Cạnh tranh vai trò lãnh đạo khu vực Nam Mỹ
TCCS - Kể từ Chiến tranh lạnh kết thúc, các cường quốc khu vực đã trở nên quan trọng hơn trong nền chính trị thế giới khi việc định hình trật tự thế giới có xu hướng ngày càng trở nên khu vực hóa. Sự điều chỉnh chiến lược địa - chính trị của các nước lớn đã làm gia tăng các hành vi cân bằng ở khu vực, đặc biệt là những khu vực dễ tổn thương như Nam Mỹ.
Các yếu tố tác động đến vai trò lãnh đạo của các cường quốc khu vực
Lãnh đạo khu vực là sự tăng cường ảnh hưởng và vai trò chủ đạo của các nước lớn trong khu vực. Cùng với đó là mối quan hệ giữa các nước trong khu vực với quốc gia đảm nhận vai trò lãnh đạo. Trong mối quan hệ hai chiều đó, cạnh tranh vai trò lãnh đạo khu vực là sự tương tác giữa các yếu tố định hình sự lãnh đạo khu vực trong hệ thống trật tự thế giới. Cụ thể là:
Một là, định hướng lãnh đạo của các nước lớn trong khu vực. Một quốc gia muốn nắm vai trò lãnh đạo khu vực cần có đủ nguồn lực và sẵn sàng áp dụng các quy tắc chi phối quan hệ giữa các nước khác. Các yếu tố tài nguyên, động lực hợp tác và hành vi của các quốc gia khu vực sẽ định hình khả năng đạt được vai trò chủ đạo trong khu vực. Sức mạnh vật chất là điều kiện thiết yếu để có vai trò lãnh đạo khi một quốc gia muốn thể hiện sự dẫn dắt thông qua cung cấp hàng hóa, dịch vụ công để duy trì và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của mình. Sức mạnh kinh tế, dân số và quân sự là then chốt cho sức mạnh quốc gia, bên cạnh các yếu tố như công nghệ, kết cấu hạ tầng và các phương tiện chính trị để chuyển đổi tiềm năng này thành sức mạnh. Đối với một nước lớn khu vực, lợi thế về quy mô sức mạnh quốc gia có tầm quan trọng đặc biệt trong việc tập hợp quyền lực ở khu vực, làm bệ đỡ cho vị thế ở phạm vi toàn cầu.
Trong hệ thống quốc tế, các nước đều nỗ lực theo đuổi lợi ích quốc gia(1), nhất là bảo đảm an ninh của mình nên sẽ cố gắng tăng cường nguồn lực để giành lợi thế trong cuộc đua cân bằng chiến lược giữa các nước lớn khu vực, các nước khu vực tầm trung và các cường quốc bên ngoài. Vì vậy, cấu trúc hệ thống quốc tế cũng có vai trò chi phối hành vi và nhận thức của các quốc gia, qua đó định hình liên kết giữa các nước trong khu vực và giữa khu vực với các nước bên ngoài.
Hai là, chiến lược xây dựng sự lãnh đạo của các cường quốc khu vực. Đó là xây dựng và duy trì hệ thống các thể chế và liên kết khu vực. Việc thể chế hóa khu vực sẽ hạn chế sự can thiệp từ bên ngoài, ngăn chặn sự hình thành liên minh giữa các nước khu vực với các cường quốc bên ngoài. Do vậy, các cường quốc khu vực thường là những nhân tố chính trong việc thể chế hóa và kiến tạo các tổ chức khu vực. Tuy nhiên, việc thể chế hóa khu vực cũng đòi hỏi sự chia sẻ quyền lực và chi phí để duy trì vị thế lãnh đạo, trong khi các tổ chức khu vực sẽ hạn chế quyền tự do của các nước lớn và trao quyền cho các quốc gia yếu hơn thông qua các quy tắc và thủ tục.
Trên thực tế, khi một cường quốc khu vực muốn gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình thường ít nhận được sự ủng hộ từ các nước trong khu vực hơn là từ các khu vực khác trên thế giới. Lý do là sự tập trung quyền lực hoặc ý định thâu tóm vai trò lãnh đạo của các nước lớn khu vực có thể gây quan ngại cho các nước láng giềng về khả năng xảy ra tranh chấp với những nước yếu hơn. Do vậy, việc một nước cố gắng đạt được vai trò lãnh đạo có thể dẫn đến phản ứng không hợp tác từ các nước khác trong khu vực với các mức độ khác nhau, từ việc phản đối hợp tác thương mại hoặc thể chế hóa khu vực, hay xung đột về các yêu sách lãnh thổ (như tại Đông Bắc Á, Đông Nam Á), thậm chí xảy ra chiến tranh cường độ thấp (như tại Nam Á), hoặc hình thành sự cân bằng thể chế như ở khu vực Nam Mỹ.
Ba là, sự chấp nhận của khu vực với vị thế lãnh đạo của các cường quốc khu vực. Trật tự khu vực chủ yếu được hình thành thông qua sự tương tác trong khu vực với các đặc điểm về loại hình (quân sự, kinh tế và văn hóa), thái độ (hợp tác, trung lập, cạnh tranh, thù địch hay xung đột), cường độ (mức độ thể chế hóa) và phạm vi (cấp độ khu vực hay toàn cầu). Trong các tương tác đó, sự chấp nhận của khu vực không những ảnh hưởng đến lợi ích ở tầm khu vực mà còn tác động tới mục tiêu và vị thế toàn cầu của các nước lớn. Vai trò lãnh đạo, tính hợp pháp hoặc tính đại diện khu vực sẽ giúp một quốc gia đạt được vị thế lớn hơn so với thực lực vốn có.
Các nước lớn khu vực còn là đối tác hợp tác tiềm năng đối với các cường quốc bên ngoài nên việc nắm giữ vai trò lãnh đạo khu vực sẽ tạo cơ hội cho những nước này tham gia “sân chơi quyền lực” trên phạm vi toàn cầu. Vì vậy, tùy thuộc vào sự chấp nhận về mặt chính trị của khu vực, các thể chế khu vực, như Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Liên minh châu Phi (AU) hay Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR) có thể đóng vai trò là cơ sở cho vị thế toàn cầu hoặc sẽ giới hạn sự lựa chọn chính sách đối ngoại của các nước lãnh đạo khu vực.
Bốn là, vai trò của các nước tầm trung trong khu vực. Theo đó, sự thành công trong việc giành được vai trò lãnh đạo của các nước lớn phụ thuộc nhiều vào khả năng thu hút sự ủng hộ từ các nước tầm trung trong khu vực. Các nước này cũng là những đối thủ tiềm năng trong việc cạnh tranh, cân bằng hoặc vô hiệu hóa quyền lãnh đạo khu vực của các nước lớn. Sự cạnh tranh vai trò với các cường quốc khu vực đang nổi lên có nhiều hình thức, như việc Pa-ki-xtan phản đối sự lãnh đạo của Ấn Độ ở Nam Á, Vê-nê-xu-ê-la khó chấp nhận vị thế và quyền lực của Bra-xin tại Nam Mỹ, hay Ni-giê-ri-a từ chối ủng hộ Nam Phi tại khu vực châu Phi.
Bên cạnh đó, những nước khu vực tầm trung cũng có thể giành được vai trò lãnh đạo trong một số lĩnh vực hay tạo được cân bằng với các nước lớn thông qua liên minh với các nước trong và ngoài khu vực. Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, quyền lực của các nước lớn khu vực cũng bị tác động bởi cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu, nhất là giữa Mỹ và Trung Quốc. Tác động đó thể hiện rõ nhất khi các cường quốc này lôi kéo các quốc gia tầm trung và thúc đẩy họ cạnh tranh vai trò lãnh đạo của các nước lớn khu vực. Bên cạnh đó, khi một nước lớn khu vực muốn vươn lên dẫn đầu thì cũng đồng thời tạo ra sự nghi ngờ và bất an cho các nước láng giềng, dẫn tới hình thành liên minh đối trọng giữa các nước còn lại trong khu vực.
Chiến lược của các nước tầm trung trong quan hệ với các nước lớn khu vực phổ biến nhất là cân bằng và phù thịnh. Trong trường hợp cạnh tranh lãnh đạo khu vực có khả năng dẫn tới xung đột, các nước tầm trung trong khu vực sẽ theo đuổi chiến lược đối trọng cân bằng. Khi xu thế hợp tác là nổi trội thì chiến lược phù thịnh là phổ biến. Tuy nhiên, các hình thái thực tế có thể nằm giữa hai thái cực này hoặc thông qua cân bằng mềm, tránh đối đầu trực tiếp mà sử dụng các biện pháp gián tiếp như các liên kết ràng buộc và công cụ ngoại giao nhằm làm loãng hoặc giảm thiểu sự vượt trội của đối thủ cạnh tranh. Cân bằng mềm cũng có thể là những biện pháp thể chế như xây dựng liên minh ngoại giao, giới hạn hoặc chọn lọc các thành viên tham gia các tổ chức khu vực để hạn chế quyền lực vượt trội của các nước lớn.
Năm là, tác động của hệ thống quốc tế. Sự cạnh tranh giữa các cường quốc toàn cầu sẽ tác động đến quan hệ với các nước lớn và các nước tầm trung trong khu vực. Sự can thiệp của các cường quốc bên ngoài không hẳn vì lợi ích và sự hợp tác của khu vực mà chủ yếu nhằm gia tăng vị thế và quyền lực của họ, tạo đối trọng với các cường quốc khác. Theo đó, các cường quốc toàn cầu có thể triển khai chiến lược cân bằng trong hệ thống quốc tế thông qua việc tác động đến các nước lớn khu vực, buộc các nước này phải cam kết nguồn lực cho “sân sau” của mình thay vì có cơ hội gây ảnh hưởng trên thế giới. Quan hệ giữa các cường quốc bên ngoài với các nước tầm trung trong khu vực cũng mở ra cơ hội để những nước này phát huy vai trò cạnh tranh. Mặt khác, để tránh tổn thất chính trị và kinh tế khi phải can thiệp liên tục, các cường quốc bên ngoài có thể hỗ trợ các nước lớn khu vực duy trì trật tự khu vực thông qua việc tạo dựng uy tín và hỗ trợ sức mạnh quân sự, bên cạnh việc tham gia các tiến trình khu vực.
Trong những yếu tố này, sự hợp tác từ các nước trong khu vực có vai trò quan trọng nhất cho khả năng lãnh đạo của nước lớn khu vực, bên cạnh các nguồn lực sức mạnh vật chất và giá trị tư tưởng. Ngoài ra, để có thẩm quyền lãnh đạo, các nước lớn khu vực cũng sử dụng sức mạnh mềm với khả năng đạt được mục tiêu thông qua sức hút và ảnh hưởng hơn là sử dụng các biện pháp cưỡng chế hoặc vật chất. Trong quan hệ giữa quốc gia lãnh đạo và các nước khu vực, tính hợp pháp và uy tín là những động lực thúc đẩy sự ủng hộ và tuân thủ bên cạnh vai trò của hệ tư tưởng. Trên thực tế, sức mạnh tư tưởng hay sức cuốn hút về văn hóa, bản sắc và giá trị quốc gia được chuyển đổi thành ảnh hưởng chính trị thông qua các công cụ ngoại giao, tạo thành sức mạnh đồng thuận, tiếng nói chung hoặc khả năng hòa giải khu vực.
Tham chiếu bối cảnh cạnh tranh lãnh đạo khu vực tại Nam Mỹ
Với Nam Mỹ, ngoài các tác động toàn cầu, yếu tố quan trọng bắt nguồn từ chính khu vực. Cạnh tranh vai trò lãnh đạo khu vực này có thể thấy rõ trong những năm 2007 - 2010 khi tình hình chính trị nội bộ của các nước Nam Mỹ tương đối ổn định và xu hướng hợp tác khu vực là nổi trội.
Trong khu vực, Bra-xin là nước lớn với gần một nửa diện tích khu vực, hơn một nửa GDP, nguồn tài nguyên thiên nhiên khổng lồ và dân số đông. Với những lợi thế đó, Bra-xin đã nổi lên như một nhà lãnh đạo khu vực và nước lớn toàn cầu, thành viên sáng lập của các nhóm quốc gia mới nổi quan trọng, như Nhóm các nền kinh tế lớn trên thế giới (G20), Nhóm các nền kinh tế lớn mới nổi (BRICS) và Liên minh các quốc gia Nam Mỹ (UNASUR). Trong khu vực, Bra-xin cũng có vai trò nổi bật trong các sáng kiến toàn cầu về thương mại, biến đổi khí hậu, phát triển bền vững, y tế công cộng, quản trị in-tơ-nét, gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế. Trong khi đó, Vê-nê-xu-ê-la là nước lớn tầm trung khu vực. Vê-nê-xu-ê-la cạnh tranh và ở mức độ nào đó đã có được quyền lãnh đạo từ Bra-xin với kế hoạch hội nhập khu vực thay thế là Liên minh Bô-li-va cho các dân tộc Nam Mỹ (ALBA).
Bra-xin tham vọng xây dựng nền tảng khu vực để mở rộng chủ nghĩa khu vực Nam Mỹ và hội nhập cấu trúc toàn cầu. Khả năng lãnh đạo sẽ bảo đảm quyền tự chủ cho Bra-xin để có thể can thiệp, ảnh hưởng hoặc đại diện cho các quốc gia khác trong khu vực. Từ đầu những năm 90 của thế kỷ XX, Bra-xin đã khởi xướng một loạt sáng kiến, xây dựng các tổ chức khu vực và tiểu khu vực trong nhiều lĩnh vực. Việc thành lập các tổ chức, như Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR) phản ánh mong muốn của Bra-xin thúc đẩy hợp tác khu vực và thể hiện sự lãnh đạo của mình, tập trung vào thương mại tự do và lợi ích của việc mở cửa Bra-xin với thế giới rộng hơn. Kết quả là chủ nghĩa khu vực được áp dụng như một công cụ để thúc đẩy các lợi ích quốc gia và sự đồng thuận này cũng được khu vực chia sẻ khi mang lại sự ổn định địa - chính trị.
Vai trò của Vê-nê-xu-ê-la trong chính trị khu vực cũng nằm trong tương quan sức mạnh vật chất của các quốc gia Nam Mỹ. Với tài nguyên vật chất được phân phối tương đối đồng đều, có nhiều ứng cử viên là quốc gia tầm trung có khả năng cạnh tranh vai trò lãnh đạo khu vực, như Vê-nê-xu-ê-la, Ác-hen-ti-na và Chi-lê thông qua sự so sánh tài nguyên, nguồn lực, bao gồm các yếu tố quân sự, kinh tế, năng lượng, nhân khẩu học, địa lý với Bra-xin. Trong khi Bra-xin có quân đội mạnh nhất khu vực thì mức chi tiêu quốc phòng năm 2007 của Chi-lê cao hơn Vê-nê-xu-ê-la. Tuy nhiên, Vê-nê-xu-ê-la có quân đội lớn hơn Chi-lê và Ác-hen-ti-na. Vê-nê-xu-ê-la từng là nhà sản xuất dầu lớn nhất và sử dụng nguồn lợi từ dầu mỏ như một vũ khí chính trị trong khu vực. Ác-hen-ti-na sản xuất nhiều khí đốt tự nhiên hơn Vê-nê-xu-ê-la và Bra-xin. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Ác-hen-ti-na cao hơn Vê-nê-xu-ê-la và nếu xét GDP bình quân đầu người, Chi-lê xếp trên Vê-nê-xu-ê-la, Ác-hen-ti-na và Bra-xin. Chi-lê có nền kinh tế mang tính cạnh tranh hơn nhiều so với Bra-xin, Ác-hen-ti-na và Vê-nê-xu-ê-la. Trong khi đó, Ác-hen-ti-na có dân số và diện tích đất lớn hơn nhiều so với Vê-nê-xu-ê-la. Tùy thuộc vào các chỉ số này, cả Ác-hen-ti-na và Vê-nê-xu-ê-la có thể được coi như các nước có khả năng cạnh tranh vai trò lãnh đạo trong khu vực Nam Mỹ. Tuy nhiên, Vê-nê-xu-ê-la đóng vai trò nòng cốt trong việc tích hợp động lực hội nhập khu vực.
Dưới thời cố Tổng thống H. Cha-vét, Vê-nê-xu-ê-la thực hiện đường lối đối ngoại đề cao độc lập và chủ quyền dân tộc, chống cường quyền; đề cao tinh thần đoàn kết, hợp tác và liên kết Mỹ La-tinh - Ca-ri-bê, đặc biệt tăng cường quan hệ hợp tác chiến lược với Cu-ba; sử dụng nguồn lực dầu khí dồi dào để tập hợp lực lượng với các nước trong và ngoài khu vực; đẩy mạnh quan hệ với Nga, Trung Quốc nhằm tạo thế cân bằng trong quan hệ căng thẳng với Mỹ. Vê-nê-xu-ê-la sử dụng nguồn thu dồi dào từ xuất khẩu dầu mỏ để hỗ trợ cho các nước trong khu vực với nhiều thỏa thuận song phương và tiểu vùng về năng lượng, như Dầu khí Ca-ri-bê (Petrocaribe), Dầu khí khu vực An-đê-an (Petroandino) và Dầu khí Nam Mỹ (Petrosur), bảo đảm cung cấp dầu với những ưu đãi đặc biệt. Kể từ năm 1999, Vê-nê-xu-ê-la đã chi khoảng 25 tỷ USD cho các chương trình viện trợ các nước trong khu vực. Vê-nê-xu-ê-la còn đề xuất thành lập Tổ hợp truyền hình khu vực (Telesur) và từng đề xuất việc xây dựng một tổ chức tương tự như Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) cho Nam Mỹ.
Bên cạnh đó, Vê-nê-xu-ê-la thúc đẩy hội nhập tại Mỹ La-tinh thông qua tổ chức khu vực như ALBA, gồm các nước Bô-li-vi-a, Cu-ba, Ê-cu-a-đo, Ni-ca-ra-goa và Hôn-đu-rát với mục tiêu phản đối sự can thiệp của Mỹ và đối trọng với Khu vực thương mại tự do châu Mỹ (FTAA) do Mỹ dẫn dắt. Thế mạnh ngoại giao của Vê-nê-xu-ê-la dựa trên khả năng cung cấp sự lãnh đạo thay thế trong khu vực. Vê-nê-xu-ê-la có thể đại diện cho các quốc gia nhỏ hơn như Bô-li-vi-a và Ê-cu-a-đo, đồng thời mang lại cho các quốc gia này nguồn lực hỗ trợ để cân bằng trong quan hệ song phương với Bra-xin.
Trong bối cảnh đó, Bra-xin đã triển khai nhiều đối sách đáp ứng các sáng kiến của Vê-nê-xu-ê-la nhằm tạo sự chấp nhận của khu vực đối với vai trò lãnh đạo của mình; đồng thời, khai thác các yếu tố bên ngoài để thúc đẩy khả năng Vê-nê-xu-ê-la ủng hộ vai trò của Bra-xin, cụ thể:
Trước hết, Bra-xin cố gắng thu hút Vê-nê-xu-ê-la tham gia các tiến trình hợp tác khu vực trên cơ sở đồng sáng kiến và các lợi ích chung. Sáng kiến kết cấu hạ tầng liên khu vực Nam Mỹ (IIRSA) được Bra-xin và Vê-nê-xu-ê-la cùng thúc đẩy kể cả trong bối cảnh khác biệt về ý thức hệ. Một lợi ích chung nữa của Bra-xin và Vê-nê-xu-ê-la trong thời kỳ này là hạn chế ảnh hưởng của Mỹ đến môi trường chính trị và an ninh Nam Mỹ. Mặc dù với tư cách nền kinh tế lớn nhất Nam Mỹ và có lợi nhất từ kết cấu hạ tầng được nâng cấp và an ninh năng lượng, song chính sách đối ngoại của Bra-xin coi trọng phương thức hội nhập hơn là các dự án cụ thể. Hội nhập được coi là công cụ để Bra-xin có được vai trò khởi xướng trong cạnh tranh vai trò định hình trật tự khu vực và toàn cầu.
Thứ hai, Bra-xin mong muốn đạt được vai trò lãnh đạo hợp pháp với sự chấp nhận của khu vực thông qua phổ biến hệ giá trị và tư tưởng trong khu vực. Năng lực quảng bá và đề cao các giá trị, một mặt, xây dựng khả năng lãnh đạo về tư tưởng; mặt khác, tạo được sự ủng hộ với vai trò lãnh đạo của Bra-xin trong khu vực. Do đó, Bra-xin nỗ lực thúc đẩy sự thống nhất bằng cách dẫn dắt các nước khu vực hướng tới mục tiêu không gian chung Nam Mỹ, nơi sự khác biệt về chính trị, ý thức hệ phổ biến trong hàng thập niên qua dẫn tới hệ quả của sự đa dạng kinh tế và chính trị. Đồng thời, Bra-xin xây dựng vai trò lãnh đạo thông qua thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và xây dựng lập trường chung của khu vực trước những thách thức toàn cầu hóa với những thỏa thuận đa phương khu vực. Ngoài ra, thông qua các tổ chức khu vực như Sáng kiến Kết nối hạ tầng khu vực Nam Mỹ (IIRSA) và MERCOSUR, Bra-xin tạo ra lợi thế vượt trội trên cơ sở nền kinh tế lớn nhất khu vực của mình, đề xuất các ý tưởng và định hướng các cuộc thảo luận, thúc đẩy các giải pháp tập thể.
Thứ ba, Bra-xin sử dụng các nguồn lực của mình để cung cấp các ưu đãi vật chất cho Vê-nê-xu-ê-la và giảm thiểu vai trò các sáng kiến khu vực của Vê-nê-xu-ê-la. Những phát hiện dầu mỏ mới của Bra-xin có cơ hội để kéo theo sự phát triển của vùng biên giới giữa Vê-nê-xu-ê-la và Bra-xin. Các ưu đãi của Bra-xin như cung cấp hàng hóa công và hỗ trợ chi phí hội nhập cho khu vực không chỉ nâng cao sự ủng hộ của Vê-nê-xu-ê-la nói riêng mà còn tạo ra sự chấp nhận lớn hơn ở Nam Mỹ nói chung. Do đó, Bra-xin tích cực trong việc xây dựng tiêu chí kết nối khu vực, hỗ trợ hòa giải và các sáng kiến hợp tác an ninh bảo đảm ổn định khu vực. Bra-xin cũng cung cấp các hàng hóa công như an ninh năng lượng và kết nối thông tin; đồng thời, tăng chi tiêu quân sự để bảo đảm vị thế sức mạnh quân sự hàng đầu. Động lực của Bra-xin trong chiến lược này là sự kỳ vọng vào quy mô tăng trưởng kinh tế của mình khi cung cấp sự bảo đảm về an ninh cho khu vực.
Thứ tư, để xây dựng quyền lãnh đạo khu vực mang tính hợp tác, cần bảo đảm sẵn sàng chia sẻ quyền lực trên cơ sở lâu dài. Vì vậy, Bra-xin đã xây dựng các thể chế khu vực bao trùm với sự tham gia của các nước khu vực tầm trung như Vê-nê-xu-ê-la, Chi-lê và Ác-hen-ti-na cũng như các nước nhỏ hơn trong các quy trình ra quyết định. Tuy nhiên, trên thực tế, Bra-xin không làm được điều đó khi MERCOSUR và UNASUR không đủ năng lực như kỳ vọng. Bra-xin có vai trò hàng đầu trong các tổ chức khu vực này song không muốn nhượng bộ về kinh tế hoặc chia sẻ quyền lực cho các thể chế khu vực.
Thứ năm, nhiều cường quốc bên ngoài có tác động đến hệ thống quyền lực trong khu vực Nam Mỹ ở các mức độ khác nhau. Trong đó, Mỹ là nhân tố có ảnh hưởng lớn nhất, tác động đến sự ổn định khu vực chủ yếu thông qua hỗ trợ vị thế lãnh đạo hợp pháp của Bra-xin trong khu vực và kiềm chế Vê-nê-xu-ê-la. Trong khi đó, hợp tác quân sự giữa Nga với Vê-nê-xu-ê-la và Cu-ba nhằm mục đích kiềm chế Mỹ, khiến Mỹ phải cam kết các nguồn lực cho “sân sau” của mình và giảm bớt sự can thiệp tại Đông Âu và khu vực Cáp-ca-dơ. Quan hệ giữa Nga và Bra-xin cũng được đánh dấu bằng việc cung cấp vũ khí, hợp tác công nghệ, năng lượng và cơ sở hạ tầng. Trung Quốc cũng tăng cường quan hệ với Bra-xin, đầu tư vào các lĩnh vực chiến lược, như kỹ thuật hàng không, vũ trụ và công nghệ bên cạnh tăng cường thương mại song phương. Ngược lại, các kế hoạch hợp tác giữa Vê-nê-xu-ê-la và Trung Quốc trong nhiều lĩnh vực đã gia tăng lo ngại của Mỹ về sự can thiệp của Trung Quốc trong khu vực. Trên thực tế, Bra-xin duy trì quan hệ hợp tác với cả Nga, Trung Quốc, chia sẻ mối quan tâm về cân bằng mềm giữa Mỹ với Vê-nê-xu-ê-la, Nga và Trung Quốc. Tương tự như vậy, các quốc gia tầm trung khu vực Nam Mỹ tin tưởng và gắn kết nhiều hơn với các cường quốc bên ngoài trong các toan tính ở cấp độ toàn cầu hơn là với các nước trong khu vực.
Như vậy, mặc dù Bra-xin có các điều kiện cần để tạo dựng vai trò lãnh đạo khu vực Nam Mỹ, tuy nhiên lựa chọn chính sách của Bra-xin và tác động từ hợp tác khu vực chưa đủ để củng cố vai trò này. Bra-xin có vai trò quan trọng trong việc mang lại lợi ích chung cho khu vực trong việc duy trì sự ổn định, làm trung gian hòa giải giữa Vê-nê-xu-ê-la và Cô-lôm-bi-a. Tuy nhiên, quan hệ giữa Bra-xin và Vê-nê-xu-ê-la, quốc gia tầm trung khu vực lại đan xen cả hợp tác và cạnh tranh. Hai nước chia sẻ lợi ích khu vực như xây dựng cơ sở hạ tầng và an ninh năng lượng ở Nam Mỹ, song trên các mặt khác, Bra-xin không đáp ứng được kỳ vọng của các nước nhỏ trong quá trình hội nhập khu vực. Bra-xin không tự nguyện đóng góp nguồn lực cho việc lãnh đạo khu vực về kinh tế (chi phí hội nhập kinh tế khu vực), an ninh (hoạt động chống ma túy) hoặc chính trị. Về thể chế khu vực, Bra-xin cũng ngăn cản việc xây dựng các thể chế bao trùm và hạn chế cơ hội để Vê-nê-xu-ê-la tham gia quá trình ra quyết định khu vực. Nhìn tổng thể, sự chấp nhận và ủng hộ của các nước trong khu vực với vị thế lãnh đạo của Bra-xin khá hạn chế. Ngược lại, trong thời gian này, Vê-nê-xu-ê-la đã có sự đầu tư hào phóng trong các cơ hội kinh tế và tài chính ở Nam Mỹ để có cơ hội dẫn dắt tầm nhìn của ALBA và từ đó, kiềm chế và cạnh tranh phần nào vai trò lãnh đạo của Bra-xin trong khu vực.
Nói tóm lại, sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo tại các khu vực nói chung và tại Nam Mỹ nói riêng phụ thuộc rất nhiều biến số và thách thức địa - chính trị trong hệ thống toàn cầu. Cách tiếp cận để có quyền lãnh đạo của mỗi cường quốc khu vực là kết quả tổng hợp của lợi ích, nguồn lực quốc gia, giá trị hệ tư tưởng, trật tự khu vực và phản ứng của khu vực với vai trò đang lên của quốc gia đó. Tương tác giữa các cường quốc khu vực và đối thủ cạnh tranh không chỉ bao gồm sức mạnh cứng mà còn bao gồm hệ giá trị và sự song trùng lợi ích. Bên cạnh đó, quan hệ giữa các cường quốc toàn cầu đại diện cho môi trường địa - chính trị nơi các nước lớn khu vực theo đuổi lợi ích của mình nên sẽ góp phần hạn chế hoặc củng cố trật tự các khu vực. Vì vậy, sự cạnh tranh vai trò lãnh đạo có thể thúc đẩy hoặc cản trở sự hợp tác khu vực tùy theo tương tác giữa các yếu tố trên. Sự tương tác đó cũng là động lực hình thành trật tự khu vực trong cục diện toàn cầu.
Từ góc nhìn Nam Mỹ, một lần nữa có thể thấy các nguyên tắc của ASEAN về “đồng thuận” và “không can thiệp” chính là nền tảng cho sức sống, sự tồn tại và phát triển của ASEAN trong 53 năm qua. Các nguyên tắc này bảo đảm sự chia sẻ quyền lực và lợi ích của các quốc gia thành viên trong các quyết định chung của khu vực. Cơ chế ASEAN cũng giúp bảo đảm hành vi của các nước thành viên phù hợp với lợi ích khu vực và sự trỗi dậy nếu có của một nước lớn khu vực sẽ là cơ hội chứ không phải mối đe dọa cho các nước láng giềng, góp phần vào việc xây dựng Cộng đồng ASEAN gắn kết vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng, như định hướng “Gắn kết và Chủ động thích ứng” từ năm Chủ tịch ASEAN 2020 của Việt Nam./.
------------------------------
(1) Lợi ích quốc gia chủ yếu gồm an ninh, vị thế và phát triển
- Thực hiện chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội trong tình hình mới
- Tư tưởng Hồ Chí Minh về chỉnh huấn cán bộ, đảng viên và một số giải pháp trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay
- Tổ hợp công nghiệp quốc phòng và gợi mở hướng nghiên cứu về mô hình tổ hợp công nghiệp quốc phòng công nghệ cao ở Việt Nam
- Quan điểm và ứng xử của Trung Quốc trước tình hình thế giới mới
- Đóng góp của phụ nữ Việt Nam qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên