Kon Plông – 5 năm một chặng đường
Ngày 31-1-2002, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum được thành lập. Từ một huyện nghèo, gặp vô vàn khó khăn khi mới thành lập, sau 5 năm phát huy truyền thống cách mạng anh hùng trong kháng chiến, với sự nỗ lực, phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân, Kon Plông hôm nay đã thực sự "thay da, đổi thịt", đạt được một số thành tựu đáng tự hào trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng.
Nghị định 14/NĐ-CP, ngày 31-1-2002 của Chính phủ đã chia tách huyện Kon Plông cũ thành hai huyện Kon Plông và Kon Rẫy. Nằm ở phía Đông Bắc của tỉnh Kon Tum, Kon Plông có diện tích tự nhiên trên 136 km2, trong đó diện tích lâm nghiệp trên 101 km2, độ che phủ rừng trên 80% với nhiều rừng nguyên sinh và hệ thống khe suối dày đặc đã tạo nên nhiều thắng cảnh phù hợp với du lịch sinh thái. Tính từ khi chia tách, toàn huyện có 6 đơn vị hành chính xã, 66 thôn, dân số khoảng 17.000 người với hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số Mơ Nông, Xê Đăng, Ka Dong (trên 98%).
Tại thời điểm chia tách, Đảng bộ và nhân dân huyện gặp muôn vàn khó khăn, thách thức cả về khách quan lẫn chủ quan. Với địa hình bị chia cắt phức tạp bởi hệ thống sông suối và đồi núi cao nên giao thông đi lại luôn bị ách tắc, đặc biệt là vào mùa mưa, 3/6 xã chưa có đường ô-tô vào trung tâm, 6/6 xã chưa có điện, trình độ dân trí thấp v.v.. dẫn đến vấn đề chỉ đạo, hướng dẫn nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, áp dụng các tiến bộ của khoa học, kỹ thuật còn bất cập. Nhân dân vẫn quen với sản xuất tự cung tự cấp, phương thức tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu dựa vào thiên nhiên. Tình trạng du canh, du cư, khai thác rừng làm nương rẫy vẫn còn. Huyện có 5/6 xã thuộc vùng III, thu nhập bình quân đầu người chỉ đạt 1,9 triệu đồng/năm. Kết cấu hạ tầng hầu như chưa phát triển, giao thông chủ yếu là đi bằng lối mòn, băng rừng núi, nước sinh hoạt cho dân chưa được quan tâm đúng mức. Ngày mới chuyển về huyện mới, các cơ quan, ban, ngành ở Kon Plông chưa có trụ sở, tất cả cán bộ đều phải làm việc, ăn nghỉ trong 3 khu nhà tạm.
Các vấn đề xã hội còn nhiều bất cập, giáo viên thiếu nhiều, nhất là giáo viên mầm non (toàn huyện chưa có một trường mầm non nào). Trang thiết bị cho giáo dục còn thiếu, chế độ cho học sinh bán trú, giáo viên vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn; 6/6 xã chưa có trạm y tế kiên cố, trình độ chuyên môn của y tế thôn, làng yếu.
Công tác xây dựng đảng, củng cố hệ thống chính quyền còn nhiều bất cập. Hoạt động điều hành của hệ thống chính quyền chưa đi vào nền nếp. Hội đồng nhân dân chưa thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ của mình. Các đợt tiếp xúc cử tri ở thôn, làng còn mang tính hình thức, đối phó. Ủy ban nhân dân chưa thực hiện tốt vai trò quản lý, điều hành, giải quyết công việc còn thụ động, tư tưởng trông chờ, ỷ lại cấp trên còn tồn tại. Mặt trận, các đoàn thể chưa được củng cố, kiện toàn, hoạt động kém hiệu quả.
Ở địa bàn cơ sở nhiều lúc vẫn còn mất cảnh giác cách mạng, các thế lực thù địch vẫn len lỏi vào kích động, dụ dỗ nhân dân thực hiện những âm mưu đi ngược lại với lợi ích của Đảng, Nhà nước. Một số địa bàn giáp ranh vẫn còn để xảy ra các vụ trộm, cắp tài sản của nhân dân, các vụ việc chưa được giải quyết triệt để ở cơ sở.
Qua hai nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ huyện (lần thứ XV năm 2002 và lần thứ XVI năm 2005), huyện Kon Plông hôm nay đã có bước phát triển mới trên tất cả các lĩnh vực, kinh tế tăng trưởng nhanh, văn hóa, xã hội có nhiều khởi sắc, đói nghèo dần được đẩy lùi, hệ thống chính trị được củng cố, an ninh, quốc phòng luôn được ổn định và giữ vững.
Một là, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2002 - 2007 đạt trên 17%, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: nông - lâm nghiệp chiếm 46,1%, công nghiệp - xây dựng là 35,39%, thương mại - dịch vụ tăng 18,51%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 2,9 triệu đồng /năm. Tổng diện tích gieo trồng năm 2005 đạt 5.026 ha, trong đó cây lúa 3.094 ha, cây lâu năm 493 ha. Tổng sản lượng lương thực đạt 8.890 tấn; lương thực bình quân đầu người đạt 440 kg/năm. Chăn nuôi phát triển khá, tổng đàn gia súc có trên 17.000 con.
Với việc vận động giãn dân, tách hộ lập vườn theo quy hoạch và lồng ghép có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia triển khai trên địa bàn như Chương trình 154, 134, 159, 139, 132 của Chính phủ, đời sống của đại bộ phận nhân dân đã có bước chuyển biến đáng mừng. Đến nay, công tác định canh, định cư cơ bản đã được giải quyết, tình trạng chặt phá rừng làm nương rẫy được hạn chế tối đa. Hệ thống thương mại ngày càng phát triển, từ xã đến thôn đều có các hộ kinh doanh cá thể, buôn bán lẻ phục vụ nhu cầu trao đổi, lưu thông hàng hóa cho nhân dân.
Năm năm qua, công tác đầu tư xây dựng cơ bản được chú trọng, với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, hàng trăm ki-lô-mét đường liên thôn, liên xã đã được tu sửa, xây dựng mới. Một số xã trước đây chưa có đường ô-tô đến trung tâm như Ngọc Tem, Đắc Ring đã được tỉnh cho chủ trương đầu tư xây dựng. Các công trình thủy lợi đầu mối và hệ thống kênh mương dẫn nước được tu bổ và từng bước kiên cố hóa. Điện lưới quốc gia đến được 9/9 xã, với trên 60% tổng số thôn (so với 02 thôn năm 2002). Điện thoại, điện báo phát triển mạnh, 5/9 xã đã có bưu điện văn hóa (so với 02 xã năm 2002), 9/9 xã có điện thoại, báo chí được chuyển về tận thôn làng, tại trung tâm huyện, nhiều mạng điện thoại di động được phủ sóng đáp ứng nhu cầu thông tin liên lạc ngày càng cao.
Khu du lịch sinh thái Măng Đen đang triển khai quy hoạch chi tiết, đã đầu tư xây dựng nhiều công trình phục vụ du lịch như các tuyến đường vào Hồ Toong Đam, Thác Đắc, đường vào thủy điện Đắc Pôn. Với chủ trương thu hút đầu tư cho du lịch sinh thái, đến nay hàng chục biệt thự, nhà nghỉ đang được đầu tư xây dựng. Trụ sở các cơ quan đã được đầu tư xây dựng khang trang. Với điều kiện tự nhiên ưu đãi, nhiều cảnh quan đẹp cùng với việc quy hoạch, đầu tư hợp lý, khu du lịch sinh thái Măng Đen đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp với Tổng cục Du lịch xây dựng Đề án trình Chính phủ phê duyệt khu du lịch sinh thái quốc gia.
Hai là, lĩnh vực văn hóa - xã hội cũng đạt được nhiều thành quả đáng khích lệ, hệ thống trường học được đầu tư xây dựng kiên cố hóa, từ năm 2002 đến nay đã được duy tu, sửa chữa và xây dựng mới 129 phòng học. Hệ thống giáo dục từ mầm non đến phổ thông phát triển mạnh cả về số lượng và chất lượng, cơ sở vật chất trường lớp tiếp tục đầu tư nâng cấp, đội ngũ giáo viên được tăng cường. Công tác xã hội hóa giáo dục được các ngành, các cấp và nhân dân hưởng ứng tích cực, một số xã thành lập được trung tâm học tập cộng đồng. Phong trào vận động đưa trẻ đến trường, duy trì sĩ số học sinh, chăm lo đời sống cho giáo viên vùng sâu, vùng xa và các em học sinh bán trú được quan tâm chu đáo. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm tốt hơn, hệ thống y tế từ huyện đến cơ sở đã được chú trọng đầu tư, đến nay cơ sở vật chất, trang thiết bị khám - chữa bệnh tại Trung tâm y tế huyện được trang bị cơ bản.
Hoạt động văn hóa, thông tin, phát thanh - truyền hình ngày càng phát triển, 7/9 xã có phủ sóng truyền hình, 100% số xã thu được sóng phát thanh. Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vận động nhân dân xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa ngày càng đi vào chiều sâu đến tất cả các thôn, làng và cụm dân cư.
Công tác xóa đói, giảm nghèo được đặc biệt quan tâm. Đến nay nhân dân đã vay được 8,74 tỉ đồng để phát triển sản xuất, số hộ đói giảm từ 56% năm 2002 xuống còn 26% năm 2007 (theo chuẩn năm 2000). Chính sách đối với người có công, gia đình thương binh, liệt sĩ và các đối tượng chính sách được thực hiện chu đáo.
Ba là, công tác tuyên truyền, giáo dục nhân dân và các lực lượng vũ trang đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng trong thời kỳ mới được triển khai thường xuyên. Công tác truy quét làm trong sạch địa bàn được thực hiện triệt để. Lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên không ngừng tăng cường, nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Đến nay 100% số xã thành lập được chi bộ quân sự, 100% xã đội trưởng tham gia vào cấp ủy; 100% thôn, làng, cơ quan đều có lực lượng dân quân tự vệ, tỷ lệ dân quân tự vệ là đảng viên chiếm 10,1%, đã biên chế 01 tiểu đoàn quân dự bị động viên của huyện, 10 trung đội dân quân cơ động; 100% lực lượng dân quân tự vệ và dự bị động viên được huấn luyện. Công tác khám tuyển nghĩa vụ quân sự hằng năm thực hiện đầy đủ, đạt chỉ tiêu kế hoạch được giao. Phát huy truyền thống cách mạng quý báu đó, huyện và hai xã Đắc Ring, Đăknên đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang.
Bốn là, vai trò lãnh đạo của Đảng ngày càng được phát huy, hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở được củng cố, kiện toàn. Các tổ chức cơ sở đảng được sắp xếp sát dân, sát nhiệm vụ chuyên môn, nhờ vậy đã nâng cao năng lực và sức chiến đấu của Đảng, kịp thời nắm bắt tâm tư nguyện vọng của nhân dân, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị phù hợp. Với việc phân công đảng viên phụ trách hộ, nhóm hộ, phân công cấp ủy viên phụ trách xã, cơ quan phụ trách thôn theo Nghị quyết 01-NQ/TU, công tác phát triển đảng viên được đẩy mạnh. Từ năm 2002 đến tháng 01 năm 2007 toàn Đảng bộ kết nạp được gần 500 đảng viên. Công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ thực hiện đúng quy trình, quy định.
Năm là, hoạt động điều hành của hệ thống chính quyền được củng cố với việc cho nghỉ chế độ đối với cán bộ già yếu, không bảo đảm sức khỏe, buộc thôi việc đối với cán bộ không đủ trình độ chuyên môn, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đồng thời điều động, luân chuyển cán bộ có năng lực ở huyện về giữ các cương vị chủ chốt ở xã, hệ thống chính trị cơ sở đã có chuyển biến vượt bậc, chất lượng hoạt động của Hội đồng nhân dân được nâng lên. Các nghị quyết được xây dựng bám sát thực tiễn, sát dân nên phát huy hiệu quả, vai trò giám sát ngày càng được cải thiện. Công tác quản lý, điều hành của chính quyền đi vào quy củ, một số xã trước đây cán bộ chỉ làm việc từ 01 đến 02 ngày/tuần, đến nay tất cả các xã đều xây dựng quy chế làm việc 8 giờ/ngày. Vì vậy, các vấn đề nổi cộm, các vụ việc gây bức xúc ở sơ sở được chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Mặc dù vẫn là huyện nghèo của tỉnh và trong quá trình chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội còn gặp muôn vàn khó khăn, thử thách; song với tinh thần đoàn kết gắn bó, ý chí tự lực, tự cường, Đảng bộ và nhân dân huyện chắc chắn sẽ dốc hết tâm trí và sức lực thực hiện thắng lợi những mục tiêu mà Nghị quyết Đại hội XVI đã đề ra giai đoạn 2005- 2010, thể hiện cụ thể:
Thứ nhất, tiếp tục chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chú trọng qui hoạch vùng để chuyên canh các giống cây trồng, vật nuôi thích hợp. Từ quy hoạch chi tiết, xây dựng nhiều mô hình VAC, VACR, phát triển đồng cỏ chăn nuôi đại gia súc như trâu, bò, ngựa, dê; đồng thời tận dụng thời gian nhàn rỗi trong nhân dân đẩy mạnh chăn nuôi các giống gia cầm như gà, ngan, ngỗng nhằm tạo thêm thu nhập.
Thực hiện các chương trình, dự án đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn theo hướng phân cấp quản lý mạnh cho cơ sở, phù hợp với điều kiện từng địa phương, bảo đảm tập trung, chất lượng và hiệu quả, huy động sức lao động trong dân nhằm vừa tăng thu nhập, vừa tham gia quản lý, giám sát, bảo vệ các công trình. Tổ chức lồng ghép một cách đồng bộ, có hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia và Chương trình xóa đói, giảm nghèo; đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các hộ nghèo sử dụng đúng mục đích nguồn vốn, tổ chức tập huấn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi cho nhân dân bằng nhiều hình thức, phương pháp phù hợp.
Thứ hai, sử dụng lợi thế khu du lịch Măng Đen để đẩy mạnh tốc độ phát triển du lịch và dịch vụ gắn với việc xây dựng thị trấn huyện lỵ. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng khai thác triệt để lợi thế về khí hậu, cảnh quan thiên nhiên, du lịch sinh thái, huy động mọi nguồn lực và xúc tiến đầu tư hạ tầng kinh tế - xã hội khu trung tâm huyện theo hướng phát triển du lịch, dịch vụ, xây dựng các khu chức năng (khu thương mại, khu công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, khu du lịch). Có chính sách thu hút dân cư có chọn lọc, khắc phục tình trạng di dân nhưng không bố trí được lao động phù hợp dẫn đến việc khai thác rừng làm nương rẫy, khai thác lâm sản trái phép như một số địa phương trước đây, nhằm sớm đưa Măng Đen trở thành đô thị loại 5, đồng thời trở thành khu du lịch sinh thái trọng điểm của tỉnh, và là nơi giao lưu kinh tế, văn hóa giữa các tỉnh duyên hải miền Trung - Tây nguyên và vùng tam giác Đông Dương qua cửa khẩu quốc tế Bờ Y - Ngọc Hồi.
Thứ ba, chăm lo phát triển toàn diện các vấn đề văn hóa - xã hội, đặc biệt chú trọng công tác giáo dục, y tế. Tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, thành lập các trường trung học cơ sở, trung tâm học tập cộng đồng tại xã, trung tâm giáo dục thường xuyên tại huyện, bảo đảm mỗi thôn có lớp mầm non, có chính sách phù hợp cho học sinh bán trú, giáo viên vùng sâu, vùng xa, tiếp tục duy trì và phát huy hình thức bán trú dân nuôi tại một số đơn vị, trường học. Đầu tư xây dựng trạm y tế kiên cố tại các xã, thường xuyên tổ chức tập huấn, đào tạo cho đội ngũ cán bộ y tế xã, thôn, có chính sách phù hợp thu hút bác sĩ về huyện và xã; thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia về y tế, triển khai thực hiện tốt công tác bảo vệ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, công tác dân số - kế hoạch hóa gia đình.
Giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng thiết chế văn hóa thôn, làng như duy trì và phát huy các hình thức lễ hội (Lễ hội cồng chiêng, lễ ăn lúa mới, lễ hội đâm trâu v.v..), tiếp tục vận động nhân dân xây dựng nhà văn hóa thôn, làng, phát triển mạnh phong trào thể dục - thể thao từ huyện đến cơ sở v.v..
Thứ tư, tiếp tục chú trọng công tác xây dựng đảng, vận động quần chúng. Chỉ đạo thực hiện tốt đề án về phát triển đảng viên, đề án về công tác cán bộ và chương trình xây dựng và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên từ huyện đến thôn làng giai đoạn 2005 - 2010, trong đó chú ý đến việc phát triển đảng ở những thôn, làng vùng sâu, vùng xa, phấn đấu xóa thôn làng trắng về đảng viên và trắng tổ chức cơ sở đảng. Tiếp tục rà soát lại đội ngũ cán bộ để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng cán bộ phù hợp, trong đó chú ý phát triển cán bộ là đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ, cán bộ trẻ có năng lực, trình độ. Tích cực củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, tiếp tục kiện toàn bộ máy nhằm nâng cao hơn nữa vai trò vận động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức đoàn thể nhằm thực hiện tốt các phong trào, các chủ trương, chính sách do các cấp ủy đảng chỉ đạo, phát động. Cùng với vấn đề phát triển kinh tế, chúng ta tiếp tục sắp xếp, phân bố lại dân cư hợp lý, bảo đảm tạo thế trận phòng thủ vững chắc về quốc phòng an ninh; đồng thời thường xuyên thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách tôn giáo, chính sách xã hội; giải quyết tốt các tranh chấp, mâu thuẫn ở sơ sở, nhất là vấn đề đất đai, tôn giáo.
Đồng bào công giáo thi đua sống tốt đời đẹp đạo  (15/01/2007)
Hoạt động đối ngoại của Việt Nam năm 2006  (15/01/2007)
Những chặng đường đi đến Quy chế Thương mại bình thường vĩnh viễn Việt Nam – Hoa Kỳ  (15/01/2007)
Về vấn đề phát triển nông nghiệp, nông thôn ở nước ta trong thời kỳ mới  (15/01/2007)
Năm 2007, biến cơ hội thành hiện thực phát triển sống động  (15/01/2007)
- Tự quản trong cộng đồng xã hội đối với quá trình xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam (kỳ 1)
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên