Vấn nạn ô nhiễm môi trường, khủng hoảng sinh thái và sự cần thiết phải xây dựng tư duy văn minh sinh thái
TCCS - Hiện nay, vấn nạn ô nhiễm môi trường sống, sự đe dọa của cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu đã và đang đặt ra cho nhân loại nhiệm vụ hết sức cấp bách, đó là cần phải thay đổi tư duy cũng như thái độ, hành vi, nhất là thay đổi những hành động cụ thể trong việc ứng xử với giới tự nhiên. Có như vậy, con người mới có thể ngăn chặn được cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu và từ đó hình thành được văn minh sinh thái.
1- Trong suốt quá trình xuất hiện, tồn tại và phát triển, con người luôn gắn kết chặt chẽ với môi trường tự nhiên và môi trường xã hội. Chừng nào còn tồn tại thì con người không thể sống ở đâu khác ngoài môi trường tự nhiên, trong lòng giới tự nhiên và cũng không thể sống ngoài môi trường xã hội. Về điều này, nhà triết học Hy Lạp thời cổ đại A-ri-xtốt (384 - 322 TCN) đã từng viết rằng: “con người là một động vật mà do bản tính tự nhiên phải sống trong một nhà nước (con người là một động vật chính trị)”(1). Trong “Bản thảo kinh tế - triết học năm 1844”, C. Mác viết rằng, “giới tự nhiên... là thân thể vô cơ của con người. Con người sống bằng giới tự nhiên. Như thế nghĩa là giới tự nhiên là thân thể của con người... Con người là một bộ phận của giới tự nhiên”(2). Năm 1876, Ph. Ăng-ghen cũng khẳng định: “Chúng ta hoàn toàn không thống trị được giới tự nhiên như một kẻ xâm lược thống trị một dân tộc khác, như một người sống bên ngoài giới tự nhiên, mà trái lại, bản thân chúng ta, với tất cả xương thịt, máu mủ và đầu óc chúng ta, là thuộc về giới tự nhiên, chúng ta nằm trong lòng giới tự nhiên”(3).
Như vậy, sự ra đời, tồn tại, phát triển của con người và xã hội loài người gắn chặt với môi trường tự nhiên. Chính giới tự nhiên cung cấp các vật dụng cần thiết, tức là dòng vật chất và dòng năng lượng, để nuôi sống con người.
Từ nửa sau thế kỷ XIX, thuật ngữ “environment” (môi trường) mới thật sự được sử dụng trong khoa học. Nó được rút ra từ những thuật ngữ đã có từ trước đó như “environ” (vùng ngoại vi) và “environing” (vây quanh). Trong đó, cuốn sách của nhà sinh học người Mỹ, Ra-chen Ca-xơn (Rachel Carson), có tên “Silent Spring” (“Mùa xuân yên tĩnh” hay “Mùa xuân vắng lặng”) xuất bản năm 1962, được coi là cột mốc đánh dấu mối quan tâm thật sự đến vấn đề môi trường sống của con người. Đây là lần đầu tiên một nhà khoa học đã lên tiếng cảnh báo về hậu quả tiêu cực, về mối hiểm nguy của việc sử dụng thuốc trừ sâu bừa bãi trong sản xuất nông nghiệp(4).
Từ giữa những năm 60 của thế kỷ XX, các thành viên của Câu lạc bộ Roma đã có những báo cáo cảnh báo nghiêm túc về nạn ô nhiễm môi trường sống; về mối đe dọa từ sự nóng lên của toàn cầu; về tình trạng thiếu nước ngọt cho các ngành sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cũng như cho mọi sinh hoạt thường ngày của con người; về nguy cơ nạn đói đe dọa ở nhiều nơi trên thế giới,... Đỉnh điểm về những mối đe dọa này được trình bày khá sâu và có đầy đủ căn cứ trong một báo cáo khoa học của Câu lạc bộ Roma mang tên “Giới hạn để tăng trưởng” (Limits to Growth)(5). Mặc dù có một vài điều cần phải thảo luận, song báo cáo này đã chỉ rõ tất cả những mối nguy hiểm về môi trường do sự can thiệp của chính con người và chỉ có thể được khắc phục thông qua sự thay đổi thái độ và hành vi của con người với tự nhiên. Đây là luận điểm hết sức quan trọng mang tính gợi mở về cách thức hữu hiệu duy nhất để từng bước hạn chế và tiến tới khắc phục tình trạng hủy hoại sinh thái, phá hoại môi trường sống của con người. Báo cáo “Giới hạn để tăng trưởng” cũng chỉ rõ, chính việc khai thác và sử dụng tài nguyên không hợp lý, thiếu khoa học, vì mục đích chạy theo lợi nhuận trước mắt của con người mà môi trường tự nhiên bị tàn phá nặng nề, hệ sinh thái ở nhiều nơi bị hủy hoại rất nghiêm trọng. Về điều này, năm 1868, C. Mác đã từng cảnh báo: “nếu canh tác được tiến hành một cách tự phát mà không được hướng dẫn một cách có ý thức... thì sẽ để lại sau nó đất hoang”(6). Tất cả những cảnh báo đó của các nhà khoa học thuộc nhiều trường phái khác nhau về nguy cơ môi trường tự nhiên bị tàn phá, bị ô nhiễm, hệ sinh thái bị suy thoái đã và đang trở thành sự thật, thành vấn nạn trong thời đại chúng ta.
Ở nước ta, nạn phá rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ để xây dựng các nhà máy thủy điện ở một số nơi nhưng không tính đến điều kiện tự nhiên cùng với nạn chặt phá, đốt rừng để lấy đất canh tác, nạn khai thác trộm gỗ quý ở các cánh rừng nguyên sinh gây nên tình trạng lụt lội, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất đá thời gian qua đã và đang hủy hoại nơi sinh sống của các loài sinh vật và đe dọa nghiêm trọng sự sống của cả con người. Theo Tổng cục Lâm nghiệp, trong năm 2017 và năm 2018, toàn khu vực Tây Nguyên đã xảy ra hơn 1.800 vụ phá rừng trái phép; trong đó có trên 1.200 vụ phá rừng để chiếm đất làm nương rẫy, gây thiệt hại hơn 700ha rừng các loại. Riêng trong 4 tháng đầu năm 2019, cơ quan chức năng các tỉnh Tây Nguyên đã phát hiện gần 200 vụ phá rừng với mục đích lấn chiếm làm đất rừng để sản xuất(7). Rừng nguyên sinh của đại ngàn Trường Sơn, rừng tại các Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, Vườn quốc gia Tam Đảo,... cũng nằm trong tình trạng bị chặt phá nặng nề. Cùng với các vụ phá rừng, cả nước cũng đã xảy ra hàng chục vụ cháy thiêu hủy hàng trăm héc-ta cả rừng trồng và rừng nguyên sinh. Tuy nhiên, có thể thấy, nạn ô nhiễm môi trường trên thế giới và ở nước ta chủ yếu do các ngành sản xuất, nhất là do sản xuất công nghiệp, gây ra. Đó là các dạng ô nhiễm đất, nước, không khí do các loại chất thải mà nhiều loại trong số đó bằng mắt thường con người không thể nhìn thấy được. Tình trạng ô nhiễm môi trường đang làm gia tăng và phát tán nhanh chóng các loại bệnh tật bệnh quái ác, thậm chí dẫn tới những đại dịch đe dọa sự sống của con người.
2- Vấn nạn ô nhiễm môi trường đang báo hiệu một cuộc khủng hoảng sinh thái toàn cầu ngày càng gần hơn, với tốc độ nhanh hơn và nguy hiểm hơn đối với con người và mọi sinh vật đang sinh sống trên trái đất. Khủng hoảng sinh thái toàn cầu được hiểu là khủng hoảng trong mối quan hệ giữa các sinh vật, trong đó có con người với môi trường trên phạm vi toàn cầu.
Trong công trình “21 bài học cho thế kỷ XXI”, Y.N. Ha-ra-ri (Yoval Noah Harari) nhận định: “Trong quá khứ, chúng ta đạt được quyền năng kiểm soát thế giới xung quanh và tái định hình cả hành tinh này; nhưng chúng ta không hiểu sự phức tạp của hệ sinh thái toàn cầu nên những thay đổi [do] chúng ta tạo ra đã vô tình làm gián đoạn toàn bộ hệ sinh thái và giờ ta đang đối mặt với một cuộc sụp đổ sinh thái”(8).
Có thể thấy, cùng với thời gian, càng ngày càng cần phải thẳng thắn thừa nhận rằng, đến nay, con người vẫn đang cố gắng điều khiển thế giới tự nhiên một cách chủ quan, duy ý chí theo ước muốn và tham vọng ích kỷ của mình nhiều hơn là tìm hiểu tự nhiên một cách tường tận và khoa học. Do lối tư duy chủ quan mà con người đã vô tình làm gián đoạn, phân mảnh toàn bộ hệ sinh thái vốn gắn bó hữu cơ và phụ thuộc lẫn nhau nên bây giờ phải đối mặt với nguy cơ của một cuộc sụp đổ sinh thái.
Thật ra, trước Y.N. Ha-ra-ri nửa thế kỷ, câu lạc bộ Roma đã dự báo về nguy cơ ô nhiễm môi trường và khủng hoảng sinh thái. Năm 2006, Phrít-men (T. L.Friedman) đã cho rằng: “thế giới đang ngày càng nóng bức, bằng phẳng, và chật chội hơn... hành tinh này có thể rơi vào trạng thái bất ổn đầy nguy hiểm”(9). Đó là do từ khi bắt đầu cuộc cách mạng công nghiệp cho đến nay, con người đã san phẳng các dải rừng nguyên sinh để lấy đất xây dựng nhà máy. Các ngành công nghiệp đã sử dụng một lượng rất lớn các loại nhiên liệu hóa thạch, như than đá, dầu mỏ, khí tự nhiên, bởi cho rằng chúng là vô tận, không bao giờ cạn kiệt. Song, chính việc “hạ sát” rừng nguyên sinh, việc sử dụng số lượng lớn các nhiên liệu hóa thạch không chỉ thải ra quá nhiều CO2 cùng các chất gây ô nhiễm không khí và các chất gây ô nhiễm khác, mà còn dẫn đến sự cạn kiệt nhanh chóng các nguồn tài nguyên này. Các ngành công nghiệp, như nhiệt điện, luyện kim, dệt, nhuộm, điện tử, chế biến nhựa,... ở nhiều nước, nhất là ở các nước đang phát triển vận hành với công nghệ lạc hậu, còn thải ra môi trường những loại hóa chất và rác thải chưa được xử lý cực kỳ nguy hại đã làm ô nhiễm trầm trọng đất đai, các nguồn nước, bầu khí quyển và cả đại dương.
Cùng với quá trình đô thị hóa, các ngành công nghiệp thải ra một lượng lớn CO2 và rất nhiều chất gây ô nhiễm khác. Việc các khu rừng tự nhiên sau một thời gian nắng nóng kéo dài dễ bị cháy do sét gây ra, hoặc do con người đốt để lấy đất làm nương rẫy, thì lượng CO2 thoát ra “còn lớn hơn lượng phát thải của toàn bộ các phương tiện giao thông trên thế giới cộng lại, bao gồm ô tô con, xe tải, máy bay, tàu hỏa và tàu thủy”(10). Đặc biệt là nạn phá rừng lấy gỗ, đốt than đã làm cho tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng trở nên trầm trọng hơn. Nhiệt độ trái đất tăng lên đã làm cho nhiều vùng trên trái đất trở nên khô hạn hơn. Bên cạnh đó, việc băng tan nhanh ở Grin-len (Greenland) dẫn đến nước biển dâng cao đang làm cho khí hậu, thời tiết ngày càng trở nên vô cùng khó đoán định.
Một nguyên nhân gây ô nhiễm nghiêm trọng khác và có ảnh hưởng rất lâu dài qua nhiều thế hệ là các cuộc chiến tranh và các vụ thử nhiều loại vũ khí ở nhiều khu vực trên thế giới, nhất là vũ khí hóa học, vũ khí vi trùng, vũ khí nguyên tử. Đó là những loại vũ khí không chỉ gây chết người, mà còn tiêu diệt tất cả sự sống ở những nơi chúng được dùng. Đây là loại tội ác đã được thế giới gọi là “ecocide”, tức là “sự phá hủy hệ sinh thái, nhân loại và sự sống”(11).
Tất cả những sự thay đổi đó đang hủy hoại dần các hệ sinh thái tự nhiên và nhất là sự đa dạng sinh học. Đa dạng sinh học được hiểu là “tổng thể sự sống trên trái đất, tất cả các thành phần trong quần xã sinh vật và hệ sinh thái mặt đất, đại dương và nước ngọt, và mọi loài - cây cối, động vật, nấm và các vi sinh vật - sống trong các hệ sinh thái đó, bao gồm cả hành vi của chúng, mối tương tác giữa chúng và chu trình sinh thái. Đa dạng sinh học có quan hệ trực tiếp với những yếu tố phi sinh vật trên trái đất - gồm hệ thống khí quyển, đại dương, nước ngọt, thành phần địa chất và đất đai - qua đó tạo nên một hệ thống vĩ đại, phụ thuộc lẫn nhau, đó là sinh quyển”(12). Chính các hệ sinh thái tự nhiên và sự đa dạng sinh học có vai trò hết sức quan trọng mà nhiều khi con người không thấy hết, hoặc không biết rõ tác dụng của chúng. Sự đa dạng sinh học mất đi biểu hiện đứt đoạn nguy hiểm chu trình sinh học của các loài sống trên trái đất. Chính những hành động thiếu ý thức, vô trách nhiệm, thiếu kiến thức và lòng tham của con người là những nguyên nhân chủ yếu dẫn đến cuộc khủng hoảng sinh thái trên quy mô toàn cầu.
3- Với tư cách một loài sinh vật, con người không thể đi ngược lại hoặc làm trái các quy luật của tự nhiên. Bởi vậy, con người cần chủ động thích ứng với tự nhiên bằng những hành động thiết thực, mà trước hết là cần hình thành tư duy khoa học về văn minh sinh thái cùng một chương trình hành động thật sự hữu ích để tránh các thảm họa sinh thái.
Suốt hơn nửa thế kỷ qua, các nhà khoa học thế giới đã cảnh báo bằng những công trình nghiên cứu về nhiệm vụ bảo vệ môi trường sống, cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội, và về nguy cơ khủng hoảng sinh thái trên phạm vi toàn cầu. Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường đã được thành lập ở nhiều nơi, cả trên phạm vi khu vực lẫn quốc tế, với sứ mệnh góp phần ngăn chặn khủng hoảng sinh thái xảy ra. Giờ đây, cấp bách hơn lúc nào hết, ô nhiễm môi trường nặng nề, sự mất cân bằng sinh thái nghiêm trọng đã và đang đòi hỏi mỗi cá nhân cũng như toàn nhân loại nhìn nhận lại thực trạng văn hóa sinh thái và cần hình thành tư duy sinh thái mới, từ đó xây dựng văn minh sinh thái, để con người có cuộc sống hài hòa với thiên nhiên, hướng tới sự phát triển bền vững.
Trước hết, để hình thành văn minh sinh thái thì đòi hỏi mỗi người phải có tư duy về văn minh sinh thái; cụ thể là nhận thức về sự gắn bó chặt chẽ giữa con người với tự nhiên. Con người cũng phải luôn nhớ rằng, mọi hiện tượng và mọi quá trình diễn ra trong tự nhiên đều có ảnh hưởng lẫn nhau và tác động qua lại với nhau. Việc con người khai thác thiên nhiên cũng không nằm ngoài quy luật này. Bởi vì, “cứ mỗi lần ta đạt được một thắng lợi, là mỗi lần giới tự nhiên trả thù lại chúng ta... hay phá hủy tất cả những kết quả đầu tiên đó”(13). Cho nên, cùng với sự thay đổi tư duy thì đòi hỏi con người còn phải có những sự thay đổi về thái độ và hành vi cụ thể trong ứng xử với giới tự nhiên. Sự thay đổi từ tư duy đến thái độ và hành động trong cách ứng xử với giới tự nhiên là hết sức quan trọng.
Tuy nhiên, để có văn minh sinh thái thì sự thay đổi tư duy và thái độ cư xử của con người với giới tự nhiên tuy là quan trọng, nhưng chắc chắn là chưa đủ. Những thay đổi trong tư duy và trong thái độ nhất định phải dẫn tới sự thay đổi hành vi và hành động thực tế, trong đó hành động thực tế đầu tiên mà con người cần làm là thay đổi thói quen và quan niệm tiêu dùng dựa trên sự “hạ sát” tự nhiên để có các sản phẩm “độc”, “lạ” và quý giá từ tự nhiên (chẳng hạn, thói quen sử dụng các sản phẩm từ động vật hoang dã...). Những thói quen đó đã dẫn tới sự tuyệt chủng của không ít loài động vật quý hiếm trên thế giới. Sự biến mất của chúng đã làm đứt đoạn, thậm chí đã phá vỡ chu trình sinh học các loài sinh vật trên trái đất. Vì thế, các nhà khoa học thế giới đã phải xếp một số loài động vật vào sách đỏ để cảnh báo về nguy cơ cuộc khủng hoảng sinh thái trên quy mô toàn cầu.
Đặc biệt, văn minh sinh thái đòi hỏi tất cả các quốc gia phải thay đổi tư duy trong phát triển kinh tế, hết sức tránh việc chạy theo lợi nhuận đơn thuần mà hy sinh, hay đánh đổi bằng các giá trị môi trường. Cụ thể nhất là phải thay đổi cách thức tăng trưởng kinh tế chủ yếu chỉ dựa vào sự khai thác và sử dụng các nguồn tài nguyên thiên nhiên không tái tạo, nhưng lại làm phát sinh ra nhiều chất thải có hại và cực độc. Các ngành, nghề và tất cả mọi người trong xã hội cần có cách thức thiết kế, vận hành và tiêu dùng hiệu quả để giảm mức tiêu thụ năng lượng, nhằm giảm thiểu những chất thải đe dọa cuộc sống của con người và muôn loài. Văn minh sinh thái đòi hỏi mỗi quốc gia phải “giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường”(14); “chủ động giám sát, ứng phó có hiệu quả với biến đổi khí hậu; phát triển kinh tế xanh, ít chất thải, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, cácbon thấp; khuyến khích phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn để sử dụng tổng hợp và hiệu quả đầu ra của quá trình sản xuất”(15). Chính phủ của các quốc gia trên thế giới cần có tầm nhìn dài hạn trong công tác hoạch định chính sách; các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần hướng tới mục tiêu phát triển bền vững, chú trọng tới việc bảo đảm những lợi ích của các thế hệ tương lai. Nghĩa vụ và trách nhiệm đạo đức của thế hệ hiện tại đối với các thế hệ tương lai không cho phép họ coi trái đất và tất cả tài nguyên thiên nhiên chỉ là của riêng hiện tại mà toàn quyền tác động bất chấp hậu quả sinh thái.
Để hình thành tư duy văn minh sinh thái, cần coi trọng vai trò của giáo dục đạo đức sinh thái cho tất cả mọi người, trước hết là thế hệ trẻ ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Các hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, chủ trương, pháp luật và các thông tin về môi trường và phát triển bền vững cần không ngừng đổi mới về nội dung và đa dạng về hình thức. Vấn đề môi trường và tư duy văn minh sinh thái cần được đưa vào hệ thống chương trình được giảng dạy ở các cấp học cũng như đưa vào cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; qua đó, góp phần giáo dục và xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, nếp sống gần gũi, gắn bó với thiên nhiên trong mỗi người dân, nhất là thanh thiếu niên.
Bên cạnh đó, hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường cần được hoàn thiện; năng lực tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về môi trường cần được kiện toàn và tăng cường, bảo đảm thực hiện hiệu quả công tác bảo vệ môi trường từ Trung ương đến cơ sở. Việc thực thi luật pháp về môi trường ở từng nước cũng như các điều ước và luật pháp quốc tế cần tiếp tục được thúc đẩy. Hệ thống và cơ chế giám sát tài nguyên, môi trường và biến đổi khí hậu, hệ thống dự báo, cảnh báo thiên tai, ô nhiễm và thảm họa môi trường cần được xây dựng và không ngừng củng cố. Ngoài ra, cần đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao các giải pháp công nghệ trong xử lý ô nhiễm, khắc phục suy thoái và sự cố môi trường; sử dụng hiệu quả tài nguyên, năng lượng; ứng dụng và phát triển công nghệ sạch, thân thiện với môi trường. Đây là những công cụ hết sức quan trọng để từng bước góp phần hình thành tư duy văn minh sinh thái, nhất là để kịp thời ngăn chặn thảm họa sinh thái, đặc biệt là tội ác “ecocide”, góp phần cải thiện chất lượng môi trường và điều kiện sống của nhân dân, bảo đảm thực hiện được mục tiêu phát triển bền vững./.
-----------------
(1) Aristotle: Chính trị luận (The Politics), Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2013, tr. 46 - 47
(2) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2000, t. 42, tr. 135
(3) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1994, t. 20, tr. 655
(4) Xem: F.David Peat (Người dịch: Phạm Việt Hưng): Từ xác định đến bất định - Những câu chuyện về khoa học và tư tưởng của thế kỷ XX, Nxb. Tri thức, Hà Nội, 2015, tr. 290
(5) Bản báo cáo khoa học “Limits to Growth” (Giới hạn để tăng trưởng) do các tác giả là Dennis Meadows, Donella Meadows, Jorgen Randers, William W. Behrens III soạn thảo, xuất bản năm 1972, đã bán được 12 triệu bản, là một tác phẩm về môi trường bán chạy nhất trong lịch sử thế giới
(6) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1997, t. 32, tr. 80
(7) Xem https://bnews.vn/bao-dong-nan-pha-rung-chiem-dat-o-tay-nguyen/123464.html
(8) Yuval Noah Harari: 21 bài học cho thế kỷ XXI, Nxb. Thế giới, Hà Nội, 2019, tr. 24. (Chữ trong ngoặc [ ] là tác giả thêm vào)
(9) Thomas L. Friedman: Nóng, Phẳng, Chật, Nxb. Trẻ, Thành phố Hồ Chí Minh, 2009, tr. 12
(10) Thomas L. Friedman: Nóng, Phẳng, Chật, Sđd, tr. 200
(11) Thuật ngữ “ecocide” được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1970 tại Hội nghị về Chiến tranh và Trách nhiệm quốc gia (Conference on War and National Responsibility) ở thủ đô Oa-sinh-tơn
(12) Thomas L. Friedman: Nóng, Phẳng, Chật, Sđd, tr. 195
(13) C. Mác và Ph. Ăng-ghen: Toàn tập, Sđd, t. 20, tr. 654
(14), (15) Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, t. I, tr. 274, 275
Ngành điện bảo vệ môi trường nhìn từ vấn đề xử lý tro, xỉ  (05/11/2021)
Hà Nội triển khai nhiều biện pháp ngăn ngừa ô nhiễm không khí  (03/10/2021)
Huyện Phú Xuyên, thành phố Hà Nội: Trăn trở trong việc phát triển làng nghề gắn với bảo vệ môi trường sống  (10/09/2021)
Cần những giải pháp hiệu quả để giải quyết tình trạng ô nhiễm làng nghề tại Hà Nội  (21/07/2021)
Thực trạng và giải pháp bảo vệ môi trường các khu công nghiệp  (05/05/2021)
Thành phố Hà Nội nỗ lực giảm thiểu khí thải nhà kính  (14/12/2019)
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm