Quốc hội thảo luận kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 9, chiều 25-5, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2013.
Giải quyết vướng mắc trong sản xuất nông nghiệp và tiêu thụ nông sản
Thể hiện sự đồng tình với đánh giá bổ sung tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2015, đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua đã có sự phục hồi.
Kinh tế tiếp tục tăng trưởng ở mức cao trong điều kiện lạm phát thấp. Quý 1-2015, GDP đạt 6,03%, cao nhất trong vòng 5 năm qua. Cán cân thanh toán vãng lai 4 năm liên tục có thặng dư, năm 2014 thặng dư 5,4% GDP.
Đây là chỉ số quan trọng đánh giá an ninh tài chính quốc gia, nhất là an ninh tài chính đối ngoại.
Chỉ số về giá cả thấp, tạo dư địa lớn cho việc thực hiện chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa hay điều chỉnh một số dịch vụ công đang bất hợp lý.
Tuy nhiên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cũng chỉ ra rằng kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc. Tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế nhà nước và khu vực dân doanh vào GDP ngày càng giảm, làm ảnh hưởng đến việc xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ. Doanh nghiệp vừa và nhỏ, đặc biệt khu vực nông nghiệp gặp nhiều khó khăn.
Quý 1-2015, nông nghiệp chỉ tăng 2,14%, mức thấp nhất trong 5 năm qua và không ổn định.
Bên cạnh đó, đại biểu cũng thể hiện sự lo lắng về tình hình nhập siêu quay trở lại, với số tiền nhập siêu là 3,7 tỷ USD, gây áp lực đến tỷ giá, ảnh hưởng đến niềm tin vào đồng tiền Việt Nam…
Nhiều đại biểu thể hiện sự quan tâm về lĩnh vực sản xuất nông nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn, vẫn xảy ra tình trạng được mùa mất giá, khó khăn tiêu thụ sản phẩm... gây thiệt hại và bức xúc cho người dân.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng thực trạng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cho nông dân đã bộc lộ nhiều hạn chế. Để giải quyết tình trạng này không thể trông chờ vào giải pháp tình huống mà cần giải pháp căn cơ để giải quyết triệt để.
Đại biểu đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chính quyền các địa phương cần tập trung các giải pháp nhằm quy hoạch sản xuất, con giống, vậy nuôi; đưa ra khuyến cáo, định hướng sử dụng khoa học công nghệ, giúp bà con nông dân thay đổi nhận thức chuyển từ chú trọng số lượng sang chất lượng sản phẩm; tăng cường kiểm tra chất lượng sản phẩm; tổ chức các mô hình tập hợp nông dân, hợp tác xã nông nghiệp; đầu tư công nghệ sau thu hoạch…
Bộ Công Thương cần đóng vai trò kết nối cung-cầu, xác định nhu cầu, giúp người dân xác định thị trường tiêu thụ sản phẩm theo định hướng đối với thị trường trong nước và ngoài nước; có chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng hệ thống tổng kho nông sản, phục vụ tiêu thụ nông sản ở các thị trường lớn; giảm dần giao dịch biên mậu, nâng lên chính sách ngoại thương chính ngạch…
Cùng quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị Quốc hội cần có phiên họp riêng đánh giá về tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn; kiểm tra, giám sát tối cao về các chính sách này để có thể đề ra những giải pháp căn cơ.
Đại biểu Lê Hữu Đức (Khánh Hòa) kiến nghị Chính phủ cần nghiên cứu tái cơ cấu mạnh hơn ngành nông nghiệp, nhằm giải quyết vướng mắc về quy hoạch, dự báo thị trường tiêu thụ…
Ngoài ra, các đại biểu Thích Chơn Thiện (Thừa Thiên-Huế), Dương Trung Quốc (Đồng Nai), Võ Thị Dung (Thành phố Hồ Chí Minh)… cũng đề nghị cần quan tâm đến vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, đặc biệt là trước những diễn biến phức tạp ở Biển Đông được đề cập trong báo cáo của Chính phủ ...
Cần giải pháp mạnh mẽ hơn trong thực hiện quyết toán ngân sách nhà nước
Cho ý kiến về Quyết toán ngân sách Nhà nước năm 2013, các đại biểu đánh giá, trong bối cảnh năm 2013, tình hình kinh tế trong nước và thế giới gặp nhiều khó khăn nhưng Chính phủ đã thực hiện chính sách tài khóa chặt chẽ, thận trọng, phối hợp đồng bộ với chính sách tiền tệ, thực hiện miễn, giảm, giãn thuế nhằm tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh đã có tác động tích cực, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2012 và bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, quốc phòng an ninh.
Các cấp, các ngành đã có nhiều cố gắng chỉ đạo công tác thu ngân sách, đưa công tác quản lý thu ngân sách Nhà nước dần đi vào nề nếp, đúng pháp luật, làm giảm hụt thu ngân sách. Bên cạnh đó, trong điều kiện cân đối ngân sách Nhà nước hết sức khó khăn, công tác quản lý, chấp hành dự toán chi ngân sách Nhà nước năm 2013 có nhiều chuyển biến tích cực.
Đây là cố gắng và nỗ lực rất lớn của Chính phủ, cả hệ thống trị của các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.
Chỉ ra những mặt tồn tại, các đại biểu Quốc hội đề nghị trong thời gian tới, Chính phủ cần tăng cường chỉ đạo, có giải pháp mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nữa.
Đại biểu Trương Thị Ánh (Thành phố Hồ Chí Minh) nêu quan điểm, theo báo cáo của Chính phủ, nợ công ở ngưỡng an toàn nhưng bền vững hay không là vấn đề cần quan tâm. Chính phủ và Bộ Tài chính cần nói rõ tình hình hiện nay và khả năng trả nợ của Việt Nam như thế nào, đồng thời Chính phủ cần đánh giá kỹ hơn về việc sử dụng nguồn vốn trong đầu tư xây dựng cơ bản.
Quan tâm đến việc hỗ trợ ngư dân đóng tàu đánh bắt xa bờ, đóng tàu, trang thiết bị cho cảnh sát biển, lực lượng kiểm ngư theo Nghị quyết số 72/2014/QH13 của Quốc hội mới triển khai, có tỷ lệ giải ngân còn thấp, đại biểu Trương Thị Ánh đề nghị Chính phủ có giải pháp phù hợp để bảo đảm giải ngân nguồn vốn này kịp thời, hiệu quả.../.
Phát huy vai trò của tôn giáo trong ứng phó biến đổi khí hậu  (25/05/2015)
Không thể bỏ trống vấn đề an toàn lao động tại khu vực phi chính thức  (25/05/2015)
Việt Nam và Ai Cập họp tham vấn chính trị lần thứ 8 tại Cairo  (25/05/2015)
Quốc hội thảo luận dự thảo Luật an toàn, vệ sinh lao động  (25/05/2015)
Khai trương dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 lĩnh vực đăng kiểm  (25/05/2015)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển