Bát gốm, bát sắt

Nhị Bảo Lê
09:11, ngày 13-03-2007

Từ chiếc tủ kính bày biện đồ chơi của ông nội tôi, cứ đêm đêm, thường vọng ra những tiếng lào xào khoan nhặt, rì rầm nhỏ to, tựa hồ như một cuộc trò chuyện giữa hai chiếc bát. Lắng nghe, thì quả vậy. Một chiếc bát sắt tráng men bóng láng, sặc sỡ và bên kia là chiếc bát gốm thô tháp, xù xì; và, đều được ông tôi nắn nót bày đặt, lau chùi chi ly, cẩn thận vô chừng. Lúc đầu, đôi bên hàn huyên, tưởng như trên đời chẳng thể có câu chuyện nào và của ai lại khoan hòa, đằm thắm hơn của chúng.

Trong số khách khứa vào chơi, thì đa phần thường dồn miệng khen chiếc bát sắt tây tráng men, rằng nước sơn khéo thế, rằng bông hoa vẽ trên đó mới thật là tươi, rằng như thế mới là hợp thời; và, rằng… tràng giang đại hải, rặt những lời khen như… tháo khoán miệng. Ông nội tôi lấy làm khoái chí lắm và tha hồ như đắc ý về cái óc thẩm mỹ và sự lọc lõi của mình! Ngược lại, thảng hoặc chỉ vài ông khách mang dáng trầm mặc, kỹ lưỡng ngắm nghía chiếc bát gốm, và chỉ dè dặt, rằng ấy mới là thứ mà các ông thích. Điều này khiến ông nội tôi như có vẻ chẳng vui, thế rồi lâu dần, đâm ra lạnh nhạt cả chuyện trà dư tửu hậu với mấy ông khách nọ!

Không rõ có phải vì thế, mà sau đó, thường ngày ông tôi chỉ chăm chút lau chùi, ngắm nghía, vuốt ve chiếc bát sắt, một cách đắc ý, y như giữ bảo vật trong nhà. Và, dĩ nhiên, chả còn thời gian, hơi sức đâu mà ngó ngàng tới chiếc bát gốm kia nữa. Thậm chí có bữa loay hoay thế nào, ông nội tôi định quăng nó ra khỏi tủ, để thế vào đó cái bát sắt tây tráng men to uỵch nữa, nếu không có ông chú sang chơi can ngăn mấy lời. Và, không hiểu có phải bởi sự yêu chiều của ông nội tôi không, mà cái bát sắt càng trở nên bóng loáng, lại được tọa lạc ở chỗ sang trọng nhất, theo thế "mục hạ vô nhân"(!).

Có lẽ, vì thế, mà sau dần, từ đấy, đêm đêm trong tủ bày đồ chơi, không còn cảnh chuyện trò nữa, mà chỉ còn những màn độc thoại của cái bát sắt. Mỗi đêm, nó lại một hùng hồn, đâm ra thành sự ầm ỹ, khiến tôi cũng phải để tâm mà nghểnh tai nghe.

Cái bát sắt cao giọng: - Thương thay cái phận gốm sứ nhà ông! Sao cũng là một loài bát, một kiếp sống mà ông bị hắt hủi, đọa đầy làm vậy, há chẳng biết cả thẹn hay sao? Không biết tự bơm thổi mình, làm đẹp lòng ông chủ, thì chết. Chỉ chút tài nịnh nọt, khom lưng uốn gối, khi cần làm tôi tớ cũng được, mà đã được ông chủ yêu chiều, chăm chút, tin dùng, trao hẳn cho thế ngồi "mục hạ vô nhân"! Còn mình là chất gì, có làm được cái thá gì và có ích gì không, thì mặc thây thiên hạ.

Cái bát gốm lặng im!

Cái bát sắt vỗ ngực kiêu ngạo: - Như ta đây, vốn ngu dốt, nhưng do biết khéo che chắn hoặc lừa mượn danh kẻ khác, nên ai cũng ngỡ là tài; lòng dạ xấu xa nhưng do biết tìm mưu, kiếm mánh, chọn lúc đánh lừa, nên ai cũng tưởng ta là người mang chất tốt; điều gì không biết, u tối thì ngậm miệng cười trừ để giả đò là người thận trọng, chín chắn; nhất tề mọi việc, phải biết rào đón ý tứ người trên, lựa chiều phỉnh phờ kẻ dưới, rồi a dua để được tiếng khen là người "tâm phúc", rồi hùa theo để lấy tiếng là kẻ "phụng sự mọi người"… Còn hậu quả thế nào, thì "sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi". Ấy là đối với mình.

Cái bát gốm vẫn lặng im!

Được thể, cái bát sắt tây nhảy tót lên kệ, huếnh lên: - Còn đối với người, thì chọc gậy bánh xe, ngậm máu phun người, gắp lửa bỏ tay kẻ khác,… những món võ ấy phải luôn tu luyện để rất mực là tay thượng đẳng. Nếu việc đổ vỡ, thì tớ bước đằng tớ, thầy chạy đằng thầy, "ba mươi sáu chước"… những ngón nghề ấy phải luôn giữ vị là bậc thượng thừa trác việt. Chợt nó hạ giọng trầm xuống: - Sướng nhất là, gặp những ông chủ hời hợt nông cạn, tính khí nóng lạnh thất thường, trọng danh cao hơn trọng thực, bốc đồng nhưng bản thân thì lại bất cập, như ông chủ nhà đây, ta vừa phẩy tay, dụng có mấy mẹo vặt, mà việc lớn trong đời đã thành, nhẹ tựa lông hồng.

Cái bát gốm vẫn im lặng, tịnh như là đã ngủ!

Lần theo năm tháng, cái bát sắt tây ngày càng tốt mẽ, bảnh chọe tót ngồi ở vị trí sang trọng nhất nhì trong chiếc tủ bày đồ trang trí của ông tôi.

Một trận hỏa hoạn bất thần ụp xuống. Ông nội tôi bị bỏng rất nặng, may nhờ phúc ấm mới thoát chết. Đầu cuốn một đống băng, do bị cái bát sắt nóng đỏ úp xuống, lúc ông lao vào cứu tủ đồ chơi. Tới bữa ăn, cứ nhất nhất đòi đơm cơm cho ông bằng cái bát gốm, mà lạ thay vẫn vẹn nguyên, duy nhất còn sót lại, sau trận càn của giặc lửa. Nhưng, không ai hiểu cả. Cứ mỗi lần và cơm vào miệng, nước mắt ông tôi lại như chan vào bát. Và, lạ thay, miệng bát càng thắm đỏ như son giữa đôi làn môi tím tái của ông nội tôi cũng đang hồng dần lên, như có phép lạ của "gốm sứ là đứa con của Thần Đất Mẹ".

Bất giác, ông nội tôi chỉ tay ra cái nhà nham nhở tro than, sau trận mưa cuối thu, lại càng trở nên lạnh lẽo, thê lương, như định nói một câu gì đó và tự khẽ gật đầu. Chú tôi đưa mắt nhìn tôi. Phải! Cái bát sắt tây bóng bẩy và sặc sỡ biến mất ở đâu?, sao chỉ thấy một cái xác sắt, mà cố lắm mới nhận ra hình thù cái bát, đen kịt, méo mó, quăn queo, đã lên màu hoen gỉ, nằm chỏng gọng bên cái cột nhà cháy dở, nơi góc tối cuối vườn!