Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) được hình thành từ ý tưởng của cựu Thủ tướng Xin-ga-po Go Chu Tông. Qua hơn 10 năm tồn tại và phát triển, ASEM đã hoạt động tích cực vì sự hiểu biết và tăng cường hợp tác giữa hai châu lục. Tuy nhiên, bước sang những năm đầu của thế kỷ XXI, tiến trình hợp tác Á - Âu đã chịu sự tác động không nhỏ của một số nhân tố quốc tế.

Đâu là những nhân tố tác động đến hợp tác Á - Âu trong những năm đầu thế kỷ XXI?

Thứ nhất, quá trình toàn cầu hóa diễn ra trên mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội của các quốc gia trên thế giới. Quá trình này không chỉ là một xu thế mà đã trở thành một thực tế sinh động, tác động đến tiến trình phát triển của thế giới. Trong đó, toàn cầu hóa thương mại quốc tế ngày càng thu hút mọi quốc gia, bao gồm cả các nước phát triển và các nước đang phát triển. Tuy nhiên, mâu thuẫn trong lĩnh vực này cũng đang trở nên gay gắt, thể hiện qua sự thất bại của vòng đàm phán Đô-ha do việc tranh chấp lợi ích giữa các nước phát triển và các nước đang phát triển. Việc tăng cường hợp tác quốc tế nói chung, hợp tác Á - Âu nói riêng trong khuôn khổ Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) là đòi hỏi khách quan hiện nay và phải được giải quyết trên những cơ sở mới.

Ngoài ra, toàn cầu hóa cũng đang gây ra sự chia rẽ về quan điểm trên thế giới giữa một bên ủng hộ, cho rằng thế giới đang gặt hái sự phát triển nhanh chóng từ quá trình toàn cầu hóa và một bên phản đối, cho rằng toàn cầu hóa đang khiến cho khoảng cách giữa các nước giàu và các nước nghèo ngày càng lớn, chênh lệch giàu nghèo trong bản thân mỗi quốc gia cũng ngày càng trở nên trầm trọng hơn, các giá trị văn hóa bị suy thoái và môi trường sinh thái bị tàn phá nghiêm trọng... Những yếu tố này đòi hỏi các nước phải có sự phối hợp giải quyết trên phạm vi toàn cầu và khu vực.

Thứ hai, châu Á đang nằm trong trào lưu liên kết kinh tế khu vực mạnh mẽ qua việc hình thành Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), sáng kiến hình thành nhóm kinh tế Đông Á (EAEC), nhóm hợp tác kinh tế Thượng Hải. Các quan hệ hợp tác song phương cũng được châu Á chú trọng và tăng cường, như việc ký kết Hiệp định tự do thương mại song phương giữa ASEAN với các nước Đông - Bắc Á (Trung Quốc - năm 2010; Nhật Bản - năm 2012). Đối với khu vực Đông Á, các mối quan hệ quốc tế đã được phát triển thành những mô hình hợp tác cao hơn như mô hình hợp tác ASEAN +1 và ASEAN +3.

Bên cạnh đó, ASEAN tiếp tục thực hiện các cam kết của mình, hình thành Cộng đồng ASEAN vào năm 2020 dựa trên: Cộng đồng kinh tế, Cộng đồng an ninh và Cộng đồng văn hóa - xã hội. Đồng thời, các nước ASEAN đã đưa ra sáng kiến hình thành Cộng đồng Đông Á mà ASEAN là nền tảng. Ngoài ra, ASEAN cũng hướng tới việc xây dựng Hiệp định tự do thương mại với EU, chứ không đơn thuần chỉ dừng lại ở hợp tác trao đổi trong lĩnh vực kỹ thuật, thông tin.

Thứ ba, EU đang tiếp tục thực hiện liên kết cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Một mặt, EU tiến hành kết nạp thêm 12 nước thành viên mới; tạo thế vững chắc trong tương quan lực lượng trên thế giới, trở thành khối kinh tế và thị trường lớn nhất toàn cầu. Mặt khác, EU tiến hành cải cách thể chế chính trị với việc hình thành một bản dự thảo Hiến pháp chung châu Âu (năm 2004) nhằm xây dựng một mô hình "liên bang"; bảo đảm quá trình hoạch định và thực hiện chính sách thống nhất về những vấn đề liên quan đến an ninh đối ngoại, tự do thương mại, tự do cạnh tranh, xây dựng nền kinh tế tri thức, xã hội thông tin, nghiên cứu phát triển... nhằm xây dựng hình ảnh mới của EU trên thế giới.

Thứ tư, những diễn biến phức tạp trên thế giới kể từ sau sự kiện "ngày 11-9-2001" ở Mỹ, vụ đánh bom ở đảo Ba-li (In-đô-nê-xi-a, năm 2002), cuộc tấn công của phiến quân Che-xni-a (Nga, năm 2002)... đã khiến tình hình an ninh thế giới trở nên bất ổn. Điều này đã đặt các quốc gia trước nhu cầu hợp tác hơn nữa trong vấn đề chống khủng bố trên toàn cầu, nhằm giải quyết các mâu thuẫn thông qua các diễn đàn khu vực. Tất cả những diễn biến này đều có tác động trực tiếp hay gián tiếp đến tiến trình hợp tác Á - Âu hiện nay.

Hợp tác Á - Âu: hình thức đối thoại liên khu vực mới

ASEM ban đầu gồm 26 đối tác của 15 nước thành viên EU, Ủy ban châu Âu, 7 nước thành viên ASEAN và 3 nước Đông - Bắc Á. Tính chất của ASEM là đối thoại, phi cam kết với mục đích tạo điều kiện thuận lợi, thúc đẩy sự phát triển của hai châu lục; đóng góp cho sự phát triển của hệ thống thương mại đa phương theo khuôn khổ của WTO. Sự hợp tác trong ASEM dựa trên những mục tiêu chính sau:

Một là, thúc đẩy đối thoại chính trị nhằm tăng cường hơn nữa sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai châu lục và thống nhất quan điểm đối với những vấn đề quốc tế.

Hai là, xây dựng quan hệ đối tác toàn diện và sâu rộng giữa châu á và châu Âu nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại, đầu tư giữa các nước thành viên ASEM.

Ba là, tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - kỹ thuật, thông tin, môi trường với mục tiêu tạo sự phát triển bền vững ở cả hai châu lục.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEM I được tổ chức tại Băng Cốc (Thái Lan) vào tháng 3-1996, với mục tiêu ban đầu là nâng diễn đàn hợp tác Á - Âu lên cấp đối thoại chính trị cao nhất, qua đó tạo khung chính trị để phát triển, tăng cường hợp tác giữa hai bên và xem xét các khả năng hợp tác trong tương lai. Tại hội nghị này, 17 lĩnh vực hợp tác cụ thể nhằm thúc đẩy quan hệ thương mại, đầu tư và tài chính giữa hai châu lục đã được đưa ra thảo luận. Các nước thành viên đã tích cực triển khai một số dự án quan trọng như Dự án xây dựng tuyến đường sắt xuyên Á, hợp tác tiểu vùng sông Mê Công; xây dựng Trung tâm công nghệ và môi trường tại Băng Cốc; các kế hoạch thuận lợi hóa thương mại (TFAP), tăng cường khuyến khích đầu tư (IPAP)...

Hội nghị Thượng đỉnh ASEM II đã diễn ra tại Luân Đôn (Anh) vào tháng 4-1998, trong bối cảnh châu Á gặp khủng hoảng tài chính sâu sắc. Hội nghị đã thông qua tuyên bố về tình hình tài chính, kinh tế ở châu Á; thỏa thuận, đưa ra các biện pháp để phía châu Âu hỗ trợ các nước châu Á khắc phục cuộc khủng hoảng này. Hội nghị ASEM II đã thông qua 8 sáng kiến mới và ghi nhận 11 sáng kiến khác nhằm mở rộng khả năng hợp tác trong các lĩnh vực khoa học - công nghệ, phúc lợi trẻ em, bảo tồn và phát triển di sản văn hóa. Trong bối cảnh toàn cầu hóa kinh tế, đây thực sự là diễn đàn chung để các nhà lãnh đạo của hai châu lục trao đổi ý kiến nhằm tăng cường hợp tác, đối phó với những thách thức của tiến trình toàn cầu hóa.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEM III được tiến hành tại Xê-un (Hàn Quốc) vào tháng 10-2000 đã thỏa thuận về tương lai hợp tác Á - Âu trong 10 năm tiếp theo. Hội nghị có ý nghĩa quan trọng đối với việc tăng cường mối quan hệ hợp tác giữa hai châu lục trong xu thế phát triển mới của thế giới. ASEM III đã tái khẳng định sự ủng hộ và niềm tin đối với sự phát triển của châu Á; nhất trí với mục đích chung của ASEM là tạo dựng mối quan hệ đối tác Á - Âu toàn diện, phát triển ASEM đồng đều. Hội nghị cũng đã thảo luận các vấn đề chính trị và an ninh toàn cầu, tăng cường hợp tác thương mại trong thời đại kinh tế tri thức, phát triển mạng lưới thông tin, kỹ thuật số, phát triển bền vững các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo đảm ổn định lâu dài và ngăn chặn khủng hoảng.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEM IV nhóm họp tại Cô-pen-ha-gen (Đan Mạch) vào tháng 9-2002 đã nêu rõ: ASEM là cơ hội lý tưởng cho các nhà lãnh đạo của hai châu lục thảo luận và giải quyết các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội. Ba văn kiện quan trọng đã được thông qua tại Hội nghị là Tuyên bố của Chủ tịch ASEM, Tuyên bố chính trị về hòa bình trên bán đảo Triều Tiên và Tuyên bố Cô-pen-ha-gen về chống khủng bố. Hội nghị cũng khẳng định việc duy trì sự ổn định và hòa bình ở hai khu vực là điều kiện tiên quyết để có thể thực hiện các chương trình hợp tác toàn diện giữa hai châu lục trên cơ sở ba trụ cột của diễn đàn.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEM V diễn ra tại Hà Nội vào tháng 10-2004 đã đánh dấu bước phát triển mới của tiến trình, với nội dung phong phú nhằm đưa quan hệ đối tác Á - Âu chuyển sang một giai đoạn thực chất và hiệu quả hơn. Dựa trên các nguyên tắc về bình đẳng, nhất trí, tôn trọng lẫn nhau, ASEM V đã mang đến những chủ đề xoay quanh các vấn đề an ninh, chính trị, hợp tác kinh tế cũng như trao đổi về trí tuệ, xã hội và văn hóa. Đặc biệt, đây là hội nghị cấp cao đầu tiên của một ASEM mở rộng với việc kết nạp thêm 13 nước thành viên mới; trở thành một diễn đàn gồm 39 thành viên.

Hội nghị Thượng đỉnh ASEM VI được tổ chức tại Hen-xinh-ki (Phần Lan) vào tháng 9-2006 đã xem xét, đánh giá kết quả sau 10 năm phát triển của ASEM cũng như phương hướng hợp tác ASEM trong thời gian tiếp theo. Chương trình nghị sự của ASEM VI tập trung thảo luận những vấn đề: an ninh toàn cầu, an ninh năng lượng; tăng cường đối thoại về văn hóa; sự cạnh tranh và những thay đổi trong cơ cấu của nền kinh tế toàn cầu; mở rộng thành viên. Sự mở rộng sang khu vực Nam Á sẽ tạo ra một sự hiện diện đầy đủ hơn của các đối tác châu Á; góp phần tăng cường hơn nữa vai trò quốc tế của ASEM khi các nước thành viên của nó chiếm tới 60% dân số toàn thế giới.

Như vậy, từ khi thành lập đến nay, ASEM đã hoạt động tích cực vì sự hiểu biết và tăng cường hợp tác giữa hai châu lục. Về tương lai của ASEM, Tuyên bố của Hội nghị ASEM VI đã thể hiện quyết tâm của các bên trong việc phát triển sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác nhằm đối phó với những thách thức trong tương lai và khẳng định, ASEM có vai trò quan trọng đối với châu Âu và châu á như một khuôn khổ cho đối thoại và hợp tác, cùng khai thác những yếu tố thuận lợi của quá trình toàn cầu hóa và thực hiện các sáng kiến hợp tác ở tất cả các cấp độ, khu vực, tiểu khu vực và song phương. ASEM bước sang thập kỷ thứ hai với việc tập trung vào các lĩnh vực chính sách quan trọng như củng cố chủ nghĩa đa phương và giải quyết các mối đe dọa toàn cầu.

Những chủ đề được thảo luận tại các Hội nghị thượng đỉnh của ASEM đã mở rộng dần từ phạm vi hai châu lục ra phạm vi toàn cầu và trên tất cả các lĩnh vực. ASEM thực sự là một công cụ tích cực cho việc thúc đẩy phát triển và giải quyết các vấn đề của thế giới thông qua con đường đối thoại và hợp tác. Đây là một hình thức hợp tác mới mẻ và đang trở thành một mô hình cho các mối quan hệ quốc tế đương đại. Tuy nhiên, sau 10 năm phát triển, hợp tác Á - Âu vẫn còn nhiều vấn đề, cần được tăng cường phối hợp giải quyết:

- Về trụ cột chính trị: Tiếp tục tăng cường cơ chế đối thoại giữa hai khu vực nhằm thúc đẩy cơ chế đa phương và cơ chế toàn cầu; giải quyết các vấn đề còn gây trở ngại như quyền con người, dân chủ, khủng bố, an ninh năng lượng...

- Về trụ cột kinh tế: Tiếp tục nghiên cứu và thông qua các khuyến nghị của diễn đàn doanh nghiệp Á - Âu (AEBF) và của Nhóm nghiên cứu về đối tác kinh tế chặt chẽ giữa châu Á và châu Âu; thúc đẩy hội nhập về kinh tế giữa hai khu vực, trước mắt là thực hiện liên kết kinh tế chặt chẽ trong khuôn khổ các quy định của WTO.

- Về trụ cột văn hóa - xã hội: Thúc đẩy giao lưu hiểu biết về văn hóa giữa hai khu vực thông qua các diễn đàn nhân dân Á - Âu, hợp tác giữa các nhà khoa học và giới sinh viên...

Đóng góp của Việt Nam trong tiến trình hợp tác Á - Âu

Việt Nam là một trong những nước thành viên sáng lập ASEM, tham gia hầu hết các hoạt động hợp tác và đã có nhiều đóng góp tích cực vào quá trình phát triển quan hệ hợp tác Á - Âu. Một số sáng kiến của Việt Nam đã được các thành viên ASEM ghi nhận và triển khai, như Việt Nam cùng Pháp đưa ra Sáng kiến về "Bảo tồn và phát huy di sản văn hóa trong các nước ASEM" (Hội nghị ASEM II); Sáng kiến "Kết hợp y dược học cổ truyền với y dược học hiện đại trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng" (Hội nghị Ngoại trưởng ASEM II, tháng 3-1999); Sáng kiến "Tăng cường hợp tác du lịch ASEM nhằm xóa đói, giảm nghèo và tăng cường thịnh vượng", "Hợp tác về đào tạo và trợ giúp kỹ thuật ngành ngân hàng", "Tăng cường trao đổi kinh nghiệm về hoạch định chính sách tài khóa giữa các Bộ Tài chính các nước ASEM" "Trao đổi về xây dựng thể chế thị trường trong quá trình hội nhập quốc tế" (Hội nghị ASEM IV); Sáng kiến "Hợp tác ASEM trong việc áp dụng công nghệ thông tin trong phát triển nguồn nhân lực và xây dựng thể chế", "Hội thảo ASEM về hợp tác EU - châu Á về công nghệ sạch", "Hợp tác ASEM về kiểm soát HIV/AIDS" (Hội nghị ASEM V). Tại Hội nghị ASEM VI, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đưa ra đề xuất về việc Việt Nam đăng cai tổ chức một diễn đàn ASEM về chính sách an ninh năng lượng. Đây là một đề xuất mang tính thiết thực, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đang ngày càng cạn kiệt nguồn tài nguyên thiên nhiên, nhu cầu tìm và phát triển các nguồn năng lượng thay thế đang trở nên cấp thiết.

Bên cạnh đó, Việt Nam có nhiều hoạt động thiết thực góp phần vào sự phát triển vững mạnh của tiến trình hợp tác Á - Âu, như đóng góp ý kiến cho các dự án, chương trình hợp tác Á - Âu (Khuôn khổ hợp tác Á - Âu, Nhóm viễn cảnh Á - Âu, Kế hoạch hành động xúc tiến đầu tư Á - Âu, Chương trình quản lý Á - Âu); tổ chức các hội nghị, hội thảo nhằm thúc đẩy quan hệ hợp tác Á - Âu (Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế lần thứ 4, năm 2001; Hội thảo về "Di sản văn hóa và du lịch")... Đặc biệt, Bộ Ngoại giao và Bộ Thương mại Việt Nam đã phối hợp thành lập Nhóm đặc trách kinh tế ASEM và tổ chức thành công "Vòng đàm phán tham vấn thứ nhất về Chương trình nghị sự phát triển Đô-ha" tại Hà Nội và "Diễn đàn lãnh đạo trẻ Á - Âu" lần thứ 7 tại Thành phố Hồ Chí Minh (9-2003)...

Trong thời gian đảm nhận vai trò là điều phối viên châu Á của ASEM, Việt Nam đã góp phần đáng kể vào sự thành công của Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao (FMM) lần thứ 5 được tổ chức tại Ba-li (In-đô-nê-xi-a, 7-2003) qua việc tích cực phối hợp với nước chủ nhà In-đô-nê-xi-a và các nước điều phối viên khác là Nhật Bản, I-ta-li-a và Ủy ban châu Âu trong quá trình chuẩn bị, góp phần phản ánh được yêu cầu cũng như sự quan tâm của tất cả các nước thành viên trong thời gian diễn ra hội nghị.

Đóng góp lớn nhất của Việt Nam vào tiến trình hợp tác Á - Âu là việc tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh ASEM V tại Hà Nội. Mục tiêu của ASEM V là đưa ASEM đi vào các hoạt động thiết thực và hiệu quả hơn, sống động hơn không chỉ dừng lại ở đối thoại chính trị mà còn trong việc tăng cường hợp tác kinh tế. Việt Nam đã tổ chức một loạt các hoạt động liên quan đến Hội nghị thượng đỉnh này như Hội nghị về nghị viện Á - Âu; diễn đàn công đoàn, thanh niên, doanh nghiệp; diễn đàn nhân dân Á - Âu... Hội nghị ASEM V đã góp phần nâng cao hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế, thể hiện khả năng tổ chức thành công các sự kiện quốc tế lớn, và mức độ tín nhiệm của các nước đối với Việt Nam.

Việt Nam đang trong quá trình đổi mới, việc tham gia vào ASEM nói riêng, cũng như hội nhập quốc tế nói chung là cơ hội tốt để Việt Nam có thể nâng cao vị thế quốc tế của mình, tận dụng được nhiều cơ hội cho phát triển kinh tế và thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước, nhất là khi, các thành viên trong ASEM đều là những đối tác quan trọng của Việt Nam, hiện đang giữ tỷ trọng chính trong quan hệ kinh tế - thương mại của Việt Nam.

Tuy nhiên, Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi, do vậy, việc tham gia ASEM nói riêng và hội nhập quốc tế nói chung cũng đặt ra nhiều vấn đề thách thức phải giải quyết. Thể chế chính sách của chúng ta hiện còn nhiều bất cập so với các nước thành viên ASEM. Việc hoàn thiện hệ thống chính sách vừa phù hợp với mục tiêu, đường lối phát triển của đất nước, vừa phù hợp với thông lệ quốc tế là một nhiệm vụ nặng nề đối với Việt Nam trong giai đoạn này. Hơn nữa, Việt Nam còn đang trong giai đoạn đầu của quá trình công nghiệp hóa, còn có khoảng cách khá xa về trình độ phát triển kinh tế, công nghệ cũng như kinh nghiệm quản lý so với các nước thành viên khác của ASEM. Vì vậy, việc rút ngắn khoảng cách về trình độ phát triển giữa Việt Nam với các nước trong ASEM và việc khắc phục nguy cơ tụt hậu ngày càng xa về kinh tế là những thách thức lớn cả về trước mắt và lâu dài đối với Việt Nam.

* PGS, TS, Viện trưởng Viện Nghiên cứu châu Âu