được chưng cất từ chiều sâu văn hóa đặc biệt mà chỉ đất Kinh kỳ mới có được thì đến Một chuyến đi, Ngọn đèn dầu lạc, Tàn đèn dầu lạc,… ta nhận thấy cái ngạo nghễ mà đau đớn của một thế hệ trí thức Tây học trước thế cuộc khốn cùng. Họ lao vào ăn chơi trác táng cốt để quên đi cái tủi nhục của thân phận nô lệ. Nhưng chỉ cần một lúc nào đó, trong nỗi nhớ tết, nhớ quê khi rơi vào cảnh xê dịch, tha hương hay được ngắm một bóng cây nơi Kiếm hồ lịch sử chẳng hạn, tinh thần dân tộc trỗi dậy và thăng hoa thành những trang văn đầy ám ảnh.
Nếu khuynh hướng lãng mạn đào sâu vào bản thể con người cá nhân - cá thể theo hướng thoát ly thế tục, thì văn học hiện thực giai đoạn 1930 - 1945 mang đến một cách tiếp cận khác, cụ thể và xác thực về con người và đời sống Hà Nội. Không còn sự thi vị hóa, Hà Nội hiện lên với tất cả sự đau khổ và bát nháo của nó. Nhưng thật may mắn, giữa cuộc sống đầy sự tha hóa ấy, người Hà Nội vẫn giữ được nét tinh túy của văn hóa Việt, văn hóa Thăng Long trước sự xâm thực của lối sống phương Tây. Bằng óc quan sát sắc sảo và tinh nhạy, các cây bút phóng sự đã phơi bày tất cả sự ô hợp của một xã hội chạy theo đồng tiền, lên tiếng cảnh báo riết róng về sự tha hóa của con người. Chưa bao giờ, phóng sự lại phát triển mạnh mẽ đến vậy. Từ tiểu phẩm đến phóng sự trường thiên, từ tác phẩm báo chí đến phóng sự nghệ thuật, ký Hà Nội đã có được một diện mạo đầy đặn với hàng chục tác giả chuyên nghiệp và hàng trăm tác phẩm phóng sự có giá trị. Ngô Tất Tố có hàng loạt tiểu phẩm báo chí, Tam Lang có Tôi kéo xe; Trọng Lang có Hà Nội lầm than; Lãng Tử có Phù du và nhan sắc; Nguyễn Đình Lạp có Ngoại ô, Ngõ hẻm, Thanh niên trụy lạc; Vũ Trọng Phụng có Cạm bẫy người, Lục xì, Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô;… Chính quá trình đô thị hóa đã khiến Hà Nội trở nên hết sức ô tạp. Tìm đề tài trong sự phân hóa xã hội, phóng sự một mặt, đả kích những kẻ bất chấp lương tâm, công lý để làm giàu và thỏa mãn những nhu cầu bỉ ổi của chúng; mặt khác, hướng về phía người dân lao động thấp cổ, bé họng với cái nhìn bảo vệ, cảm thông. Viết để đả phá, lên án những nhiễu nhương xã hội, các tác giả theo khuynh hướng hiện thực muốn thức tỉnh lương tâm con người. Đó là một đóng góp rất đáng ghi nhận của phóng sự về Hà Nội giai đoạn này.
Bên cạnh hai khuynh hướng nổi bật đã nói ở trên, ký - tản văn Hà Nội còn có một khuynh hướng rất độc đáo là ghi chép, khảo cứu phong tục. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là Thạch Lam và Tô Hoài. Khác với những truyện ngắn mang mang về phận người, Thạch Lam đã phát hiện ra một Hà Nội khác, lặng lẽ trường tồn giữa dòng đời xô bồ. Hà Nội băm sáu phố phường là thiên tùy bút vào loại hay nhất viết về Hà Nội. Ký Hà Nội của Thạch Lam như đã thâu thái được hết hồn cốt của đất Kinh kỳ - Kẻ chợ. Nó âm âm trong lối phố; tao nhã, thanh lịch trong các thú chơi, các thức quà; hài hòa, luyến quyện trong từng thời khắc giao mùa, trong nét cười thiếu nữ…
Nếu như Thạch Lam thiết tha với “băm sáu phố phường” bao nhiêu thì Tô Hoài đắm đuối với vùng đất ngoại ô bấy nhiêu. Hà Nội trong tác phẩm của Tô Hoài bề ngoài mang vẻ lặng lẽ của vùng đất ngoại ô nhưng lại hàm chứa rất nhiều rạn vỡ bên trong bởi cuộc va chạm, xúc tiếp văn hóa Đông - Tây. Dường như sau Tản Đà, Tô Hoài chính là người thực sự chuyên chú với thể hồi ký, tự truyện. Viết về đất ngoại thành - nơi gắn với giấy Bưởi, lụa Nghè, đồng Ngũ Xá,… - Tô Hoài không lảng tránh sự nghèo túng, khốn khó, những hủ tục lạc hậu nhưng ông luôn trân trọng vẻ đẹp văn hóa tinh thần Hà Nội. Đó là sự nhân hậu, tinh tế, là ý thức tự hào về những giá trị tinh thần được lưu giữ và bồi đắp qua bao đời.
Với người Hà Nội, sau quãng thời gian chín năm kháng chiến gian khổ, ngày tiếp quản thủ đô thực sự trở thành một dấu ấn không thể phai mờ. Nhiều nhà văn, nhà báo trong và ngoài nước hồ hởi ghi hình, chép tin, bày tỏ cảm tưởng của mình về Hà Nội. Song ngay sau niềm vui mừng thủ đô được giải phóng, ký - tản văn Hà Nội đã dồn sức miêu tả vẻ đẹp của cuộc sống mới, con người mới. Nguyễn Huy Tưởng, Tô Hoài, Nguyễn Tuân,… đều có những tác phẩm ghi lại được không khí dựng xây chế độ mới ở Hà Nội lúc bấy giờ.
Trong ký - tản văn Hà Nội giai đoạn này, bên cạnh âm hưởng hào hùng, phơi phới niềm tin, thi thoảng đây đó, vẫn vương nét u buồn, như Cây Hà Nội của Nguyễn Tuân hay Một ngày chủ nhật của Nguyễn Huy Tưởng chẳng hạn... Trong cảnh đất nước bị chia cắt, từ Hà Nội, văn nghệ sỹ không lúc nào nguôi hướng về miền Nam. Càng hướng về tuyến lửa miền Nam, họ càng hiểu cái giá của hòa bình, càng khao khát dựng xây Hà Nội đàng hoàng, to đẹp để tiếp thêm niềm tin và ý chí đấu tranh thống nhất tổ quốc cho đồng bào cả nước. Những cây bút “gạo cội” của thể ký như Nguyễn Tuân, Tô Hoài,… đã thể hiện vẻ đẹp tế vi của Hà Nội từ nhiều góc nhìn khác nhau. Các tùy bút của Nguyễn Tuân như: Phở, Làng hoa, Con hồ Hà Nội, Lũy hoa,… và sau một chút là Giò lụa, Cốm, Phố Phái đã biến thể văn này thành một thể loại sang trọng nhưng vẫn hết sức gần gũi. Những nhà nghiên cứu văn hóa như Hoàng Đạo Thúy, Vũ Tuấn Sán, Trần Quốc Vượng,… đã dày công lục tìm trong sử sách, cổ vật để tái hiện một “non sông Hà Nội” thuở còn là Đại La, Thăng Long, Đông Đô văn hiến.
Ở miền Bắc, từ ngày đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá Hà Nội, nhất là những ngày không lực Hoa Hỳ ném bom định biến Hà Nội trở lại thời kỳ đồ đá trong mười hai ngày đêm tháng 12 - 1972, hàng loạt những tác phẩm ký đã ghi lại chân thực và sâu sắc cuộc đối mặt lịch sử này. Nhiều tuyển tập như: Mảnh đất, bầu trời, người Hà Nội; Trên mỗi tấc đất Hà Nội; Hà Nội mười hai ngày ấy… đã ghi lại một cách chân thực về vẻ đẹp hào hùng của Hà Nội - lương tâm và phẩm giá loài người. Nét độc đáo của văn hóa Hà Nội là ở chỗ, vượt lên tất cả sự tàn phá của bom đạn, người Hà Nội vẫn giữ được tất cả vẻ đẹp tinh tế, dịu dàng; sự bao dung và lòng vị tha cao cả.
Ký, tản văn Thăng Long - Hà Nội từ 1975 đến nay: cảm hứng sử thi đã dần nhường chỗ cho cái nhìn thế sự - đời tư
Sau 1975, tương ứng với sự thay đổi của lịch sử và đời sống xã hội, văn học có những thay đổi hết sức căn bản. Cảm hứng sử thi đã dần nhường chỗ cho cái nhìn thế sự - đời tư. Xung đột trong quan niệm giữa các thế hệ, những rắc rối của đời sống kinh tế thị trường, các mâu thuẫn về đạo đức, lối sống… đã nảy sinh biết bao bi kịch trong đời sống thường nhật. Bên cạnh đó, sức cám dỗ của vật chất, tiền tài và lối sống buông thả, hưởng thụ do ảnh hưởng tiêu cực của lối sống phương Tây đã đẩy nhiều người trượt dài vào tha hóa. Đó là hiện trạng nhức nhối khiến những ai có lương tâm không thể làm ngơ. Tất cả mọi người đều phải đối mặt với đời sống kinh tế thị trường và hội nhập quốc tế để có những cách sống phù hợp. Văn học đã nhanh chóng thể hiện một cách sâu sắc những thay đổi đầy phức tạp này. Đây là giai đoạn phóng sự có khả năng phát huy được những ưu thế nổi bật của thể loại bằng cách bám sát đời sống để bóc trần những mặt tăm tối của đời sống xã hội và con người. Bên cạnh đó, tản văn, tạp văn xuất hiện nhiều và đều đặn trên báo chí. Với dung lượng ngắn gọn, loại văn này phù hợp với đời sống hiện đại, nó như một phút suy cảm đầy ưu thời mẫn thế về cuộc sống của nhà văn.
Trong bối cảnh ký và tản văn có vẻ khiêm nhường hơn so với truyện ngắn và tiểu thuyết thì thật bất ngờ, đây lại là giai đoạn “hồi xuân” của cây bút có nhiều duyên nợ với Hà Nội - Tô Hoài. Thủy chung với đề tài Hà Nội, ông liên tiếp ra mắt những hồi ký, tự truyện làm xôn xao đời sống văn học: Chuyện cũ Hà Nội, Chiều chiều và Cát bụi chân ai. Đọc những tác phẩm này, không ai có thể nghi ngờ được vị thế hàng đầu của Tô Hoài về lối viết tự truyện. Nhẩn nha, tỉ mẩn về những chuyện dường như chẳng mấy ai để ý nhưng văn Tô Hoài lại rất đằm và gợi. Thi thoảng lại bất chợt chen vào một thoáng nhìn tinh quái, một nụ cười hóm hỉnh. Dưới ngòi bút Tô Hoài, cảnh và người Hà Nội được tái hiện một cách hết sức sinh động. ấy là câu chuyện về cái thời Tây mới sang làm xô lệch lối sống quen thuộc của người Hà thành, chuyện về văn nghệ sỹ thời Hà Nội đấu tranh chống Mỹ,… ít viết về hiện tại, mà phần lớn chỉ là “chuyện cũ” nhưng những trang viết của Tô Hoài luôn đủ sức làm cho người đương đại nhiều lúc thon thót giật mình. Đây cũng là một phương diện cho thấy rõ hơn tài năng Tô Hoài trong lĩnh vực này.
Cùng với Tô Hoài là sự góp mặt của các cây bút như: Quang Dũng, Vũ Bão, Nguyễn Minh Châu, Hoàng Quốc Hải, Vũ Tú Nam, Phan Thị Thanh Nhàn, Trần Lê Văn,… Hoặc trải theo dòng hồi tưởng, hoặc chú tâm nghiên cứu từng khía cạnh khuất kín của đời sống Hà Nội, hoặc giản dị hơn là chút cảm tưởng về thủ đô,… ký - tản văn của họ có vẻ đẹp riêng, khá độc đáo. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể, mặc dù số lượng ký - tản về Hà Nội sau 1975 khá phong phú nhưng dấu ấn cá nhân của nhà văn trong đời sống văn học chưa thật sắc nét. Trong số đó, đáng chú ý hơn cả là Đỗ Chu, Lê Minh Khuê, Nguyễn Bắc Sơn, Chu Lai, Hồ Anh Thái, Mai Ngữ, Mai Thục, Băng Sơn,… Ngoại trừ Băng Sơn là người chuyên viết tản văn về Hà Nội với nhiều tác phẩm nổi bật như: Thú ăn chơi của người Hà Nội, Đường vào Hà Nội, Dòng sông Hà Nội,…; hai nhà văn Mai Ngữ và Mai Thục cũng có Cành đào tàn trên xe rác và Tinh hoa Hà Nội… Còn lại, các cây bút khác viết về Hà Nội chủ yếu như những phút “chơi ngang” trong cuộc đời cầm bút của họ. Trong số những tay bút chơi ngang này, Đỗ Chu và Nguyễn Bắc Sơn là hai cây bút thực sự tạo được ấn tượng khi viết về Hà Nội. Nếu như Đỗ Chu tìm đến vẻ đẹp tinh tế, tài hoa của người Hà Nội (Thập niên tâm sự cộng thanh thiên, Sân trước một nhành mai, Thăm thẳm bóng người…) thì Nguyễn Bắc Sơn hầu như chỉ tìm đến với Hà Nội gắn với sông Hồng. Bằng sự khảo cứu công phu và nhiều năm gắn bó với Hà Nội, trong tập Hồng Hà ơi, các tùy bút như Sông Hồng với Hà Nội, đặc biệt là Hà Nội có cầu Long Biên là những bài ký xuất sắc của ông dành cho Hà Nội.
(1) Với các tác phẩm mang tính tiểu truyện như Việt điện u linh, Thiền uyển tập anh ngữ lục, Tam tổ thực lục, Lĩnh Nam chích quái,… Nguyễn Đăng Na cho rằng chất truyện nhiều hơn chất ký và xếp vào thành tựu của truyện ngắn trung đại. Nhưng trong các bài giới thiệu về văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, ông cũng không thực sự khẳng định đó hoàn toàn là truyện ngắn bởi tính chất truyện - ký của nó. (Xin xem: Văn xuôi tự sự Việt Nam thời trung đại, Sđd). Ở đây, chúng tôi chia sẻ quan niệm với Nguyễn Đăng Na khi ông cho rằng một số tiểu truyện vẫn có thể xếp vào thể ký (thậm chí với cả Nam Ông mộng lục, Thánh Tông di thảo và Truyền kỳ mạn lục về sau này); đồng thời, chúng tôi cũng đứng trên cơ sở tính nguyên hợp “văn - sử - triết bất phân” để tuyển lựa tác phẩm.
Hội thảo đánh giá về quan hệ hữu nghị Việt Nam-Mỹ  (15/09/2010)
Giới thiệu chính sách mới số 209  (15/09/2010)
Những nội dung cần góp ý kiến vào các dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương (khóa X) trình Ðại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Ðảng  (15/09/2010)
- Kinh nghiệm quản lý thị trường vàng của một số quốc gia và hàm ý chính sách cho Việt Nam
- Thu hút trí thức người Việt Nam ở nước ngoài cho phát triển nguồn nhân lực khoa học - công nghệ
- Chiến lược triển khai quyền chỉ huy, kiểm soát biển của Mỹ tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương và một số tác động
- Một số chính sách lớn nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó, giải quyết các vấn đề an ninh phi truyền thống, an ninh mạng ở Việt Nam hiện nay
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên