Đồng Khởi mới trên mặt trận nông nghiệp

Huỳnh Văn Be
13:53, ngày 12-03-2009

Đổi mới tư duy lý luận về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, khẳng định công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên mặt trận nông nghiệp, nông thôn là quy luật để công nghiệp hóa, hiện đại hóa toàn diện các lĩnh vực kinh tế - xã hội trên quê hương Đồng Khởi.

Văn hóa nông nghiệp và nền văn minh lúa nước của dân tộc đã kết tinh nên bao giá trị truyền thống cao đẹp của người Việt Nam, là điểm tựa, là động lực của cả một đất nước đang chuyển mình trên con đường đổi mới. Ngay sau ngày Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm. Vào thời điểm lịch sử cả nước đón Mùa Xuân độc lập đầu tiên năm 1946, Người đã viết bức thư "Gửi nông gia Việt Nam" đăng trên báo Tấc Đất. Trong thư, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định "Nước muốn giàu mạnh thì phải phát triển nông nghiệp" và đề cao nông dân, bộ đội là lực lượng quan trọng, là những anh hùng của dân tộc: "Chiến sĩ ra sức giữ gìn nước non. Nhà nông ra sức giúp đỡ chiến sĩ. Hai bên công việc khác nhau, nhưng thật ra là hợp tác. Cho nên hai bên đều có công với dân tộc, đều là anh hùng". Từ đó đến nay đã 64 mùa xuân, lời dạy của Người vẫn nguyên giá trị. Tư tưởng "Thực túc binh cường" không chỉ mang ý nghĩa chiến lược mà còn là phương châm chỉ đạo để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân thực hiện Nghị quyết 26 Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ bảy (khóa X) “Về nông nghiệp, nông dân, nông thôn".

Trân trọng bàn tay cần cù, sáng tạo của người nông dân

Không quan tâm thiết thân tới đời sống toàn diện, trực tiếp là kinh tế và đời sống dân chủ... nhất định không có sự phát triển nông nghiệp, nông thôn nào như mong muốn cả.

Lịch sử dài lâu mấy nghìn năm của dân tộc đã khẳng định vai trò to lớn của người nông dân Việt Nam. Sức mạnh đất nước về cả giá trị vật chất, giá trị tinh thần đều do người dân làm nghề nông sáng tạo và giữ gìn. Có những điều bình dị người Việt Nam nào cũng hiểu, nhưng với thế giới họ tìm mãi mà không hiểu. Đó là những đoàn quân ra trận trong kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ đi đến đâu cũng được nhân dân chăm lo. Hai tiếng "Nuôi quân" đã trở thành thân thuộc!

Người nông dân làm ra lúa gạo, sáng tạo các món ăn truyền thống mang hồn Việt. Người nông dân có lúc xếp cuốc cày, tạm gác nghề nông để lên đường tranh đấu. Bàn tay cầm cuốc cũng là bàn tay cầm súng diệt thù, bảo vệ non sông. Người nông dân cũng là chủ thể của sáng tạo văn hóa. Bánh chưng, bánh dày, bánh tét là lễ vật thiêng cúng gia tiên ngày Xuân. Bánh chưng hình vuông tượng trưng cho Đất, bánh dày hình tròn tượng trưng cho Trời. Công lao Tổ tiên, ông bà như Trời - Đất vậy! Trong tư duy bình dị mà sâu sắc của người nông dân Việt Nam, những điều thiêng liêng bất diệt đều được so sánh bằng những hình ảnh dễ hiểu, dễ nhớ, thuận tiện trong giáo dục con cái. Công cha như núi, nghĩa mẹ như suối nguồn, vợ chồng thủy chung như gừng cay muối mặn, lứa đôi yêu nhau đậm đà như sự tích Trầu - Cau. Trong tín ngưỡng, tâm thức người Việt Nam luôn ghi tạc lòng biết ơn với bậc "Tiền hiền khai khẩn, hậu hiền khai cơ", bởi "Cây có cội, nước có nguồn".

Cho đến tận bây giờ, người Bến Tre luôn kính cẩn khi bước vào Đình làng, Đền thờ các anh hùng liệt sĩ vị quốc vong thân. Hình ảnh tấm áo sờn vai, một nắng hai sương của ông bà, cha mẹ nơi ruộng đồng, bờ kênh, ruộng muối bao giờ cũng thân thương, thổn thức, nhớ nhung trong trái tim những người con trên đường lập thân, lập nghiệp.

Làng quê là một phần quan trọng của cuộc đời là vậy!

Cuộc Đồng Khởi mới trên mặt trận nông nghiệp

Năm Mậu Tý vừa khép lại, ghi dấu ấn một năm vượt qua khó khăn về thời tiết, dịch bệnh, bão lũ, ảnh hưởng của tình hình khủng hoảng kinh tế - tài chính thế giới, nhưng mặt trận nông nghiệp tại Bến Tre vẫn tiếp tục duy trì bước tăng trưởng khá nhờ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn đúng hướng. Sản phẩm nông nghiệp, hàng hóa thủy sản, cây trái không ngừng tăng về sản lượng, nâng cao chất lượng, tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường, góp phần bảo đảm an ninh lương thực, tăng cường sức tiêu thụ trong nước và phục vụ xuất khẩu.

Với các nhà hoạch định chính sách làm kinh tế, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở Bến Tre có nhiều chuyển biến đáng mừng. Tỷ trọng kinh tế nông - lâm - thủy sản có xu hướng giảm dần trong quá trình tăng dần tỷ trọng kinh tế công nghiệp - xây dựng - thương mại - dịch vụ. Nông dân chuyển sang làm công nghiệp và dịch vụ ngày càng nhiều. Bằng các chính sách hỗ trợ vốn, tăng cường khuyến nông, khuyến ngư, chuyển giao khoa học - công nghệ, đẩy mạnh công nghệ sinh học tạo ra giống mới năng suất cao, độ rủi ro thấp, sản phẩm nghề nông tại địa phương đã và đang tiếp tục khẳng định thương hiệu hàng hóa, giữ vững và mở rộng thị trường. Riêng sản phẩm thủy sản và dừa xuất khẩu năm 2008 thu về cho tỉnh hơn 100 triệu USD. Tỉnh đã đẩy mạnh công tác thủy lợi, bảo đảm tưới tiêu cho diện tích trồng lúa, mía, dừa, cây ăn trái chất lượng cao, đẩy mạnh hiệu quả tuyên truyền bảo vệ môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm. Nghề nông vẫn là việc làm chủ yếu để đại bộ phận dân cư Bến Tre sản xuất, tạo thu nhập, ổn định cuộc sống có tích lũy và có hướng phát triển chiều sâu, bền vững.

Đưa khoa học - kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sử dụng trên một đơn vị diện tích đất, mặt nước, giá cả thị trường, dịch vụ bao tiêu sản phẩm... là câu chuyện thường nhật của mỗi hộ gia đình, hợp tác, tổ nghề nghiệp. Các dịch vụ tín dụng, thông tin, vận tải nhờ vậy trở nên sôi động. Mô hình trang trại được nhân rộng. Người sản xuất chủ động tìm kiếm đối tác, thị trường, hợp tác với các nhà khoa học, nhà kinh doanh để tạo thế vững vàng làm ăn lâu dài.

Với người nông dân trồng lúa xưa, "con trâu là đầu cơ nghiệp". Con trâu bầu bạn với nhà nông, giúp người nông dân sức kéo cho ruộng tơi, đất nhuyễn, mùa màng bội thu. Ngày nay, đa số nhà nông Bến Tre không còn dùng trâu, bò để kéo cày. Máy cày, máy gặt, máy xay xát là công cụ sản xuất chủ yếu của nhà nông. Thanh niên nông thôn được đào tạo trở thành công nhân trong các nhà máy xí nghiệp. Tại các xã ven biển chạy dài hơn 65km bờ biển thì con tôm, con nghêu đã trở thành đầu cơ nghiệp. Tin vui đầu xuân mới đến với người nông dân Bến Tre là con nghêu Bến Tre vừa được Hội đồng Quản lý biển quốc tế (MSC) chứng nhận MSC cho nghề khai thác nghêu ở địa phương. Vậy là từ nay, con nghêu Bến Tre đã có "lối đi" vào các thị trường khó tính trên thế giới, thương hiệu nghêu Bến Tre đã có chỗ đứng và phạm vi tiêu thụ rộng lớn. Khi thực hiện được công việc này chính là bước thực hiện tốt mô hình "bốn nhà", trong đó vai trò chủ đạo của Nhà nước và sự nỗ lực với tinh thần trách nhiệm cao của nhà nông trên lĩnh vực cụ thể một sản phẩm thủy sản có tiềm năng dồi dào tại Bến Tre. Hướng đi này mở ra cơ hội lớn cho nhiều hàng hóa Bến Tre hội nhập kinh tế quốc tế. Người nông dâng từng bước nâng cao tầm nhìn, năng lực sản xuất, kinh doanh để làm giàu, phát triển bền vững.

Nông thôn trên đường đô thị hóa

Then chốt là xây dựng một đội ngũ cán bộ đủ mạnh ngay từ cơ sở đồng thời đổi mới mạnh mẽ chính sách... đó là nhân tố căn bản, động lực chủ yếu để nông nghiệp, nông thôn khởi sắc và phát triển mạnh, bền vững.

Người nông dân xưa đã đúc kết kinh nghiệm về việc làm nhà, địa thế làm ăn "Nhất cận thị, nhị cận giang" (nhất gần chợ, nhì gần sông nước). Kinh nghiệm ấy vận dụng vào địa bàn Bến Tre quả là đắc dụng. Giao thông nông thôn địa phương cả trăm năm qua dựa vào đường thủy. Những năm đầu thế kỷ XXI phong trào làm đường, xây cầu tại Bến Tre nở rộ và đạt nhiều thành tựu. Đường nhựa, đường bê-tông liên xã, liên ấp tạo nên thế liên hoàn thuận lợi giao thông, thông thương hàng hóa. Quốc lộ, tỉnh lộ được nâng cấp. Cây cầu Rạch Miễu đưa vào sử dụng trong dịp Tết năm 2009 mở ra cơ hội lớn cho quá trình hội nhập khu vực và quốc tế. Từ đây, quy hoạch tổng thể các khu, cụm công nghiệp, vùng chuyên canh thủy sản, nông nghiệp sẽ có điều kiện phát triển và từng bước thể hiện sinh động. Bộ mặt đời sống nông thôn Bến Tre sẽ khởi sắc theo hướng đô thị hóa. Quá trình xây dựng các khu, cụm công nghiệp, cảng cá, chợ đầu mối sẽ kéo theo sự hình thành cụm dân cư mới. Với đà làm ăn khởi sắc của người nông dân Bến Tre chẳng bao lâu nữa ngay tại các xã vùng sâu trước đây sẽ hình thành các phố thị. Khoảng cách về điều kiện vật chất, tinh thần giữa thành phố và nông thôn thu hẹp dần. Ngay từ bây giờ, Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh và các ngành hữu quan vừa phải chuẩn bị tốt các điều kiện để đô thị hóa nông thôn Bến Tre với sự đầu tư hiệu quả về kết cấu hạ tầng và các dịch vụ an sinh xã hội, vừa phải đề ra các giải pháp hạn chế tối đa tác động tiêu cực của quá trình đô thị hóa không có kế hoạch như ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, tỷ lệ lao động thất nghiệp, tình trạng xây dựng nhà ở liền canh liền cư rải rác trên đồng ruộng.

Với địa thế sông nước, khí hậu mát mẻ quanh năm, bờ biển dài, đất cồn bãi mở rộng hằng năm, Bến Tre rất thuận tiện trong việc đầu tư xây dựng các khu nghỉ dưỡng, thu hút khách trong nước và quốc tế. Điều kiện phát triển du lịch sinh thái kết hợp du lịch văn hóa, lịch sử là một tiềm năng lớn của địa phương cần được khai thác, phát huy thế mạnh đặc thù. Điều này cũng cần được tính đến trong mối quan hệ tổng thể trên con đường đô thị hóa nông thôn Bến Tre. Chúng ta xây dựng khu công nghiệp, xã văn hóa, huyện văn hóa phải gắn chặt với xu thế phát triển tiềm năng du lịch. Cư dân các thành phố công nghiệp luôn mong muốn được trở về với thiên nhiên, với sông nước, cây cỏ, ruộng vườn. Nông thôn Bến Tre trên đường phát triển đô thị hóa cần giữ gìn những giá trị mà thiên nhiên ban tặng và được con người tôn tạo để cuộc sống thêm đẹp, thêm giàu.

Năm 2009, chủ đề trọng tâm mà toàn Đảng bộ, toàn quân, toàn dân Bến Tre đồng sức, đồng lòng thực hiện là Công tác vận động quần chúng. Mỗi cán bộ đảng viên gắn bó và phát huy vai trò to lớn của nhân dân, trong đó có lực lượng nông dân. Thực hiện nghị quyết của Đảng về phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn là hướng vào vận động nguồn lực nông dân trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn Bến Tre để đời sống người nông dân không ngừng được cải thiện, góp sức cùng toàn xã hội mang đến cho quê hương thêm nhiều sức xuân mới.

Năm Kỷ Sửu - năm con Trâu, mong sao mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, đời sống bà con ngày thêm khấm khá, hàng hóa nông sản tăng cả về lượng và chất; thương mại phát triển, giao thông thuận tiện, nhanh chóng. Sức mạnh liên minh công - nông - trí tăng lên bội phần, xứng đáng là lực lượng cách mạng quan trọng nhất đưa sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước giành nhiều thành tựu mới./.