Xóa đói, giảm nghèo đã trở thành một phong trào rộng khắp trong cả nước. Sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ, nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương cùng với sự tham gia, hưởng ứng của các tổ chức xã hội, doanh nghiệp, đông đảo tầng lớp nhân dân, đặc biệt, phong trào ủng hộ người nghèo, Quỹ ngày vì người nghèo,…đã góp phần quan trọng thực hiện thành công các chương trình giảm nghèo.

1. Những thành tựu đạt được trong thực hiện các chương trình xóa đói giảm nghèo

- Huy động được nguồn lực to lớn để giảm nghèo. Trong 2 năm 2006-2007, tổng kinh phí từ ngân sách trung ương để thực hiện các dự án của Chương trình giảm nghèo là 344,4 tỉ đồng, cùng với nguồn kinh phí của địa phương và huy động trong nước, quốc tế đã tạo ra nguồn lực to lớn để tổ chức thực hiện đồng bộ chương trình trên phạm vi cả nước: cho vay ưu đãi 2,866 triệu hộ nghèo; hướng dẫn cách làm ăn cho 1,330 triệu lượt người nghèo; hỗ trợ đầu tư xây dựng 347 công trình kết cấu hạ tầng cho 157 xã đặc biệt khó khăn bãi ngang ven biển, hải đảo; cấp thẻ bảo hiểm y tế cho khoảng 29 triệu lượt người nghèo; 4,7 triệu lượt học sinh nghèo được miễn giảm học phí; 230 ngàn hộ nghèo được hỗ trợ về nhà ở từ các nguồn kinh phí trợ giúp người nghèo về nhà ở.

Triển khai Chương trình Phát triển kinh tế - xã hội các xã đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi (Chương trình 135 giai đoạn 2), trong 2 năm 2006-2007, ngân sách nhà nước đầu tư cho chương trình 3.483 tỉ đồng cùng với nguồn huy động từ các nhà tài trợ quốc tế và ngân sách địa phương, đóng góp của nhân dân, doanh nghiệp đã tạo nguồn lực to lớn để thực hiện chương trình. Các địa phương đã đầu tư xây dựng 8.413 công trình hạ tầng, tạo ra năng lực mới phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn miều núi. Theo báo cáo của các địa phương, đến nay, 96% xã có đường ô tô đến trung tâm xã, 97% xã có trạm y tế xã, 84% xã có đủ trường lớp học tiểu học và trung học cơ sở, 90% xã có điện lưới quốc gia, 81% xã có công trình thủy lợi nhỏ…Những kết quả đạt được đã tác động tích cực đến việc phát triển kinh tế - xã hội của các xã đặc biệt khó khăn, các chỉ tiêu về kinh tế - xã hội chủ yếu đã đạt mục tiêu đề ra, đời sống của đồng bào các dân tộc tiếp tục được cải thiện.

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh. Nhờ thực hiện đồng bộ các dự án, chính sách của các chương trình giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm nhanh. Hàng năm, hộ nghèo cả nước giảm bình quân 3-4%, vượt mức kế hoạch đề ra. Đến cuối năm 2007, tỷ lệ hộ nghèo cả nước còn 14,82%, giảm 6,28% so với cuối năm 2005. Một số địa phương đã cơ bản xóa hết hộ nghèo theo tiêu chuẩn quốc gia như Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh và áp dụng chuẩn nghèo mới của địa phương cao hơn từ 1 đến 2 lần chuẩn quốc gia.

2. Những khó khăn hạn chế

- Khó khăn về cơ chế chính sách. Cơ chế thực hiện trợ giúp y tế còn bất cập, một bộ phận người nghèo chưa được hưởng hoặc chậm được hưởng chính sách do số lượng người nghèo quá lớn. Chính sách hỗ trợ giáo dục thực hiện theo cơ chế miễn giảm học phí cho học sinh nghèo chưa bao phủ đối với các học sinh nghèo tại các trường dân lập. Việc cho vay vốn tín dụng ưu đãi hộ nghèo chưa gắn kết chặt chẽ với hoạt động khuyến nông - lâm- ngư nghiệp, nên không thể phát triển sản xuất bền vững; vẫn còn khoảng 30% hộ nghèo có nhu cầu vay vốn nhưng thiếu nguồn vốn.

- Khó khăn về vốn đầu tư kết cấu hạ tầng. Các công trình đầu tư hàng năm không đồng bộ, chất lượng hạn chế, năng lực phục vụ thực tế của các công trình này hiệu quả không cao. Cơ chế hỗ trợ đầu tư của chương tình còn dàn trải, cắt đoạn, chưa đầu tư đến cùng cho từng sản phẩm, dự án để phát huy hiệu quả thực tế. Các huyện, xã có tỷ lệ hộ nghèo cao (trên 50%) chưa được tập trung hỗ trợ đúng mức, đủ độ nên chưa đủ điều kiện để tăng nhanh thu nhập, giảm nghèo nhanh, tiếp cận với mức bình quân thu nhập của tỉnh.

- Khó khăn trong tổ chức thực hiện. Trong tổ chức thực hiện, một số địa phương chưa thực sự tập trung chỉ đạo thực hiện, thiếu đôn đốc kiểm tra, thiếu tính chủ động, chậm cụ thể hóa hướng dẫn phù hợp với điều kiện của địa phương; sự phối hợp giữa các cơ quan trong triển khai thực hiện, lồng ghép các chính sách, dự án của chương trình còn hạn chế.

Nhìn chung đại bộ phận nhân dân là nông thôn, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số, vùng núi cao đều có thu nhập thấp, chỉ đạt trên chuẩn nghèo 5-10%, trong điều kiện giá cả vật tư cho sản xuất, hàng hóa cho tiêu dùng thiết yếu đều tăng nhanh; dịch bệnh thiên tai, lũ lụt xảy ra với quy mô, tần suất lớn, tập trung ở những vùng nghèo, thiệt hại về sản xuất, tài sản và nhà ở rất lớn, đời sống nhân dân, nhất là hộ nghèo hết sức khó khăn (tỉnh Hà Tĩnh sau thiên tai, dịch bệnh kết quả giảm nghèo chỉ còn khoảng 0,7%), khả năng tự phục hồi sau hậu quả dịch bệnh thiên tai lũ lụt của hộ nghèo rất hạn chế. Mặt khác, tốc độ giảm nghèo diễn ra không đồng đều giữa các khu vực; vùng khó khăn, vùng nghèo chưa có đủ điều kiện để đột phá về giảm nghèo, tỷ lệ hộ nghèo chênh lệch rất lớn.

Để đạt mục tiêu cuối năm 2008, tỷ lệ hộ nghèo cả nước chỉ còn 11-12%, về trước 2 năm mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2006-2010, cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có:

- Quy hoạch, sắp xếp lại vùng dân cư, hỗ trợ đầu tư nhà ở và các công trình dân sinh, sản xuất, phòng chống hạn chế tác hại của bão lũ, tạo nền tảng cho giảm nghèo nhanh, bền vững.

- Đối với các tỉnh nghèo, nguồn thu ngân sách khó khăn, các dự án giảm nghèo phải đảm bảo đầu tư đến cùng cho từng sản phẩm, đạt mục tiêu giảm nghèo.

- Đối với các xã đặc biệt khó khăn, tập trung cho những xã có dự án, đủ điều kiện đầu tư làm trước, tập trung vốn đầu tư dứt điểm, lấy kinh nghiệp xã này để triển khai xã tiếp theo, tránh tình trạng phân bổ vốn dàn trải, chuẩn bị đầu tư không tốt, công trình dở dang, hiệu quả thấp.

- Tiếp tục nghiên cứu cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn, ưu đãi hộ nghèo, tháo gỡ một số vướng mắc trong giải ngân các hợp phần đào tạo cán bộ, hỗ trợ phát triển sản xuất và kết cấu hạ tầng; phân cấp quản lý và minh bạch trong thực hiện chương trình.

- Nghiên cứu xây dựng và trình ban hành chuẩn nghèo mới áp dụng từ 2011-2015 theo hướng hội nhập và toàn diện, linh hoạt hơn trong điều kiện hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế khu vực và thế giới.