Từ ngày 21-12-2007, Hiệp ước Schengen chính thức có thêm 9 thành viên, gồm Séc, Ét-xtô-ni-a, Hung-ga-ri, Lát-vi-a, Lít-va, Man-ta, Ba Lan, Xlô-va-ki-a và Xlô-vê-ni-a. Phần lớn các nước này nằm ở Đông Âu và đều là thành viên mới của Liên minh châu Âu (EU). Như vậy, 22 năm sau khi Hiệp ước Schengen ra đời (năm 1985), khu vực tự do đi lại của Liên minh châu Âu (EU) hiện đã gồm 24 nước với 400 triệu dân.

Với đợt mở rộng này, lần đầu tiên biên giới của khu vực Schengen tiến sát tới các nước U-crai-na, Bê-la-rút và Nga. Nhiều nước đã tổ chức các hoạt động mừng sự kiện này. Đây là đợt mở rộng Hiệp ước Schengen lớn nhất trong lịch sử.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ma-nu-en Ba-rô-xô (Manuel Barroso) đã tuyên bố trước báo giới: “Chúng ta cùng nhau vượt qua những trở ngại do chính con người tạo ra để hướng tới hòa bình, tự do và đoàn kết ở châu Âu”. Ông Ba-rô-xô khẳng định rằng, việc mở rộng khu vực biên giới sẽ thúc đẩy thương mại và du lịch, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế khu vực.

Các mốc thời gian quan trọng và một số nội dung của Hiệp ước Schengen

Schengen là tên một ngôi làng nhỏ, nằm ở phía Đông - Nam Lúc-xăm-bua, gần ngã ba biên giới với Đức và Pháp. Tại đây, vào ngày 14-6-1985, các nước Pháp, Bỉ, Hà Lan, Lúc-xăm-bua và Đức đã ký kết Hiệp định Schengen, bãi bỏ việc kiểm soát biên giới lẫn nhau để công dân đi lại tự do, nhằm thúc đẩy thương mại và du lịch.

Tới năm 1990, các nước trên ký thêm một văn bản thay thế gọi là Hiệp ước Schengen và lần lượt có thêm các nước khác gia nhập. Sau đợt mở rộng năm 2001, khu vực Hiệp ước Schengen có 15 thành viên là Áo, Bỉ, Đan Mạch, Phần Lan, Pháp, Đức, Ai-len, I-ta-li-a, Hy Lạp, Lúc-xăm-bua, Hà Lan, Na-uy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và Thụy Điển.

Ngày 21-12-2007, Hiệp ước Schengen có thêm 9 thành viên mới, đưa khu vực tự do đi lại mà không cần dùng thị thực của châu Âu lên 24 nước.

Tuy nhiên, hiện Anh vẫn đứng ngoài khu vực Schengen, trong khi hai nước không thuộc EU là Na-uy và Ai-len lại tham gia hiệp ước. Cộng hòa Síp sẽ vào khu vực Schengen sau đợt mở rộng này một năm, còn Ru-ma-ni và Bun-ga-ry vẫn chưa đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn an ninh đề tham gia Hiệp ước. Theo kế hoạch, năm 2008 tới, Thụy Sĩ sẽ trở thành thành viên thứ 25 của khối Schengen.

Công dân các nước tham gia Hiệp ước Schengen có thể đi lại tự do bằng đường hàng không, đường bộ và đường biển giữa các nước mà không cần xin thị thực và không bị kiểm soát ở khu vực biên giới.

Bên cạnh việc tạo ra một biên giới chung, Hiệp ước Schengen còn có quy định chung về chính sách đường biên giới như quy chế chung về tị nạn, thành lập Hệ thống thông tin Schengen giúp cảnh sát và cơ quan lãnh sự truy cập kho dữ liệu chung về tội phạm. Ngoài ra, cảnh sát trong khu vực Schengen có quyền truy bắt nghi can xuyên biên giới trong khối.

Hiện quy định về khu vực biên giới tự do của 9 nước mới là thành viên của Hiệp ước Schengen chỉ bao gồm đường bộ và đường biển, sau đó sẽ áp dụng cho đường hàng không vào tháng 3-2008. Cũng theo quy định về điều kiện tham gia Hiệp ước Schengen, các nước thành viên mới phải tăng cường an ninh tại biên giới với những quốc gia không thuộc EU như U-crai-na, Bê-la-rút và Xéc-bi-a.

Hiệp ước Schengen mang lại nhiều lợi ích mà tiêu biểu nhất là việc đi lại tự do giữa các nước thành viên. Đối với công dân các nước ngoài EU, chỉ cần được cấp thị thực nhập cảnh một trong 24 nước nói trên là có thể đi lại tự do trong khối.

Những đánh giá về việc mở rộng Hiệp ước Schengen

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ba-rô-xô khẳng định, đợt mở rộng Hiệp ước Schengen lần này là một sự kiện quan trọng trong nhiệm kỳ của ông. Việc mở rộng biên giới sẽ thúc đẩy thương mại và du lịch của châu Âu, mang lại sức sống mới cho nền kinh tế khu vực. Du lịch hiện chiếm khoảng 4% kinh tế EU và được dự đoán sẽ tăng lên 11% trong thời gian tới. Đối với những du khách cần phải có thị thực trước khi vào EU, đây quả là một chuyển biến hết sức tích cực, giúp họ tiết kiệm được thời gian và tiền bạc.

Các nhà phân tích đánh giá, việc mở rộng khu vực Schengen của EU là bước đi tượng trưng cuối cùng dỡ bỏ “bức màn sắt” ngăn cách những thành viên thuộc Liên Xô (trước đây) với phương Tây. Khu vực Schengen giờ đây bằng một phần ba diện tích của Mỹ và chỉ với một thị thực duy nhất là Schengen, công dân châu Âu và nước ngoài có thể đi toàn bộ khu vực từ E-xtô-ni-a (ở phía Bắc khu vực) đến Bồ Đào Nha (ở phía Nam) hay sang tận phía Đông là Hung-ga-ri.

Trong khi người dân tại những nước Đông Âu vui mừng trước sự kiện này, thì một số nước “EU cũ” ở phía Tây lại lo ngại cùng với việc mở rộng Schengen, làn sóng nhập cư trái phép và tội phạm sẽ đổ dồn vào nước họ, do việc kiểm soát biên giới trở nên khó khăn hơn. Bộ trưởng Nội vụ bang Ba-va-ri-a (Đức) Giô-ác-him Hê-man khẳng định: “Sẽ tốt hơn nếu đợi thêm một hoặc hai năm nữa mới dỡ bỏ hàng rào kiểm soát tại biên giới. Vấn đề là làm sao bảo vệ được khu vực biên giới từ Bê-la-rút tới Ba Lan, từ U-cra-na tới Xlô-va-ki-a”.

Bên cạnh đó, nhiều công dân của không ít nước Tây Âu nhìn thấy nguy cơ mất việc làm vào tay người dân những nước EU mới. Nhiều nước lo ngại rằng, việc mở rộng có thể khiến việc đi lại của người ngoài khối khó khăn hơn do phí thị thực tăng cao và quá trình xin thị thực sẽ gắt gao hơn.

Lãnh đạo nhiều nước châu Âu khẳng định, Hiệp ước Schengen sẽ góp phần bảo đảm tự do, hòa bình, an ninh và đoàn kết trong khu vực.