Tiếp tục bồi đắp cho văn hóa Nghệ An thêm giàu đẹp
Nhờ bồi đắp và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp, Nghệ An đã đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế, xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới của tỉnh. Trước những yêu cầu mới của hội nhập kinh tế quốc tế, hoạt động văn hóa có nhiều thuận lợi nhưng cũng gặp không ít khó khăn, thử thách, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phải tiếp tục nỗ lực, thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, làm cho văn hóa thực sự thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, góp phần cùng cả nước hoàn thành thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
1 - Nghệ An là tỉnh giàu truyền thống lịch sử, cách mạng và văn hóa. Do đặc điểm địa lý cùng nguồn gốc tụ cư nên văn hóa ở đây vừa phong phú, đa dạng, vừa đậm đà bản sắc. Và cũng không biết tự bao giờ, trong dân gian đã lưu truyền câu ca:
Non xanh nước biếc như tranh họa đồ
Nghệ An đẹp về thiên nhiên, giàu về truyền thống, người dân cần cù, thủy chung nghĩa tình, dám hy sinh vì nghĩa lớn. Như nhà sử học Phan Huy Chú đã viết: Nghệ An có núi cao sông sâu, phong tục trọng hậu, cảnh tượng tươi sáng. Đó là nét đẹp văn hóa của một vùng "địa linh, nhân kiệt", đồng thời cũng là một vùng đất cổ nằm trong trung tâm phát triển văn hóa của cả nước (như văn hóa Sơn Vi, Hòa Bình, Bắc Sơn, Đại Việt). Văn hóa Nghệ An gắn liền với sự nghiệp đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, được đúc kết bằng trí tuệ và cả bằng xương máu của các thế hệ, qua hàng ngàn năm lịch sử.
Văn hóa Nghệ An phát triển trong các mối quan hệ với những vùng khác nhau của đất nước và khu vực Đông Nam châu Á, đồng thời vận động và phát triển tại chỗ, với những đặc thù riêng biệt của mình. Đó là xu thế phát triển và đổi mới, tự vận động và tiếp xúc, giao thoa văn hóa, làm giàu thêm vốn văn hóa đậm đà bản sắc xứ Nghệ. Nhân dân Nghệ An được kế thừa một di sản văn hóa rực rỡ và phong phú với trên 1.000 di tích lịch sử - văn hóa, những dấu tích, di tích tiềm tàng trong lòng đất và danh thắng lễ hội... còn lưu giữ được, đã chứng minh sức sống cộng đồng và bề dày văn hóa truyền thống xứ Nghệ trong dòng chảy thời gian của lịch sử và văn hóa dân tộc.
Hệ thống di chỉ, di tích danh thắng ở Nghệ An phong phú và đa dạng, trải dài qua nhiều niên đại, đang tiếp tục được bảo tồn và phát huy. Đó là hang Thẩm ồm ở Quỳ Châu, cách đây trên hai vạn năm, thời đại đồ đá cũ đã có người Việt cổ sinh sống; văn hóa Quỳnh Văn (Quỳnh Lưu) thời đại đồ đá mới cách đây 5.000 năm; văn hóa làng Vạc (Nghĩa Đàn) thuộc thời đại đồ đồng cách đây 2.000 năm... Hệ thống di tích danh thắng Nghệ An được sinh ra và nuôi dưỡng bằng tín ngưỡng, đạo lý và phong tục truyền thống của dân tộc nên có sức sống, sức lan tỏa lâu bền, mãnh liệt. Mặc dù có những biến cố thăng trầm, song nhìn chung, từ các triều đại phong kiến đến nay, nhân dân vẫn nhận thức được rằng: di tích danh thắng là một trong những chứng cứ thể hiện cội nguồn, truyền thống và bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Vì thế, nhiều di tích xây dựng sớm, được trùng tu tôn tạo một cách chu đáo. Đặc biệt từ khi có Pháp lệnh Bảo vệ di tích - danh thắng và nay là Luật Di sản văn hóa ra đời, ngành văn hóa - thông tin đã có nhiều biện pháp để bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị của các di tích, góp phần vào giáo dục truyền thống, chấn hưng văn hóa dân tộc. Hiện nay, toàn tỉnh có 148 di tích được xếp hạng, trong đó có 116 di tích xếp hạng quốc gia, 32 di tích xếp hạng cấp tỉnh. Những di tích danh thắng tiêu biểu gắn liền với lễ hội như đền Cuông (Diễn Châu), đền Cờn (Quỳnh Lưu), đền Quả Sơn (Đô Lương), đền Bạch Mã (Thanh Chương), đền Vua Mai (Nam Đàn), đền Nguyễn Xí (Nghi Lộc), đền Vạn Lộc (Cửa Lò), Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Kim Liên, Nam Đàn và Khu lưu niệm Lê Hồng Phong (Hưng Nguyên)... Ngoài ra có những danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Hang Bua (Quỳ Châu), thác Xao Va (Quế Phong), thác Bản Kẽm và rừng nguyên sinh Pù Mát (Con Cuông) và bãi biển Cửa Lò...
Nghệ An cũng là mảnh đất sản sinh và nuôi dưỡng nhiều anh hùng hào kiệt, các vị lương thần, nhiều lãnh tụ cách mạng và danh nhân văn hóa nổi tiếng. Đó là Mai Thúc Loan, Lý Nhật Quang, Nguyễn Xí, Nguyễn Trường Tộ, Nguyễn Xuân Ôn, Phan Bội Châu, Lê Hồng Phong, Phan Đăng Lưu, Hồ Tùng Mậu, Đặng Thai Mai... Đặc biệt Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trở thành một con người - một biểu tượng lớn không chỉ cho xứ Nghệ, cho Việt Nam mà là biểu trượng chung của nhân loại. Vì Người là anh hùng giải phóng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới.
Nói đến Nghệ An là nói đến truyền thống hiếu học. Dưới các triều đại phong kiến, vùng đất Nghệ An có nhiều người đỗ đạt cao. Kể từ Trạng nguyên Bạch Liêu đến khoa thi cuối cùng năm 1919, Nghệ An có 196 người đỗ đại khoa, 500 người đỗ cử nhân, tiến sỹ... Trong đó làng Quỳnh Đôi (Quỳnh Lưu) có gần 100 người đỗ tiến sỹ, thạc sỹ. Đây cũng chính là quê hương của nữ sỹ Hồ Xuân Hương và những tác phẩm văn hóa bất hủ như "Thọ Mai gia lễ" của Hồ Sỹ Tân, "Quốc sử diễn ca" của Phạm Đình Toái...
Nghệ An cũng là nơi sản sinh ra nhiều thể loại ca dao - hò - vè - ví - dặm ở miền xuôi, hát nhuôn - xuối - lăm - khắp của dân tộc Thái, hát lù tẩu - cự xia của dân tộc Mông, hát tơm - re ré của dân tộc Khơ Mú, hát đu đu điềng điềng - tập tình tập tang của dân tộc Thổ; có nhiều thể loại nhạc cụ dân tộc như khèn bè, pí nhuôn, pí xuối, pí tơm, cồng chiêng, trống, kèn đồng, kèn lá, nhị, bầu, sáo; có nhiều vũ điệu như múa xòe, nhảy sạp, khắc luống và có các trò chơi dân gian khác như đẩy sào, ném còn, kéo co... Ngữ âm, tiếng nói và phong tục tập quán người Nghệ An cũng rất phong phú, đa dạng, mỗi địa phương dân tộc đều có sự khác nhau về ngữ âm, giọng nói. Có thể khẳng định, nguồn văn hóa dân gian vô tận này không chỉ góp phần làm phong phú bản sắc văn hóa xứ Nghệ mà còn là cái nôi, là bầu sữa ngọt nuôi dưỡng hình thành những tâm hồn, cốt cách, khí chất của con người xứ Nghệ.
Chính những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp đó đã hòa vào cao trào Xô-viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931 và suốt trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ để góp phần làm nên chiến thắng vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Bên cạnh những phong trào "Tiếng hát át tiếng bom", "Tất cả cho miền Nam ruột thịt", thì những cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, làng xóm sạch đẹp và "phong trào năm tốt" cũng được triển khai một cách rộng rãi. Qua những thử thách ấy, hoạt động văn hóa - thông tin Nghệ An đã đặt được những viên gạch hồng để xây dựng một nền văn hóa mới, vừa truyền thống vừa hiện đại, góp phần giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ nói riêng và văn hóa Việt Nam nói chung.
Trong quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, các hoạt động văn hóa - nghệ thuật Nghệ An vừa có những thuận lợi rất cơ bản, song cũng gặp không ít những thử thách nghiệt ngã. Cùng với chính sách mở cửa, gia nhập WTO của Đảng và Nhà nước ta, các xu hướng và giá trị văn hóa của nhiều địa phương trong nước và nhiều quốc gia trên thế giới sẽ hội tụ về đây. Vấn đề bức xúc đặt ra cho sự nghiệp văn hóa hiện nay là tiếp thu các tinh hoa văn hóa từ bên ngoài để làm phong phú thêm bản sắc văn hóa xứ Nghệ, mặt khác lại có bản lĩnh chính trị để bảo tồn và phát huy truyền thống, hòa nhập nhưng không hòa tan.
2 - Nhờ phát huy những truyền thống văn hóa tốt đẹp, hoạt động văn hóa Nghệ An trong thời gian qua đã đạt được những thành tựu đáng kể, góp phần quan trọng vào sự nghiệp đổi mới trên vùng đất xứ Nghệ.
Thứ nhất, phải kể đến cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đã đi vào chiều sâu mà tập trung nhất là phong trào xây dựng gia đình văn hóa, làng, bản, khối xóm văn hóa, đơn vị văn hóa. Phong trào "Xóa đói, giảm nghèo", "Rèn luyện sức khỏe theo gương Bác Hồ vĩ đại", "Giúp nhau làm kinh tế gia đình", "Đền ơn, đáp nghĩa"... đã trở thành phong trào rộng lớn và thực sự đi vào lòng dân. Từ thành thị đến nông thôn, từ miền xuôi đến miền núi, đâu đâu cũng thấy rạo rực khí thế thi đua sôi nổi của nhân dân để có được một danh hiệu văn hóa, để được đón rước bằng khen và tổ chức lễ hội. Đến nay, toàn tỉnh có 474.016 gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 72%; có 2.072 đơn vị, làng, bản, khối xóm đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 32%.
Thứ hai, bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa là một việc làm thường xuyên của Nghệ An trong những năm qua. Nghệ An đã tập trung đầu tư chống xuống cấp di tích kết hợp với tổ chức lễ hội để giáo dục truyền thống đạo lý "uống nước nhớ nguồn". Xu hướng xã hội hóa trong việc chống xuống cấp di tích - danh thắng, nhà thờ họ, nghĩa trang, nhà bia tưởng niệm... được các cấp, các ngành, đoàn thể, kể cả kiều bào nước ngoài quan tâm. Xu hướng này đã thừa nhận văn hóa tâm linh thường xuyên gắn bó máu thịt trong đời sống của mỗi con người và mỗi cộng đồng.
Ở Nghệ An hiện nay có hàng trăm lễ hội gắn liền với di tích và được phân bổ khá đều ở khắp các vùng, địa phương, dân tộc, trong đó có 19 lễ hội tiêu biểu được duy trì và tổ chức hoạt động thường xuyên và có xu hướng phát triển mở rộng để thu hút sự giao lưu văn hóa quanh năm. Đó là lễ hội đền Cuông, lễ hội đền Cờn, lễ hội đền Quả Sơn, lễ hội đền Bạch Mã, lễ hội đền Hoàng Mười, lễ hội đền vua Mai, lễ hội đền Nguyễn Xí... Trong hơn mười năm qua đã hình thành một số lễ hội mới mang ý nghĩa chính trị quan trọng như lễ hội Uống nước nhớ nguồn, lễ hội làng Sen, lễ hội sông nước Cửa Lò... ở miền núi - dân tộc cũng có các lễ hội như lễ hội hang Bua, lễ hội Môn Sơn - Lục Dạ, lễ hội đền Chín Gian, lễ hội Xăng Khan... Đặc biệt Lễ hội Làng Sen được tổ chức hằng năm vào dịp kỷ niệm ngày sinh của Bác 19-5 đã trở thành Quốc lễ của cả nước, nhằm tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy tư tưởng của Người trong thời đại mới. Lễ hội là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng mang tính xã hội hóa cao và tính giáo dục có hiệu quả. Thông qua lễ hội quần chúng nhân dân được giao lưu tìm hiểu về cội nguồn, tham gia các trò chơi văn hóa dân gian và được sáng tạo trong các hoạt động.
Trong việc xây dựng làng, bản văn hóa, Nghệ An chú trọng cải tạo những phong tục, tập quán lạc hậu, đặc biệt là ở đồng bào các dân tộc và miền núi. Việc cưới, việc tang, ngày giỗ, ngày hội đều thực hiện nếp sống văn hóa theo tinh thần Chỉ thị 27-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII). Tỉnh ủy Nghệ An đã ban hành Chỉ thị 08-CT/TU và ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy chế Xây dựng nếp sống văn hóa trong việc cưới, việc tang, lễ hội và đang triển khai có hiệu quả.
Kho tàng di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An liên tục được bảo tồn và phát huy. Tỉnh đã tổ chức nhiều lớp tập huấn, nhiều cuộc thi tìm hiểu, biểu diễn dân ca và xuất bản nhiều sách, tài liệu tuyên truyền. Nhờ vậy mà dân ca, dân nhạc, dân vũ ở vùng quê xứ Nghệ được bảo tồn và mang dáng vẻ, âm hưởng riêng. Dân ca hò - ví - dặm ở miền xuôi cũng như dân ca các dân tộc thiểu số ở miền núi Nghệ An thường ghi đậm dấu ấn và rung động lòng người. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Nghệ An thường xuyên có ý thức bảo tồn bản sắc văn hóa nhà sàn, nghề dệt thổ cẩm, trang phục... Ở xã Châu Cường, huyện Quỳ Hợp đã xuất hiện câu lạc bộ dạy tiếng Thái do thầy giáo Sầm Văn Bình khởi xướng, thu hút học viên ngày càng đông.
Thứ ba, việc sáng tạo xây dựng và nhân rộng mô hình, điển hình văn hóa ở Nghệ An được các cấp, các ngành quan tâm và có nhiều địa phương trong cả nước tìm về giao lưu và trao đổi kinh nghiệm.
Có thể kể đến Mô hình việc cưới theo nếp sống văn hóa, phù hợp với từng địa phương, dân tộc, nông thôn, đô thị. Tỉnh đã tổ chức nhiều cuộc hội thảo, hội nghị bàn về việc cưới; cuộc thi "Nét đẹp trong lễ cưới” được phát động từ cơ sở đến tỉnh để tìm ra những cái hay, cái đẹp trong việc cưới - vui tươi và tiết kiệm, được nhân dân đồng tình ủng hộ. Mô hình đưa dân ca vào trường học đã đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ. Đến nay có 664/718 trường tiểu học (đạt 92,5%), 419/447 trường phổ thông cơ sở (đạt 93,7%) và 63/74 trường phổ thông trung học (đạt 87,8%) tổ chức tốt chương trình dạy hát dân ca và giao lưu tìm hiểu về dân ca. Các huyện có tỷ lệ cao nhất về đưa dân ca vào trường học như Nam Đàn, Nghi Lộc, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Anh Sơn, Thanh Chương... Các trường chuyên nghiệp cũng quan tâm đưa dân ca vào trường học như: Cao đẳng Sư phạm Nghệ An, Đại học Sư phạm Kỹ thuật Nghệ An, Đại học Vinh... Công tác xây dựng các danh hiệu văn hóa như gia đình, làng, bản, khối xóm, đơn vị, xã, phường và huyện đạt chuẩn văn hóa đang thu được những kết quả tốt đẹp. Đến nay, toàn tỉnh có 72% gia đình, 32,5% đơn vị, làng, bản, khối xóm và 2% xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn hóa. Nghệ An đang tập trung chỉ đạo xây dựng 5 huyện điểm văn hóa. Mỗi huyện được xem như một "pháo đài" trên mặt trận tư tưởng - văn hóa. Nhờ những danh hiệu văn hóa này mà các đơn vị, gia đình, làng, bản, khối xóm, xã và huyện trong toàn tỉnh đua tranh phấn đấu, tạo thành một cuộc vận động lớn trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa". Ngoài ra, tỉnh còn tập trung xây dựng và nhân rộng các mô hình hoạt động chuyên môn ở cơ sở như đội văn nghệ thông tin, đài truyền thanh xã, câu lạc bộ chuyên đề, tủ sách pháp luật..
Thứ tư, công tác quản lý nhà nước về văn hóa trong những năm gần đây đã tập trung nâng cao chất lượng, đi vào chiều sâu và hoạt động có hiệu quả hơn. Tỉnh đã quy hoạch tổng thể phát triển văn hóa - thông tin Nghệ An đến năm 2010 và các đề án, quy hoạch phát triển báo chí - xuất bản, thông tin quảng cáo... Đề án xây dựng thiết chế văn hóa - thông tin - thể thao đồng bộ xã, phường, thị trấn đã góp phần tích cực vào việc đầu tư con người, cơ sở vật chất, cơ chế chính sách và nội dung hoạt động văn hóa - thông tin ở cơ sở một cách có hiệu quả thiết thực. Hiện nay, toàn tỉnh có 4.576 nhà văn hóa, trong đó có 328 nhà văn hóa xã, phường, thị trấn, 79% có đài truyền thanh cơ sở... Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa từ tỉnh xuống cơ sở thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chính trị, quản lý và chuyên môn. Năm 2006, tỉnh đã mở được mười lớp trung cấp nghiệp vụ cho cán bộ văn hóa xã, phấn đấu đến năm 2010 có 100% cán bộ làm công tác văn hóa thông tin xã, phường, thị trấn có trình độ trung cấp trở lên.
Nghệ An cũng đã tập trung đầu tư từ nguồn ngân sách của tỉnh và tranh thủ sự hỗ trợ của trung ương hàng trăm tỉ đồng để bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa, trong đó đã xây dựng xong Quảng trường Hồ Chí Minh và Tượng đài Bác Hồ ở thành phố Vinh và đang triển khai Đề án bảo tồn tôn tạo Khu di tích Kim Liên gắn với phát triển du lịch ở Nam Đàn là những công trình văn hóa có quy mô lớn, thu hút hàng triệu lượt khách đến tham quan hằng năm.
Hơn hai mươi năm đổi mới, Nghệ An đã tạo được bước đi vững chắc, biến khó khăn thành thuận lợi, luôn luôn thực hiện phương châm: đi tắt, đón đầu, phát huy nội lực, khơi dậy mọi tiềm năng, kêu gọi đối tác đầu tư, kết hợp phát triển kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa. Nhờ đó, Nghệ An đã xây dựng được một nền kinh tế đa dạng cả nông - lâm - ngư nghiệp, công nghiệp, thương mại và du lịch dịch vụ. Cơ cấu kinh tế đã có sự chuyển dịch đúng hướng, tạo điều kiện cho sự tăng trưởng ổn định. Tổng sản phẩm trong tỉnh liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Đời sống vật chất tinh thần của các tầng lớp nhân dân trong tỉnh dần dần ổn định và từng bước được cải thiện. Công tác an ninh - quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội có tiến bộ, tạo môi trường, điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ mới.
3 - Văn hóa Nghệ An thường xuyên được chăm lo bồi đắp, phát huy và đạt được những thành tựu đáng kể, nhưng vẫn cần phải phấn đấu nhiều hơn nữa mới đáp ứng được yêu cầu của xã hội và con người trong điều kiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Hoạt động văn hóa Nghệ An bên cạnh những thuận lợi còn gặp không ít khó khăn, thách thức. Trong thời gian tới, đòi hỏi Đảng bộ và nhân dân Nghệ An phải tiếp tục nỗ lực thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế, văn hóa, làm cho văn hóa thực sự thấm sâu vào từng khu dân cư, từng gia đình, từng người, tăng sức đề kháng chống văn hóa đồi trụy, độc hại. Nâng cao tính văn hóa trong mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội và sinh hoạt của nhân dân.
Chú trọng làm tốt hơn nữa việc kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, giữa bảo tồn và phát huy để vừa cải tạo cái cũ, vừa xây dựng cái mới trong phong tục tập quán các dân tộc, vừa thường xuyên đổi mới, giao lưu, hội nhập để tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại và phấn đấu xây dựng con người Nghệ An có đầy đủ năng lực sáng tạo, năng lực làm chủ. Quán triệt và thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng về: Bảo đảm sự gắn kết giữa phát triển kinh tế là nhiệm vụ trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt với phát triển văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội.
Tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng cuộc vận động phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa"; tổng kết rút ra những kinh nghiệm để nhân rộng và phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu của phong trào; coi trọng giáo dục lối sống lành mạnh, ứng xử văn minh trong xã hội và tích cực quan tâm bảo vệ môi trường tự nhiên. Đẩy mạnh xây dựng các đơn vị văn hóa, gia đình văn hóa một cách thực chất; nhất là xây dựng các mô hình gia đình văn hóa ít con, kinh tế khá giả, hạnh phúc bền vững. Củng cố các mối quan hệ truyền thống, các nền nếp gia phong tốt đẹp của các gia đình, dòng họ. Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa xứ Nghệ. Phấn đấu đến năm 2010 có 80% - 85% gia đình văn hóa; 45% - 50% làng, bản, khối phố văn hóa; 100% số xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, thể thao (trong đó 50% đồng bộ), 5 huyện đạt tiêu chuẩn văn hóa.
Thực hiện có hiệu quả Kết luận 20 của Bộ Chính trị Về xây dựng thành phố Vinh trở thành đô thị loại I, trong đó hình thành một trung tâm văn hóa của Bắc miền Trung, với các thiết chế văn hóa hiện đại như Tháp truyền hình, Bảo tàng các dân tộc, Thư viện tổng hợp, Trung tâm điện ảnh đa chức năng... Trong năm 2007, Nghệ An tích cực chuẩn bị các điều kiện hướng tới Kỷ niệm 50 năm Ngày Bác Hồ về thăm quê lần thứ nhất (14-6-1957 - 14-6-2007) và Kỷ niệm 105 năm Ngày sinh cố Tổng Bí thư Lê Hồng Phong (6-9-1902 - 6-9-2007).
* Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An
Đẩy mạnh xây dựng và nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cơ sở  (13/03/2007)
Thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí - vấn đề bức thiết hiện nay  (13/03/2007)
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu của nước ta trong 20 năm đổi mới  (12/03/2007)
Phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh mới  (12/03/2007)
Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2007  (12/03/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển