TCCS - Hà Nội là địa phương có số lượng làng nghề lớn nhất cả nước. Các làng nghề tại Hà Nội được phân theo 8 loại hình sản xuất: Chế biến lương thực, thực phẩm; thủ công, mỹ nghệ; nhuộm, thuộc da; tái chế chất thải; gia công cơ kim khí; sản xuất vật liệu xây dựng; chăn nuôi, giết mổ gia súc và các loại hình khác và hầu hết các làng nghề chưa có hệ thống xử lý nước thải theo đúng quy định mà được xả thẳng vào môi trường tạo thành các “điểm đen” về ô nhiễm môi trường.

Làng nghề truyền thống Bát Tràng - điểm du lịch đáng chú ý của thành phố Hà Nội_Ảnh: Nguyễn Luận

Thực trạng đáng báo động

Theo kết quả phân tích nguồn nước tại 292 làng nghề (trong tổng số 1.350 làng nghề, làng có nghề của thành phố) giai đoạn 2017 - 2020 của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Hà Nội, có tới 139 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng (chiếm 47,6%), 95 làng nghề ô nhiễm (chiếm 32,5%), 58 làng nghề không ô nhiễm (chiếm 19,9%); tỷ lệ nước thải làng nghề được thu gom xử lý chỉ chiếm khoảng 5,2%...

Trong khi đó, kết quả phân tích mẫu nước, không khí, đất tại 228 làng nghề vừa được Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội công bố cho thấy: Về môi trường nước có 99 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 78 làng nghề ô nhiễm; môi trường không khí có 12 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng, 10 làng nghề ô nhiễm; môi trường đất có 6 làng nghề ô nhiễm nghiêm trọng...

Chỉ một số ít làng nghề trong cụm công nghiệp là có hệ thống xử lý nước thải, còn phần lớn các làng nghề sản xuất trong khu dân cư đều xả thẳng ra môi trường. Bên cạnh đó, chất thải rắn tại một số làng nghề chưa được phân loại để tái sử dụng mà được vận chuyển về bãi rác. Đặc biệt, vẫn còn hiện tượng người dân làng nghề đổ trộm hoặc tự ý đốt bỏ rác thải, gây ô nhiễm môi trường…

Giải pháp mang tính tổng thể nhằm tạo chuyển biến căn bản

Xác định phát triển nông nghiệp, nông thôn, nông dân phải đi đôi với bảo vệ môi trường, trong thời gian qua, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU, của Thành ủy Hà Nội, về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, ban hành nhiều chương trình, đề án, dự án, văn bản hướng dẫn, chỉ đạo để tạo chuyển biến căn bản về công tác bảo vệ môi trường tại khu vực nông thôn.

Riêng về vấn đề ô nhiễm làng nghề, Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU mới đây đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các khu xử lý nước thải làng nghề tập trung; kiểm tra, rà soát, nâng cấp các hệ thống xử lý môi trường cũ không đáp ứng yêu cầu; lắp đặt hệ thống quan trắc theo dõi về chất lượng môi trường tại các cụm công nghiệp; đưa công nghệ mới vào xử lý chất thải rắn và nước thải của các làng nghề...

Ban Chỉ đạo Chương trình số 02-CTr/TU đã giao Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan để xây dựng các mô hình thí điểm ứng dụng công nghệ, tiến bộ kỹ thuật mới đối với làng nghề để giảm chất thải gây ô nhiễm môi trường từ đầu nguồn sản xuất. Nếu thành công thì đây chính là các mô hình nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025.

Bên cạnh đó, thành phố Hà Nội cần tăng cường tuyên truyền sâu rộng về ý nghĩa, tầm quan trọng của môi trường sống, trên cơ sở này phát huy được mọi nguồn lực từ nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, làm cho mọi người nhận thức được một cách tự giác trong bảo vệ môi trường sống của chính mình.

Tăng cường rà soát, kiểm tra hoạt động của các cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao; tăng cường công tác quản lý đối với chất thải y tế phát sinh, đặc biệt tại các địa phương có nguy cơ cao ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Các địa phương cần chủ động xử lý hoặc phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Tài nguyên và Mội trường xử lý nghiêm hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường.

Tăng cường công tác quản lý, giám sát của địa phương đối với các cam kết bảo vệ môi trường. Tăng cường chế tài xử lý vi phạm quy định về bảo vệ môi trường trong quản lý chất thải rắn nông nghiệp, cần chấm dứt tình trạng đốt rơm rạ và phụ phẩm cây trồng gây ô nhiễm môi trường không khí. Đồng thơi, cần kịp thời khen thưởng, động viên các cá nhân, tập thể có thành tích trong bảo vệ môi trường.

Việc cải thiện ô nhiễm môi trường gắn với xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu trong giai đoạn 2021 - 2025, cũng như sự vào cuộc quyết liệt của các sở, ngành, địa phương; sự chung sức của người dân, các doanh nghiệp, tin chắc rằng, Hà Nội sẽ tạo được bước chuyển mới trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng ô nhiễm làng nghề, sớm đạt được mục tiêu đã đề ra, xây dựng Thủ đô Hà Nội xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại./.