TCCS - Thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII, với nhiều giải pháp đột phá sáng tạo, kinh tế nông thôn An Giang phát triển nhanh theo hướng tăng năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh, góp phần quan trọng tăng thu nhập bình quân đầu người từ 15,3 triệu đồng, tương đương 935 USD năm 2008 lên 21,95 triệu đồng, tương đương 1.291 USD đến năm 2010.

An Giang là một tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long, có dân số trên 2,3 triệu người, trong đó trên 2/3 lao động trong khu vực nông - lâm nghiệp; là trung tâm lớn về sản xuất lúa gạo, nuôi trồng và chế biến thủy sản, cung cấp nguồn lương thực, thực phẩm hàng hóa quan trọng cho cả nước và xuất khẩu. An Giang là một trong bốn tỉnh, thành phố thuộc vùng đồng bằng sông Cửu Long được Thủ tướng Chính phủ quyết định thuộc vùng kinh tế trọng điểm.

Từ xuất phát điểm là một tỉnh nông nghiệp lạc hậu, lại trải qua nhiều năm chiến tranh, thường xuyên gặp khó khăn do thiên tai lũ lụt, nông dân và nông thôn còn nghèo, dân trí thấp; việc trang bị máy móc, thiết bị và áp dụng thành tựu khoa học - công nghệ mới vào sản xuất còn nhiều hạn chế, nhưng do sớm nhận thức được vai trò quan trọng và sự cần thiết phải đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh những năm qua, An Giang đã có nhiều chủ trương đột phá để giải phóng và phát triển lực lượng sản xuất, như chính sách giải quyết một số vấn đề cấp bách về ruộng đất; giao đất cho hộ nông dân và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (giấy đăng ký) ngay từ năm 1987; các chính sách về quản lý, khai thác và sử dụng đất đai trong tỉnh, về trồng và bảo vệ rừng, khuyến khích khai thác sử dụng đường nước phục vụ sản xuất, vận động thành lập các hình thức hợp tác giản đơn trong sản xuất nông nghiệp từ năm 1991...

Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn giai đoạn 2001 - 2010 đã được Tỉnh ủy An Giang nhanh chóng tổ chức quán triệt, triển khai thực hiện và cụ thể hóa bằng Nghị quyết số 03-NQ/TU ngày 27-6-2002 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn thời kỳ 2001 - 2010.

Mục tiêu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ở An Giang là xây dựng một nền nông nghiệp sản xuất hàng hóa lớn, hiệu quả và bền vững, có năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh cao, trên cơ sở ứng dụng các thành tựu khoa học - công nghệ tiên tiến trên thế giới. Phát triển ngành nghề và dịch vụ ở nông thôn với cơ cấu hợp lý; có quan hệ sản xuất phù hợp, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hoàn chỉnh, giảm bớt khoảng cách giữa nông thôn và thành thị. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân nông thôn, bảo đảm tốt các nhu cầu thiết yếu như học hành, chữa bệnh, đi lại, sinh hoạt, ăn ở, hưởng thụ văn hóa. Thực hiện xã hội dân chủ, kỷ cương, có nếp sống văn hóa, văn minh, lành mạnh, bảo vệ môi trường.

Để thực hiện mục tiêu đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ VIII đã xác định: Tập trung khai thác tốt lợi thế và tiềm năng để đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng tiến bộ, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, tạo động lực mới cho kinh tế phát triển nhanh, bền vững.

Những kết quả bước đầu

Qua gần 4 năm quán triệt và triển khai thực hiện nghị quyết đại hội Đảng các cấp, kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều tiến bộ rõ rệt, cụ thể là:

Trước hết, khu vực nông nghiệp tăng trưởng trên 5%/năm (mục tiêu nghị quyết đề ra là 3,6%); cây lúa, con cá vẫn là mặt hàng chủ lực của tỉnh. Chuyển dịch cơ cấu trong nội ngành nông nghiệp được đẩy mạnh, các vùng chuyên canh cây rau, màu, thủy sản từng bước được quy hoạch và hình thành bảo đảm nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2008 đạt 11.400 tỉ đồng. Trong đó, lĩnh vực thủy sản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, chiếm tỷ trọng gần 16% GDP khu vực nông nghiệp và 5,62% GDP toàn tỉnh.

Giá trị sản xuất nông nghiệp, thủy sản bình quân trên 1 ha đất canh tác tăng từ 35 triệu đồng năm 2006 lên 59 triệu đồng năm 2007 và 90,76 triệu đồng năm 2008.

Ngành công nghiệp chế biến phát triển nhanh, giá trị sản xuất liên tục tăng hằng năm. Công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chiếm 91,95% so toàn ngành. Năng suất bình quân các nhà máy xay xát đã tăng khoảng 3 lần so với năm 1996; phẩm cấp gạo xuất khẩu đã có sức cạnh tranh trong khu vực. Các nhà máy chế biến thủy sản, rau quả đông lạnh của tỉnh đạt các tiêu chuẩn quốc tế (ISO, HACCP, HALAL, CODE) và có khả năng cạnh tranh trên thị trường. Chế biến lâm sản truyền thống đã tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị cao, như: đóng xuồng ghe, mộc dân dụng, chạm trổ... từ đó đã giải quyết việc làm cho trên 30 ngàn lao động.

Thứ hai, công tác ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào đồng ruộng được mở rộng và đi vào chiều sâu, góp phần hạn chế dịch bệnh, tăng năng suất, chất lượng, sản lượng qua từng năm. Trong 2 vụ đông xuân và hè thu năm 2008, đã có gần 391 ngàn héc-ta áp dụng biện pháp "ba giảm, ba tăng", chiếm 85% diện tích, tăng 20 ngàn héc-ta so cùng kỳ; đã góp phần giảm chi phí sản xuất, làm tăng lợi nhuận cho nông dân trong tỉnh khoảng 916 tỉ đồng, tăng hơn 400 tỉ đồng so với năm 2007.

Thứ ba, cơ giới hóa, điện khí hóa nông nghiệp có nhiều tiến bộ, khâu làm đất đạt trên 95% diện tích, suốt lúa 100% diện tích sử dụng bằng cơ giới, tưới tiêu sử dụng bằng động lực cho toàn bộ diện tích đất sản xuất và gần 3.300 máy sấy lúa, đảm nhận sấy trên 45% sản lượng lúa hằng năm. Số lượng máy gặt lúa tăng nhanh, toàn tỉnh hiện có gần 1.200 máy, nâng diện tích thu hoạch bằng cơ giới từ 26% năm 2007 lên 31% năm 2008, làm lợi cho nông dân trên 220 tỉ đồng/năm.

Thứ tư, tổng diện tích gieo trồng hằng năm đều tăng; trong đó, diện tích trồng lúa tăng mạnh và chiếm ưu thế trong cơ cấu cây trồng (với 91,6% năm 2008). Sản lượng lúa bình quân giai đoạn 2006 - 2008 đạt trên 3,1 triệu tấn/năm (tăng trên 600 ngàn tấn/năm so với giai đoạn 2001 - 2003, riêng năm 2008 đạt 3,48 triệu tấn); sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 400 ngàn tấn, bình quân giai đoạn 2006 - 2008 đạt 282 ngàn tấn/năm (tăng trên 170 ngàn tấn so với giai đoạn 2001 - 2003).

Thứ năm, trong giai đoạn 2006 - 2008, hoạt động xuất khẩu có bước phát triển quan trọng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu cũng không ngừng tăng, năm 2008 đạt 750 triệu USD, tăng 1,7 lần so với năm 2006 và tăng 35,4% so với năm 2007, trong đó xuất khẩu gạo, thủy sản, rau quả đông lạnh chiếm tỷ lệ gần 90% tổng kim ngạch. Những mặt hàng có tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu đạt cao so với năm 2007 là: gạo 77,9%, thủy sản 21,6%, rau quả đông lạnh 88,6%, hàng may mặc 40,4%... Chất lượng các mặt hàng xuất khẩu từng bước được nâng lên. Hiện nay, gạo An Giang đã xuất khẩu sang thị trường của 46 nước, thủy sản xuất sang 76 nước và rau quả đông lạnh xuất sang 14 nước trên thế giới.

Thứ sáu, doanh nghiệp trong tỉnh không ngừng phát triển cả về số lượng và chất lượng. Trong 7 năm (2000 - 2006) số lượng doanh nghiệp tăng hơn 2 lần và tổng vốn đăng ký kinh doanh tăng 9,3 lần so với 8 năm trước đó (1992 - 1999), đã góp phần giải quyết việc làm cho trên 200 ngàn lao động, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách nhà nước và 2/3 kim ngạch xuất khẩu của địa phương là do sự đóng góp của doanh nghiệp dân doanh. Hoạt động dịch vụ thương mại ở nông thôn ngày càng phát triển, giao thương hàng hóa được mở rộng từ thành thị đến nông thôn. Toàn tỉnh hiện có 281 chợ (trong đó có 9 chợ biên giới, cửa khẩu), trên 25 ngàn hộ kinh doanh.

Bên cạnh đó, mô hình hợp tác xã được hình thành và phát triển. Tính đến cuối năm 2008, toàn tỉnh có 151 hợp tác xã; trong đó có 97 hợp tác xã nông nghiệp, với vốn góp cổ phần gần 47 tỉ đồng (tăng trên 8,8% so với vốn góp của năm 2007). Phần lớn các hợp tác xã làm ăn có hiệu quả, các dịch vụ hợp tác xã thực hiện đều làm lợi cho nông dân (giảm giá thành dịch vụ đầu vào) và hợp tác xã cũng thu được lợi nhuận thông qua các hoạt động. Mô hình tổ hợp tác sản xuất cũng không ngừng được củng cố, nâng cao chất lượng, với 714 tổ hợp tác sản xuất, thu hút gần 26 ngàn nông dân tham gia, sản xuất trên diện tích 21 ngàn héc-ta. Kinh tế trang trại phát triển cả về số lượng và chất lượng. Tính đến năm 2008, toàn tỉnh có 1.125 trang trại đạt giá trị sản lượng hàng hóa bình quân trên 100 triệu đồng/năm.

Hệ thống giao thông nông thôn đã cơ bản nối liền các tuyến quốc lộ, tỉnh lộ; 119/122 xã có đường ô-tô về đến trung tâm (đạt 97,5%), trong đó số xã hoàn chỉnh đạt 86,1%. Riêng huyện Thoại Sơn, Chợ Mới đã cơ bản nhựa hóa, bê tông hóa đường nông thôn về đến các ấp. Mạng lưới điện được đầu tư về đến nông thôn phục vụ tốt cho sản xuất và đời sống dân cư. Tỷ lệ hộ dân sử dụng điện năm 2008 đạt 97,79%, trong đó hộ nông thôn đạt 96,93%. Cơ sở giáo dục, y tế được quan tâm đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới. Tính đến năm 2008, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 61%, bán kiên cố: 37% và tạm: 2%. Các xã, phường, thị trấn đều có trạm y tế, trong đó có 75% số trạm (116/154 trạm) có bác sĩ phụ trách và nữ hộ sinh; tỷ lệ xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia là 96,7% (149/154 xã).

Được sự hỗ trợ đầu tư của Chính phủ khai thác vùng tứ giác Long Xuyên, vốn Chương trình kiên cố hóa kênh mương và tỉnh đã huy động từ nhiều nguồn, tổng vốn đầu tư trong10 năm (1996 - 2006) đạt 1.295 tỉ đồng, trong đó vốn dân tự đóng góp là 243 tỉ đồng (18,82%). Nhờ đó, hệ thống thủy lợi được hình thành theo quy hoạch, bảo đảm tưới tiêu cho toàn bộ diện tích đất canh tác và thoát lũ nhanh ra biển, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển nhanh.

Bưu chính viễn thông và công nghệ thông tin phát triển nhanh về đến nông thôn làm cho mật độ sử dụng điện thoại tăng nhanh. Việc thực hiện thí điểm Dự án "Mô hình truy cập thông tin trên mạng Internet" tại 5 câu lạc bộ nông dân đến nay được nhân rộng ra trên địa bàn. Hằng năm tỉnh chi hỗ trợ cho thực hiện dự án huấn luyện nâng cao khả năng tiếp cận thông tin trên mạng cho hàng trăm hộ nông dân, cán bộ quản lý tổ hợp tác, hợp tác xã, trang trại, chủ doanh nghiệp và cán bộ xã, phường, thị trấn.

Phong trào xây dựng đời sống văn hóa đối với đồng bào các dân tộc thiểu số được triển khai khá mạnh mẽ và được đa số hộ đồng bào dân tộc hưởng ứng, các tập quán tiến bộ trong đời sống và sinh hoạt văn hóa tinh thần của đồng bào dân tộc được tôn trọng và phát huy, đồng thời nâng cao nhận thức, từng bước đẩy lùi các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, lãng phí tiền của, thời gian, công sức trong những dịp lễ hội, cưới xin, ma chay... Đến nay, toàn tỉnh có 405.774 hộ gia đình văn hóa (trong đó có 12.950 hộ đồng bào dân tộc Khmer), đạt 89%; 632 khóm - ấp văn hóa (đạt 80,2%); 23 xã văn hóa (đạt 14,94%) ; 1.712 cơ quan, đơn vị, trường học văn hóa.

Trong những năm qua, tỉnh đã tập trung cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhất là những cán bộ giữ các chức danh chủ chốt của hệ thống chính trị ở xã, phường, thị trấn; đồng thời mạnh dạn luân chuyển, bố trí cán bộ trẻ có trình độ, năng lực tham gia các chức danh chủ chốt ở cơ sở. Hiện số cán bộ có trình độ trung học phổ thông là 2.286 người; số cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng là 460 người; trình độ trung cấp 903 người. Phần lớn cán bộ đảng viên cấp xã đều đã học các lớp lý luận chính trị; số đông cán bộ chủ chốt cấp xã đã khá năng động trong chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, tỷ lệ cán bộ có trình độ đại học, cao đẳng còn thấp và một số cán bộ cơ sở năng lực còn hạn chế nên chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Một số kinh nghiệm rút ra trong quá trình giải quyết đồng bộ vấn đề nông nghiệp, nông thôn ở An Giang

Qua thực tiễn hoạt động và những kết quả đã đạt được, An Giang bước đầu rút ra một số bài học kinh nghiệm sau đây:

Một là, giữ vững đoàn kết nội bộ Đảng, thống nhất ý chí và hành động của cả hệ thống chính trị. Nâng cao tinh thần trách nhiệm, sự chung sức, chung lòng của đội ngũ cán bộ, công chức là tiền đề để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ; phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc để bảo đảm sự ổn định và phát triển.

Hai là, vận dụng sáng tạo chủ trương của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Tỉnh ủy, ủy ban nhân dân tỉnh đã có nhiều chủ trương đột phá, chính sách kịp thời phù hợp với điều kiện thực tế ở địa phương. Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy, nâng cao năng lực quản lý, điều hành của chính quyền địa phương các cấp, phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể. Xác lập và vận hành cơ chế "bốn nhà", "năm khuyến" (khuyến nông, khuyến công, khuyến thương, khuyến thiện, khuyến học) một cách đồng bộ ở nông thôn và cụ thể hóa khuyến nông 4 thành phần (khuyến nông nhà nước, khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông từ báo, đài, từ các nhà khoa học và khuyến nông nhân dân); trong đó, đặc biệt phát huy vai trò khuyến nông doanh nghiệp, khuyến nông nhân dân.

Huy động, xã hội hóa đầu tư khai thác vùng tứ giác Long Xuyên, phát triển giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống đê bao, đô thị hóa nông thôn thông qua giải pháp đột phá bằng việc xây dựng hệ thống chợ nông thôn.

Ba là, nhạy bén tiếp nhận các tiến bộ khoa học - công nghệ mới và chuyển giao có hiệu quả vào thực tiễn sản xuất; tổ chức nhân rộng theo phương pháp có sự tham gia, đặc biệt là sự tham gia tích cực của cộng đồng người hưởng lợi.

Bốn là, xây dựng và ban hành kịp thời các chính sách khuyến khích đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn. Trong đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một tỷ lệ nhất định, nhân dân đóng góp phần còn lại, với phương châm "Nhà nước và nhân dân cùng làm".

Năm là, thực hiện tốt nguyên tắc dân chủ, công khai, minh bạch trong việc huy động nhân dân cùng tham gia đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng nông thôn; nâng cao tinh thần làm chủ của nhân dân và lòng tin của dân vào Đảng, Nhà nước, gắn với việc củng cố và xây dựng hệ thống chính trị cơ sở. Vận động nhân dân thực hiện tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới

Để tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong thời gian tới, An Giang xác định sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

- Tập trung phát triển các sản phẩm chiến lược của tỉnh là lương thực và thủy sản; bên cạnh đó cần phân tích, nghiên cứu phát triển thêm một số sản phẩm tiềm năng phục vụ tiêu dùng và xuất khẩu.

- Ứng dụng mạnh mẽ thành tựu khoa học - kỹ thuật, công nghệ, nhất là công nghệ sinh học, xây dựng nền nông nghiệp sạch, sản xuất hàng hóa lớn theo hướng công nghiệp hóa, hiệu quả cao và bền vững, có năng suất chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Tăng cường chuyển giao và hướng dẫn nông dân ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, thu hoạch, sau thu hoạch, chế biến nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và xuất khẩu.

- Tập trung đầu tư hơn nữa vào phát triển kết cấu hạ tầng nông nghiệp, nông thôn nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp và nông thôn; lấy nông dân làm chủ thể, là trung tâm của sự phát triển; lấy phát triển nông thôn mới là khâu đột phá; lấy công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn làm khâu then chốt. Trong đó, đặc biệt quan tâm đầu tư về giống, thủy lợi, giao thông, đê bao, điện, nước sạch, chợ nông thôn. Đẩy mạnh đô thị hóa nông thôn, nâng cao trình độ dân trí, đào tạo ngành nghề để chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn. Chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu thị trường, bảo đảm vệ sinh, môi trường.

- Xây dựng và phát triển mạnh kinh tế hợp tác và kinh tế trang trại. Tăng cường mối liên kết giữa nông dân, doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà tiêu chuẩn quốc tế và Nhà nước, trên cơ sở chia sẻ hợp lý các lợi ích và những rủi ro trong quá trình sản xuất kinh doanh. Chú ý đến liên kết ngành và vùng để nâng cao hiệu quả đầu tư và phát triển ổn định. Đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất giống hiện đại, tập trung cho cây lúa, con cá và những giống hoa màu phù hợp, đáp ứng cho nhu cầu trong tỉnh, khu vực, và nước bạn Cam-pu-chia.

- Tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc quy hoạch và thực hiện quy hoạch trong sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nhằm hạn chế việc chuyển đổi đất nông nghiệp trồng lúa sang các mục đích phi nông nghiệp./.