Quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và Liên minh Châu Âu (EU) đã phát triển mạnh từ những năm đầu của thập niên 90 của thế kỷ XXI, và đã gặt hái được nhiều kết quả khả quan; trong đó có sự đóng góp đáng kể của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU tại Việt Nam. Việc Việt Nam gia nhập WTO sẽ mở ra triển vọng phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp này tại thị trường Việt Nam.

Tại châu Âu, các doanh nghiệp vừa và nhỏ giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, và còn được gọi là “những người khổng lồ của nền kinh tế”. Các doanh nghiệp này hoạt động với số lượng đông đảo và khả năng thích ứng nhanh, năng động. Tuy nhiên, cho đến nay, các loại hình doanh nghiệp này của EU hoạt động tại Việt Nam vẫn còn khá khiêm tốn. Theo thống kê của Phòng Thương mại và công nghiệp châu Âu (Eurocham), tính đến đầu tháng 11-2006, có khoảng 570 doanh nghiệp châu Âu, chủ yếu là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hoạt động ở hầu hết các lĩnh vực trên phần lớn lãnh thổ Việt Nam. Phần đông những doanh nghiệp này có kết quả hoạt động tốt, nhưng vẫn còn không ít các doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nắm bắt được những cơ hội tại thị trường Việt Nam(1)

Những thuận lợi chủ yếu đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU hoạt động tại Việt Nam

Thứ nhất, các doanh nghiệp EU rất coi trọng và đánh giá cao tình hình chính trị ổn định, bảo đảm an ninh ở Việt Nam những năm qua. Với việc thực hiện nhất quán đường lối đổi mới, đa phương hoá, đa dạng hoá quan hệ kinh tế đối ngoại, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài, tổ chức thành công nhiều sự kiện đối ngoại quan trọng, Việt Nam đã củng cố và làm gia tăng mạnh mẽ lòng tin của các doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp EU.

Thứ hai, nền kinh tế của Việt Nam trong những năm gần đây luôn duy trì tốc độ tăng trưởng ổn định ở mức khá cao so với các nước khác trong khu vực. Trong giai đoạn 2001-2005, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hằng năm của Việt Nam là 7,5%/năm, chỉ thấp hơn Trung Quốc. Thu nhập và mức sống của người dân được cải thiện, góp phần mở rộng thị trường trong nước của một quốc gia có quy mô dân số đứng thứ 14 trên thế giới.

Thứ ba, cùng với quá trình mở cửa và hội nhập kinh tế quốc tế, môi trường kinh doanh của Việt Nam những năm qua đã không ngừng được cải thiện và được các doanh nghiệp của EU đặc biệt ghi nhận. Khó khăn của các nhà đầu tư nước ngoài có thể được tháo gỡ nhanh chóng thông qua các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với Chính phủ và những cấp có thẩm quyền quyết định thông qua Diễn đàn Kinh doanh Việt Nam được tổ chức thường kỳ.

Thứ tư, Chính phủ Việt Nam đã chủ động, tích cực trong việc đề xuất, ký kết và thực hiện các giải pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động của các doanh nghiệp EU tại Việt Nam. Việt Nam đã ký kết với EU nhiều hiệp định hợp tác song phương và đa phương như: Hiệp định khung về hợp tác Việt Nam - EU, một số hiệp định hợp tác trong những năm tiếp theo, Chương trình đầu tư của Cộng đồng châu Âu (ECIP) tại Việt Nam, các diễn đàn doanh nghiệp, các hiệp định song phương về tránh đánh thuế hai lần, Hiệp định về khuyến khích và bảo hộ đầu tư giữa Việt Nam với một số nước thành viên của EU… Trong năm 2005, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt Đề án tổng thể và Chương trình hành động về quan hệ Việt Nam - EU đến năm 2010 và định hướng tới năm 2015.

Ngoài ra, hoạt động của các doanh nghiệp EU tại các nước châu Á, trong đó có Việt Nam, cũng đã có nhiều thuận lợi hơn sau khi EU đưa ra "Chiến lược châu Á mới"(năm 1994), chiến lược “Châu Âu và châu Á: Một khuôn khổ chiến lược cho quan hệ đối tác tăng cường” (năm 2001). Mặt khác, Việt Nam và các nước EU đều là thành viên của Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM), do vậy, các doanh nghiệp EU có thêm nhiều thuận lợi hơn khi hoạt động tại các nước ASEAN nhờ việc EU đẩy mạnh cơ chế đối thoại và hợp tác với các nước ASEAN.

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU cũng phải đối mặt với không ít khó khăn

Một là, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã có nhiều thay đổi tích cực, nhưng những tiến bộ đạt được còn chậm so với các nước trong khu vực, vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa chủ trương và triển khai thực tế. Theo dự báo toàn cầu về Môi trường kinh doanh năm 2007 của Ngân hàng thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC), Việt Nam xếp thứ 104 trên tổng số 175 nền kinh tế thế giới, sau các nước trong khu vực như Xin-ga-po, Thái Lan, Ma-lai-xi-a và Trung Quốc(2). Khâu thủ tục hành chính của Việt Nam khiến các nhà đầu tư thấy “gian nan” nhất do trên thực tế, việc xem xét, thẩm định dự án hoặc cấp giấy phép đầu tư đều không bảo đảm thời gian theo quy định của pháp luật. Có lý do khách quan từ phía nhà đầu tư, nhưng phải nhìn nhận lý do chủ quan là khá phổ biến. Bên cạnh đó, các chuyên gia EU đánh giá môi trường pháp lý của Việt Nam vẫn chưa thực sự hoàn chỉnh, chưa hệ thống và thiếu ổn định, đặc biệt là một số chính sách ngắn hạn. Ngoài ra, môi trường đầu tư của Việt Nam chưa hấp dẫn do mức thuế còn cao, tệ tham nhũng và quan liêu còn tồn tại, công tác quy hoạch còn bất hợp lý và mang nặng tính bảo hộ…

Hai là, chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam hiện nay vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp EU. Đội ngũ cán bộ quản lý Việt Nam trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài còn nhiều hạn chế về năng lực, kinh nghiệm và nhất là về trình độ ngoại ngữ, luật pháp và thông lệ quốc tế. Bên cạnh đó, mặc dù có nguồn lao động dồi dào nhưng Việt Nam vẫn còn thiếu nhiều lao động có tay nghề cao, trình độ chuyên môn tốt. Chất lượng nguồn nhân lực của Việt Nam còn ở mức thấp, chỉ đạt 3,79/10 (trong khi Trung Quốc là 5,73/10 và Thái Lan là 4,04/10)(3)

Ba là, kết cấu hạ tầng ở Việt Nam tuy đã được nâng cấp nhưng vẫn còn yếu kém so với nhiều nước trong khu vực; tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng chậm hơn so với tốc độ tăng trưởng kinh tế. Vấn đề nổi cộm là hạ tầng giao thông vận tải của Việt Nam, kể cả đường sắt, đường bộ, đường hàng không, đường sông và đường biển còn rất nhiều hạn chế, làm tăng chi phí vận chuyển, giảm hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp. Tình trạng nguồn điện thiếu ổn định, thiếu điện sản xuất trong thời gian gần đây cũng gây nhiều khó khăn cho các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam.

Bốn là, ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam mới chỉ ở giai đoạn đầu phát triển; không những thế các doanh nghiệp của EU tại Việt Nam thời gian qua chưa thực sự chú trọng đầu tư cho ngành công nghiệp này. Do vậy, Việt Nam vẫn chưa có được một chiến lược tổng thể, lâu dài về đầu tư và phát triển ngành công nghiệp quan trọng này, thậm chí trong hệ thống pháp luật còn chưa có định nghĩa về ngành công nghiệp phụ trợ(4) Theo ông Trần Quang Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội doanh nghiệp điện tử Việt Nam, hiện nay một số ngành như dệt may, da giầy, điện tử… đều phải nhập nguyên liệu từ nước ngoài. Điều này khiến các doanh nghiệp EU không mặn mà với việc đầu tư trực tiếp cho sản xuất các loại máy móc cơ khí, nhất là các mặt hàng như điện tử gia dụng, sản phẩm công nghệ thông tin phần cứng như máy tính cá nhân, điện thoại di động, các loại xe hơi, xe máy…

Năm là, tuy Việt Nam đã tiến hành xây dựng khuôn khổ pháp luật khá hoàn chỉnh, nhưng khâu thực thi chưa tốt, dẫn đến tình trạng nhiều doanh nghiệp nước ngoài, đặc biệt là các doanh nghiệp của EU khi hoạt động tại Việt Nam luôn gặp phải vấn đề bảo hộ sở hữu trí tuệ và bảo hộ nhãn hiệu hàng hoá. Theo ông Trần Việt Hùng, Cục phó cục sở hữu trí tuệ, tình trạng xâm phạm bản quyền sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra ngày càng nghiêm trọng và phổ biến tại Việt Nam. Trong khi đó, 90% các vụ vi phạm chỉ bị xử lý bằng biện pháp hành chính và toà án Việt Nam chưa đóng vai trò nổi bật trong việc bảo đảm thực thi quyền sở hữu trí tuệ (5).

Sáu là, hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư của Việt Nam đối với các nước EU chưa được chú ý đúng mức, hiệu quả hoạt động chưa cao. Nhiều nhà đầu tư của EU nhận xét Việt Nam chưa có cơ quan chuyên trách, chịu trách nhiệm rõ ràng, “có sổ sách trong tay” về các thông tin thị trường cần thiết. Các nhà đầu tư nước ngoài cho rằng, điểm mấu chốt là Việt Nam thiếu một cơ chế cung cấp thông tin như một dịch vụ hành chính. Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng của Việt Nam ở trong và ngoài nước còn quá ít và thiếu tính hệ thống.

Cơ hội và thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU khi Việt Nam gia nhập WTO

Gần đây, Việt Nam và EU đều có những nỗ lực, những động thái mới nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa hai bên. Nhiều cơ hội đã được mở ra đối với các doanh nghiệp EU sau khi Việt Nam trở thành thành viên WTO.

- Kinh tế Việt Nam tiếp tục có xu hướng tăng nhanh và ổn định, mức sống của người dân được nâng cao. Theo Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB), trong hai năm 2006-2007, tăng trưởng GDP của Việt Nam dự tính sẽ đạt khoảng 8%/năm; và giai đoạn 2006-2010, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt mức bình quân 7,5% - 8%/năm. Như vậy, quy mô thị trường Việt Nam sẽ được mở rộng nhanh, tạo ra nhiều tiềm năng cho các doanh nghiệp EU.

- Chính thức trở thành thành viên của WTO, môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ được cải thiện trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật theo cơ chế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa; thực hiện công khai, minh bạch các thiết chế quản lý theo quy định của WTO. Điều này góp phần củng cố và làm tăng thêm lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài đối với Việt Nam.

- Hiệp định tiếp cận thị trường Việt Nam - EU bắt đầu có hiệu lực, điều này đồng nghĩa với việc thị trường hàng hoá và dịch vụ của Việt Nam sẽ được mở cửa đối với các doanh nghiệp và nhà đầu tư EU. Với những nỗ lực và cam kết xây dựng môi trường kinh doanh cạnh tranh bình đẳng tại Việt Nam, theo hướng xoá bỏ những biện pháp bảo hộ, trợ cấp không phù hợp với thông lệ quốc tế, các doanh nghiệp và nhà đầu tư của EU sẽ có được những điều kiện thuận lợi hơn khi hoạt động tại thị trường này.

- Bên cạnh các hiệp định trong khuôn khổ ASEM, EU và Việt Nam phối hợp thành lập Diễn dàn doanh nghiệp Việt Nam - EU (VEBF, 05-2006). Trong thời gian tới, VEFB sẽ hoạt động với 3 tiểu ban gồm Tiểu ban xúc tiến thương mại và đầu tư, Tiểu ban các vấn đề lao động, Tiểu ban quản trị doanh nghiệp, với mục tiêu tăng cường xúc tiến thương mại, tạo cơ hội đầu tư, trao đổi kinh nghiệm quản lý kinh doanh giữa các doanh nghiệp của hai bên. Ngoài ra, VEFB thiết lập cơ chế đối thoại trực tiếp nhằm tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp hai bên đưa ra ý kiến, đề xuất giải pháp với Chính phủ, các bộ, ngành liên quan của Việt Nam và EU, tạo môi trường tốt hơn cho hoạt động thương mại, thu hút đầu tư của cả hai bên.

- Trong vòng 12-15 năm tới, khi vẫn bị coi là nền kinh tế phi thị trường, Việt Nam có nguy cơ bị các đối tác nước ngoài áp đặt biện pháp chống bán phá giá và các biện pháp tự vệ đặc biệt cũng như tự vệ đối với từng loại hàng hoá. Thực tế này khiến các nhà quản lý và bản thân các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải tích cực đưa ra những giải pháp phòng bị, đối phó hiệu quả hơn. Trong đó, có những giải pháp đáng chú ý như đẩy mạnh thực hiện liên doanh liên kết, áp dụng mô hình nhượng quyền kinh doanh… với các đối tác nước ngoài. Do vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU có thể tận dụng những lợi thế này.

Cùng với những cơ hội, trong thời gian tới, hoạt động của các doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU tại Việt Nam cũng sẽ phải đối mặt với không ít thách thức:

- Khi Việt Nam gia nhập WTO, bên cạnh việc thực hiện chính sách xúc tiến đầu tư hướng tới thu hút các tập đoàn xuyên quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam tiếp tục chủ động, đẩy mạnh đổi mới, cơ cấu lại doanh nghiệp, tăng cường liên kết nhằm phát triển và nâng cao sức cạnh tranh. Chính vì vậy, mức độ cạnh tranh trên thị trường Việt Nam sẽ trở nên gay gắt hơn. Đây là thách thức trước tiên mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU tại Việt Nam gặp phải trong những năm tiếp theo.

- Ở Việt Nam trong những năm tới vẫn thiếu hụt lao động đã qua đào tạo. Do vậy, các doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU sẽ gặp phải thách thức không nhỏ khi tìm kiếm lực lượng lao động làm việc cho các dự án đầu tư trong những ngành có nhiều thế mạnh, đòi hỏi sử dụng công nghệ hiện đại, đội ngũ nhân viên có trình độ tay nghề cao, tinh thần chấp hành kỷ luật cao, tác phong làm việc chuyên nghiệp và hiện đại.

- Trình độ phát triển ngành công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam hiện vẫn còn ở mức thấp; hơn nữa, ngành này không thể phát triển trong thời gian ngắn để có thể đáp ứng tốt được nhu cầu. Khó khăn đối với các đơn vị sản xuất của Việt Nam khi phát triển ngành công nghiệp phụ trợ do cần vốn đầu tư lớn, sản lượng phải nhiều nhằm giảm giá thành, chất lượng phải bảo đảm. Còn về phía các doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam, vì đây là thị trường hiện còn khá nhỏ bé nên chưa thực sự thu hút được đầu tư từ phía EU.

- Thực tế những năm gần đây, các nhà đầu tư đến từ EU thường coi trọng yếu tố hạ tầng và chỉ đầu tư vào những địa phương có kết cấu hạ tầng tốt ở Việt Nam. Vì vậy, thách thức đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ của EU tại Việt Nam trong những năm tới là kết cấu hạ tầng của Việt Nam vẫn còn yếu kém, bị quá tải; trong khi việc nâng cấp và đầu tư mới còn gặp nhiều khó khăn về vốn. Ngoài ra, một khó khăn lớn trong thời gian tới đối với các doanh nghiệp này là việc thiếu hụt điện năng. Nhu cầu về điện tối thiểu của Việt Nam từ nay đến năm 2010 là 12.000MW, trong khi khả năng cung cấp hiện tại chỉlà 11.200MW.

Sau khi Việt Nam gia nhập WTO, nhiều chuyên gia đã dự đoán sẽ có một làn sóng đầu tư mới của các nước EU vào Việt Nam. Điều này một mặt cho thấy những quyết tâm và nỗ lực hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam sẽ tiếp tục thu được những thành công mới. Mặt khác, nó cũng cho thấy các nhà đầu tư EU, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ với những đặc điểm và ưu thế riêng của mình, đã tìm hiểu những cơ hội cũng như thách thức mới đặt ra cho họ, từ đó chuẩn bị những biện pháp thích hợp nhằm tiếp tục mở rộng và phát triển hơn nữa hoạt động của mình tại Việt Nam .



(1) Các-lô An-tô-mông-tơ, Ma-ri-ô Na Va: Kinh tế và chính sách của EU mở rộng, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2004, tr 543
(2) Việt Nam tụt hạng xếp loại môi trường kinh doanh, www. vietnamnet.vn, ngày 6-9-2006
(3) Thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng, www.vov. org.vn, ngày 18-3-2006
(4) Làm gì để phát triển công nghiệp phụ trợ ở Việt Nam?, http://www.moi.gov.vn/, ngày 23-06-2005
(5) Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ: Thách thức lớn của Việt Nam, http://www.tbtvn.org/, ngày 14-11-2006