Xu hướng chính sách của các quốc gia ở khu vực Nam Á đối với cạnh tranh Trung Quốc - Ấn Độ và một số hàm ý đối với Việt Nam
TCCS - Thời gian gần đây, cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ tại khu vực Nam Á đã và đang tác động không nhỏ đến các quốc gia trong khu vực. Xu hướng vừa hợp tác, vừa cạnh tranh, trong đó cạnh tranh đang có chiều hướng gia tăng mạnh hơn trong quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ, mang lại cả cơ hội lẫn thách thức, khiến các nước trong khu vực phải lựa chọn cách ứng xử nhằm bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc của mình.
Trong quan hệ quốc tế, các nước vừa và nhỏ thường có chính sách cân bằng quan hệ với các nước lớn bằng cách tham gia các liên minh đối lập hoặc hợp tác với đối tác mạnh hơn trong cạnh tranh quyền lực quốc tế. Tuy nhiên, điều này không hẳn là đúng ở Nam Á khi hầu hết các quốc gia nhỏ duy trì sự tự chủ chiến lược trong cân bằng với các nước lớn. Khi cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ trở thành một phần của cục diện Nam Á, các quốc gia nhỏ trong khu vực bắt đầu sử dụng “đòn bẩy” chính sách của riêng mình. Theo đó, các quốc gia Nam Á đã tận dụng sự nhượng bộ và nguồn lực từ cả Trung Quốc và Ấn Độ mà không cần liên kết chính thức hoặc không chính thức với một trong hai quốc gia. Điều này được thể hiện qua chiến lược “phòng bị nước đôi”, chính sách “phù thịnh”, chính sách “cân bằng” và chính sách “chọn bên” mà các quốc gia Nam Á này đang triển khai để phản ứng với cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ trong khu vực.
Điều đặc biệt là mặc dù có sự khác biệt về mục tiêu trong cạnh tranh chiến lược nhưng cả Trung Quốc và Ấn Độ đều coi Nam Á là khu vực quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Đối với Ấn Độ, Nam Á là khu vực ưu tiên chính trị hàng đầu, là cầu nối để Ấn Độ trở thành một trụ cột trong trật tự tự do và rộng mở ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Còn đối với Trung Quốc, Nam Á là khu vực quan trọng trong chiến lược chuyển đổi trật tự an ninh và chính trị Á - Âu, đồng thời được coi là “bàn đạp” cho mục tiêu trở thành cường quốc hàng đầu châu Á của Trung Quốc. Thông qua Sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI), Trung Quốc mong muốn đạt được các mục tiêu kinh tế - nền tảng cho việc đạt được các mục tiêu chính trị của quốc gia này ở Nam Á, từng bước mở rộng ảnh hưởng ra toàn lục địa Á - Âu. Do đó, đối với Trung Quốc, Nam Á không chỉ là địa bàn cạnh tranh chiến lược với Ấn Độ, mà còn là “sân chơi” để phục vụ cho chiến lược trở thành cường quốc số một tại khu vực châu Á của Trung Quốc. Chính vì vậy, hầu hết các quốc gia Nam Á đều tìm cách tối đa hóa lợi ích kinh tế và chính trị khi cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ gia tăng ở trong khu vực(1). Hiện nay, không chỉ Maldives và Sri Lanka, mà cả Bangladesh và Nepal, các đối tác truyền thống của Ấn Độ cũng bắt đầu trạng thái “cân bằng động” giữa hai cường quốc châu Á. Do sự khác biệt về lợi ích, nên các quốc gia Nam Á có phản ứng và xu thế chiến lược khác nhau đối với cạnh tranh Trung Quốc - Ấn Độ trong khu vực.
Chiến lược “phòng bị nước đôi” (hedging)
“Phòng bị nước đôi” là theo đuổi đồng thời nhiều chính sách khác nhau, thậm chí đối nghịch nhau, vừa hợp tác, vừa đấu tranh, vừa thỏa hiệp, vừa phòng bị... để duy trì mối quan hệ ổn định với nước lớn, khai thác được những lợi ích và mặt tích cực trong quan hệ với các nước lớn và đề phòng rủi ro chiến lược từ nước lớn. Hiện nay, trong bối cảnh Ấn Độ và Trung Quốc đang gia tăng cạnh tranh tại Nam Á, một số quốc gia trong khu vực theo đuổi chính sách “phòng bị nước đôi” nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia của mình, mà vẫn giữ mối quan hệ hòa bình, ổn định với cả Ấn Độ và Trung Quốc. Bên cạnh đó, chiến lược này cũng chứa đựng yếu tố “phòng bị” (đề phòng, chuẩn bị) đối với các rủi ro có thể xảy ra khi các quốc gia nhỏ tham gia ứng xử với các nước lớn. Chiến lược “phòng bị nước đôi” của một số quốc gia Nam Á được thể hiện:
Thứ nhất, vừa hợp tác, vừa thỏa hiệp. Điều này thể hiện ở việc các quốc gia Nam Á duy trì trạng thái “im lặng để hưởng lợi”, tiếp nhận hoặc ủng hộ các chiến lược, chương trình hợp tác đầu tư, kinh tế của cả Ấn Độ và Trung Quốc trong khu vực; khẳng định ảnh hưởng, cam kết chính trị của Ấn Độ và tiếp nhận các sáng kiến đầu tư xuyên biên giới của Trung Quốc; hợp tác trực tiếp hoặc gián tiếp với Trung Quốc thông qua hợp tác kinh tế, ký kết các văn bản chính trị. Xu hướng này chủ yếu diễn ra ở các nước nhỏ và tầm trung, như Nepal, Bangladesh, Sri Lanka, Maldives… Theo đó, các quốc gia này xem Ấn Độ là chủ thể có sức ảnh hưởng văn hóa, lịch sử và chính trị số một trong khu vực. Đồng thời, nhìn nhận Trung Quốc là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực, cải thiện kết cấu hạ tầng, thương mại và đầu tư giúp đưa Nam Á thành một mạng lưới sản xuất lớn ở châu Á. Mặt khác, dưới góc độ sức mạnh kinh tế, quốc phòng, hiện nay và trong tương lai gần, Ấn Độ vẫn là quốc gia có ảnh hưởng lớn nhất ở Nam Á, các quốc gia nhỏ và tầm trung trong khu vực ít nhiều vẫn sẽ phụ thuộc vào Ấn Độ. Mặc dù sự mở rộng ảnh hưởng của Ấn Độ mang lại nhiều cơ hội cho Nam Á, nhưng cũng tạo ra “sự quan ngại” cho các quốc gia trong khu vực. Do đó, cạnh tranh Trung Quốc - Ấn Độ ở khu vực này cũng tạo cơ hội cho các nước này đưa ra các tính toán chiến lược nhằm phát huy tối đa lợi ích quốc gia của mình. Ngoài ra, với tư cách trung tâm của khu vực, Ấn Độ vẫn là ưu tiên số một trong các chương trình nghị sự về kinh tế và an ninh của các nước nhỏ và tầm trung ở Nam Á. Tuy nhiên, với tiềm lực về kinh tế và các nỗ lực gia tăng sức mạnh quốc phòng của Trung Quốc ở khu vực cũng khiến các quốc gia đang nỗ lực cân bằng thông qua hợp tác với cả Ấn Độ và Trung Quốc.
Thứ hai, phản ứng phòng bị nước đôi nhằm tránh bị “kẹt” và rơi vào thế “lưỡng nan” trong quan hệ với cả Trung Quốc và Ấn Độ. Tùy vào từng quốc gia, mức độ phản ứng này có sự khác nhau. Để “phòng bị” với cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ, các quốc gia Nam Á chọn “hợp tác” với cả Ấn Độ và Trung Quốc, tránh quá phụ thuộc vào một trong hai nước, “cân bằng cứng” và “cân bằng mềm” thông qua “cân bằng bên trong” và “cân bằng bên ngoài”. Tuy nhiên, sự quyết đoán của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương trên các mặt trận ngoại giao, vấn đề kinh tế, môi trường… đã tạo nên tâm lý lo ngại, cảnh giác của các quốc gia trong khu vực đối với tham vọng chiến lược của Trung Quốc. Do vậy, nhiều nước Nam Á đang tìm cách giảm sự phụ thuộc về kinh tế vào Trung Quốc thông qua các mối quan hệ an ninh mạnh mẽ hơn với Ấn Độ theo những cách khác nhau. Xu hướng này vừa giúp cân bằng quan hệ giữa Trung Quốc và Ấn Độ, vừa nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia cho các nước trong khu vực. Hay nói cách khác, đây cũng là cơ hội để các quốc gia Nam Á dựa vào Trung Quốc để phát triển kinh tế, nhưng không nhất thiết đi theo “mô hình phát triển” của Trung Quốc.
Gần đây, một số quốc gia Nam Á đã thể hiện rõ chiến lược phòng bị đối với Trung Quốc, trong đó phải kể đến Sri Lanka và Maldives. Hai quốc gia này áp dụng chiến lược phòng bị, chấp nhận vai trò “bá chủ” khu vực của Ấn Độ và coi Trung Quốc là nhân tố đối trọng đối với Ấn Độ. Chiến lược của Sri Lanka cho thấy các quốc gia nhỏ mặc dù ở thế bất lợi hơn so với các cường quốc, nhưng nếu biết tận dụng lợi thế về vị trí địa lý và bối cảnh khu vực thì vẫn có thể bảo đảm được lợi ích quốc gia. Sri Lanka duy trì quan hệ hữu nghị với cả hai cường quốc để có được lợi thế về kinh tế, tận dụng cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ thành cơ hội để bảo đảm lợi ích quốc gia. Chiến lược phòng bị nhằm ngăn ngừa rủi ro được thể hiện rõ nét trong phản ứng của Sri Lanka với Trung Quốc. Năm 2021, Sri Lanka cấm nhập khẩu phân bón từ Trung Quốc, hủy bỏ các dự án năng lượng của Trung Quốc ở bán đảo Jaffna và đề nghị với Ấn Độ một thỏa thuận để phát triển khu cảng chứa dầu ở Trincomalee. Các quốc gia nhỏ hơn cũng đã bắt đầu ngưng tiếp nhận các khoản đầu tư của Trung Quốc và tìm đến các đối tác hỗ trợ phát triển có tính an toàn hơn, như Ấn Độ, Nhật Bản. Tuy nhiên, được ví là một “hạt ngọc” trong “chuỗi ngọc trai” của Trung Quốc và là đối tác truyền thống lâu năm của Ấn Độ, Sri Lanka hiện vẫn tiếp nhận hỗ trợ tài chính và đầu tư từ cả Ấn Độ và Trung Quốc. Các chính phủ kế nhiệm của Sri Lanka khẳng định, nước này sẽ không lựa chọn đối tác mà thay vào đó, sẵn sàng hợp tác với tất cả các quốc gia, bao gồm cả Ấn Độ và Trung Quốc, để đạt được các mục tiêu phát triển của mình.
Ngoài Sri Lanka, Maldives cũng duy trì chính sách cân bằng lợi ích từ cả hai cường quốc láng giềng châu Á này. Mặc dù Maldives duy trì quan hệ chính trị tốt đẹp với “người anh cả” Ấn Độ, nhưng quốc đảo này cũng muốn hưởng lợi từ các khoản đầu tư kinh tế khổng lồ của Trung Quốc để phát triển kinh tế và đó là lý do Maldives tham gia Sáng kiến BRI của Trung Quốc. Trong khi đó, Mauritus có cách tiếp cận với cả Ấn Độ và Trung Quốc theo cách có lợi cho quốc đảo này, chấp nhận vai trò lãnh đạo của Ấn Độ nhưng cũng không hạn chế vai trò của Trung Quốc. Còn chiến lược của Seychelles là tối đa hóa lợi ích thu được từ quan hệ hợp tác với cả Ấn Độ và Trung Quốc.
“Phù thịnh” (bandwagoning) là chính sách được nhiều nước nhỏ theo đuổi trong quan hệ với nước lớn. Theo đó, nước nhỏ lựa chọn “thần phục” nước lớn, chấp nhận địa vị thấp hơn của mình để có được lợi ích về an ninh, kinh tế và mối quan hệ tương đối ổn định với nước lớn(2). Chính sách trung lập cũng là một biến thể với nhiều sự tương đồng với chính sách “phù thịnh”. Chính sách này cũng được các quốc gia Nam Á áp dụng khi ứng phó với những tác động từ cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ. Mục tiêu của chính sách này là cân bằng giữa lợi ích kinh tế và an ninh trong quan hệ với Ấn Độ và Trung Quốc. Trong bối cảnh cấu trúc an ninh khu vực Nam Á hiện nay là “một trật tự an ninh bá quyền” với việc Ấn Độ chiếm ưu thế gần như tuyệt đối về sức mạnh quân sự so với các nước khác; còn Trung Quốc lại đang không ngừng gia tăng hiện diện về kinh tế, quân sự, các nước nhỏ hơn (ngoại trừ Pakistan) đều lựa chọn theo đuổi chính sách “phù thịnh” nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia và tránh bị “đe dọa” bởi các nước lớn(3). Bên cạnh chiến lược “phòng bị nước đôi”, các quốc gia nhỏ hơn ở Nam Á như Nepal, Maldives và Sri Lanka lựa chọn cách tiếp cận trung lập trong cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ (4). Nepal, Sri Lanka và Bangladesh, những nước có mối quan hệ truyền thống với Ấn Độ, gần đây đều có xu hướng nghiêng về Trung Quốc. Bất chấp sự phản đối của Ấn Độ, các quốc gia Nam Á, ngoại trừ Bhutan, đều đã tham gia BRI của Trung Quốc. Có thể thấy, mặc dù theo đuổi các chiến lược khác nhau nhưng các quốc gia này đều hướng tới mục tiêu tối đa hóa sự độc lập và cơ hội phát triển của đất nước.
Maldives có nền kinh tế phát triển chủ yếu dựa vào ngành công nghiệp du lịch - với tỷ trọng chiếm khoảng 1/4 GDP. Sức ảnh hưởng của Trung Quốc đối với nền kinh tế quốc đảo này không chỉ thể hiện trong lĩnh vực đầu tư kết cấu hạ tầng, mà còn ở việc quốc gia này chiếm tới 25 - 35% lượng khách du lịch của Maldives. Ngoài ra, do Maldives không đủ nguồn lực để thực hiện các dự án xây dựng lớn nhằm đáp ứng nhu cầu kép là nâng cấp kết cấu hạ tầng du lịch và thúc đẩy phát triển kinh tế, nên nguồn vốn từ Trung Quốc ngày càng đóng một vai trò quan trọng. Các dự án kết cấu hạ tầng quan trọng của quốc đảo này đều do các doanh nghiệp quốc doanh của Trung Quốc đấu thầu. Tháng 9-2014, Maldives đã ký hợp đồng với Tập đoàn Xây dựng đô thị của Bắc Kinh để xây dựng dự án trọng điểm sân bay Male, vì vậy dòng tiền của Trung Quốc đang hiện diện đáng kể trong các tài khoản tài chính của Maldives. Tuy nhiên, Ấn Độ từ lâu cũng là nhà đầu tư và cung cấp viện trợ nước ngoài lớn nhất của Maldives. Chính sách của Maldives đến nay cho thấy, Maldives đã nhất quán tuân theo việc tạo dựng các mối quan hệ mới với Trung Quốc trong khi vẫn duy trì tăng cường gắn kết với Ấn Độ và công khai khẳng định vị trí trung tâm của Ấn Độ trong chính sách đối ngoại. Bên cạnh thúc đẩy quan hệ kinh tế với Trung Quốc, Maldives cũng hướng tới việc củng cố, tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Ấn Độ.
Chính sách này được thể hiện rõ nét đối với trường hợp của Bangladesh. Vì mục tiêu hòa bình, quốc gia này luôn nhấn mạnh cần có chính sách “phù hợp” với Ấn Độ. Điều này không chỉ bắt nguồn từ vấn đề lịch sử, chính trị của quốc gia này với Ấn Độ, mà còn bởi vị trí địa lý của Bangladesh hầu như bị “khóa chặt” bởi Ấn Độ. Dưới thời kỳ Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi, mối quan hệ Bangladesh - Ấn Độ đạt được nhiều thành quả nhất định. Tháng 5-2015, hai nước đạt được Thỏa thuận ranh giới trên đất liền. Tháng 6-2015, trong chuyến thăm của Thủ tướng Ấn Độ N. Modi đến Bangladesh, có tới 22 hiệp định song phương đã được ký kết. Tuy nhiên, hiện nay, vẫn còn một số rào cản trong quan hệ hai nước, như việc chia sẻ nước của sông Teesta dài 414 dặm chảy qua Tây Bengal, Sikkim và Bangladesh vào Vịnh Bengal cùng một số vấn đề khác như bạo loạn, bất ổn ở biên giới.
Quan hệ Bangladesh - Trung Quốc được xem là mô hình điển hình của mối quan hệ giữa Trung Quốc với các quốc gia Nam Á. Trung Quốc là nguồn cung cấp khí tài quân sự chính cho Bangladesh. Trong chuyến thăm của Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình đến Bangladesh (năm 2016), quan hệ song phương đã được nâng lên thành đối tác chiến lược hợp tác. Hiện nay, Bangladesh đã tham gia BRI và Dự án Hành lang kinh tế (BCIM, bao gồm Bangladesh, Trung Quốc, Ấn Độ, Myanmar).
Như vậy, cả Ấn Độ và Trung Quốc đều là các đối tác hàng đầu của Bangladesh xét cả về khía cạnh chính trị, an ninh và kinh tế. Trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Ấn Độ, Bangladesh đã lựa chọn “chính sách cân bằng”(5). Điều này được thể hiện:
Thứ nhất, để duy trì quan hệ tốt đẹp với Ấn Độ, Chính phủ Bangladesh giữ vững lập trường trong việc bảo đảm rằng đất đai của Bangladesh không được sử dụng cho các hoạt động của một số nhóm nổi dậy và ly khai ở vùng Đông Bắc Ấn Độ. Ngoài ra, đối với việc Ấn Độ xem việc Trung Quốc đầu tư và xây dựng cảng biển nước sâu gần thành phố Chittagong (Bangladesh) là một mối đe dọa an ninh thì Bangladesh cũng tuyên bố đang có những cân nhắc. Bangladesh đã duy trì chính sách “cân bằng” để hưởng lợi từ nguồn đầu tư của cả Trung Quốc và Ấn Độ thông qua việc vừa tham gia BRI, vừa là cầu nối cho Ấn Độ và Trung Quốc thông qua BCIM.
Thứ hai, với ưu thế về kinh tế, Trung Quốc đang vượt Ấn Độ trong đầu tư vào Bangladesh. Về số lượng, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào Bangladesh được cho là chỉ đứng sau các dự án mà Trung Quốc đầu tư vào Pakistan. Đặc biệt, Chính phủ Bangladesh nhấn mạnh sẽ không bị mắc vào “bẫy nợ” như các quốc gia Nam Á khác do quốc gia này đang quản lý tốt các khoản đầu tư từ Trung Quốc. Vì vậy, Bangladesh tiếp tục xem các khoản đầu tư của Trung Quốc là nguồn lực để phát triển kinh tế. Cho đến nay, Bangladesh đã thành công trong việc “xử lý” tốt mối quan hệ với cả Ấn Độ và Trung Quốc bằng cách hợp tác với Ấn Độ nhiều hơn trong các vấn đề an ninh và tận dụng sức mạnh kinh tế của Trung Quốc thông qua các dự án kết cấu hạ tầng cùng các khoản đầu tư khác.
Chính sách này được thể hiện rõ qua trường hợp của Buhtan và Pakistan. Buhtan là trường hợp khác biệt đối với cạnh tranh tranh chiến lược của Ấn Độ và Trung Quốc ở Nam Á. Mặc dù một số quan chức Buhtan ví quốc gia này đang ở trong tình trạng bị “kẹt” giữa hai người khổng lồ châu Á là Ấn Độ và Trung Quốc, nhưng khác với chiến lược cân bằng, phù thịnh hay phòng bị nước đôi của các quốc gia khác, Buhtan đã lựa chọn đứng hẳn về phía Ấn Độ. Do đó, mối quan hệ bền chặt trong lịch sử giữa Ấn Độ và Bhutan hầu như không thay đổi. Hiện nay, Bhutan không có mối quan hệ ngoại giao với Trung Quốc (vốn đã bị cắt đứt vào năm 1959). Các giao dịch với Trung Quốc phần lớn tiếp tục thông qua Đại sứ quán của Bhutan ở Ấn Độ. Bhutan cũng là quốc gia duy nhất trong khu vực láng giềng Nam Á của Ấn Độ chưa trở thành thành viên của BRI. Đối với Bhutan, quan hệ với Ấn Độ là mối quan hệ mà không có quốc gia nào có thể thay thế được.
Pakistan là trường hợp khác biệt trong phản ứng chính sách của các quốc gia Nam Á đối với cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ ở Nam Á khi quốc gia này đang triển khai chính sách “chọn bên”. Quốc gia này đã lựa chọn đứng về phía Trung Quốc để tạo “mối đe dọa hai mặt” đối với Ấn Độ. Tuy nhiên, bên cạnh chính sách chọn bên, quốc gia này còn thực thi chính sách cân bằng quyền lực. Đối với Pakistan, quốc gia này luôn “chào đón” các chiến lược và duy trì mối quan hệ chính trị - ngoại giao, kinh tế, quốc phòng nồng ấm với Trung Quốc. Bởi đối với Pakistan, mối quan hệ tốt đẹp với Trung Quốc đã, đang và sẽ mang lại lợi ích lớn cho Pakistan trong quá trình phát triển, hiện đại hóa cũng như cạnh tranh với Ấn Độ để thực hiện “Giấc mơ con hổ châu Á”. Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ ở khu vực là cơ hội để Pakistan triển khai chính sách cân bằng quyền lực với Ấn Độ thông qua đẩy mạnh mối quan hệ “đối tác chiến lược mọi hoàn cảnh” với Trung Quốc. Chiến lược này được Pakistan thực hiện thông qua việc tạo ra thế đối lập với Ấn Độ bằng việc hình thành liên minh có sức mạnh tương đương với Trung Quốc để kiềm chế Ấn Độ.
Có thể thấy, trong bối cảnh Trung Quốc và Ấn Độ đang đẩy mạnh gia tăng cạnh tranh chiến lược trong khu vực, các quốc gia ở Nam Á đã phát triển một loại quyền lực thương lượng bất đối xứng trong thời đại toàn cầu hóa khi hai cường quốc đang lên vừa cạnh tranh, vừa hợp tác trong các lĩnh vực khác nhau(6). Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ hiện nay có ba đặc trưng: 1- Quan hệ giữa các nước lớn đang trỗi dậy; 2- Quan hệ giữa các quốc gia láng giềng; 3- Quan hệ giữa các nước đang phát triển. Cạnh tranh là một hiện tượng phổ biến trong quan hệ quốc tế và đây lại là cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc - một cường quốc khu vực và Ấn Độ - trung tâm của tiểu lục địa Nam Á. Vì vậy, đối với trường hợp của Ấn Độ và Trung Quốc ở khu vực Nam Á thì cuộc cạnh tranh chiến lược này thường kéo dài và trong thời gian tới, thậm chí còn mở rộng cả về phạm vi và mức độ ảnh hưởng. Kết quả của cuộc cạnh tranh này không phải là sự triệt tiêu, loại bỏ lẫn nhau mà sẽ là một sự thừa nhận vị thế của mỗi bên đối với đối phương mà cả hai có thể chấp nhận, đi kèm với đó là sự phản ứng linh hoạt của các quốc gia trong khu vực để vừa có thể thúc đẩy phát triển kinh tế, vừa bảo đảm lợi ích quốc gia.
Thực tế cho thấy, không chỉ Nam Á mà Đông Nam Á cũng đã và đang trở thành địa bàn cạnh tranh chiến lược của Ấn Độ và Trung Quốc. Do vậy, cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ tác động rất lớn đến an ninh và phát triển của Việt Nam và các nước trong khu vực. Điều này đòi hỏi Việt Nam nhận thức, nghiên cứu và đánh giá đúng bản chất của cuộc cạnh tranh này, theo dõi sát diễn biến để chủ động tìm ra đối sách phù hợp, tận dụng tối đa cơ hội mang lại và xử lý hiệu quả các thách thức, bảo đảm tối đa lợi ích quốc gia - dân tộc.
Trong bối cảnh các nước nhỏ ở Nam Á thực thi các chính sách “chọn bên”, “cân bằng quyền lực”, “phòng bị” và “phù thịnh”, Việt Nam lựa chọn chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ. Theo đó, Việt Nam “không chọn bên mà chọn chính nghĩa, sự công bằng, công lý và lẽ phải trên cơ sở các nguyên tắc của luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc; bình đẳng, tất cả cùng có lợi, cùng thắng”. Điều này không những giúp Việt Nam củng cố mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với cả hai nước, mà còn phát triển mối quan hệ hợp tác về kinh tế, thương mại với Trung Quốc, đồng thời duy trì mối quan hệ tốt đẹp về chính trị, phát triển về quan hệ an ninh - quốc phòng với Ấn Độ.
Triển khai nguyên tắc tự chủ chiến lược trong cạnh tranh giữa các nước lớn nhằm bảo đảm vị thế, bản sắc và lợi ích quốc gia. Điều này giúp Việt Nam tạo ra không gian chiến lược cho quyền tự chủ trong chính sách đối ngoại cũng như tận dụng một số cơ hội để thúc đẩy các mục tiêu kinh tế. Hiện nay, không chỉ các nước Nam Á, mà cả Việt Nam - quốc gia có vị trí địa - kinh tế, địa - chính trị quan trọng - ngày càng đóng vai trò lớn hơn trong cạnh tranh chiến lược của các nước lớn. Do đó, tận dụng vai trò này cùng việc triển khai nguyên tắc tự chủ chiến lược trong chính sách đối ngoại sẽ giúp Việt Nam tối đa hóa lợi ích kinh tế và chính trị trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gia tăng.
Tận dụng cạnh tranh giữa các nước lớn để phát triển kinh tế, tránh quá phụ thuộc vào một đối tác. Thực tế cho thấy, trong quá trình cạnh tranh, các nước lớn luôn chủ động đưa ra các sáng kiến, chiến lược để thu hút ảnh hưởng, lôi kéo tập hợp lực lượng. Việt Nam cũng có thể tận dụng cơ hội này, tranh thủ nguồn lực kinh tế của các nước lớn, phục vụ mục tiêu phát triển đất nước, đồng thời xem đây là cơ hội để đa dạng hóa đối tác kinh tế, tránh quá phụ thuộc vào một thị trường kinh tế./.
------------------------------------------
* Bài viết là kết quả của Đề tài cấp Bộ Cạnh tranh chiến lược Trung Quốc - Ấn Độ tại khu vực Nam Á giai đoạn 2000 - 2020 và dự báo đến năm 2030 do Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á chủ trì
(1) Harsh V. Pant - Aditya Gowdara: “As India and China Compete, Smaller States Are Cashing” (Tạm dịch: Các quốc gia nhỏ hơn đang kiếm tiền khi Ấn Độ và Trung Quốc cạnh tranh), ngày 24-1-2022, https://foreignpolicy.com/2022/01/24/india-china-competition-investment-sri-lanka-maldives/
(2) Xem: Kang, D. C: “Getting Asia wrong: The need for new analytical frameworks” (Tạm dịch: Nhận thức sai về châu Á: Nhu cầu về các khung phân tích mới), International Security, 4-2003, tr. 57-85 và Roy, D: “Southeast Asia and China: Balancing or Bandwagoning?” (Tạm dịch: Đông Nam Á và Trung Quốc: Cân bằng hay chèo kéo?), Contemporary Southeast Asia, 2-2005, tr. 305-322
(3) Nguyễn Thị Oanh: “Kiến trúc an ninh khu vực Nam Á hiện nay”, Tạp chí nghiên cứu Châu Phi và Trung Đông, số 3-2020, tr. 27 - 37
(4) Tapan Kumar Bose: “India, China and the Neighbourhood in South Asia” (Tạm dịch: Ấn Độ, Trung Quốc và các nước láng giềng ở Nam Á), ngày 7-8-2020, https://www.theindiaforum.in/letters/india-china-and-neighbourhood-south-asia
(5) Iftekhar Ahmed Chowdhury: “Bangladesh’s Balancing of China and India: Navigating between Scylla and Charybdis” (Tạm dịch: Cân bằng giữa Trung Quốc và Ấn Độ của Bangladesh: Điều hướng giữa Scylla và Charybdis), ngày 19-6-2020, http://www.dhakacourier.com.bd/news/Column/Bangladesh%E2%80%99s-balancing-of-China-and-India:-Navigating-between-Scylla-and-Charybdis/2496
(6) Tv Paul: “When balance of power meets globalization: China, India and the small states of South Asia” (Tạm dịch: Khi cân bằng quyền lực đáp ứng toàn cầu hóa: Trung Quốc, Ấn Độ và các quốc gia nhỏ ở Nam Á), Politics, 1-2019, tr. 50 - 63
Xu hướng tự chủ chiến lược trong quan hệ quốc tế hiện nay  (23/10/2022)
Hội thảo khoa học “Cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn trong thập niên thứ ba của thế kỷ XXI - Những vấn đề đặt ra đối với Việt Nam”  (10/06/2022)
Cạnh tranh vai trò lãnh đạo khu vực Nam Mỹ  (10/01/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm