Đình công là hiện tượng diễn ra ngoài mong muốn của cả người lao động lẫn người quản lý lao động. Xét bất cứ góc độ nào đình công cũng là hiện tượng hệ lụy đến nhiều phía. Tuy nhiên, khi đình công xuất hiện không có nghĩa là mọi việc bế tắc. Hòa giải là một phương thức được áp dụng khá thành công ở Nhơn Trạch - Đồng Nai.

1. Tình hình chung của công nhân huyện Nhơn Trạch

Huyện Nhơn Trạch là một huyện thuần nông được tái thành lập từ tháng 9-1994 nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, đã được Chính phủ phê duyệt quy hoạch thành phố trọng điểm công nghiệp. Sau khi các khu công nghiệp tập trung được quy hoạch, xây dựng, ngày càng có nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, các công ty, xí nghiệp đi vào sản xuất góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển, thu hút nhiều lao động từ các địa phương khác đến làm việc. Đến nay, có trên 38.000 công nhân làm việc trong các doanh nghiệp, số doanh nghiệp có tổ chức công đoàn là 83 đơn vị với trên 33.000 đoàn viên.

Cùng với việc tăng nhanh về số lượng các công ty, xí nghiệp và công nhân, mâu thuẫn trong quan hệ lao động ở nhiều doanh nghiệp cũng bắt đầu xuất hiện, phát sinh nhiều vụ tranh chấp lao động tập thể và đình công đã diễn ra. Đã có 50 vụ đình công trên địa bàn huyện ở hơn 30 công ty, trong đó đặc biệt là ở Công ty trách nhiệm hữu hạn Splendour, doanh nghiệp có 100% vốn Đài Loan, đóng trên địa bàn khu công nghiệp Nhơn Trạch chuyên may giày, dép da xuất khẩu.

Công ty trách nhiệm hữu hạn Splendour được thành lập và đi vào hoạt động từ năm 1997, hiện có 1.650 lao động, trong đó nữ 1.296 người, đoàn viên công đoàn có 1.158 người. Công nhân lao động trong công ty hầu hết xuất thân từ lao động nông nghiệp, kiến thức về pháp luật rất hạn chế, tính kỷ luật, tác phong công nghiệp chưa cao và phần đông có trình độ học vấn thấp. Qua thống kê, hiện số công nhân lao động có trình độ học vấn cao đẳng và đại học chiếm 0,25%, trung cấp chiếm 0,48%, tốt nghiệp phổ thông trung học chiếm 39,4%, lớp 6 đến lớp 9 chiếm 39,4%, từ lớp 1 đến lớp 5 chiếm 20,5%.

Do đặc điểm của công ty là sản xuất giày, dép theo đơn đặt hàng, có thời điểm thiếu việc làm, có lúc phải sản xuất tăng ca để kịp giao hàng theo hợp đồng, do đó phải tổ chức cho công nhân làm thêm giờ, tăng cường độ lao động. Tiền lương cơ bản thấp nhất là 760.000 đồng/tháng, thu nhập bình quân là 1.200.000 đồng/tháng, phụ cấp đi lại làm việc được hỗ trợ 50.000 đồng/người/tháng, suất cơm ăn giữa ca của công ty 4.000 đồng/người. Công ty đã ký kết thực hiện bản Thỏa ước lao động tập thể từ tháng 12-2006, chưa tổ chức được các hoạt động vui chơi, tham quan, giải trí cho công nhân lao động.

2. Tình hình tranh chấp lao động

Trong 10 năm qua, công tytrách nhiệm hữu hạn Splendour đã xảy ra 4 vụ đình công của công nhân vào các năm 1997, 1999, 2000 và 2002. Nội dung kiến nghị của công nhân chủ yếu về hợp đồng lao động, tăng lương, tiền thưởng cuối năm, giảm giờ làm thêm. Thời gian đình công dài nhất 2 ngày. Các cuộc đình công tại công ty đều mang tính tự phát, không có công đoàn cơ sở tham gia.

- Nguyên nhân dẫn đến tranh chấp lao động và đình công

Về phía người lao động, do tiền lương và thu nhập thấp. Đa số xuất thân từ nông dân và học sinh, tuổi đời còn trẻ (từ 18 đến 30 tuổi), chưa có tác phong lao động công nghiệp, còn thiếu hiểu biết về pháp luật lao động. Một bộ phận công nhân lợi dụng đình công đưa ra những yêu cầu có nội dung chưa được pháp luật quy định như: tiền ăn giữa ca, xe đưa rước, tiền thưởng trong các dịp lễ tết, các chế độ phúc lợi khác. Do bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán...

Phía người sử dụng lao động, chủ yếu do chủ doanh nghiệp không chấp hành những quy định của Bộ luật Lao động như: làm thêm giờ quá quy định, chưa xây dựng thang bảng lương, quy chế thưởng, không ký thỏa ước lao động tập thể. Chưa quan tâm, tạo điều kiện cho công nhân vui chơi, giải trí.

Cơ chế, chính sách pháp luật, Nghị định 113/CP của Chính phủ về xử phạt hành chính các vi phạm pháp luật lao động có nặng hơn so với các nghị định trước đó, nhưng cũng chưa đủ sức răn đe. Công tác thanh, kiểm tra của cơ quan nhà nước do số lượng người ít, doanh nghiệp nhiều, thường xuyên tiến hành nhưng vẫn chưa ngăn chặn kịp thời các vi phạm pháp luật của người sử dụng lao động. Hội đồng hòa giải cơ sở chưa phát huy vai trò, tác dụng trong việc giải quyết tranh chấp lao động xảy ra tại công ty. Quy trình tổ chức một cuộc đình công theo Bộ luật Lao động còn quá khó khăn về thời gian, thời gian kéo dài như: phải do ban chấp hành công đoàn cơ sở quyết định sau khi được quá nửa tổng số lao động tán thành bằng cách bỏ phiếu kín hoặc lấy chữ ký; chỉ được tổ chức đình công sau khi tranh chấp lao động tập thể đã được trọng tài lao động cấp tỉnh ra quyết định giải quyết mà tập thể lao động không đồng ý về quyết định này. Do đó, trong thời gian chuẩn bị, chờ đợi người lao động sẽ chịu nhiều thiệt thòi do người sử dụng lao động có những thái độ không đúng theo quy định pháp luật.

- Cách giải quyết

Khi đình công xảy ra, Liên đoàn Lao động huyện có mặt sớm tại doanh nghiệp, tiếp theo là thông tin đến các thành viên trong đoàn công tác giải quyết đình công của huyện như: Phòng Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Công an, Ban quản lý các khu công nghiệp... Khi giải quyết, luôn tuân thủ ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện và có sự phối hợp chặt chẽ, tích cực giữa các cơ quan chức năng của huyện, công an huyện giữ gìn trật tự, phân loại các đối tượng kích động, xúi giục. Ban quản lý các khu công nghiệp cùng Phòng Nội vụ, Lao động - Thương binh và Xã hội, Liên đoàn Lao động huyện tiến hành tập họp công nhân lao động, nắm bắt những kiến nghị, yêu cầu và giải quyết nhanh những vấn đề có hoặc chưa có quy định trong luật. Liên đoàn Lao động huyện vận động công nhân lao động vào làm việc, ổn định sản xuất, Ban Giám đốc phải có thông báo rõ ràng, cụ thể và thông báo đầy đủ thông tin cho người lao động.

- Kết quả giải quyết

Sau khi đoàn công tác giải thích những vấn đề do pháp luật quy định, làm rõ những kiến nghị bức xúc của công nhân (quyền lợi hợp pháp), yêu cầu chủ doanh nghiệp thực hiện đúng luật định; đồng thời đề nghị chủ doanh nghiệp giải quyết những kiến nghị của công nhân chưa được pháp luật quy định như là những quyền lợi chính đáng. Khi thống nhất các nội dung, chủ doanh nghiệp ra thông báo bằng văn bản cho công nhân biết, đoàn công tác giải thích cho công nhân và vận động công nhân trở lại làm việc.

Những kiến nghị của công nhân về hợp đồng lao động và tiền lương được giải quyết theo đúng pháp luật, tiền ăn giữa ca được nâng lên, tiền thưởng cuối năm bảo đảm ít nhất là một tháng lương cơ bản, giảm bớt làm thêm giờ, tăng thêm phụ cấp cho công nhân. Qua đó quan hệ lao động được củng cố, ổn định, chế độ chính sách cho người lao động được bảo đảm trên cơ sở luật định, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp từng bước đi vào ổn định.

3. Những kinh nghiệm và kiến nghị

a - Bài học kinh nghiệm

Mọi hoạt động của công đoàn đều phải xuất phát từ chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, tâm tư, nguyện vọng của đông đảo công nhân lao động.

Có sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban ngành liên quan, bảo đảm việc báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo kịp thời của cấp trên. Công đoàn phải sâu sát cơ sở, kiên trì vận động, thuyết phục trong việc giải quyết các vụ việc, xây dựng mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp giữa công đoàn cơ sở với chủ doanh nghiệp, bảo đảm các lợi ích của người lao động, của chủ doanh nghiệp và xã hội.

b - Giải pháp hạn chế đình công

Để tránh tình trạng tái diễn đình công, trước hết chủ doanh nghiệp phải cam kết và công khai thực hiện đúng các thỏa thuận với công nhân dưới sự giám sát của các cơ quan quản lý lao động địa phương.

Tăng cường và củng cố hoạt động của công đoàn cơ sở; Ban chấp hành công đoàn phải thường xuyên theo dõi tư tưởng công nhân lao động, phát hiện vấn đề, báo cáo nhanh, có biện pháp xử lý hiệu quả. Mặt khác, phải kịp thời giải quyết những đơn thư khiếu nại, thắc mắc của công nhân, tích cực ổn định sản xuất.

Người sử dụng lao động cần dành thời gian thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại giữa Ban Giám đốc, công nhân và công đoàn để nắm bắt, giải quyết kịp thời những kiến nghị, thắc mắc của công nhân lao động và chia sẻ, thông cảm với họ, xây dựng quan hệ lao động tại doanh nghiệp được ổn định.

Tuyên truyền, giáo dục người lao động sau đình công, phân tích những vấn đề đúng, sai trong quá trình đình công để người lao động hiểu và có hành động đúng.

Hướng dẫn công đoàn cơ sở xây dựng, thương lượng ký kết thỏa ước lao động với chủ doanh nghiệp, tham gia xây dựng thang bảng lương, quy chế thưởng.

Người sử dụng lao động cần thấy trách nhiệm của doanh nghiệp để điều chỉnh thực hiện chế độ, chính sách đối với người lao động.

Trong những năm gần đây, số vụ đình công xảy ra trên địa bàn huyện Nhơn Trạch nhìn chung có giảm. Từ năm 2003 đến nay, Công ty Splendour không xảy ra đình công. Đó là do sự đóng góp tích cực của Liên đoàn Lao động huyện phối hợp giải quyết kịp thời các vụ việc ở giai đoạn “tiền tranh chấp” khi được phát hiện. Giải quyết các đơn thư khiếu nại, tố cáo của công nhân kịp thời không để tồn đọng trên quan điểm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động và cũng phải bảo vệ sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Vì vậy, công đoàn khi giải quyết vấn đề đình công phải trên cơ sở pháp luật bình đẳng.

c- Kiến nghị

- Đa số các cuộc đình công thuộc các doanh nghiệp chưa ký thỏa ước lao động tập thể. Vì vậy, đề nghị có biện pháp xử phạt nghiêm và có thời gian ký kết thỏa ước lao động tập thể đối với các doanh nghiệp.

- Có biện pháp nghiêm minh, công bằng khi cuộc đình công xảy ra, nếu người sử dụng lao động vi phạm pháp luật, đồng thời, người lao động cũng phải chịu trách nhiệm về hành vi nóng vội của mình dẫn đến vi phạm pháp luật.

- Nhà nước cần tập trung giải quyết các vấn đề nhà ở, xe đưa rước cho người lao động có thu nhập thấp, có quy hoạch đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội, bảo đảm nâng cao sức khỏe đời sống sinh hoạt của người lao động nơi có các khu công nghiệp và có cơ chế bảo vệ cán bộ công đoàn khi tham gia đấu tranh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho công nhân lao động.