1- Hiến chương đầu tiên của ASEAN được ký kết tại Hội nghị cấp cao 13. Văn kiện này được lãnh đạo các nước ASEAN ký ngày 20-11 tại Xinh-ga-po, nhằm đẩy nhanh tiến trình liên kết nội khối, xây dựng Cộng đồng ASEAN vào năm 2015 và đưa ASEAN trở thành một tổ chức liên chính phủ ở khu vực có tư cách pháp nhân.

2- Hội nghị quốc tế về biến đổi khí hậu thành công vào phút chót. Hội nghị quốc tế lớn nhất của Liên hợp quốc này được tổ chức tại Ba-li, In-đô-nê-xi-a, từ ngày 4 đến 15-12, thu hút sự tham dự của hơn 11.000 đại biểu từ gần 190 quốc gia, thảo luận việc xây dựng hiệp ước quốc tế mới, thay thế Nghị định thư Ky-ô-tô hết hiệu lực vào năm 2012, về biến đổi khí hậu - một quá trình đã và đang tác động nghiêm trọng đến mọi quốc gia.

3- Hội nghị quốc tế về hòa bình Trung Đông do Mỹ bảo trợ được tổ chức vào cuối tháng 11 tại thành phố An-na-pô-lít, bang Ma-ri-len, Mỹ. Mục tiêu của hội nghị là đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Ít-xa-ra-en và Pa-lét-xtin trong bối cảnh Trung Đông tiếp tục là “chảo lửa” của thế giới với các vụ bạo lực xẩy ra triền miên tại Irắc, làm Mỹ sa lầy sâu hơn tại nước này.

4- Hiệp ước Lít-xbon được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) ngày 18-10 tại Bồ Đào Nha. Hiệp ước này thay thế dự thảo Hiến pháp EU bị bác bỏ trước đó và là bước đi quan trọng đặc biệt trong quá trình thể chế hoá EU với 27 thành viên.

5- Tiến trình đàm phán 6 bên giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên đạt được sự đột phá. Cộng hòa dân chủ nhân dân Triều Tiên cam kết vô hiệu hóa các cơ sở hạt nhân của mình để đổi lại việc Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và Nga viện trợ về năng lượng và tài chính, bảo đảm về an ninh và công nhận về ngoại giao.

6- Đại hội lần thứ 17 Đảng Cộng sản Trung Quốc diễn ra từ 15 đến 21-10 tại Bắc Kinh, tổng kết 30 năm cải cách mở cửa và đề ra phương hướng toàn diện xây dựng chủ nghĩa xã hội mang đặc sắc Trung Quốc trên cơ sở xã hội hài hòa và phát triển một cách khoa học.

7- Bầu cử Đu-ma quốc gia Nga ngày 2-12 với thắng lợi áp đảo nghiêng về đảng “Nước Nga Thống nhất” ủng hộ Tổng thống V. Pu-tin. Việc giành đa số ghế lập hiến tại Đu-ma (315/450 ghế) cho phép đảng “Nước Nga Thống nhất” duy trì đường lối và ảnh hưởng chính trị của ông Pu-tin sau bầu cử Tổng thống.

8- Giá dầu và giá vàng tăng kỷ lục (gần 100 USD/thùng dầu và gần 850 USD/aoxơ vàng). Trong bối cảnh đồng đô la Mỹ mất giá nghiêm trọng, nhiều nước có dự trữ ngoại tệ lớn bằng đô la Mỹ và các nước OPEC phải tính đến khả năng chuyển dần sang sử dụng các ngoại tệ mạnh khác để tính giá dầu. Giá dầu cao và nguy cơ cạn kiệt nguồn nhiên liệu đã làm bùng lên cuộc tranh chấp giữa các cường quốc về chủ quyền đối với các vùng đất và đáy biển ở Bắc cực và Nam cực.

9- Thành công trong việc tạo ra tế bào gốc từ da người - một bước đột phá trong y học - mở ra khả năng tạo tế bào gốc với mã gen cụ thể của cá nhân để chữa các bệnh nan y và loại trừ nguy cơ thải ghép, được các nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản công bố ngày 20-11. Trong tương lai, thành tựu này còn giúp khép lại vấn đề gây tranh cãi về đạo đức khi tế bào gốc mới chỉ được lấy từ phôi người.

10- Bão, lốc xoáy tàn phá Băng-la -đét và miền Trung nước Mỹ. Bão Sydr kèm lốc xoáy đổ bộ vào Băng-la-đét ngày 15-11 với sức gió lên tới 250km/h, gây triều cường cao hơn 5m, cướp đi sinh mạng của trên 3.300 người, làm bị thương hơn 40.000 người khác. Một trong số 75 cơn lốc xoáy tàn phá 6 bang miền Trung nước Mỹ trong 24 giờ từ ngày 5 đến ngày 6 tháng 5 đã “xóa sổ” cả một thị trấn ở bang Kansas./.