TCCSĐT - Với một tỉnh thuần nông, ngành nông nghiệp truyền thống gần như đến tiệm cận của năng suất. Chính vì vậy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đã được lãnh đạo tỉnh quan tâm và thể hiện qua Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-6-2012, đã tạo cho ngành nông nghiệp có một hướng đi mới, hiệu quả nhưng vẫn còn nhiều vấn đề đặt ra cần có những giải pháp phù hợp trong thời gian tới.






Những kết quả đạt được

An Giang là tỉnh có chủ trương phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao khá sớm so với các tỉnh trong vùng. Tỉnh ủy An Giang đã ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 27-6-2012, về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030. Để triển khai thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU, ngày 29-11-2012, Ủy ban Nhân dân tỉnh An Giang ban hành Quyết định số 2163/QĐ-UBND về Kế hoạch phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An Giang giai đoạn 2012 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 nhằm mục tiêu phát triển và ứng dụng rộng rãi, có hiệu quả các công nghệ mới, công nghệ tiên tiến trong và ngoài nước trên cơ sở phát triển đồng thời và đồng bộ 04 yếu tố: Quy hoạch vùng sản phẩm, lựa chọn công nghệ, đào tạo và thu hút nguồn nhân lực và mở rộng thị trường tiêu thụ. Sản xuất hàng hóa phải đáp ứng với nhu cầu và tiêu chuẩn của thị trường có truy xuất nguồn gốc, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh.

Theo báo cáo của Sở Khoa học, Công nghệ và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sau hơn 05 năm triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27-6-2012, của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, An Giang đã có nhiều đề tài, dự án thuộc lĩnh vực khoa học kỹ thuật được ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả cao như:

- Lĩnh vực lúa gạo: Vùng sản xuất lúa giống, lúa chất lượng cao gắn với phát triển cánh đồng lớn ứng dụng “1 phải 5 giảm”, “3 giảm 3 tăng” và các tiến bộ khoa học và công nghệ (san bằng mặt ruộng ứng dụng tia laser, máy cấy lúa, máy gom rơm, máy băm rơm...) có tổng diện tích gieo trồng đạt gần 77.778 ha. Hiện có khoảng 19 hợp tác xã, 32 tổ hợp tác và 22 doanh nghiệp tham gia sản xuất, tiêu thụ lúa giống, lúa đặc sản, lúa chất lượng cao.

- Lĩnh vực rau màu: Tổng diện tích nhà lưới gieo ươm cây rau giống đạt gần 03 ha với sản lượng khoảng 13,5 triệu cây giống/năm. Giá trị sản xuất sản phẩm chất lượng cao nhóm rau màu trong năm 2016 tăng 419 tỷ đồng, giá trị gia tăng tăng 210 tỷ đồng so với năm 2012.

- Lĩnh vực thủy sản: Nhiều giống thủy sản có giá trị kinh tế cao đã được các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở trên địa bàn tỉnh nhân và sản xuất giống thành công (tôm càng xanh toàn đực, cá chình nước ngọt, lươn đồng, cá chạch lấu, cá heo, cá tra giống cải thiện di truyền, cá hô...) đã góp phần đa dạng hóa nghề nuôi thủy sản của tỉnh.

- Lĩnh vực nấm ăn: Nấm dược liệu đã được các đơn vị, doanh nghiệp, cơ sở trong tỉnh đã sưu tập, bảo tồn trên 25 chi, loài nấm ăn, nấm dược liệu, trong đó có nhiều loài có giá trị kinh tế cao đã được thương mại hóa (nấm đông trùng hạ thảo, nấm linh chi, nấm kim châm, nấm chân dài...).

- Lĩnh vực cây dược liệu: Tổng diện tích trồng cây dược liệu của tỉnh khoảng 87,5 ha, bình quân mỗi năm tăng 20% diện tích trồng cây thuốc xen dưới tán rừng, xen vào đất vườn.

- Lĩnh vực hoa kiểng: Tổng diện tích đất sản xuất hoa kiểng trên địa bàn tỉnh là 239,37 ha, gồm nhiều chủng loại như: lan các loại, mai, kiểng bon sai, vạn thọ, cúc, huệ, mai chiếu thủy, tùng, nguyệt quế, lộc vừng, cúc chậu pha lê, đại đóa...

Một số mô hình của các địa phương triển khai thực hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao như:

- An Phú có mô hình vườn ươm cây giống rau công nghệ cao của nông dân Nguyễn Văn Thức, xã Khánh An, huyện An Phú, với hơn 38 năm theo nghề trồng rau màu, nhưng hai năm qua, từ khi chính thức triển khai mô hình vườn ươm cây giống công nghệ cao trong nhà lưới, tưới nước công nghệ nano đã cho hiệu quả kinh tế rất lớn. Tỷ lệ cây giống lên mầm đạt đến 100%, bán cho bà con trồng, tỷ lệ sống đạt đến 90% so với kỹ thuật truyền thống là 50%. Nhiều nông dân đã đến tham quan và triển khai cách làm vườn ươm ở đây, đem lại hiệu quả cao.

- Châu Đốc có mô hình của nông dân Hồ Tấn Phong, khóm Châu Long 8, phường Châu Phú B, thành phố Châu Đốc, tỉnh An Giang. Là người trực tiếp canh tác tại nhà vòm, ông cho biết hiệu quả canh tác đã được tăng lên gấp nhiều lần, có thể canh tác tới 7 vụ một năm thay vì 3 vụ một năm như công thức canh tác cũ. Diện tích trong nhà lưới cũng được phân chia thành từng khu, như khu trồng dưa lưới, khu trồng dưa lê, dưa leo baby và cả khu ghép cây giống. Các loại cây giống được ông Phong sản xuất bao gồm: bầu, bí, mướp, khổ qua, cải, cà tím, cà chua... Đặc biệt, giống của trang trại còn cung ứng về giống chất lượng tốt cho bà con xung quanh khu vực.

- Tri Tôn là huyện miền núi, có thế mạnh về trồng cây dược liệu, huyện đã liên kết với Công ty cổ phần Dược Hậu Giang xây dựng nhà máy sơ chế dược liệu ở ấp Tà Dung, xã Lương Phi và phát triển cây dược liệu với diện tích 20ha/năm, chủ yếu là rau tần dày lá. Đối với sản xuất rau màu an toàn theo hướng công nghệ cao, huyện đã trồng được gần 114,7 ha mè đen giống mới trong vụ Đông Xuân và Hè Thu năm nay, thay thế những vùng trồng lúa kém hiệu quả.

- Phú Tân là vùng chuyên canh lúa nếp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong khâu canh tác được bà con nông dân thực hiện bằng cách giảm phân, thuốc bảo vệ thực vật, chọn giống chất lượng, sử dụng các máy móc hiện đại vào sản xuất, như san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, sạ hàng, gặt đập liên hợp... qua đó nâng cao giá trị hàng hóa nông nghiệp làm ra.

Những bất cập, hạn chế

Bên cạnh những kết qủa đạt được của chương trình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cũng còn những mặt hạn chế như sau:

Thứ nhất, trong thời gian đầu triển khai thực hiện, sự vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền ở một số địa phương, sở, ngành còn nhiều lúng túng, còn trông chờ vào các cơ chế, chính sách của Trung ương và tỉnh.

Thứ hai, công tác phối hợp triển khai thực hiện chưa thật sự gắn kết chặt chẽ và hiệu quả, nhất là chưa thật sự tập trung quán triệt nâng cao nhận thức và tổ chức thực hiện thí điểm các mô hình mới (dựa vào tiềm năng, thế mạnh, đặc thù của mỗi lĩnh vực, địa phương).

Thứ ba, việc phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một vấn đề khá mới so với hiểu biết, nhận thức và trình độ sản xuất của người dân; tập quán canh tác, sản xuất - kinh doanh của nông dân và doanh nghiệp còn ở quy mô nhỏ lẻ; việc lựa chọn, kế thừa các thành tựu khoa học - công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất nông nghiệp... còn lúng túng.

Thứ tư, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn chưa sâu rộng, từng lúc, từng nơi còn mang tính tự phát và việc tiếp cận với công nghệ cao đúng nghĩa còn hạn chế, quy mô nhỏ lẻ, chưa tập trung, chưa theo kịp định hướng.

Thứ năm, các ngành, địa phương còn nhiều lúng túng trong triển khai, thiếu thông tin cần thiết, đặc biệt là thông tin về thị trường nên gặp nhiều khó khăn trong tìm kiếm công nghệ và tổ chức sản xuất. Công tác phối hợp giữa các sở, ngành vẫn chưa chặt chẽ, chưa có cơ chế cụ thể liên kết bền vững giữa nông dân - doanh nghiệp đã cản trở việc mở rộng sản xuất và làm chậm tiến trình ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn.

Thứ sáu, thị trường tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến nay gần như thả nổi. Việc tìm thị trường tiêu thụ nông sản là nan giải và đây được coi là yếu tố kìm hãm lớn nhất khi mở rộng sản xuất của nông dân. Sức ép cạnh tranh thị trường nông sản ngày càng tăng, rào cản kỹ thuật của các quốc gia EU, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc... là rất cao. Trong khi đó, thực trạng sản xuất nông nghệp tại địa phương còn lệ thuộc rất lớn vào thị trường xuất khẩu tiểu ngạch, không ổn định, rào cản kỹ thuật thấp, không đòi hỏi đạt tiêu chuẩn GAP, an toàn... Giá cả mặt hàng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao và sản phẩm cùng loại bán đại trà chênh lệch rất ít, nên cửa hàng phục vụ sản phẩm ứng dụng công nghệ cao cứ ít dần do lỗ, không ai dám đầu tư. Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là lĩnh vực mới nên nhiều nơi chưa thông suốt, còn lúng túng trong triển khai thực hiện..

Thứ bảy, quá trình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhiều trở ngại vì thiếu vốn, thiếu việc, thiếu công nghệ. Chi phí đầu tư ban đầu cho các mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi nguồn vốn khá lớn. Nhưng việc tiếp cận và khai thác có hiệu quả nguồn vốn này chưa thực hiện tốt. Nguyên nhân do phần lớn thiếu thủ tục bảo đảm vay vốn, nhất là thiếu dự án và tài sản bảo đảm; lãi suất trung và dài hạn ở mức cao nên cũng khó khuyến khích đầu tư. Mặt khác, hạn mức cho vay tín chấp, thế chấp tài sản... theo quy định hiện hành chưa đủ hấp dẫn để khuyến khích, đẩy mạnh nhu cầu vay vốn nhằm nhân rộng, mở rộng đầu tư phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả. Trong khi đó, phát triển sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đòi hỏi vốn đầu tư lớn, rủi ro cao... nên việc kêu gọi, huy động, phân bổ và tổ chức triển khai nguồn lực tài chính gặp nhiều khó khăn, nhất là thu hút đầu tư từ doanh nghiệp và nông dân tham gia. Thời gian qua, đất đai sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao chủ yếu của nông dân, phần lớn diện tích còn nhỏ lẻ, phân tán nên chưa có nhiều những tổ chức hợp tác nông dân lớn, để cung cấp tập trung số lượng nông sản lớn, chất lượng đồng đều. Từ đó, dẫn đến việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao, công nghệ chế biến, bảo quản nông sản còn hạn chế do thiếu vốn, thiếu nguồn nhân lực, khả năng cạnh tranh của sản phẩm làm ra còn thấp. Chính sách nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vẫn chưa được cụ thể hóa, chưa được thực hiện đầy đủ, nên chưa thu hút được các nguồn lực của các thành phần kinh tế cần thiết để phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao…

Thứ tám, việc xác định trọng tâm, lộ trình thực hiện cụ thể (dựa vào tiềm năng, thế mạnh, điều kiện thực tế và định hướng các nguồn lực thực hiện) còn lúng túng, hạn chế và chưa đáp ứng được nhiều kỳ vọng. Việc thực thi pháp luật về thực hiện quy hoạch, hợp đồng liên kết sản xuất, tiêu thụ và về sản xuất sản phẩm an toàn, chất lượng cũng gặp khá nhiều khó khăn.

Thứ chín, cơ chế, chính sách của Trung ương phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cũng như thông tin tuyên truyền vẫn chưa nhiều, chưa đồng bộ, chưa đầy đủ và còn nhiều bất cập, đôi khi chưa rõ ràng nên khó vận dụng vào thực tế. Thậm chí, một số quy định còn chưa phù hợp và xa rời thực tế. Bên cạnh đó, thời gian qua, tỉnh đã gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện các tiêu chí và áp dụng các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp úng dụng công nghệ cao. Cụ thể, việc công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận nên chưa khuyến khích được các doanh nghiệp tại các địa phương đẩy mạnh việc đăng ký công nhận; Việc công nhận vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, mặc dù đã được phân cấp cho UBND tỉnh, thành phố công nhận theo Quyết định số 66/2015/QĐ-TTg, ngày 25-12-2015, của Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, Điều 2 của quyết định này rất khó để triển khai vì tiêu chí xác định vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, diện tích phải liền vùng, liền thửa trong địa giới hành chính một tỉnh; Đối tượng sản xuất và quy mô của vùng là nhiều và rất lớn, cụ thể: cây ăn quả lâu năm diện tích tối thiểu là 300 ha; Chăn nuôi bò thịt tối thiểu 20.000 con/năm; Chăn nuôi lợn thịt số lượng tối thiểu là 40.000 con/năm, lợn giống (lợn nái) tối thiểu 2.000 con/năm; Chăn nuôi gia cầm số lượng tối thiểu là 50.000 con/lứa. Vì vậy, quá trình triển khai các chính sách này trên địa bàn tỉnh An Giang trong thời gian qua gặp nhiều khó khăn do khó đáp ứng được các tiêu chí để được công nhận doanh nghiệp hay vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Quy mô thực hiện mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn nhỏ lẻ, manh mún, chiếm tỷ lệ chưa cao so với diện tích sản xuất. Cơ sở vật chất trang thiết bị chưa đủ đáp ứng theo tiêu chuẩn VietGAP, chưa đáp ứng được cho quy hoạch vùng chuyên canh cây ăn trái (chuyển từ đất trồng lúa kém hiệu quả) theo hướng gắn liền với du lịch sinh thái, đồng thời, công tác kiểm tra chất lượng sản phẩm rau, quả và giá cả còn hạn chế.

Cần có giải pháp phù hợp hơn để tiếp tục phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Từ thực tế triển khai phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thời gian qua, trong thời gian tới An Giang cần có những giải pháp phù hợp hơn nhằm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, cụ thể là:

Một là, tỉnh An Giang sẽ tổ chức rà soát các chế độ chính sách hỗ trợ liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, từ đó tiếp tục tham mưu Ủy ban Nhân dân tỉnh, Hội đồng Nhân dân tỉnh ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp để người dân dễ tiếp cận. Từ đó, việc xây dựng các quy hoạch, kế hoạch, cơ chế chính sách và việc lựa chọn, xác định, tổ chức triển khai thực hiện một số mô hình thí điểm phát triển còn chậm và tính hiệu quả chưa cao.

Hai là, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là vấn đề mới rất cần sự vào cuộc, chung tay góp sức của các sở, ngành, địa phương cũng như các chuyên gia, doanh nghiệp và người nông dân. Bên cạnh đó, cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, nhất là về nguồn lực tài chính.

Ba là, đẩy mạnh công tác xúc tiến, tìm thị trường tiêu thụ để liên kết với hộ xây dựng vùng nguyên liệu; kêu gọi đầu tư, thực hiện chuỗi liên kết - tiêu thụ. Tăng cường quảng bá nông sản ứng dụng công nghệ cao, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tiềm kiếm thị trường tiêu thụ các sản phẩm hiện có và phát hiện, định hướng các thị trường cho các sản phẩm mới, có triển vọng.

Bốn là, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nghiên cứu ứng dụng và sản xuất thử nghiệm đối với các mô hình, quy trình công nghệ phục vụ phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; tổ chức triển khai các chương trình nghiên cứu trọng điểm có liên quan: Chương trình Công nghệ sinh học, Phát triển và bảo tồn giống cây trồng, vật nuôi tỉnh An Giang; Chương trình nghiên cứu chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi và phát triển nông nghiệp bền vững; Chương trình nghiên cứu khoa học và công nghệ phục vụ phát triển dược liệu và y học cổ truyền.

Năm là, tổ chức khảo sát, cập nhật, đánh giá hằng năm về hiện trạng và tiềm năng phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại các địa phương trên địa bàn tỉnh và hoạt động chuyển giao công nghệ của các viện, trường, các tổ chức khoa học và công nghệ và doanh nghiệp. Tổ chức các hội thảo chuyên đề về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nhằm thu thập ý kiến, đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, doanh nghiệp, nông dân... Điều tra, thu thập và đánh giá nguồn gen quý hiếm, đặc trưng, có giá trị kinh tế, y học trên địa bàn tỉnh An Giang.

Sáu là, nguồn nhân lực thực hiện phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn nhiều hạn chế, thiếu chuyên gia đầu ngành, cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, nhất là lực lượng doanh nghiệp và nông dân nòng cốt. Nguồn nhân lực tham gia tổ chức thực hiện chưa đáp ứng tốt về năng lực kỹ thuật và quản lý. Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, phát triển nguồn nhân lực ngành nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; đẩy mạnh hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ theo hướng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, trên cơ sở đa dạng, thử nghiệm các mô hình mới có tiềm năng phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả.

Bảy là, thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ tiếp tục đẩy mạnh công tác hỗ trợ đào tạo, tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp liên quan về các kiến thức quản lý, kỹ thuật vận hành các quy trình canh tác, sản xuất và dịch vụ trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Đẩy mạnh xúc tiến và hỗ trợ ươm tạo các quy trình công nghệ mới, ươm tạo nguồn nhân lực khoa học và công nghệ, trên cơ sở đó, đẩy mạnh hỗ trợ sáng tạo và khởi nghiệp. Vận dụng có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đầu tư của Trung ương, của tỉnh phù hợp với nhu cầu thực tiễn nhằm thu hút mạnh các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Tám là, nghiên cứu thành lập Quỹ hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp hoặc tăng quy mô vốn, mở rộng lĩnh vực, loại hình đầu tư của quỹ đầu tư phát triển tỉnh An Giang sẵn có để đủ lớn về nguồn vốn để bảo lãnh vốn cho doanh nghiệp, cho vay ưu đãi và hỗ trợ bù lãi suất. Đồng thời rà soát, ban hành tiêu chí điều kiện cho vay phù hợp với đều kiện thực tế của tỉnh nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các đối tượng tiếp cận gói tín dụng cho vay phục vụ Nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch./.

-------------------------------------------------------------------

(1) Báo cáo “Kết quả 05 năm triển khai Nghị quyết 09-NQ/TU, ngày 27-6-2012, của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh An Giang, tháng 9-2017.

(2) Kết quả thực hiện Nghị quyết 09 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao 6 tháng đầu năm 2016, Báo cáo Số: 531 /BC-SKHCN.

(3) Nhiều kết quả thực hiện Nghị quyết 09-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Hạnh Châu,
http://nongthonmoi.angiang.gov.vn/ch%E1%BB%A7tr%C6%B0%C6%A1ng-ch%C3%ADnh-s%C3%A1ch/2017/nhi%E1%BB%81u-k%E1%BA%BFt-qu%E1%BA%A3-th%E1%BB%B1c-hi%E1%BB%87n-ngh%E1%BB%8B-quy%E1%BA%BFt-09-nqtu-c%E1%BB%A7a-t%E1%BB%89nh-%E1%BB%A7y-v%E1%BB%81-ph%C3%A1t-tri%E1%BB%83n-n%C3%B4ng-nghi%E1%BB%87p-%E1%BB%A9ng-d%E1%BB%A5ng-c%C3%B4ng-ngh%E1%BB%87-cao.aspx

(4) An Giang: Đẩy mạnh các giải pháp thực hiện hiệu quả Nghị quyết 09-NQ/TU Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, Nguyễn Vũ Hùng - Văn phòng Hội đồng Nhân dân tỉnh, http://113.161.212.101:81/CTPro/chi-tiet-tin/an-giang--day-manh-cac-giai-phap-thuc-hien-hieu-qua-nghi-quyet-09nq-tu-tinh-uy-ve-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-631.html

(5) Kết quả phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại An Giang, Ths. Đặng Thị Tiếp Thu, Sở Khoa học và Công nghệ, http://tuyengiaoangiang.vn/index.php/thuc-tien-kinh-nghiem/5356-ket-qua-phat-trien-nong-nghiep-ung-dung-cong-nghe-cao-tai-an-giang