PA-KIT-XTAN

10:44, ngày 28-12-2007

1. Khái quát

Pa-ki-xtan (Pakitstan), tên đầy đủ là Vương quốc Hồi giáo Pa-kít-xtan, tên theo âm Hán - Việt là Ba Cơ Tư Thản, là quốc gia nằm ở vùng Nam Á.

Thủ đô: Ix-la-ma-bát (Islamabat)

Thành phố lớn nhất là Ca-ra-chi (Karachi), thủ đô cũ của Pa-ki-xtan. Dân số 11,6 triệu, đứng thứ 13 về mức độ đông dân trên thế giới (theo số liệu của Liên hợp quốc năm 2005).

Diện tích: 803.943 km2; hay là 888.102 km2 nếu tính cả các vùng đang tranh chấp ở phía bắc và Ca-sơ-mia (Kashmir) của Pa-ki-xtan

Dân số: 163.985.373 người (đứng hạng thứ 6 trên thế giới), là nước đông dân thứ 2 trong các nước Hồi giáo (sau In-đô-nê-xi-a)

Mật độ dân số: 187 người/ km2

Ngôn ngữ chính thức: tiếng Uốc-đu và tiếng Anh; ngoài ra còn có tiếng Pun-giáp, tiếng Xin-đi, tiếng Pu-sơ-tu, tiếng Ba-lu-chi.

Đơn vị tiền tệ: đồng Ru-pi Pa-ki-xtan

2. Nguồn gốc tên gọi:

Pa-ki-xtan có tên gọi đầy đủ là “Cộng hòa Hồi giáo Pa-ki-xtan”, nằm ở phía tây bắc tiểu lục địa Nam Á. Tên gọi có hai nguồn gốc.

- Nguồn gốc thứ nhất: Vào khoảng năm 1930, nhà thơ, nhà triết học, nhà tư tưởng Hồi giáo nổi tiếng Mô-ham-mét Y-kê-ban (Mohammed Ykebal) triệu tập hợp lại đạo Hồi ở tiểu lục địa Nam Á. Pa-ki-xtan có nguồn từ tiếng Ba Tư: “Paki” mang nghĩa “Hồi giáo”, “thánh thiện”; “xtan” tức là “nước” hay “vùng”, “khu vực”; mang ý nghĩa chung là nơi ở của những người trong sạch, tức một nước Hồi giáo thanh cao.

- Nguồn gốc thứ hai: Do các học sinh Hồi giáo du học ở Đại học Cambridge - nước Anh đề xuất, họ đem mẫu chữ cái đầu tiên của các quốc gia và vùng đất Hồi giáo Pan-su-pu, Áp-ga-ni-xtan, Kát-xmia, I-ran, Xin-dơ hợp thành Pakistan, tức Pa-ki-xtan, mang ý nghĩa đây là quốc gia gồm nhiều vùng đất Hồi giáo khác hợp thành. Pa-ki-xtan và Ấn Độ nguyên là một quốc gia, năm 1858, cả tiểu lục địa Nam Á trở thành thuộc địa của Anh.

Năm 1947, Anh công bố “phương án Mông-ba-tôn (Mongbaton)”, đem Ấn Độ thuộc Anh chiếu theo tôn giáo tín ngưỡng phân thành hai quốc gia Pa-ki-xtan và Ấn Độ, thực hiện chế độ chia để trị. Ngày 14 tháng 8 cùng năm, Pa-ki-xtan tuyên bố độc lập trở thành lãnh thổ tự trị trong khối Liên hiệp Anh (bao gồm cả đông và tây Pa-ki-xtan). Ngày 23 tháng 3 năm 1956, thành lập “nước Cộng hòa Hồi giáo Pa-ki-xtan”. Sau chiến tranh Ấn Độ - Pa-ki-xtan năm 1971, phần phía động Pa-ki-xtan tách ra thành nước Băng-la-đét. Tháng 1 năm 1972, Pa-ki-xtan thoát li khỏi Liên hiệp Anh.

3. Quốc kỳ

Quốc kỳ do hai màu trắng và lục sẫm tạo thành. Màu trắng chiếm 1/4 bề mặt lá cờ, màu lục sẫm chiếm 3/4. Giữa phần nền màu lục sẫm có một ngôi sao năm cánh màu trắng và một vành trăng non lưỡi liềm màu trắng. Màu lục biểu thị đạo Hồi, sao năm cánh và trăng non lưỡi liềm tượng trưng cho niềm tin của đa số nhân dân Pa-ki-xtan đối với đạo Hồi, hình chữ nhật đặt đứng màu trắng bên phía cán cờ biểu thị cư dân tin thờ Ấn Độ giáo, Phật giáo, Cơ đốc giáo. Bái hỏa giáo (Zoroastrianism - thờ lửa) và các dân tộc thiểu số khác. Năm 1964, Pa-ki-xtan từng tuyên bố, màu trắng tượng trưng cho hòa bình, màu lục tượng trưng cho phồn vinh, trăng non tượng trưng cho tiến bộ, sao năm cánh tượng trưng cho sự tươi sáng. Quốc kỳ này vốn là lá cờ của liên minh Hồi giáo toàn Ấn Độ. Ngày 23 tháng 3 năm 1940, Liên minh Hồi giáo toàn Ấn Độ đã triệu tập họp hội nghị tại Lahore, thông qua nghị quyết thành lập nước Pa-ki-xtan. Pa-ki-xtan có nghĩa là nước Hồi giáo. Ngày 11 tháng 8 năm 1947, Quốc hội Pa-ki-xtan chính thức thông qua việc sử dụng lá quốc kỳ này.

4. Dân tộc, Đạo giáo

Dân tộc: Pa-ki-xtan gồm nhiều dân tộc, sắc tộc - người Pun-giáp, người Xin-đi, người Pu-sơ-tu, người Ba-lu-chi, người Mô-ha-du (di cư từ Ấn Độ, dùng ngôn ngữ Uốc-đu).

Tôn giáo: Đạo Hồi là quốc đạo, người theo đạo Hồi dòng Xun-ni chiếm 92% dân số, người thuộc đạo Hồi dòng Xi-ai chiếm 5%, một phần nhỏ dân cư thuộc về dòng đạo Hồi I-xmai-li và đạo A-mát, người theo đạo Thiên Chúa và Ấn Độ giáo có rất ít. Trong Quốc hội Pa-kít xtan, có khoảng 10 ghế dành cho các thành viên đại diện cho thiểu số người không theo đạo Hồi.

5. Vị trí địa lý - địa hình - khí hậu

Vị trí địa lý: Pa-ki-xtan nằm ở Tiểu lục địa Ấn Độ, chạy dài khoảng 14.000 km từ những dãy núi Hi-ma-lay-a và Hin-đu Cuốc ở phía bắc xuống tới bờ biển A Rập ở phía nam. Pa-ki-xtan có biên giới chung với 4 nước: Phía đông và đông-bắc giáp Ấn Độ, , tây giáp I-ran, tây-bắc giáp Áp-ga-nít-xtan, phía đông - bắc là vùng Ka-sơ-mia có một đoạn biên giới ngắn giáp Trung Quốc.

Địa hình. Sông In-đu-xơ chạy dài dọc theo đất nước, từ bắc xuống nam, chia Pa-ki-xtan thành hai miền: vùng cao nguyên ở phía tây và vùng thấp ở phía đông. Vùng Ba-lu-chi-xtan phía nam có nhiều đồi và núi thấp. Ở vùng biên giới tây-bắc và các khu vực còn tranh chấp là những dãy núi cao chót vót hơn 7.000 m, trong đó có dãy Ca-ra-cô-ram, các nhánh của dãy Hi-ma-lay-a và Hin-đu Cuốc. Đỉnh núi cao nhất của Pa-ki-xtan là Gôt-uyn Au-xten, cao 8.607 m, đứng thứ hai thế giới. Miền đông của Pa-ki-xtan là một phần của sa mạc Tha-rơ của Ấn Độ.

Đất trồng trọt của Pa-ki-xtan nói chung không được mầu mỡ. Đất đai vùng giáp sa mạc Tha-rơ chẳng những nhiều cát mà còn chứa nhiều chất muối thiên nhiên, kiềm, đặc biệt là ở vùng Xin-đơ.

Khí hậu. Miền bắc và miền tây Pa-ki-xtan có khí hậu khô. Miền nam và phần lớn miền đông có khí hậu nhiệt đới gió mùa. Khí hậu biến đổi mạnh theo mùa và theo độ cao, từ khí hậu nhiệt đới nóng ở vùng ven biển và đồng bằng đến khí hậu lạnh ở vùng biên giới phía bắc.

6. Chính trị

Thể chế nhà nước. Nước Cộng hòa Hồi giáo Pa-ki-xtan theo hệ thống chính phủ liên bang, gồm 2 viện - thượng viện và hạ viện (quốc hội).

Thượng nghị viện của Pa-ki-xtan gồm 87 thành viên, nhiệm kỳ là 6 năm, trong đó có 76 người được bầu từ 4 bang (tỉnh), mỗi bang bầu ra 19 người, có 8 người được bầu từ các vùng bộ lạc trực thuộc liên bang, và có 3 thượng nghị sĩ đại diện cho thủ đô của Liên bang.

Hạ viện gồm 237 thành viên, nhiệm kỳ 5 năm, trong đó có 207 thành viên được bầu bằng tuyển cử phổ thông đầu phiếu, 20 thành viên đại diện cho phụ nữ, 10 thành viên đại diện cho tập hợp số ít những người không theo đạo Hồi.

Bốn bang của Pa-ki-xtan là: Xin-đi, Pun-giáp, Ba-lu-chi-xtan và bang Biên thùy Tây-Bắc. Bảy khu vực thuộc các bộ tộc giáp biên giới Ap-ga-ni-xtan do chính phủ liên bang trực tiếp cai trị. Chính phủ Pa-ki-xtan còn điều hành khoảng 1/3 khu vực đặc biệt trước đây là tiểu bang Ka-xmia và Giam-mu.

Quân đội Pa-ki-xtan. Hệ thống quân đội Pa-ki-xtan bao gồm lục quân, hải quân, không quân, lực lượng bán vũ trang, lực lượng biên phòng và bộ tư lệnh chiến lược hạt nhân.

Lực lượng quân đội chính quy của Pa-ki-xtan có 619.000 người, đứng thứ 7 trên thế giới về quân số. Lực lượng bán vũ trang và bộ đội biên phòng có 302.000 người. Như vậy quân đội của Pa-ki-xtan có lực lượng khá đông, gần 1 triệu người. Ngân sách quốc phòng hàng năm khoảng 4,26 tỷ USD (chiếm khoảng 4,5 % GDP), xếp thứ 39 trên thế giới.

Lực lượng vũ trang, theo thể chế, có một vị trí quan trọng trong xã hội. Quân đội Pa-ki-xtan tham gia tích cực vào các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, và cũng đưa chuyên gia quân sự (cố vấn) đến nhiều nước ở châu Phi, Nam Á, và các nước trong khối A Rập.

Quân đội Pa-ki-xtan có nguồn gốc từ quân đội Ấn Độ, đặt dưới sự cai quản của Anh trước năm 1947. Sau khi độc lập (1947), quân đội chung này được tách ra thành 2 lực lượng, phía Ấn Độ chiếm 64 %, còn Pa-ki-xtan chiếm 36%.

Chủ tịch hội đồng liên quân: Ê-xan Un Hác (Ehsan Ul Haq)

Tư lệnh lục quân: tổng thống Pe-véc Mu-sa-ráp

Tư lệnh hải quân: Mu-ha-mát Ap-dan Ta-hia (Muhammad Afzal Tahir)

Lục quân của Pa-ki-xtan có lực lượng đông nhất trong các thứ quân của Pa-ki-xtan: 55.000 người

Quân đội Pa-ki-xtan đã nhiều lần nắm quyền tại Pa-ki-xtan:

- Từ 1958 đến 1969, tướng Mu-ha-mát A-y-út Khan cai trị đất nước Pa-ki-xtan bằng sắc lệnh, sau khi hiến pháp bị hủy bỏ.

- Từ năm 1969, do phong trào đấu tranh của nhân dân phản đối chính quyền quân sự của A-y-a-út Khan, ông ta đã phải từ chức vào tháng 3-1969 và trao quyền cho tướng Mu-ha-mát Y-a-hia Khan, tổng tư lệnh quân đội Pa-ki-xtan. Y-a-hia Khan cầm quyền cho đến năm 1971, thì bị buộc phải từ chức.

- Năm 1977, Tham mưu trưởng quân đội Pa-ki-xtan Mu-ha-mát Di-a Un-hác làm đảo chính lật đổ chính phủ dân sự của tông thống Dun-phi-ca A-li But-tô (thân phụ của bà B. But-tô), và cầm quyền liên tục 11 năm cho tới khi tử nạn trong một vụ rơi máy bay, năm 1988.

- Năm 1999, vào tháng 10, quân đội lại đảo chính không đổ máu, lật đổ chính phủ, năm 2000, tướng Pê-véc Mu-sa-ráp được tòa án tối cao ra phán quyết tán thành hành động của quân đội, và chế độ quann nhân tồn tại cho đến ngày nay.

Như vậy, nếu tính từ 1958 đến nay là 50 năm, thì giới quân sự cầm quyền 38 năm, chiếm 76 % thời gian.

Quan hệ quốc tế và chính sách đối ngoại. Có thể nói tổng thống Dun-phi-ca A-li But-tô là người có công đầu trong việc mở rộng mối quan hệ của Pa-ki-xtan với các nước trên thế giới. Năm 1975 (trong nhiệm kỳ của tổng thống Dun-phi-ca But-tô), Pa-ki-xtan trở thành thành viên của Liên Hợp Quốc, tháng 1-1976, Pa-ki-xtan là thành viên của Hội đồng Bảo an (thay I-ran vừa hết hạn).

Nhìn chung, chính sách đối ngoại của Pa-ki-xtan đã nhiều lần thay đổi. Khi mới lập quốc, Pa-ki-xtan chủ trương trung lập. Từ sau năm 1954, Pa-ki-xtan có xu hướng ngả theo Mỹ và Phương Tây, cùng năm này, Pa-ki-xtan gia nhập Khối Quân sự Đông Nam Á (SEATO) do Mỹ đứng đầu. Từ năm 1960, Pa-ki-xtan giảm dần quan hệ với Mỹ, rút dần ra khỏi khối SEATO, đến năm 1972, Pa-ki-xtan rút ra khỏi khối Liên Hiệp Anh. Pa-ki-xtan có quan hệ ngoại giao với nhiều nước Xã hội Chủ nghĩa.

Quan hệ giữa Pa-ki-xtan với Ấn Độ là một trong những vấn đề phức tạp và gây ra nhiều xung đột nhất trong lịch sử Pa-ki-xtan. Mặc dù sau khi Pa-ki-xtan công nhận quyền độc lập và chủ quyền của Bang-la-đét vào năm 1974, ba nước Pa-ki-xtan, Ấn Độ và Bang-la-đét đã ký tại Niu Đê-li một hiệp định 3 bên, khẳng định rõ: “Quyết tâm của ba nước là quên đi quá khứ và kiên quyết tiếp tục phấn đấu cho việc hòa giải, cho hòa bình hữu nghị ở Tiểu lục địa Ấn Độ này”, tuy nhiên kể từ đó nhưmngx khối mâu thuẫn vẫn âm ỉ, làm cản trở sự phát triển của hai nước và gây lo ngại cho các nước trong khu vực, đặc biệt là vấn đề hạt nhân.

Pa-ki-xtan thiét lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam ngày 8-11-1972. Trước đó, năm 1968, đặc phái viên của chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã được chính phủ và nhân dân Pa-ki-xtan tiếp đón nồng nhiệt. Pa-ki-xtan không tán thành việc Mỹ can thiệp và mở rộng chiến tranh xâm lược Việt Nam. Khi cò làm bộ trưởng bộ ngoại giao trong những năm 1960, ông Dun-phi-ca A-li But-tô đã nhắc Tổng thống Mỹ Ken-nơ-đi rằng “chính sách của Mỹ ở Việt Nam không thể thành công được” và “thật là vô ích khi cố gắng giải quyết vấn đề Việt Nam bằng chiến tranh”.

Quan hệ Việt Nam Pa-ki-xtan mấy năm gần đây có nhiều chuyển biến tốt. Tháng 10-2000, Pa-ki-xtan mở lại Đại sứ quán và cử Đại sứ thường trú tại Hà Nội (Pa-ki-xtan mở Đại sứ quán thường trú tại Hà Nội năm 1973, tạm thời đóng cửa từ năm 1980; Việt Nam lập Sứ quán ở Pa-ki-xtan từ năm 1978, tạm thời đóng cửa từ năm 1984). Tháng 12-2005 Ta mở lại Đại sứ quán tại I-xla-ma-bát, tháng 11-2005, mở văn phòng thương mại tại Ca-ra-chi. Việt Nam và Pa-ki-xtan đã ký kết nhiều hiệp định thương mại, khoa học công nghệ, miễn thị thực cho người mang hộ chiếu ngoại giao và hộ chiếu công vụ,...Kim ngạch thương mại hai chiều của Việt Nam và Pa-ki-xtan tăng lên khá nhanh, từ 10 triệu USD năm 1999 lên gần 100 triệu USD năm 2006. Tổng thống P. Mu-sa-ráp sang thăm Việt Nam năm 2001, và chủ tịch Trần Đức Lương thăm Pa-ki-xtan năm 2004.

Pa-ki-xtan với vấn đề hạt nhân. Pa-ki-xtan sở hữu các loại vũ khí hạt nhân, các loại vũ khí này được mang bởi máy bay và tên lửa tầm xa. Tuy nhiên, không giống Ấn Độ, Pa-ki-xtan không dùng chính sách “không sử dụng trước” (no-first-use), và khẳng định vũ khí hạt nhân dùng để răn đe Ấn Độ.

Chương trình hạt nhân của Pa-ki-xtan có mục tiêu nói chung là chạy đua cho kịp với Ấn Độ. Pa-ki-xtan đã thành lập Hội đồng Năng lượng Nguyên tử từ năm 1954, bắt đầu vận hành lò phản ứng nghiên cứu hạt nhân năm 1965 và khánh thành lò phản ứng thương mại đầu tiên của nước này vào năm 1970. Khi ấy, cố vấn khoa học của chính phủ, nhà vật lý lý thuyết lừng danh Áp-đu Xa-lam (nhận giải Nô-ben năm 1979) đã đóng một vai trò quan trọng.

Trên thực tế thì chương trình hạt nhân của Pa-ki-xtan đã từng bị thiếu nhân lực nghiêm trọng. Năm 1953, nhóm hoạt động chỉ có 31 nhà khoa học và kỹ sư, dưới sự chỉ huy của Na-rít A-mát, vốn là cựu trưởng ban dệt may. Họ đã tìm cách gửi hơn 600 nhà khoa học và kỹ sư sang Mỹ, Ca-na-đa và Tây Âu. Với sự giúp đỡ của các nước này, Pa-ki-xtan đã có một vài phòng thí nghiệm nghiên cứu hạt nhân vào giữa những năm 1960.

Sau chiến tranh năm 1965 với Ấn Độ, nhiều chính trị gia, nhà báo, và nhà khoa học đã trở nên rất nóng ruột phát triển vũ khí hạt nhân. Ngoại trưởng Bút-tô đã tuyên bố rằng, nếu Ấn Độ làm được một quả bom nguyên tử thì Pa-ki-xtan sẽ theo kịp cho bằng được, “cho dù phải ăn cỏ và lá cây, hoặc nhịn đói”. Sau thất bại của Pa-ki-xtan trong chiến tranh tháng 12/1971, Bút-tô đã trở thành thủ tướng. Vào tháng giêng năm 1972, ông ta đã triệu tập các nhà khoa học Pa-ki-xtan để bàn về việc làm bom.

Năm 1984, những thiết kế bom có thể mang trên máy bay đã được thông báo là thành công. Với sự kiện này, một số quan chức Mỹ bắt đầu đổ trách nhiệm cho Trung Quốc, rằng Trung Quốc đã cung cấp cho Pa-ki-xtan một loại thiết kế bom. Thực ra, Trung Quốc và Pa-ki-xtan cũng đã có trao đổi công nghệ và thiết bị trong một vài lĩnh vực, bao gồm cả các lĩnh vực có liên quan đến tên lửa và vũ khí hạt nhân. Chẳng hạn, người ta tin rằng, Pa-ki-xtan đã nhập khẩu các tên lửa tầm xa từ Trung Quốc. Tuy nhiên, việc quy Trung Quốc đã cung cấp cho Pa-ki-xtan thiết kế vũ khí là hoàn toàn chưa có cơ sở. Các nhà khoa học Pa-ki-xtan cũng đã phủ nhận chuyện đó.

7. Vài nét về lịch sử Pa-ki-xtan.

Pa-ki-xtan là quốc gia tách ra từ Ấn Độ, do đó lịch sử của nó cũng gắn liền với lịch sử Ấn Độ. Tiểu lục địa Ấn Độ đã có một nền văn hóa rất lâu đời, được coi là một trong những chiếc nôi của nhân loại - trung tâm nền văn minh cổ đại Phương Đông. Khoảng hơn 2000 năm trước Công nguyên, theo tài liệu khảo cổ, đã thấy xuất hiện những thành phố Ha-rap-pa (gần La-ho), Mô-hen-giô Đa-rô (thuộc bang Xin-đi) thuộc lãnh thổ Pa-ki-xtan ngày nay. Từ thế kỷ thứ IV trước Công nguyên (CN) Lục địa Tiểu Á trong đó có Pa-ki-xtan bắt đầu bị sự xâm lược của nước ngoài. Năm 327 trước CN. quân đội của A-lếch-xăng Ma-xê-đoan (A-lếch-xăng Đại đế) vượt đèo Ca-bun, xâm nhập lưu vực sông In-đu-xơ thuộc vùng Pun-giáp (Pa-ki-xtan). Cuộc chiến chống ngoại xâm diễn ra rất ác liệt, bởi đối diện với Vương triều và nhân dân vùng Tiểu lục địa Ấn Độ, mà đặc biệt là dân vùng Pa-ki-xtan ngày nay, là một đội quân bất khả chiến bại (A-lếch-xăng Đại đế được xếp vào hàng các tướng lĩnh kiệt xuất của thế giới). Năm 325 trước CN. A-lêch-xăng Ma-xê-đoan phải rút quân. Thế kỷ thứ I sau CN. Quân Cu-san (một chủng người lai Thổ Nhĩ Kỳ và Mông Cổ) thiết lập một nền đế chế ở vùng tây-băc Tiểu lục địa Ấn Độ, tức Pa-ki-xtan ngày nay, và lấy Pê-xa-oa làm thủ đô. Tiểu lục địa Ấn Độ chịu ảnh hưởng của châu Âu từ cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI. Khoảng 1746 - 1763 thực dân Anh và thực dân Pháp tranh chấp quyền thống trị Tiểu lục địa Ấn Độ, kết thúc bằng Hiệp ước Pa-ri năm 1763 xác lập quyền bá chủ của thực dân Anh trên Tiểu lục địa Ấn Độ, đây cũng chính là thời kỳ hoàng kim của Đế quốc Anh, “mặt trời không bao giờ lặn trên Đế quốc Anh”.

Đạo Hồi xuất hiện tại Pa-ki-xtan từ rất sớm. Cuối thế kỷ XII, các nhà buôn A Rập và sau đó là đội quân Hồi giáo của người A Rập tiến vào chinh phục Pa-ki-xtan và đưa đạo Hồi vào xứ này. Đến triều vua Ấn Độ Mô-gôn, đạo Hồi được phát triển mạnh mẽ, quyền lực và nền văn hóa Hồi giáo trên tiểu lục địa Ấn Độ đã lên tới đỉnh cao. Do đó, sau này tuy có sự giao lưu văn hóa với người Ấn Độ giáo, tập thể người Hồi giáo vẫn duy trì tính cách biệt riêng của họ.

Trước ngày thành lập Nhà nước Pa-ki-xtan, số người Hồi giáo ở Ấn Độ có khoảng 100 triệu sống tập trung ở vùng Tây Bắc (tức Tây Pa-ki-xtan và hiện nay là nước Pa-ki-xtan) và Đông Bắc (tức Đông Pa-ki-xtan và hiện nay là Băng la đét). Số còn lại sống rải rác ở miền Bắc và các khu vực ở miền Trung Ấn Độ, được coi như những nhóm thiểu số sống giữa tập thể những người Ấn Độ giáo.

Sau cuộc di cư của 5 triệu người Ấn Độ giáo và nhập cư của 6 triệu người Hồi giáo năm 1947, số người theo đạo Hồi ở Đông Pa-ki-xtan từ 71% đã tăng lên tới 75% và ở Tây Pa-ki-xtan từ 79% lên tới 97% dân số ở các vùng đó. Ngay từ năm 1906, khi Liên đoàn Hồi giáo được thành lập với tư cách một tổ chức chính trị ở Ấn Độ, do Mô-ha-mét A-li Gin-na đứng đầu, Liên đoàn đã đề ra mục tiêu đòi tách một bộ phận lãnh thổ Ấn Độ để thành lập một Nhà nước Hồi giáo. Từ những năm 1920 và đầu những năm 1930, phong trào Hồi giáo có một bước phát triển mới và đặc biệt trở thành một vấn đề chính trị quan trọng. Gin-na đưa ra thuyết thành lập ở Ấn Độ “hai nước” gồm nước Ấn Độ giáo và nước Hồi giáo. Năm 1940, tại một cuộc họp ở La-ho, Liên đoàn Hồi giáo đã thông qua một nghị quyết đòi thành lập một Nhà nước Hồi giáo độc lập.

Sau chiến tranh thế giới thứ hai, thế lực của thực dân Anh trên trường quốc tế bị suy yếu rõ rệt cũng như địa vị của nó bị lung lay ở các thuộc địa. Hoảng sợ trước phong trào giải phóng dân tộc đang dâng cao, thực dân Anh càng ráo riết thực hiện chính sách cổ truyền “chia để trị”.

Để tránh né mũi nhọn đấu tranh của quần chúng, thực dân Anh đã lợi dụng và khoét sâu thêm những mâu thuẫn vốn có từ lâu giữa các tôn giáo và các đảng phái ở Ấn Độ. Trước hết, thực dân Anh ủng hộ phong trào Hồi giáo đòi thành lập một Nhà nước riêng rẽ và thúc đẩy Liên đoàn Hồi giáo ly khai với Đảng Quốc đại Ấn Độ. Sau đó, trước sức ép của Anh, Đảng Quốc đại buộc phải chấp nhận việc chia cắt đất nước và tham gia ký kết một hiệp định ba bên: Đảng Quốc đại, Liên đoàn Hồi giáo và chính phủ Anh, quy định lấy ngày 14 tháng 8 năm 1947 làm ngày độc lập của Nhà nước Pa-ki-xtan và Nhà nước Ấn Độ. Tuy nhiên cả hai nước này vẫn nằm dưới quyền cai trị của thực dân Anh.

Nước Cộng hòa Hồi giáo Pa-ki-xtan ra đời gồm hai phần lãnh thổ cũ của Ấn Độ. Bộ phận thứ nhất bao gồm 4 tỉnh Pun-giáp, Xin-đi, Ba-lu-chi-xtan và tỉnh Biên giới Tây - Bắc. Bộ phận thứ hai bao gồm phần phía Đông của xứ Ben-gan.

Thật ra cả Ấn Độ và Pa-ki-xtan đều không thỏa mãn với sự chia cắt này. Mô-han-đát Găng-đi, thủ lĩnh Đảng Quốc đại một mình phản đối đến cùng việc chia cắt này, nhưng sau lại bị một người Ấn Độ giáo ám sát vì họ tưởng rằng Găng-đi đồng ý với việc chia cắt. Mặt khác, phía Pa-ki-xtan cùng không thỏa mãn vì phần lãnh thổ không hoàn chỉnh, bị chia cắt làm đôi, thành hai bộ phận Đông và Tây cách nhau tới 1.600km qua lãnh thổ Ấn Độ. Hơn nữa Pun-giáp và Ben-gan đều bị cắt đôi cho mỗi nước một phần. Ngoài ra sự chia cắt này còn để lại nhiều vấn đề chưa được giải quyết, đặc biệt về vấn đề biên giới và vùng Ca-sơ-mia.

Việc thành lập nước Cộng hòa Hồi giáo Pa-ki-xtan không giải quyết được những mâu thuẫn chủ yếu vốn có. Tình hình chính trị-xã hội luôn trong trạng thái rối ren, nhân dân ở Đông Pa-ki-xtan (ngày nay là Băng-la-đét) nổ dậy mạnh mẽ sau khi liên minh nhân dân A-oa-mi của Đông Pa-ki-xtan giành được đa số ghế trong quốc hội Pa-ki-xtan. Ấn Độ ủng hộ phong trào đấu tranh của Đông Pa-ki-xtan, chiến tranh Ấn và Pa-ki-xtan lại bùng nổ. Ngày 17-12-1971, chiến tranh kết thúc, nước Cộng hòa Băng-la-đét ra đời, chấm dứt một chuỗi dài tranh chấp, xung đột Tây Pa-ki-xtan (Pa-ki-xtan), Ấn Độ, Đông Pa-ki-xtan (Băng-la-đét).

8. Ảnh hưởng của Ta-li-ban và An-kê-đa đến Pa-ki-xtan.

Cuộc chiến chống khủng bố từ sau ngày 11-9 đã đem về cho Pa-ki-xtan 10 tỷ USD viện trợ. Pa-ki-xtan nằm trong chiến lược chống khủng bố toàn cầu của Mỹ. Không riêng Mỹ, mà cả thế giới cũng trông mong vào sự nỗ lực của Pa-ki-xtan. Nhưng mọi việc không đơn giản như các kịch bảnm đã được đề ra!

Sau khi chế độ Ta-li-ban sụp đổ, An-kê-đa và Ta-li-ban đã kết hợp lại thành một khối khá vững chắc, chúng hoạt động trên vùng núi non hiểm trở dọc vùng biên giới Pa-ki-xtan và Ap-ga-ni-xtan, dãy Ca-ra-cô-ram và Hi-ma-lay-a với các đỉnh cao chênh vênh là chỗ dựa thiên nhiên cho các lực lượng khủng bố. Bảy khu vực bộ tộc do chính phủ trung ương quan lý ở vùng núi non này thực ra là “bất trị”. Đây là những vùng phi luật lệ, cực kỳ bảo thủ, tự điều hành theo kiểu “bán tự trị”. Các tay súng địa phương cùng những lính đánh thuê (mà trong số này có không ít người là học trò của CIA-Cục Tình báo Trung ương Mỹ) hoạt động ngang nhiên trong khu vực này. Sau khi không thể tiêu diệt được lực lượng phiến quân, chính phủ Pa-ki-xtan đã phải ký một thỏa thuận ngừng bắn với một số trong các nhóm phiến quân này. Tuy nhiên thỏa thuận chỉ là trên giấy, cuộc chiến vẫn chưa ngưng nghỉ!.

Các nhóm phiến quân hiện đang lợi dụng tình hình thiếu ổn định ở Pa-ki-xtan để tiến hành những hoạt động khủng bố nhằm gây áp lực mạnh lên Pa-ki-xtan, và thông qua đó gây áp lực lên cộng đồng quốc tế. Nhiều cuộc tấn công nhằm vào các thành phố lớn của Pa-ki-xtan đã diễn ra, tháng bảy vừa qua, vụ “Thánh đương Đỏ” là chiến trường đẫm máu giữa lực lượng an ninh chính phủ và các tay súng Hồi giáo cực đoan, đã gây sốc cho cả dư luận thế giới.

Còn một câu hỏi làm cộng đồng quốc tế rất lưu tâm: nếu Pa-ki-xtan bị Ta-li-ban hóa, thì lực lượng hạt nhân của Ix-la-ma-bát (ước tính vào khoảng 80 thiết bị hạt nhân) sẽ ra sao? Bàn tay nào sẽ khống chế khối lượng vũ khí hạt nhân này?!.

Trên thực tế Pa-ki-xtan đã ủng hộ một cách chính thức lực lượng Ta-li-ban từ khi nó còn trong trứng nước. Khi đó bà B. But-tô đang là thủ tướng. Tuy nhiên, lịch sử bao giờ cũng rất cụ thể, hành động ủng hộ của But-tô vào thời điểm lúc bấy giờ hoàn toàn vì quyền lợi của Pa-ki-xtan, và không ai nghĩ rằng nó lại có hại tới bây giờ!. Cuộc phỏng vấn của Niu-xơ-uých (Newsweek) với bà But-tô cho thấy rõ điều đó:

Taliban trở thành lực lượng lãnh đạo Áp-ga-ni-xtan khi bà đang làm thủ tướng Pa-ki-xtan. Tại sao lúc đó bà ủng hộ họ?

Bởi vì lúc đó, họ thực chất là những sinh viên đại học đang sống ở nước ngoài và muốn trở về Áp-ga-ni-xtan sau khi Liên Xô rút quân. Các báo cáo gửi cho tôi khi ấy đều khẳng định rằng, Ta-li-ban được nhân dân Áp-ga-ni-xtan ca ngợi và họ đang kiến tạo hòa bình. Sau bao năm chiến tranh, người Áp-ga-ni-xtan đã kiệt sức mà Ta-li-ban khi ấy thì lại mang đến cho hy vọng hòa bình, hạnh phúc.

Ban đầu, chúng tôi nghĩ Ta-li-ban sẽ trở thành một lực lượng ổn định. Chính phủ của tôi cũng muốn thiết lập quan hệ với Trung Á, vì thế đã rất vui vẻ chấp nhận Ta-li-ban và giúp đỡ họ nhiều. Chúng tôi muốn nhập khẩu lúa mì, xuất khẩu bông sang Trung Á. Để làm được điều đó, cần có một con đường cho phép chúng tôi tiếp cận với khu vực này. Con đường ấy sẽ đi xuyên qua đại bản doanh Can-đa-ha của Ta-li-ban. Chúng tôi đã tưởng là Ta-li-ban sẽ cho chúng tôi một hành lang giao thông an toàn.

Lúc đó, Pa-ki-xtan giúp Ta-li-ban những gì?

Chúng tôi ủng hộ họ về mặt chính trị và ngoại giao (Pa-ki-xtan là một trong 3 nước công nhận chính quyền Ta-li-ban). Chúng tôi cũng viện trợ cho họ nhiên liệu, lương thực, phương tiện truyền thông và vận tải. Ta-li-ban được sự hỗ trợ khá lớn từ phía Pa-ki-xtan bởi lúc đó chúng tôi coi họ như tấm giấy thông hành, mở đường cho mình hưởng những lợi ích kinh tế quan trọng ở khu vực Trung Á.

Pa-ki-xtan có kiểm soát được Ta-li-ban không ?

Họ từng tỏ ra biết nghe lời vì phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chúng tôi.

Bây giờ, bà cảm thấy thế nào khi nhớ vê sự giúp đỡ dành cho Ta-li-ban?

Rất tiếc là chúng tôi đã ủng hộ họ trong những ngày đầu.

Bà đã bao giờ gặp Mu-la Mô-ha-mét Ô-ma (lãnh tụ tinh thần của Ta-li-ban) chưa?

Tôi không nhớ. Bây giờ ông ta mới nổi tiếng, chứ dạo trước thì không. Hồi đó, chúng tôi đã gặp rất nhiều người. Tôi có nghe nói ông ta lớn lên ở Pa-ki-xtan và từng tham chiến tại Áp-ga-ni-xtan, bị thương ở đó.

Thế còn ở Ô-xa-ma Bin La-đen?

Tôi chưa bao giờ gặp, nhưng từng nghe nói về hắn từ năm 1989. Lúc đó, có một âm mưu làm chính phủ của tôi bị mất tín hiệu. Tôi nghe tin là A Rập Xê-út đã dùng máy bay riêng, gửi sang Pa-ki-xtan 10 triệu USD để hỗ trợ âm mưu. Tôi rất lo ngại, bèn cử một bộ trưởng sang A Rập Xê-út để xác minh mọi chuyện. Nhưng hóa ra quốc vương và chính phủ A Rập Xê-út không gửi tiền gì sang Pa-ki-xtan cả, chắc có ai dùng tiền riêng làm việc đó. Không rõ người ấy có phải là Ô-xa-ma Bin La-đen hay không. Bộ trưởng của tôi nói rằng Bin-la-đen rất sùng đạo Hồi. Hắn cho rằng, phụ nữ nắm quyền lãnh đạo như ở Pa-ki-xtan là phản Hồi giáo.

Sau vụ đánh bom Trung tâm Thương mại thế giới lần thứ nhất (năm 1993), chúng tôi dẫn độ Ram-di Yu-xét cho Mỹ, tên này thú nhận là đã hai lần có âm mưu ám sát tôi. Ta-li-ban can thiệp rất nhiều vào tình hình chính trị Pa-ki-xtan như hậu phương kinh tế - chính trị, nối họ với phần còn lại của thế giới. Họ chỉ muốn lật đổ chính phủ của tôi mà thôi.

Liệu Mỹ có khả năng chiến thắng ở Áp-ga-ni-xtan không?

Có hai quan điểm khác nhau. Theo quan điểm thứ nhất, đứng trước một lực lượng quân sự có sức mạnh siêu đẳng như Mỹ, Ta-li-ban sẽ thất bại. Quan điểm thứ hai thì cho rằng Mỹ có thể giành quyền kiểm soát thủ đô Ca-bun, Can-đa-hát và Da-la-la-bát, nhưng các phần còn lại của đất nước vẫn thuộc Ta-li-ban. Mỹ có thể bắt Bin La-đen nhờ thông tin do một lực lượng tình báo tinh nhuệ cung cấp.

Tôi cho rằng chừng nào đánh nhau trên bộ diễn ra, liên quân chống khủng bố mới có thể hy vọng giành quyền kiểm soát Áp-ga-ni-xtan. Nhưng giữ được Áp-ga-ni-xtan lại là chuyện khác. Sau khi Liên Xô rút quân, Ta-li-ban nói với chúng tôi rằng, họ đã đánh bại một siêu cường. Bây giờ họ tin mình sẽ đánh bại một siêu cường nữa. Tôi chỉ có thể hy vọng họ sẽ không lôi quân đội Mỹ sa vào những vùng lãnh thổ không phù hợp với mình.

Bà có ủng hộ chủ trương hợp tác với Mỹ của chính quyền Mu-sa-ráp không?

Tôi ủng hộ ý định đấu tranh với chủ nghĩa khủng bố của Ix-la-ma-bát. Từ năm 1998, chúng tôi đã cảnh báo họ rằng nếu họ không tránh xa Ta-li-ban, Pa-ki-xtan sẽ gặp rắc rối to. Bây giờ chuyện đó đã thành sự thật. Phe Ta-li-ban điều khiển đất nước bằng vũ lực, nô dịch hóa phụ nữ và lừa dối mọi người, từ nhà truyền giáo cho đến nhân viên ngoại giao. Người tị nạn của họ vẫn hiện diện trên đất nước chúng tôi, dân chúng Áp-ga-ni-xtan đã ly tán khắp nơi trên thế giới.

Mỹ có ảnh hưởng như thế nào tới Pa-ki-xtan?

Ảnh hưởng rất lớn. Vấn đề làm Pa-ki-xtan đau đầu nhất hiện nay là nợ nước ngoài.

Ix-la-ma-bát đang mong được xóa nợ. Đấy là củ cà rốt của Oa-xinh-tơn. Còn cây gậy là tiếng nói của họ đối với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). Chỉ cần Oa-sinh-tơn phản đối việc IMF và WB cho vay tiếp, Ix-la-ma-bát sẽ khó mà đứng vững. Khả năng tài chính của chúng tôi yếu, không đủ khả năng trả lương đầy đủ cho người lao động hoặc nhập khẩu những hàng hóa quan trọng như lúa mì. Oa-sinh-tơn có cả củ cà rốt lẫn cây gậy để gây áp lực đối với Áp-ga-ni-xtan.

Bà có lo ngại trước tình hình hiện nay ở nước mình không?

Bây giờ là thời kỳ của những điều không chắc chắn. Tôi không biết mọi việc sẽ được giải quyết như thế nào. Nếu có thể giải quyết khủng hoảng bằng biện pháp chính trị, hoặc nếu sớm có giải pháp quân sự, quân đội Pa-ki-xtan sẽ vượt qua khó khăn. Nhưng nếu phong trào chống đối lớn diễn ra, gây áp lực cho quân đội, đất nước tôi sẽ rơi vào một thời kỳ khó khăn. Không chỉ Pa-ki-xtan mà tất cả các quốc gia Hồi giáo khác cũng vậy. Vì Pa-ki-xtan là nước Hồi giáo lớn thứ hai và có vũ khí hủy diệt nên những gì xảy ra ở nước tôi sẽ ảnh hưởng rất mạnh đến toàn bộ thế giới Hồi giáo. Chúng ta cần nhanh chóng tìm và thực hiện một giải pháp chính trị hoặc quân sự nào đó.