Hội thảo khoa học: Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Vai trò của ngành dầu khí
TCCSĐT - Sáng 18-7-2019, tại Hà Nội, Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản và Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: “Bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia - Vai trò của ngành dầu khí”.
Các đồng chí: Cao Đức Phát, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương; Trần Sỹ Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN; Đoàn Minh Huấn, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, chủ trì Hội thảo. Tham dự Hội thảo có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương; các nhà khoa học, các chuyên gia.
Phát biểu khai mạc và đề dẫn Hội thảo, đồng chí Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, dầu khí là nguồn tài nguyên quý giá, không thể tái tạo và không thể thiếu đối với mọi quốc gia... Đối với Việt Nam, ngành dầu khí đang đóng góp quan trọng vào việc bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia; đồng thời đóng góp đáng kể vào tăng trưởng GDP và tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên PVN, sau gần 4 năm thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW, ngày 23-7-2015, của Bộ Chính trị, về định hướng Chiến lược phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2035, đến nay vẫn chưa có các giải pháp, chính sách cụ thể để hiện thực hóa các mục tiêu mà Nghị quyết đề ra. Quy chế quản lý tài chính của Công ty mẹ PVN vẫn chưa được phê duyệt nên hoạt động của PVN tiềm ẩn nhiều rủi ro, dễ dẫn tới các sai phạm. Đặc biệt, cơ chế tài chính cho công tác khoan thăm dò dầu khí còn nhiều vướng mắc, chồng chéo, dẫn đến việc gia tăng trữ lượng gặp rất nhiều khó khăn. Đây là thách thức lớn không chỉ đối với PVN mà còn đối với việc bảo đảm an ninh năng lượng đất nước.
Cùng quan điểm này, TS. Nguyễn Hồng Minh, Phó Viện trưởng Viện Dầu khí Việt Nam cho rằng, vấn đề khó khăn lớn nhất chính là phải có cơ chế tài chính rõ ràng cho hoạt động tìm kiếm, thăm dò dầu khí, bởi đây là hoạt động mang tính rủi ro cao và rất tốn kém; những năm gần đây, do PVN ký được rất ít hợp đồng dầu khí mới nên vốn đầu tư cho hoạt động khoan thăm dò dầu khí chỉ bằng 25% so với giai đoạn trước đây. Trong khi nguồn lực của PVN còn hạn chế thì việc kêu gọi đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực tiềm ẩn không ít rủi ro này cũng bị hạn chế, bởi nhiều chính sách trước đây đã không còn phù hợp trong bối cảnh hiện nay.
Nói về những điểm hạn chế của ngành năng lượng nước ta hiện nay, ThS. Hoàng Văn Cương, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) cho rằng, an ninh năng lượng hiện nay chưa thực sự bền vững, còn chứa đựng nhiều rủi ro; nguồn năng lượng hóa thạch đang dần cạn kiệt, trong khi khai thác và sử dụng năng lượng chưa hiệu quả, hiệu suất sử dụng thấp; đầu tư phát triển năng lượng còn thiếu sự phối hợp, liên kết giữa các ngành; cơ chế, chính sách quản lý và thu hút các nguồn lực trong và ngoài nước cho phát triển năng lượng chậm được đổi mới, còn biểu hiện độc quyền trong kinh doanh năng lượng; hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh sự phát triển ngành còn thiếu, chưa đồng bộ…
Tuy nhiên, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, Việt Nam cần nhanh chóng triển khai đồng bộ các giải pháp. Nhiều ý kiến đề xuất, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới quy trình công nghệ để nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng. Bên cạnh đó, cần có chính sách trợ giá và giảm thuế cho các nhà đầu tư khai thác các dạng năng lượng tái tạo; khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, như năng lượng gió, mặt trời, sinh học; huy động nguồn lực đầu tư vào khai thác và sản xuất năng lượng theo nguyên lý thị trường, nhất là nguồn vốn nội lực.
Một số ý kiến cho rằng, bên cạnh giải pháp đẩy mạnh tiết kiệm năng lượng, việc lập kho dự trữ năng lượng quốc gia sẽ là giải pháp để đối phó với tình trạng khẩn cấp khi có gián đoạn về nguồn cung. Cùng với đó, việc đẩy mạnh tìm kiếm thăm dò các nguồn tài nguyên năng lượng, trong đó có dầu khí là giải pháp thường xuyên nhằm tăng cường khả năng khai thác sản xuất các nguồn năng lượng sơ cấp, giảm bớt sự phụ thuộc vào bên ngoài. Ngoài ra, cần nâng cao năng lực nội địa về sản xuất các dạng năng lượng thứ cấp; tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, tái tạo và xây dựng cơ chế hợp tác an ninh năng lượng khu vực... sẽ là các giải pháp quan trọng để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.
Khẳng định an ninh năng lượng là một trong 3 trụ cột của an ninh kinh tế, cùng với an ninh tài chính và an ninh lương thực, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại Trương Đình Tuyển cho rằng, cần sớm sửa đổi Luật Dầu khí cho phù hợp với bối cảnh mới nhằm tạo động lực cho ngành dầu khí - một ngành quan trọng nhưng nhiều rủi ro, cả rủi ro truyền thống và rủi ro phi truyền thống. Bên cạnh đó, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại cũng lưu ý, bản thân ngành dầu khí cũng phải cấu trúc lại để trở thành tập đoàn năng lượng vững mạnh của Việt Nam.
Kết luận Hội thảo, PGS, TS. Đoàn Minh Huấn, Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản một lần nữa khẳng định, an ninh năng lượng là một lĩnh vực quan trọng của an ninh kinh tế quốc gia. Nó ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh quốc gia và khả năng duy trì sự phát triển, ổn định xã hội. Sự bảo đảm an ninh năng lượng sẽ giúp cho mọi hoạt động của quốc gia ổn định, là điều kiện để phát triển bền vững… Tất cả các đề xuất, kiến nghị của các đại biểu sẽ được Ban Tổ chức Hội thảo tiếp thu trình các cấp có thẩm quyền./.
Vietcombank đã sẵn sàng đáp ứng ở mức độ cao nhất trong mở rộng thanh toán trực tuyến các dịch vụ công  (18/07/2019)
Lan tỏa yêu thương từ “Giọt hồng miền non nước”  (18/07/2019)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển