Bước phát triển mới của trào lưu cánh tả ở Mỹ la-tinh

Nguyễn Hoàng Giáp - Nguyễn Thị Quế
09:05, ngày 13-03-2007

Từ cuối thập niên 90 của thế kỷ XX đến nay, các lực lượng cánh tả ở Mỹ La-tinh liên tiếp giành thắng lợi trong các cuộc bầu cử tổng thống, hàng loạt chính phủ cánh tả tại nhiều nước trong khu vực đã ra đời. Đây thực sự là bước phát triển mới của trào lưu cánh tả Mỹ La-tinh, đồng thời trở thành một hiện tượng nổi bật trong thực tiễn chính trị thế giới sau "chiến tranh lạnh".

Khởi đầu cho bước phát triển mới của trào lưu cánh tả Mỹ La-tinh là thắng lợi của U. Cha-vét tại cuộc bầu cử tổng thống năm 1998 ở Vê-nê-xu-ê-la. Tiếp theo, các chính phủ của các lực lượng cánh tả tiến bộ đã lần lượt được thành lập ở Mỹ La-tinh thông qua tổng tuyển cử: Năm 2000, chính phủ của Tổng thống R. La-gốt ở Chi-lê ra đời, năm 2002 chính phủ của Tổng thống Lu-la đờ Sin-va ở Bra-xin, năm 2003 Tổng thống N. Kit-chơ-nơ ở Ác-hen-ti-na, năm 2004 Tổng thống M. Tô-ri-gi-ô ở Pa-na-ma và Tổng thống T. Vat-quet ở U-ru-goay, năm 2005 - E. Mô-ra-let, người thổ dân da đỏ đầu tiên trở thành Tổng thống Bô-li-vi-a. Năm 2006 vừa qua được coi là năm ghi đậm dấu ấn thành công của trào lưu cánh tả Mỹ La-tinh với thắng lợi dồn dập trong bầu cử tổng thống của 5 lãnh tụ cánh tả. Tại Chi-lê, bà Bac-xê-nét đã trở thành nữ tổng thống đầu tiên trong lịch sử đất nước này. Đ. Ooc-tê-ga, người đứng đầu Đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Xan-đi-nô (FSLN), cựu Chủ tịch Ni-ca-ra-goa đã đắc cử Tổng thống nhiệm kỳ 2007 - 2012. ứng cử viên cánh tả R.Cô-rê-a thuộc Liên minh đất nước giành được gần 70% số phiếu ủng hộ để trở thành Tổng thống Ê-cu-a-đo. Tại Bra-xin, Tổng thống Lu-la đờ Sin-va tái đắc cử với số phiếu bầu cao hơn so với thắng lợi mà ông giành được 4 năm trước (2002). Tổng thống đương nhiệm Vê-nê-xu-ê-la U. Cha-vét đã tái đắc cử với chiến thắng vang dội tại cuộc bầu cử tổng thống tháng 12-2006. Trước ngày nhậm chức tổng thống nhiệm kỳ mới, U. Cha-vét đưa ra quyết định mang tính lịch sử đề nghị Quốc hội nước này đổi tên nước thành nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Vê-nê-xu-ê-la. Như vậy, chỉ trong thời gian ngắn, ở khu vực Mỹ La-tinh đã có 9 chính phủ cánh tả tiến bộ cầm quyền, chiếm gần 1/3 số nước trên lục địa châu Mỹ. Sự kiện này có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc thúc đẩy sự phát triển của các lực lượng cánh tả tiến bộ trên thế giới, đặc biệt trong bối cảnh phong trào cộng sản, công nhân quốc tế tuy đã từng bước hồi phục nhưng chưa thực sự vượt ra khỏi cuộc khủng hoảng sâu sắc kể từ cuối thập niên 80 của thế kỷ XX.

Nguyên nhân thắng lợi

Sự phát triển của làn sóng cánh tả Mỹ La-tinh thời gian gần đây, trước hết, là hệ quả trực tiếp của những chuyển biến chính trị, kinh tế - xã hội và tương quan lực lượng ở các nước trong khu vực sau nhiều năm thực hiện mô hình chủ nghĩa tự do mới về kinh tế. Tuy mô hình này lúc đầu có mang lại một số kết quả về tăng trưởng kinh tế, nhưng các mặt trái của nó ngày càng bộc lộ gay gắt. Tình trạng phân hóa xã hội, bất bình đẳng, nghèo đói, thất nghiệp, khủng hoảng kinh tế, nợ nước ngoài, nạn tham nhũng... gia tăng nhanh chóng, gây ra bùng nổ xã hội và khủng hoảng chính trị triền miên. Tại Vê-nê-xu-ê-la, trước khi cánh tả lên cầm quyền, một nghịch lý là đất nước có 30 triệu ha đất trồng trọt nhưng 70% lượng lương thực, thực phẩm lại phải nhập từ nước ngoài, 80% đất đai được canh tác lại nằm trong tay của 5% đại điền chủ. Vê-nê-xu-ê-la có tiềm năng dầu mỏ thứ 6 trên thế giới và đứng thứ 5 về sản lượng khai thác, nhưng lại có tới 80% dân sống ở mức nghèo khổ. Ni-ca-ra-goa đã là một trong những nước nghèo và kém phát triển nhất ở Mỹ La-tinh, 80% dân số sống nghèo khổ với mức thu nhập dưới 2 USD/ngày. Cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính sâu sắc với những khoản nợ nước ngoài chồng chất đã gây xáo động lớn về chính trị - xã hội ở Ác-hen-ti-na và nhiều nước Mỹ La-tinh khác cuối thập niên 90 đặt các nước này trước bờ vực của sự sụp đổ kinh tế.

Những hậu quả nặng nề của sự áp đặt mô hình chủ nghĩa tự do mới đã làm gia tăng sự lệ thuộc của các nước Mỹ La-tinh vào tư bản độc quyền nước ngoài, nhất là tư bản Mỹ; lợi ích quốc gia và nền độc lập dân tộc bị phương hại. Do đó, ở Mỹ La-tinh, đồng thời với sự thức tỉnh ý thức tự chủ, tự tôn dân tộc của các tầng lớp xã hội, đã dấy phong trào đấu tranh ngày càng mạnh mẽ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động vì mục tiêu dân sinh, dân chủ, tiến bộ xã hội. Đây là điều kiện thuận lợi để các lực lượng cánh tả khu vực đẩy mạnh hoạt động và trở thành lực lượng đi đầu cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa tự do mới, chống sự lệ thuộc vào Mỹ, bảo vệ độc lập chủ quyền và bình đẳng trong quan hệ quốc tế.

Một nguyên nhân quan trọng khác đưa đến thắng lợi của các lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh là việc các lực lượng này đã tìm kiếm hình thức đấu tranh thích hợp trong tình hình mới - từ hoạt động vũ trang chuyển sang vận động quần chúng nhân dân, liên kết với các phong trào dân chủ và tiến bộ khác trong nước và khu vực, đấu tranh trên nghị trường với các chính sách, mục tiêu được lòng dân, giương cao ngọn cờ độc lập dân tộc, đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ, bình đẳng xã hội. Sáng kiến của Đảng Lao động Bra-xin về thành lập Diễn đàn Sao Pau-lô của cánh tả Mỹ La-tinh ngay lập tức nhận được sự ủng hộ rất tích cực của Đảng Cộng sản Cu-ba, Đảng Cách mạng dân chủ Mê-hi-cô, Đảng Mặt trận Rộng rãi U-ru-goay và các đảng, phong trào cánh tả khác. Diễn đàn trở thành một hình thức phối hợp hoạt động mới có hiệu quả thiết thực của cánh tả Mỹ La-tinh đấu tranh chống chủ nghĩa tự do mới, bảo vệ lợi ích và nền độc lập dân tộc vì phát triển bền vững, vì tình đoàn kết giữa các dân tộc và bình đẳng hóa các quan hệ quốc tế...

Đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Pha-ra-bun-đô Mac-ti (FMLN) ở En Xan-va-đo, các lực lượng kháng chiến ở Pê-ru, Cô-lôm-bi-a, U-ru-goay, Bô-li-vi-a... đã từng bước chuyển từ phương thức đấu tranh vũ trang sang đấu tranh nghị trường công khai hợp pháp. Trong đấu tranh chính trị, cánh tả Mỹ La-tinh chú trọng đưa ra những chính sách kinh tế, xã hội đáp ứng nguyện vọng của quần chúng lao động, nhất là tầng lớp dân nghèo vốn chịu nhiều thua thiệt, rủi ro từ mô hình chủ nghĩa tự do mới. Trong Cương lĩnh tranh cử Tổng thống Bô-li-vi-a, E. Mô-ra-let chủ trương thúc đẩy cải cách kinh tế, xã hội theo hướng tăng cường vai trò quản lý của nhà nước, nhất là kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên, tăng nguồn thu ngân sách phục vụ các chương trình xã hội. Những ưu tiên hàng đầu dành cho việc quốc hữu hóa ngành dầu khí, cải cách ruộng đất, làm trong sạch bộ máy nhà nước, bài trừ tham nhũng, bảo vệ chủ quyền dân tộc, phát triển văn hóa, y tế, bảo hiểm xã hội cho toàn dân, mang lại lợi ích cho người nghèo, thúc đẩy liên kết Mỹ La-tinh chống lại sức ép của Mỹ và tư bản nước ngoài.

Những chính sách kinh tế - xã hội tiến bộ

Ấn tượng của trào lưu cánh tả Mỹ La-tinh không chỉ dừng lại ở thắng lợi của họ trong các cuộc bầu cử, mà còn thể hiện qua việc thực hiện những chính sách kinh tế - xã hội có xu hướng tiến bộ. Kể từ khi nắm chính quyền, tuyệt đại đa số các chính phủ cánh tả đã tuyên bố hoặc đã tiến hành cải cách kinh tế - xã hội, chuyển từ mô hình chủ nghĩa tự do mới sang thực hiện mô hình kinh tế thị trường kết hợp giải quyết các vấn đề xã hội; tích cực chống tham nhũng; thực hiện các chương trình xã hội như: cải cách ruộng đất; xóa đói, giảm nghèo, cải thiện dịch vụ y tế, văn hóa cộng đồng; điều chỉnh một số luật theo hướng coi trọng lợi ích quốc gia và có lợi cho người lao động, quan tâm đến công ăn việc làm của người dân, cung cấp vốn tín dụng để phát triển khu vực kinh tế hợp tác,... Trên thực tế, những cải cách của các chính phủ cánh tả đã thu được kết quả bước đầu rất tích cực, kinh tế phục hồi và có bước tăng trưởng khá, chính trị đi vào ổn định, đời sống nhân dân được cải thiện, tỷ lệ người nghèo giảm từ 44% năm 2002 xuống 38% năm 2006.

Tại Vê-nê-xu-ê-la, chính phủ cánh tả đã tiến hành một loạt cải cách về thể chế, tổ chức trưng cầu dân ý về bản hiến pháp mới, bầu quốc hội lập hiến đáp ứng được những đòi hỏi dân chủ của nhân dân lao động, đồng thời thông qua nhiều luật, đặc biệt là luật đất đai có lợi cho người nghèo; quốc hữu hóa ngành dầu khí - trụ cột kinh tế của đất nước. Chính phủ cũng sử dụng hàng chục tỉ USD lợi nhuận thu được từ ngành công nghiệp dầu khí để tập trung vào việc tiến hành nhiều cải cách xã hội, như xóa nạn mù chữ, xóa đói, giảm nghèo, cải tạo nhà ở cho người nghèo, nâng cấp hạ tầng cơ sở, xây dựng thêm nhiều trường học, cải thiện dịch vụ y tế... Vê-nê-xu-ê-la hiện đang phấn đấu phổ cập tiểu học, có tới gần 5 nghìn trường học với hơn một triệu học sinh nghèo được miễn học phí, được phát đồng phục, sách giáo khoa và giấy bút; hàng nghìn sinh viên nghèo được nhận học bổng của nhà nước. Ngân sách giáo dục chiếm tới 20% tổng ngân sách. Đến năm 2005, đất nước không còn người mù chữ. Chương trình y tế cộng đồng cũng được thực hiện tích cực. Chỉ tính riêng năm 2004 đã có 50 triệu lượt người được khám bệnh miễn phí. Tỷ lệ nghèo đã giảm từ 48,6% xuống còn 36%. Hàng triệu người nghèo được trợ giúp xây dựng nhà ở, mua lương thực, thực phẩm giá rẻ, vay tín dụng sản xuất kinh doanh. Thu nhập thực tế của người lao động sau 8 năm nắm quyền của ông U. Cha-vét đã tăng tới 445%; tỷ lệ tăng trưởng kinh tế rất khả quan, năm 2004 đạt 18%, hai năm 2005 - 2006 đạt 9% - 10%.

Tại Bra-xin, trong nhiệm kỳ đầu của Tổng thống Lu-la đờ Sin-va (2002 - 2006), chính phủ cánh tả đã đạt nhiều thành tựu quan trọng, nổi bật nhất là những cố gắng kiểm soát lạm phát, duy trì sự phát triển kinh tế ổn định và giải quyết một số vấn đề xã hội bức xúc. Chương trình trợ cấp người nghèo được thực hiện từ năm 2002, mỗi năm chính phủ chi khoảng hơn 4 tỉ USD cho 11,5 triệu gia đình nghèo với tổng số gần 60 triệu người, chiếm 1/3 dân số đất nước. Chính phủ rất chú trọng sự cân bằng giữa phát triển kinh tế bền vững và ổn định xã hội; kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng, từ 63 tỉ USD năm 2003 tăng lên 117 tỉ USD năm 2005, xuất siêu tăng từ 13 tỉ USD lên 45 tỉ USD. Trong thông điệp gửi nhân dân sau khi tái đắc cử tổng thống, ông Lu-la đờ Sin-va khẳng định sẽ tăng cường đầu tư cho lĩnh vực xã hội, tạo thêm việc làm, đẩy mạnh giáo dục, y tế và bảo hiểm xã hội, cắt giảm thuế đi kèm với kiểm soát lạm phát, cải cách nền hành chính tạo môi trường đầu tư hấp dẫn, tích cực chống tham nhũng..., và coi đây là những biện pháp cơ bản nhằm đưa đất nước phát triển bền vững.

Tại Ác-hen-ti-na, U-ru-goay, Bô-li-vi-a, các chính phủ cánh tả với mức độ khác nhau đều ban hành và thực thi những chính sách xã hội có lợi cho quần chúng lao động, chú trọng mục tiêu phát triển kinh tế bền vững. Tổng thống Bô-li-vi-a E Mô-ra-lét tiến hành sửa đổi Hiến pháp, khẳng định tiếp tục giương cao ngọn cờ đấu tranh cho bình đẳng, hòa bình và công lý xã hội, chống nghèo đói, bảo vệ chủ quyền và quyền tự quyết dân tộc, quốc hữu hóa ngành năng lượng, công nghiệp hóa các ngành sản xuất chè và ca cao... Tổng thống mới đắc cử của Ni-ca-ra-goa Đ. Oóc-tê-ga cam kết tập trung ưu tiên hàng đầu cho việc thúc đẩy các chính sách kinh tế và xã hội nhằm xóa bỏ nghèo đói, bất bình đẳng xã hội, ủng hộ hiệp định tự do thương mại, đồng thời khẳng định chủ trương hợp tác với các doanh nghiệp tư nhân, bảo đảm đầu tư cho giới đầu tư thuộc mọi thành phần kinh tế trên tinh thần hòa giải và đoàn kết dân tộc.

Chính sách đối ngoại mang tính độc lập hơn

Nhiều nhà lãnh đạo cánh tả thực thi các chính sách đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt, thúc đẩy hợp tác đa phương. Tuy chưa thoát khỏi sự lệ thuộc vào Mỹ nhưng chính sách đối ngoại của các chính phủ cánh tả nắm quyền đã thể hiện rõ xu hướng mang tính độc lập hơn. Tại Hội nghị Cấp cao toàn châu Mỹ (năm 2005) các nước Mỹ La-tinh do cánh tả nắm quyền đã đưa ra một sáng kiến mới gọi là Giải pháp Bô-li-va cho châu Mỹ (ALBA), trong đó nhấn mạnh việc thực hiện liên kết về viễn thông, truyền thông, năng lượng và nhiều lĩnh vực khác giữa các nước trong khu vực... ALBA được coi là đối án với ý định của Mỹ về Khu vực mậu dịch tự do toàn châu Mỹ (FTAA), nhằm chống lại tham vọng của các doanh nghiệp Mỹ muốn kiểm soát toàn bộ châu lục. ALBA chính thức hoạt động từ Hội nghị lần 4 chống FTAA được tổ chức tại La Ha-ba-na (5-2005). Nhân dịp này, Cu-ba và Vê-nê-xu-ê-la đã tuyên bố: ALBA sẽ không dựa trên những tiêu chí vụ lợi, những lợi ích vị kỷ của doanh thương hay của quốc gia nào đó mà gây phương hại cho các quốc gia khác trong khu vực.

Các chính phủ cánh tả Mỹ La-tinh luôn đề cao và tích cực ủng hộ hợp tác, liên kết khu vực vì mục tiêu phát triển. Hội nghị Cấp cao lần 2 của Cộng đồng các nước Nam Mỹ (CSN) được tổ chức tại Bô-li-vi-a (tháng12-2006) đã ra tuyên bố nhấn mạnh chủ trương xây dựng một mô hình mới liên kết khu vực với bản sắc riêng, tôn trọng những quan điểm khác biệt về tư tưởng và chính trị. Tuyên bố nêu rõ mục tiêu của liên kết khu vực là nhằm đạt được sự phát triển trong các lĩnh vực chính trị, xã hội, văn hóa, kinh tế, tài chính, môi trường và hạ tầng cơ sở. Sự liên kết không chỉ cần thiết để giải quyết những thách thức lớn trong khu vực như tình trạng nghèo khổ và bất công xã hội, mà là một bước quyết định để đạt được một thế giới đa cực và công bằng. Hội nghị cam kết phấn đấu mức cao nhất để đạt được sự liên kết nhằm khắc phục khoảng cách chênh lệch quá lớn giữa các nước và khẳng định tôn trọng sự toàn vẹn lãnh thổ và quyền tự quyết của các dân tộc theo những nguyên tắc, mục tiêu của Liên hợp quốc, đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết phải lập các liên minh chiến lược dựa trên cam kết dân chủ, tăng cường đối thoại chính trị, tạo không gian hợp tác và góp phần củng cố sự ổn định khu vực...

Trong quan hệ với Mỹ, cùng với mong muốn phát triển hợp tác bình đẳng với Mỹ, các nước Mỹ La-tinh cũng lên tiếng phê phán gay gắt các chính sách áp đặt, chống phá của Mỹ đối với các nước trong khu vực. Tổng thống E Mô-ra-lét kêu gọi Mỹ tôn trọng ý nguyện và chủ quyền của nhân dân Bô-li-vi-a, tuyên bố chấm dứt chính sách ngoại giao lệ thuộc và bị áp đặt, hạn chế ảnh hưởng của Mỹ. Chính phủ của Tổng thống U. Cha-vét rất quan tâm chống độc quyền thông tin của nước ngoài, nhất là từ phía Mỹ. Theo sáng kiến của Tổng thống U. Cha-vét tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 12 của Nhóm 15 (G15) được tổ chức ở Ca-ra-cát (tháng 2-2004), kênh truyên hình TELEUR đã ra đời, trong đó ác-hen-ti-na giữ 20% cổ phần, Cu-ba: 19%, U-ru-goay: 10%, Vê-nê-xu-ê-la: 31%, Bra-xin: 20%. Trụ sở TELEUR được đặt tại Ca-ra-cát với các chi nhánh ở thủ đô các nước thành viên và ở cả Lốt An-giơ-lét (Mỹ).

Các chính phủ cánh tả Mỹ La-tinh đều phản đối chính sách bao vây cấm vận của Mỹ đối với Cu-ba, đồng thời bày tỏ sự ngưỡng mộ và công khai thực hiện chính sách đoàn kết, hợp tác với Hòn đảo tự do này. Vê-nê-xu-ê-la đã thiết lập quan hệ chiến lược và trở thành bạn hàng lớn nhất của Cu-ba. Ba năm qua, bình quân mỗi ngày Vê-nê-xu-ê-la cung cấp cho Cu-ba khoảng 80 nghìn thùng dầu với giá chỉ bằng 1/2 giá thế giới, góp phần giúp kinh tế Cu-ba trụ vững. Cu-ba tích cực giúp Vê-nê-xu-ê-la trên lĩnh vực y tế, văn hóa - xã hội. Đến nay, Cu-ba đã cử hơn 80 nghìn lượt bác sỹ tình nguyện sang Vê-nê-xu-ê-la làm công tác chăm sóc y tế tại các quận bình dân.

Các nước do cánh tả nắm quyền đều tích cực ủng hộ quá trình dân chủ hóa quan hệ quốc tế, cải tổ Liên hợp quốc và cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố; phấn đấu vì một trật tự thế giới mới dân chủ và bình đẳng, vì hòa bình, độc lập dân tộc và tiến bộ xã hội. Đối với Việt Nam, các chính phủ cánh tả Mỹ La-tinh đều trân trọng đánh giá cao lịch sử đấu tranh chống thực dân, đế quốc, giải phóng dân tộc và những thành tựu trong công cuộc đổi mới của Việt Nam, bày tỏ mong muốn tăng cường hợp tác toàn diện, nhất là hợp tác kinh tế, thương mại, khoa học, kỹ thuật. Những kết quả quan trọng đạt được trong chuyến thăm hữu nghị Ác-hen-ti-na, Bra-xin, Chi-lê của Chủ tịch nước Trần Đức Lương (11-2004) và các chuyến thăm hữu nghị Việt Nam của Tổng thống Vê-nê-xu-ê-la U. Cha-vét, Tổng thống Chi-lê Bac-xê-nét (2006) là những minh chứng cụ thể.

Cùng với các chính phủ cánh tả, tiến bộ đang cầm quyền, ở Mỹ La-tinh còn nhiều đảng cánh tả tham chính. Đáng chú ý là hoạt động của Đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Xan-đi-nô (FSLN) ở Ni-ca-ra-goa, Đảng Mặt trận giải phóng dân tộc Pha-ra-bun-đô Mac-ti (FMLN) ở En Xan-va-đo, Đảng Cách mạng dân chủ (PRD) của Mê-hi-cô và Đảng Cộng sản Bra-xin. Trước khi lãnh tụ Đ. Oóc-tê-ga giành thắng lợi trong bầu cử tổng thống (11-2006), đảng viên của FSLN giữ chức tỉnh trưởng ở 14/17 tỉnh, thành phố; quản lý 92/161 quận, huyện trên toàn quốc; có 38 nghị sĩ, kể cả chức Chủ tịch Quốc hội. Đảng FMLN cũng là đảng đối lập mạnh nhất ở En Xan-va-đo, có 31 ghế trong quốc hội và cầm quyền ở 8/14 thị xã, 76/262 quận, huyện. PRD là đảng trung tả đối lập lớn, năm 2006 có hơn 1 triệu đảng viên, chiếm 16 ghế tại Thượng viện, 97 ghế tại Hạ viện liên bang, 219 ghế tại Hạ viện bang và hiện đang nắm quyền tại 5 bang ở Mê-hi-cô. Đảng Cộng sản Bra-xin là đảng lớn thứ hai sau Đảng Lao động của tổng thống đương nhiệm, có 12 nghị sĩ liên bang, 18 nghị sĩ bang, 1 bộ trưởng trong chính phủ và giữ chức Chủ tịch Hạ viện.

Bên cạnh sự hiện diện của những chính phủ cánh tả, bước tiến quan trọng của các đảng cánh tả đối lập hoặc tham chính, thì quá trình tập hợp lực lượng của các đảng cộng sản, cánh tả, tiến bộ Mỹ La-tinh thông qua các diễn đàn, hội nghị quốc tế cũng là yếu tố thuận lợi giúp cánh tả khu vực củng cố và mở rộng ảnh hưởng của mình. Ngoài Diễn đàn Sao Pau-lô, cánh tả Mỹ La-tinh còn thường xuyên tổ chức Hội thảo quốc tế "Các đảng và một xã hội mới" do Đảng Lao động Mê-hi-cô chủ trì hằng năm (từ năm 1998 đến nay, 9 hội thảo đã được tổ chức), thu hút sự tham gia của gần 60 đảng cộng sản (trong đó có Đảng Cộng sản Việt Nam), công nhân và cánh tả ở Mỹ La-tinh, châu Âu và châu Á. Bên cạnh đó, Hội nghị "Toàn cầu hóa và những vấn đề của sự phát triển" do Cu-ba đăng cai tổ chức cũng là một diễn đàn rộng rãi thu hút sự tham gia của đại diện các đảng cộng sản, cánh tả cùng với các tổ chức quốc tế, các nhà kinh tế có quan điểm tiến bộ nhằm thảo luận, đánh giá về toàn cầu hóa và tác động của nó đối với sự phát triển thế giới. Lực lượng cánh tả khu vực cũng tham gia tích cực Diễn đàn xã hội thế giới do các tổ chức phi chính phủ Bra-xin khởi xướng để trao đổi kinh nghiệm, phối hợp hành động của các tổ chức, phong trào xã hội dân sự chống mặt trái của toàn cầu hóa, chống chủ nghĩa tự do mới và sự thống trị của tư bản đế quốc, nhằm xây dựng một xã hội lấy con người làm trung tâm.

Những thành tựu của cánh tả Mỹ La-tinh gần đây là rất khích lệ, đóng góp quan trọng vào sự phục hồi và phát triển của phong trào cánh tả trên thế giới. Tuy vậy, cánh tả Mỹ La-tinh cũng đang phải đương đầu trước không ít khó khăn, thử thách. Việc giữ vững và phát huy những thành quả đạt được là một nhiệm vụ nặng nề đang đặt ra cho cánh tả Mỹ La-tinh. Nhưng, bước phát triển mới của cánh tả khu vực những năm đầu thế kỷ XXI là thực tế sống động tạo cơ sở cho niềm tin vào sự thắng lợi của cuộc đấu tranh vì những mục tiêu mang tính thời đại là hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội.

* PGS, TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

** TS, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh