Thực hành tiết kiệm, chống lãnh phí - vấn đề bức thiết hiện nay
Cùng với tham nhũng, một thứ quốc nạn ở nước ta hiện nay, lãng phí cũng là vấn đề gây nhiều tác hại lớn về kinh tế, làm giảm lòng tin của nhân dân, tạo ra những bức xúc trong xã hội. Lãng phí gắn liền với quan liêu, tham nhũng. Nhiều khi do quan liêu mà lãng phí, quan liêu để xảy ra tham nhũng. Cả lãng phí và tham nhũng đều gây thất thoát lớn tiền của, tài sản, công sức của Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Theo Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, cũng như Pháp lệnh của ủy ban Thường vụ Quốc hội về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chúng ta có thể hiểu lãng phí là sử dụng các nguồn lực tài chính, lao động, thời gian... vượt quá định mức, tiêu chuẩn, chế độ do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định hoặc sử dụng đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ nhưng chất lượng đạt thấp hơn hoặc không đúng mục tiêu đã xác định. Từ nhận thức cơ bản ấy, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí được xem xét ở các lĩnh vực chính như: sử dụng các khoản chi thường xuyên của ngân sách nhà nước hoặc đơn vị trong đầu tư, quản lý xây dựng cơ bản; trong quản lý sử dụng đất đai, trụ sở làm việc, nhà công vụ và tài nguyên thiên nhiên; trong quản lý và sử dụng vốn, tài sản; trong quản lý sử dụng thời gian, sức lao động, nguồn nhân lực...
Biểu hiện của lãng phí rất đa dạng. Có thể lãng phí một nguồn lực, một tài sản vì lý do nào đó không được khai thác, hoặc chậm sử dụng. Lại có thể do sử dụng khai thác không hết năng lực, cầm chừng, bỏ dở hoặc "đắp chiếu" không đưa vào sử dụng, làm hao phí vô hình. Cũng có thể đầu tư cho một dự án, một chương trình phát triển kinh tế - xã hội không khả thi, không đúng mục đích, không đúng nhiệm vụ, chất lượng kém phải phá đi, làm lại hoặc làm xong không sử dụng được, bỏ phí. Cũng có thể do sai lầm ngay từ ban đầu khi lập phương án, luận chứng thuyết minh không sát thực tế, thiếu điều tra cơ bản. Người và cơ quan cấp có thẩm quyền thẩm định phê duyệt lại chủ quan, quan liêu, thiếu trách nhiệm, nóng vội hoặc vì lý do nào đấy mà chuẩn y thiếu đầy đủ các căn cứ, đến khi thực hiện không thành công hoặc kết quả thấp cũng gây ra lãng phí. Cũng có thể lãng phí do phô trương, hình thức, chi phí quá mức cần thiết, hoặc không cần thiết...
Có nhiều phương diện khác nhau, để xem xét, xác định tình trạng lãng phí, song có thể căn cứ ở mấy điểm chính sau:
Lãng phí do những chi phí, tổn hao và sử dụng nguồn lực tài chính, nhân lực và các nguồn lực khác trên mức hợp lý. Hoặc không đạt được mục tiêu, kết quả đã xác định, nếu có thì chất lượng, hiệu quả ở mức thấp hơn yêu cầu đặt ra. Do những hư hao, tổn thất không đáng có hoặc không thể được phép. Khái quát lại, những điểm nêu trên do hành vi chủ quan của cá nhân, tập thể đều được gọi là hành vi lãng phí.
Lãng phí có thể xảy ra ở tất cả các ngành, các lĩnh vực, các địa phương; ở mọi cấp từ trung ương xuống cơ sở; các cơ quan hành chính nhà nước; các doanh nghiệp, các cơ quan sự nghiệp; các tổ chức chính trị -xã hội; trong các gia đình và từng người dân. Lãng phí có thể xảy ra ở mọi lúc, mọi nơi, với mọi đối tượng: cán bộ, nhân dân, người lớn, trẻ em, người ở bất kỳ cương vị công tác, sản xuất, sinh sống như thế nào, ở đâu. Lãng phí trong lĩnh vực sản xuất, sinh hoạt tiêu dùng. Lãng phí về tiền của, tài sản, thời gian, sức lực, tài nguyên môi trường. Lãng phí có thể tác hại đến xã hội, cơ quan, đơn vị, cá nhân một cách trực tiếp hoặc gián tiếp, trước mắt hoặc lâu dài, thấy được hoặc khó thấy... Cho nên chống lãng phí là việc làm cần thiết, toàn diện, triệt để, hệ thống, đồng bộ, thường xuyên. Nó phải trở thành ý thức tự giác đối với mọi người trên cơ sở có nhận thức đúng về bản chất, tác hại của lãng phí đối với xã hội và cá nhân.
Lãng phí có thể từ thấp đến cao, từ ít đến nhiều tùy theo tính chất và phạm vi của nó. Lãng phí có khi thành thói quen do chủ thể gây ra mà không hề nhận thức được như lãng phí thời gian, đi muộn về sớm, làm việc cầm chừng, thiếu trách nhiệm, hiệu quả thấp. Thói quen tiêu xài, sinh hoạt trên mức thu nhập của bản thân, gia đình làm lãng phí tiền của, thời gian, sức khỏe. Có khi lãng phí một cách có chủ định nhằm phô trương hình thức trong hội họp, kỷ niệm, tổng kết, lễ hội, ma chay, cưới hỏi... Cũng có trường hợp không muốn lãng phí, không thể lãng phí do túng thiếu nhưng vì do những tập tục, thói quen mà sinh ra lãng phí. Người tổ chức biết rõ sự lãng phí nhưng vẫn làm với mục đích cá nhân hay động cơ trước mắt hoặc bởi một lý do nào đấy. Tất nhiên họ có đủ "lý lẽ" để ngụy biện cho sự "cần thiết" của việc làm lãng phí mà họ gây ra. Dù ở hình thức và phạm vi nào, hậu quả của lãng phí là thiệt hại tài sản, tiền của, thời gian, sức lực của Đảng, Nhà nước, của cơ quan, đơn vị, nhân dân, gây ra những tiêu cực xã hội về nhiều mặt.
Lãng phí là mặt đối lập với tiết kiệm. Tiết kiệm là sử dụng đúng mức, không phung phí sức lực, thời gian, của cải và có thể để dành được do biết chi tiêu, sử dụng đúng mức trong quá trình lao động, sản xuất và sinh hoạt. Tiết kiệm là sử dụng nguồn lực tài chính, lao động và các nguồn lực khác ở mức thấp hơn định mức tiêu chuẩn, chế độ quy định nhưng vẫn mang lại kết quả cụ thể, vẫn đạt được mục đích đã xác định. Tiết kiệm cũng có thể sử dụng đúng tiêu chuẩn, định mức, quy định, chế độ nhưng đạt hiệu quả, chất lượng cao hơn yêu cầu đề ra do cải tiến kỹ thuật, cải tiến tổ chức quản lý đem lại.
Tiết kiệm là một vấn đề có tính quy luật phổ biến đối với mọi cá nhân, đơn vị, quốc gia trong quá trình phát triển. Nhất là trong điều kiện nước ta tiến hành mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế, để tăng sức cạnh tranh, mọi chủ thể kinh tế có nhiều việc phải làm, trong đó mấu chốt là vấn đề tiết kiệm. Tiết kiệm để hạn chế đầu vào mới mở rộng đầu ra, mới có sức cạnh tranh khi hội nhập. Nhưng tiết kiệm không có nghĩa là bủn xỉn. Những chi phí đúng và cần thiết thì nhất định phải chi. Vì vậy chống lãng phí phải gắn liền với thực hành tiết kiệm. Chống lãng phí phải có thói quen cần, kiệm như lời Bác Hồ thường dạy.
Lãng phí thường cặp đôi với quan liêu, là tiền đề, hệ quả của nhau. Trong mối quan hệ này, quan liêu như một yếu tố tạo điều kiện cho phát sinh lãng phí. Lãng phí càng làm cho quan liêu trầm trọng hơn, xa thực tế hơn. Nguy hại nhất của tệ quan liêu là buông lỏng quản lý, xa rời thực tế, xa rời quần chúng, đi đến độc đoán, chuyên quyền, chủ quan duy ý chí. Do quan liêu nên không nắm được thực chất tình hình dẫn đến quyết sai, làm sai gây thất thoát, lãng phí. Vì quan liêu đã bỏ qua việc khảo sát điều tra, nắm chắc tình hình; nôn nóng; bỏ qua việc chỉ đạo, kiểm tra giám sát sau khi đã quyết định. Quan liêu không biết được thực chất hiệu quả những công việc mà mình đã quyết và đã làm; không đánh giá đúng, tổng kết đúng, rút ra những kinh nghiệm đúng, những bài học thiết thực.
Lãng phí và tham nhũng có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Tham nhũng và lãng phí đều làm thâm hụt ngân sách, thất thoát tài sản, là nguyên nhân dẫn đến sự mất mát tiền của, tài nguyên, mất lòng tin của nhân dân, là nguy cơ cho tình trạng bất ổn định kinh tế - xã hội, nguy cơ đối với sự tồn vong của đất nước.
Nhiều trường hợp, lãng phí, thất thoát xuất phát từ động cơ vụ lợi của cá nhân, tổ chức có quyền, có chức gây ra. Họ lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ra lãng phí, thất thoát để trong đó họ tham nhũng. Sự kết hợp này vừa khó phát hiện, vừa làm tổn hại tài sản của Đảng, Nhà nước, nhân dân lên gấp nhiều lần so với tham nhũng. Để chống tham nhũng nhất thiết phải chống lãng phí. Nếu lãng phí không được ngăn chặn thì tham nhũng có nhiều cơ hội phát triển.
Tham nhũng, lãng phí có quan hệ chặt chẽ với nhau, song giữa chúng vẫn có điểm khác nhau. Tham nhũng là hành vi của những người có chức có quyền, khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn họ đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó để chiếm đoạt tài sản, tiền của cho mình một cách bất chính, vi phạm pháp luật. Tham nhũng là động cơ vụ lợi nhằm thu lợi bất chính cho riêng mình.
Tham nhũng và lãng phí đều gây thiệt hại lớn cho Đảng, Nhà nước, tập thể và công dân; ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của đất nước. Nó gây trở ngại lớn đối với quá trình đổi mới xây dựng đất nước; làm thất thoát khoản tài chính, tài sản lớn, làm biến chất cán bộ, công chức, làm xói mòn lòng tin của nhân dân với Đảng và Nhà nước; làm xấu đi hình ảnh Việt Nam trong con mắt của cộng đồng thế giới, trước hết là các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong bài "Thực hành tiết kiệm, chống tham ô, lãng phí, chống bệnh quan liêu", Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Tham ô là trộm cướp. Lãng phí tuy không lấy của công đút túi, song kết quả cũng rất tai hại cho nhân dân, cho Chính phủ. Có khi tai hại hơn nạn tham ô". "Tham ô, lãng phí và bệnh quan liêu là kẻ thù của nhân dân, của bộ đội, của Chính phủ. Kẻ thù khá nguy hiểm, vì nó không mang gươm mang súng mà nó nằm trong tổ chức của ta để làm hỏng công việc của ta." "Tham ô, lãng phí, quan liêu là một thứ "giặc ở trong lòng"(1)
Từ những phân tích trên, có thể khái quát tình trạng lãng phí ở nước ta thực sự là căn bệnh mắc phải ở mọi lĩnh vực của đời sống xã hội với mức độ nghiêm trọng khác nhau. Lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản. Lãng phí trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, rõ nhất trong sử dụng đất đai, trong khai thác khoáng sản, tài nguyên. Lãng phí về nguồn lực con người, về chất xám... Lãng phí gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và nhân dân, nhưng chưa thật sự được mọi người quan tâm; chưa có biện pháp đấu tranh phòng ngừa; ngăn chặn đúng mức. Lãng phí ngày càng biểu hiện phức tạp, gắn liền với quan liêu, tham ô, tham nhũng.
Nguyên nhân của tình trạng lãng phí hiện nay có nhiều, có thể khái quát ở mấy điểm chính sau:
Thứ nhất, do cơ chế quản lý nhiều khi chưa được xác lập rõ ràng, minh bạch. Trong bộ máy nhà nước, ở không ít nơi chưa thiết lập chế độ kiểm tra, giám sát quyền lực một cách chặt chẽ, cụ thể. Chính sách tài chính vẫn còn biểu hiện cơ chế "xin - cho". Việc thực hành dân chủ còn nhiều hạn chế, do độc đoán chuyên quyền dẫn đến những quyết định không chuẩn xác, làm lãng phí tiền của, thời gian, công sức, làm giảm sút niềm tin của quần chúng nhân dân.
Thứ hai, sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp bộ đảng, chính quyền đối với công tác phòng ngừa, chống lãng phí chưa chặt chẽ, thiếu thường xuyên, ít sâu sát. Nhiều trường hợp còn coi nhẹ, chưa thấy hết ý nghĩa, tầm quan trọng, tính cần thiết của việc thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Việc xử lý các hành vi lãng phí chưa nghiêm. Chủ trương tiết kiệm chống lãng phí chưa thành phong trào, thành nếp sống trong thực tiễn.
Thứ ba, mặc dù có Pháp lệnh, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng vẫn chưa có cơ chế phòng ngừa, đấu tranh một cách cụ thể, đồng bộ, thống nhất chặt chẽ. Những nội dung pháp luật chưa thật sự tuyên truyền sâu rộng đến với dân, chưa thấm nhuần vào nhận thức, hành động của mọi người; chưa có chế tài xử lý nghiêm minh, kịp thời những người vi phạm.
Thứ tư, thực hiện cải cách hành chính vừa chậm vừa lúng túng, chưa tạo ra tác động tích cực cho phòng, chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Cơ chế "xin - cho" còn khá phổ biến. Thủ tục hành chính còn rườm rà, tạo nhiều "kẽ hở". Chế độ trách nhiệm của cán bộ, công chức thiếu cụ thể, chặt chẽ, rõ ràng. Cơ chế kiểm tra giám sát còn lỏng lẻo, thiếu thường xuyên.
Thứ năm, một số cán bộ, đảng viên, công chức suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, nhất là khi bước sang cơ chế thị trường. Công tác quản lý, giáo dục, tu dưỡng của không ít người bị buông lỏng. Công tác đấu tranh phê bình, tự phê bình bị xem nhẹ, còn có tình trạng e dè, nể nang, ngại va chạm. Việc xử lý người sai phạm còn thiếu nghiêm minh, thậm chí còn bao che lẫn nhau.
Thứ sáu, công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát đã tiến hành và đạt được một số kết quả nhưng vẫn còn bất cập, chưa đáp ứng yêu cầu chống quan liêu, lãng phí, chưa phối hợp chặt chẽ, thường xuyên, đồng bộ giữa những cơ quan, tổ chức cùng ngăn chặn, chống lãng phí. Chưa thật sự huy động đông đảo nhân dân tham gia chống lãng phí. Chưa có cơ chế bảo vệ những người phát hiện, lên án các hành vi lãng phí.
Biện pháp chống lãng phí có thể có nhiều, tùy từng điều kiện, hoàn cảnh cụ thể, khó mà đưa ra những biện pháp cụ thể hữu hiệu cho mọi tình huống. Tuy nhiên có thể có những biện pháp chung như sau.
Một là, thực sự hiệu lực hóa việc thực thi Pháp lệnh, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong đời sống xã hội. Các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị thường xuyên, liên tục phổ biến rộng rãi để mọi người nhận thức sâu sắc, đúng đắn, đầy đủ về chủ trương tiết kiệm, chống lãng phí của Đảng và Nhà nước. Mọi người chủ động tự giác thực hiện và giám sát người khác cùng thực hiện vì lợi ích chung đồng thời là lợi ích của chính bản thân mình. Có chương trình, kế hoạch, mục tiêu thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí về tài chính, tài sản, thời gian, sức lao động... ở đơn vị, cá nhân thật cụ thể trong từng thời kỳ. Có cơ chế công khai minh bạch và kiểm tra giám sát thực hiện kế hoạch đó, thường xuyên tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm, tìm nguyên nhân để khắc phục điểm chưa tốt, phát huy những kinh nghiệm, việc làm tốt. Tạo kết quả cụ thể về tiết kiệm, chống lãng phí thật sự ở đơn vị được mọi người thừa nhận.
Hai là, thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện những quy định, quy chế, cơ chế phòng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm. Cuộc sống luôn luôn vận động và phát triển nên những văn bản pháp quy cũng phải theo sát sự biến đổi ấy, làm cho nó có sức sống, có giá trị thực thi. Cùng với đó là đổi mới tư duy, khắc phục những tư tưởng bảo thủ, lối tư duy cũ, quan liêu, hành chính độc đoán chuyên quyền, hách dịch, thiếu dân chủ khi điều hành và giải quyết công việc.
Ba là, đổi mới những quy định về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Khắc phục một số quy định còn chung chung, chế tài xử lý đối với những người có thẩm quyền quyết định, phê duyệt chi tiêu ngân sách, đầu tư xây dựng cơ bản sai quy định, không sát thực tế, thiếu cơ sở khoa học dẫn đến lãng phí thất thoát. Làm rõ và quy định cụ thể trách nhiệm cá nhân, người đứng đầu để xảy ra lãng phí, thất thoát. Có chế tài cụ thể khen thưởng người có thành tích và xử lý nghiêm, kịp thời người vi phạm.
Bốn là, rà soát, thẩm định kỹ các dự án đang đầu tư và sẽ đầu tư; bảo đảm khách quan, khoa học, hiệu quả. Kiên quyết loại bỏ những dự án không thiết thực, hiệu quả thấp. Đình hoãn các công trình, dự án không bảo đảm chắc chắn về nguồn vốn hoặc không cân đối về nguồn vốn và các điều kiện khác để kéo dài, dây dưa làm thất thoát lãng phí.
Năm là, củng cố tổ chức, bộ máy, cán bộ các cấp, các ngành, các cơ quan đầu tư. Xác định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tập thể, cá nhân trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Tăng cường chất lượng tư tưởng, phẩm chất đạo đức cần, kiệm, liêm, chính cho cán bộ, công chức. Đề cao tính chuyên nghiệp, năng lực công tác để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Sáu là, thực hiện nghiêm chế độ thanh tra, kiểm tra, giám sát một cách thường xuyên, liên tục, toàn diện, khách quan đối với các cá nhân, đơn vị thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Kết hợp sự giám sát của cơ quan chức năng, cấp lãnh đạo, của quần chúng nhân dân. Thực hiện công khai, minh bạch kết quả kiểm tra, giám sát. Kết luận rõ ràng, khách quan, xử lý kịp thời công tâm công khai những sai phạm bị phát hiện qua kiểm tra, giám sát.
Bảy là, rà soát, đánh giá khách quan và có biện pháp tích cực giải quyết kịp thời những đơn vị sản xuất kinh doanh, những công trình dự án yếu kém gây thua lỗ, thất thoát. Tập trung hỗ trợ, giúp đỡ, tạo điều kiện cho những đơn vị, cá nhân hoạt động có hiệu quả về kinh tế - xã hội. Phát huy cao độ tính chủ động, sáng tạo của các cá nhân, đơn vị thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí, tăng sức cạnh tranh lành mạnh để phát triển.
Tám là, đổi mới và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Đảng, Nhà nước ban hành kịp thời cụ thể những nghị quyết, chủ trương, chính sách, pháp luật về chống lãng phí. Các cấp bộ đảng, chính quyền có quyết tâm cao, thống nhất và kiên quyết chỉ đạo, thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí. Cán bộ, đảng viên, công chức gương mẫu thực hiện. Tăng cường tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân. Tổ chức tốt nhân dân chủ động tham gia kiểm tra, giám sát, thực hiện. Sự quyết tâm thực hiện tiết kiệm, chống lãng phí được thể hiện thống nhất từ các cấp lãnh đạo đến các tầng lớp nhân dân ở cơ sở trong phạm vi toàn xã hội.
(1) Hồ Chí Minh, Toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, t 6, tr 489, 490, 495
Nhìn lại bức tranh xuất khẩu của nước ta trong 20 năm đổi mới  (12/03/2007)
Phát triển giáo dục đại học Việt Nam trong bối cảnh mới  (12/03/2007)
Triển khai đồng bộ các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2007  (12/03/2007)
Nâng cao hiệu quả và hiệu lực hoạt động kiểm toán nhà nước  (12/03/2007)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
- Bảo đảm an ninh con người của chính quyền đô thị: Kinh nghiệm của một số quốc gia và hàm ý chính sách đối với Việt Nam
- Tầm quan trọng của việc phát triển năng lực tư duy phản biện cho đội ngũ cán bộ tham mưu tổ chức xây dựng Đảng hiện nay
- Phát huy vai trò trụ cột của đối ngoại đảng, ngoại giao nhà nước, đối ngoại nhân dân trong phối hợp xây dựng nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, thực hiện hiệu quả mục tiêu đối ngoại của đất nước
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển