Nam Định: Từ mảnh đất hiếu học đến trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng
TCCSĐT - Phát huy các giá trị truyền thống lịch sử, văn hóa, vị trí địa lý để xây dựng, phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh là giải pháp quan trọng để phát triển Nam Định xứng đáng trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng.
Ngày 19-5-2006, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 109/QĐ-TTg phê duyệt đề án quy hoạch tổng thể phát triển thành phố Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, trong đó xác định chức năng của thành phố Nam Định đối với vùng Nam đồng bằng sông Hồng là trung tâm của một số ngành công nghiệp, trung tâm đào tạo, trung tâm khoa học công nghệ, trung tâm y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân, trung tâm văn hóa, du lịch, trung tâm thể thao.
Vùng đất địa linh, nhân kiệt
Nằm ở vị trí trung tâm của vùng Nam đồng bằng sông Hồng, bao gồm các tỉnh: Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình, Thái Bình, thành phố Nam Định có vị trí quan trọng và thuận lợi của vùng tam giác phát triển kinh tế Bắc Bộ, nơi tiếp giáp với nhiều đầu mối giao thông trong và ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, Nam Định cũng nằm trong khu vực ảnh hưởng của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và Duyên hải Bắc Bộ, giữ vị thế quan trọng trong trục hành lang phát triển kinh tế ven biển dọc theo vùng Duyên hải Bắc Bộ. Chính vì vậy, các định hướng về phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật quốc gia, đặc biệt là giao thông có liên quan đến Nam Định cũng góp phần khẳng vị thế và vai trò của thành phố Nam Định đối với chùm đô thị động lực phía Nam đồng bằng sông Hồng.
Nổi tiếng với truyền thống hiếu học, khoa bảng, Nam Định còn là mảnh đất chôn rau cắt rốn của nhiều bậc hiển nho tài đức, đóng góp tích cực cho đất nước trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước qua các thời kỳ lịch sử của dân tộc. Để duy trì, phát huy bề dày chất lượng giáo dục toàn diện, Nam Định đã tập trung quy hoạch, đầu tư xây dựng và cải tạo cơ sở vật chất nhiều trường học ở các cấp học. Chất lượng giáo dục - đào tạo được nâng cao, phong trào thi đua dạy tốt, học tốt “gõ cửa” từng nhà tạo động lực để duy trì và phát triển nguồn nhân lực dồi dào.
Được đánh giá là một trong 10 trung tâm đào tạo có nhiều trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp lớn nhất cả nước, hiện Nam Định có: 4 trường đại học, 5 trường cao đẳng, 11 trường trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề, thu hút được hơn 50.000 học sinh, sinh viên trong cả nước nghiên cứu và học tập. Ủy ban nhân dân tỉnh đang từng bước hoàn thành quy hoạch và xây dựng khu đại học và giáo dục chuyên nghiệp tập trung tại phía nam thành phố; tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ nâng cấp, mở rộng, phát triển các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; tập trung đầu tư và thu hút đội ngũ chuyên gia giỏi về khoa học - công nghệ để đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Xây dựng Nam Định trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng
Căn cứ Quyết định số 2084/QĐ-TTg ngày 22-11-2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng thành phố Nam Định đến năm 2025 và Chương trình phát triển đô thị được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1083/QĐ-UBND ngày 12-7-2011 để xây dựng thành phố thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định cần tập trung làm tốt những việc sau:
Phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao
Nguồn nhân lực là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự phát triển của một nền kinh tế. Chính vì vậy, Nam Định cần khảo sát, đánh giá chính xác về chất lượng, số lượng và cơ cấu ngành nghề, đặc biệt quan tâm đến tình trạng thiếu hụt nhân lực có kỹ năng và tay nghề cao từ đó thực hiện chính sách đào tạo đón đầu các ngành nghề cần thiết trong tương lai; quy hoạch mạng lưới các cơ sở đào tạo nhằm nâng cao hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo; xây dựng mạng lưới các cơ sở nghiên cứu khoa học công nghệ phù hợp với mục tiêu trọng điểm của phát triển kinh tế - xã hội vùng.
Song song với việc phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao, Nam Định cũng cần xây dựng chính sách sử dụng nguồn nhân lực hợp lý; thu hút được đội ngũ chuyên gia tuyển dụng giàu kinh nghiệm để tuyển chọn những người phù hợp với công việc, lấy hiệu quả công việc làm thước đo, đồng thời công khai minh bạch thủ tục, tiêu chuẩn, điều kiện làm việc, sự đãi ngộ và quy trình tuyển chọn nhằm thu hút được đội ngũ cán bộ có tay nghề, kỹ năng giỏi phục vụ cho sản xuất.
Nâng cấp giao thông, kết cấu hạ tầng đồng bộ
Cùng với sự đầu tư của Trung ương, Nam Định đã hoàn thành nâng cấp hai tuyến quốc lộ 10, 21 đạt tiêu chuẩn cấp 3 đồng bằng; hoàn thành nhiều dự án nâng cao kết nối giao thông thành phố đi các tỉnh, huyện như: đường Lê Đức Thọ, cầu Nam Định tỉnh lộ 490 C và đường bộ mới Nam Định - Phủ Lý quy mô cấp 1 đồng bằng… Tuy nhiên, để thực sự trở thành trung tâm vùng Nam đồng bằng sông Hồng, Nam Định cần: (1) nghiên cứu, xây dựng chính sách đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, hướng tới đồng bộ hóa kết cấu hạ tầng bảo đảm nâng cao chất lượng phục vụ cho mục tiêu phát triển kinh tế, an sinh xã hội và phát triển bền vững; (2) tập trung rà soát, đề nghị các cấp thẩm quyền điều chỉnh quy hoạch chi tiết, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý quy hoạch. Tham gia xây dựng quy hoạch chi tiết các phân khu, bảo đảm tốt việc quản lý, góp phần định hướng xây dựng thành phố hiện đại; (3) tiếp tục tăng cường quản lý quy hoạch chung và chi tiết gắn với việc rà soát quản lý sử dụng tốt các khu đất có giá trị thương mại ở nội thành để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng các công trình điểm nhấn cho thành phố.
Tập trung đầu tư, phát triển các ngành công nghiệp thế mạnh
Công nghiệp dệt - may, cơ khí - chế tạo - đóng tàu thuyền và dược phẩm hiện là ba ngành công nghiệp thế mạnh và đã được khẳng định của Nam Định. Trong thời gian tới tỉnh sẽ tiếp tục đầu tư phát triển các ngành công nghiệp chế biến thực phẩm - bia, nước giải khát, điện tử - tin học. Tuy nhiên, việc đất nước hội nhập quốc tế sâu rộng cũng tạo ra áp lực cạnh tranh lớn ở thị trường ngoài nước cũng như ngay trên thị trường nội địa; việc mở cửa thị trường nội địa theo FTA, WTO dẫn đến hàng hóa sản xuất trong nước bị cạnh tranh gay gắt với hàng hóa nước ngoài chất lượng cao chính vì vậy để phát triển ổn định và có hiệu quả những ngành công nghiệp thế mạnh, Nam Định cần xác định phương hướng và các mục tiêu chủ yếu như:
Thứ nhất, tập trung mọi nguồn lực, thực hiện các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, đẩy mạnh đầu tư các công trình, dự án có hiệu quả, phấn đấu duy trì tốc độ tăng trưởng và hiệu quả sản xuất công nghiệp, nâng cao chất lượng các ngành dịch vụ.
Thứ hai, phát triển công nghiệp theo hướng tăng tỷ lệ công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao. Phát triển công nghiệp phụ trợ, đẩy nhanh sự phân bố sản xuất các ngành cơ khí chế tạo, điện tử, dệt may. Khuyến khích áp dụng công nghệ tiết kiệm nguyên, nhiên, vật liệu và năng lượng.
Thứ ba, tìm kiếm thị trường mới, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng chủ lực, truyền thống, đồng thời phát triển mở rộng quan hệ hợp tác, liên doanh, liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài, tỉnh ngoài, doanh nghiệp xuất, nhập khẩu lớn để tổ chức sản xuất, chế biến và khai thác hàng xuất khẩu trong tỉnh.
Thứ tư, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thông thoáng, thuận lợi, khắc phục phiền hà và giảm chi phí cho các nhà đầu tư nhưng vẫn bảo đảm thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Duy trì, phát huy các làng nghề truyền thống
Nam Định được coi là “mảnh đất trăm nghề”, với khoảng 94 làng nghề truyền thống lâu đời, nổi tiếng trong khu vực và cả nước. Các sản phẩm thủ công, mỹ nghệ của mỗi làng nghề truyền thống ở Nam Định không chỉ đơn thuần là sản phẩm tiêu dùng, phục vụ đời sống dân sinh mà còn là những sản phẩm mang bản sắc văn hoá bản địa đa dạng, độc đáo; là kết quả của quá trình lao động cần cù sáng tạo từ bàn tay, khối óc mang đậm dấu ấn tinh hoa và văn hoá của đất và người Nam Định từ bao đời nay.
Việc gìn giữ, phát huy các làng nghề truyền thống đang là một trong những yếu tố quan trọng thúc đẩy đời sống kinh tế - xã hội ở nông thôn nói chung và Nam Định nói riêng, tạo tiền đề thuận lợi để Nam Định thực hiện chủ trương xây dựng nông thôn mới, góp phần xoá đói, giảm nghèo tạo việc làm tại chỗ, nâng cao thu nhập cho hàng nghìn lao động./.
Đồng chí Hà Thị Khiết chúc mừng Giáo hội Phật giáo mùa Phật đản 2015  (25/05/2015)
Việt Nam tham dự Hội nghị các đảng cộng sản và công nhân quốc tế  (25/05/2015)
Quân đội Việt Nam, các nước trao đổi ứng phó với đe dọa an ninh  (25/05/2015)
Bộ trưởng Phùng Quang Thanh thăm Đại sứ quán Việt Nam ở Ấn Độ  (25/05/2015)
Sẽ đổi mới mô hình hoạt động của Hội đồng Lý luận Trung ương  (25/05/2015)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên