TCCS - Với trách nhiệm cùng cả hệ thống chính trị trong công tác bảo vệ môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái đã và đang phát huy hiệu quả vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ môi trường. Qua đó, góp phần lan tỏa ý thức bảo vệ môi trường trong cộng đồng, tạo lập môi trường sống an toàn, sạch, đẹp.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái đã trao 10 thiết bị thu gom rác thải cho xã Hạnh Sơn, thị xã Nghĩa Lộ_Ảnh: Thảo Nhi

Những cách làm hay

Ngay từ những ngày đầu năm 2019, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp tỉnh Yên Bái đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và tổ chức lễ hội. Bên cạnh đó, từng khu dân cư cũng bổ sung các nội dung về bảo vệ môi trường vào hương ước, quy ước của cộng đồng và lấy đó làm tiêu chí đánh giá, xếp loại khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa.

Không dừng lại ở đó, Mặt trận Tổ quốc các cấp còn phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Giờ Trái đất, Ngày Quốc tế đa dạng sinh học, Tuần lễ biển và hải đảo Việt Nam và chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn…

Qua đó, đã tác động tích cực đến ý thức của cộng đồng và người dân trong việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Đặc biệt, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh còn phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường duy trì 43 mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” được xây dựng từ năm 2007.

Đến nay, các mô mình hoạt động hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường. Theo đó, việc bảo vệ môi trường sống đã dần trở thành thói quen của người dân trong sinh hoạt tại cộng đồng dân cư.

Không chỉ là địa phương đi đầu trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, xã Tuy Lộc, thành phố Yên Bái còn là điểm sáng trong xây dựng các mô hình tự quản. Xã có 6 thôn nhưng có tới gần 20 tổ tự quản do Mặt trận Tổ quốc và tổ chức đoàn thể trong xã phụ trách. Các tổ tự quản đã phát huy hiệu quả trong việc tham gia phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ môi trường sống “sáng - xanh - sạch - đẹp”.

Đồng chí Nguyễn Đình Hiệp, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Tuy Lộc cho biết, nhằm phát huy tính tự chủ, tự quản và trách nhiệm của người dân trong tham gia xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh và các phong trào thi đua yêu nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã đã tích cực triển khai xây dựng các mô hình tổ tự quản trên nhiều lĩnh vực, như bảo đảm an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn minh… Đến nay, hoạt động của các tổ tự quản đã đi vào nền nếp, có sức lan toả rộng khắp, trở thành phong trào tự nguyện, tự giác của người dân trong việc bảo vệ môi trường.

Còn tại khu dân cư Đồng Phú, phường Nam Cường, thành phố Yên Bái, sau 2 năm triển khai mô hình điểm “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường ứng phó với biến đổi khí hậu” ý thức bảo vệ môi trường của người dân đã được nâng lên, góp phần thực hiện hiệu quả cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”.

Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc phường Nam Cường Đoàn Thị Oanh cho biết, để thay đổi hành vi và trách nhiệm của mỗi người dân trong tham gia bảo vệ môi trường, Mặt trận đã phối hợp với chính quyền, các tổ chức đoàn thể của phường tích cực lồng ghép các nội dung tuyên truyền, hướng dẫn nhân dân và các hộ kinh doanh dịch vụ thực hiện tốt việc thu gom rác thải, bảo vệ môi trường. Đến nay hơn 235 gia đình trong khu dân cư Đồng Phú đều luôn nêu cao ý thức giữ gìn vệ sinh môi trường, bảo đảm ngõ, phố, khuôn viên gia đình luôn sạch sẽ. Từ thành công tại khu dân cư Đồng Phú, mô hình tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu đã được nhân ra diện rộng.

Nhân rộng mô hình điểm về bảo vệ môi trường

Nhận thức đúng vai trò trong công tác bảo vệ môi trường, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái đã phối hợp với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng đổi mới tuyên truyền, nâng cao nhận thức để người dân đồng hành cùng chính quyền địa phương chú trọng xây dựng các mô hình khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Do đó, để chung tay bảo vệ môi trường, năm 2020 các cấp Hội Nông dân trên địa bàn tỉnh đã phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể thực hiện hoàn thành 39 mô hình về thu gom rác thải, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp.

Cùng với Hội Nông dân, phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ trong giữ gìn và bảo vệ môi trường, thời gian qua, Tỉnh Đoàn Yên Bái đã tổ chức nhiều hoạt động chung tay bảo vệ môi trường sống. Đặc biệt thực hiện ngày “Chủ nhật xanh”. Hằng tuần, các đoàn viên tổ chức ra quân vệ sinh môi trường tại một địa phương, qua đó góp phần lan tỏa ý thức chung tay bảo vệ môi trường trong cộng đồng. Đặc biệt, thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, các địa phương trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực bảo vệ môi trường.

Năm 2019, thực hiện Chương trình hành động số 144 của Tỉnh ủy, Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh đã xây dựng được 2.347 mô hình, trong đó có 463 mô hình có lồng ghép với nội dung bảo vệ môi trường ở khu dân cư. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh với các tổ chức thành viên, các ngành chức năng trong việc bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu, nhiều tồn tại và các điểm phát sinh ô nhiễm môi trường trên địa bàn tỉnh đã được xử lý tốt…

Theo đồng chí  Giàng A Tông, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái, các mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường” điểm đã được tỉnh nhân rộng hoạt động hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác bảo vệ môi trường. Từ những mô hình ban đầu, đến nay ý thức người dân đã được nâng lên một bước đáng kể. Việc nâng cao ý thức người dân đối với việc bảo vệ môi trường sống đang dần trở thành thói quen, nếp sống tốt. Tính chủ động của các tầng lớp nhân dân trong việc tham gia xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước đã góp phần khắc phục những tâp tục, thói quen cũ trong sản xuất, sinh hoạt, tiêu dùng ảnh hưởng đến môi trường. Từ những mô hình điểm, bà con nhân dân đã thực hiện tốt hơn các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Theo đó, từng khu dân cư cũng bổ sung các nội dung bảo vệ môi trường vào các hương ước, quy ước của cộng đồng và lấy đó làm tiêu chí đánh giá, xếp loại khu dân cư văn hóa, gia đình văn hóa. Kết quả qua từng năm, khu dân cư đạt “Khu dân cư văn hóa” và gia đình đạt danh hiệu “gia đình văn hóa” năm sau tăng hơn so với năm trước.

“Thời gian tới, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc các cấp trong tỉnh Yên Bái sẽ đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân nâng cao ý thức trong việc tham gia các mô hình tự quản; đoàn kết, hỗ trợ phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường, xây dựng địa bàn dân cư lành mạnh, an toàn. Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc cũng sẽ tiếp tục phát huy vai trò của người có uy tín trong cộng đồng; xây dựng lực lượng nòng cốt có khả năng tập hợp, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia thực hiện các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước tại địa phương. Xây dựng các mô hình tự quản trên cơ sở tự nguyện, tự giác, tự chịu trách nhiệm, tự chủ về kinh phí, hoạt động theo quy chế, hướng đến mục tiêu mang lại lợi ích cho người dân, được người dân đồng tình, ủng hộ, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, đồng chí  Giàng A Tông, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Yên Bái chia sẻ./.