Nhận diện và đo lường đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam
TCCS - Kinh tế số đang phát triển mạnh mẽ trên thế giới, vừa là thách thức, vừa là cơ hội để Việt Nam có thể tận dụng phát triển kinh tế đất nước trong bối cảnh hội nhập. Để đạt được mục tiêu Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng đề ra về phát triển kinh tế số, đòi hỏi phải thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ để nhận diện và đo lường kinh tế số, từ đó, đề xuất cách thức thực hiện phù hợp với thực tế, huy động sự tham gia tích cực, chủ động của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân thúc đẩy phát triển kinh tế số ở Việt Nam.
Nghiên cứu quốc tế về kinh tế số
Kinh tế số đã được đề cập đến từ giữa những năm 90 của thế kỷ XX, phản ảnh bản chất thay đổi nhanh chóng của công nghệ và việc sử dụng công nghệ của các doanh nghiệp và người tiêu dùng. Tuy nhiên vẫn còn nhiều quan điểm chưa thống nhất với nhau về kinh tế số.
Năm 2016, Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế lớn (G20) đưa ra định nghĩa về kinh tế số, như sau: Kinh tế số là các hoạt động kinh tế trong đó sử dụng thông tin và tri thức được số hóa làm yếu tố chính của sản xuất, mạng thông tin hiện đại như một không gian hoạt động quan trọng và sử dụng hiệu quả công nghệ thông tin và truyền thông như một động lực quan trọng nhằm tăng năng suất và tối ưu hóa cơ cấu kinh tế.
Mặc dù đưa ra định nghĩa như vậy, nhưng quá trình thực hiện cho thấy vẫn có sự khác biệt trong định nghĩa về kinh tế số của các quốc gia thành viên, do đó đã tạo ra những khác biệt trong đo lường quy mô của kinh tế số. Quan trọng là, những khác biệt nhất định này dẫn đến sự khác biệt lớn trong các ước tính về quy mô của kinh tế số.
Vào năm 2019, Trung Quốc, Mỹ và Ô-xtrây-li-a công bố ước tính về quy mô của kinh tế số của họ năm 2017. Tỷ trọng kinh tế số trong tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Mỹ và Ô-xtrây-li-a tương ứng là 6,9% và 5,8%. Trong khi đó, ước tính do Học viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc công bố cho thấy, tỷ trọng kinh tế số trong GDP của nước này là 32,9%. Số liệu này ít mang ý nghĩa so sánh do ba quốc gia áp dụng các định nghĩa khác nhau về kinh tế số. Để thu hẹp sự khác biệt này, năm 2020, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) đã đưa ra định nghĩa mang tính toàn diện hơn nhằm tạo sự đồng thuận giữa các quốc gia thành viên G20 trong xác định khái niệm thống nhất và đo lường kinh tế số. Theo đó, kinh tế số bao gồm tất cả các hoạt động kinh tế dựa vào hoặc được tăng cường đáng kể bằng cách sử dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số, bao gồm công nghệ kỹ thuật số, kết cấu hạ tầng kỹ thuật số, dịch vụ kỹ thuật số và dữ liệu. Theo đó, kinh tế số đề cập đến tất cả các nhà sản xuất và người tiêu dùng, kể cả chính phủ, đang sử dụng các đầu vào kỹ thuật số trong các hoạt động kinh tế.
Theo cách tiếp cận này, hoạt động thuộc phạm vi kinh tế số dựa trên việc xem xét mức độ ứng dụng các yếu tố đầu vào kỹ thuật số tạo ra sản phẩm. Các hoạt động kỹ thuật số không chỉ tác động đến kinh tế mà còn tác động đến nhiều mặt của đời sống xã hội. Phạm vi của kinh tế số vượt ra ngoài phạm vi sản xuất của thống kê kinh tế sẽ được xem xét mở rộng hơn dưới khái niệm xã hội số.
Định nghĩa được OECD đề xuất được xem xét theo từng cấp độ để không chỉ hỗ trợ các cơ quan thống kê đo lường chính xác và bảo đảm tính so sánh của kinh tế số mà còn phản ánh đầy đủ hơn các tương tác số hóa không được ghi nhận là hoạt động kinh tế, vượt ra ngoài phạm vi đo lường của chỉ tiêu GDP.
Khung định nghĩa về kinh tế số theo từng cấp độ gồm:
- Thước đo cốt lõi, bao gồm hoạt động kinh tế từ các nhà sản xuất hàng hóa công nghệ thông tin và truyền thông cũng như các dịch vụ kỹ thuật số.
- Thước đo hẹp, bao gồm lĩnh vực cốt lõi cũng như hoạt động kinh tế bắt nguồn từ các doanh nghiệp có hoạt động dựa vào đầu vào kỹ thuật số.
- Thước đo rộng, bao gồm hai thước đo đầu tiên cũng như hoạt động kinh tế từ các doanh nghiệp được tăng cường bởi tích cực sử dụng các đầu vào kỹ thuật số.
- Thước đo xã hội số, mở rộng hơn so với kinh tế số. Thước đo này kết hợp các tương tác kỹ thuật số hóa và hoạt động không được bao gồm trong ranh giới sản xuất GDP, chẳng hạn như việc sử dụng các nền tảng kỹ thuật số miễn phí (bao gồm cả các nền tảng kỹ thuật số công cộng miễn phí).
Theo G20, đo lường kinh tế số bằng bộ công cụ các chỉ tiêu thống kê nhằm cung cấp đánh giá đầu tiên với mục đích có thể đề xuất các phương pháp đo lường khả thi để hỗ trợ hoạch định chính sách dựa trên bằng chứng, chẩn đoán những thách thức và cơ hội của kinh tế số, xác định các vấn đề có thể được giải quyết bởi các chính sách công.
Bộ công cụ này đóng vai trò như tài liệu hướng dẫn tiềm năng cho các quốc gia để thực hiện tiêu chuẩn hóa hoạt động đo lường. Với 36 chỉ tiêu được sắp xếp theo bốn chủ đề và phương pháp luận để theo dõi, đánh giá quy mô và sự thâm nhập của kinh tế số của G20, gồm: 1- Kết cấu hạ tầng bao gồm 8 chỉ tiêu; 2- Trao quyền cho xã hội bao gồm 8 chỉ tiêu; 3- Đổi mới và áp dụng công nghệ gồm 8 chỉ tiêu; 4- Công việc và tăng trưởng gồm 12 chỉ tiêu.
Các nghiên cứu của Việt Nam về kinh tế số
Trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ của khoa học - công nghệ và sự hiện diện của kinh tế số trong đời sống xã hội, hoạt động kinh tế và quản lý nhà nước đòi hỏi cần làm rõ khái niệm, nội hàm và hình thức biểu hiện của kinh tế số ở nước ta hiện nay. Từ đó, đề xuất các chỉ tiêu phản ánh kinh tế số toàn diện, đầy đủ và lượng hóa những đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế.
Đề xuất bộ chỉ tiêu kinh tế số của Việt Nam
Ngày 3-6-2020, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, phân công Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Tổng cục Thống kê) chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng và ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê kinh tế số.
Thực hiện nhiệm vụ này, Tổng cục Thống kê đã nghiên cứu, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ban, ngành có liên quan xây dựng bộ chỉ tiêu thống kê kinh tế số. Bộ chỉ tiêu kinh tế số được xây dựng trên nguyên tắc bám sát bộ chỉ tiêu do G20 đề xuất để bảo đảm tính so sánh quốc tế, gồm 54 chỉ tiêu, chia thành 5 nhóm: Nhóm chỉ tiêu phản ánh kỹ năng số và nguồn nhân lực kỹ thuật số, gồm 3 chỉ tiêu; Nhóm chỉ tiêu phản ánh hạ tầng số, gồm 6 chỉ tiêu; Nhóm chỉ tiêu phản ánh mức độ phổ cập phương tiện số, gồm 20 chỉ tiêu; Nhóm chỉ tiêu phản ánh mức độ phổ cập dịch vụ trực tuyến, gồm 15 chỉ tiêu; Nhóm chỉ tiêu phản ảnh quy mô kinh tế số, gồm 10 chỉ tiêu.
Mỗi chỉ tiêu được đề xuất bao gồm các nội dung về khái niệm, định nghĩa; kỳ phân tổ; phương pháp tính; nguồn số liệu; kỳ công bố và cơ quan chịu trách nhiệm. Trong số các chỉ tiêu kinh tế số, một trong những chỉ tiêu cốt lõi nhất là “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP”. Đây là chỉ tiêu phản ánh kết quả thực hiện các kế hoạch, chiến lược phát triển kinh tế số cũng như đóng góp của kinh tế số đối với tăng trưởng chung của nền kinh tế. Để đo lường được quy mô cũng như đóng góp của kinh tế số vào GDP, trước hết cần xác định các hoạt động thuộc phạm vi kinh tế số.
Xác định các hoạt động thuộc phạm vi kinh tế số
Dựa vào khung khái niệm về kinh tế số của OECD theo phạm vi rộng, Tổng cục Thống kê xác định đo lường kinh tế số của Việt Nam gồm:
Một là, các hoạt động kinh tế số cốt lõi, được xác định trong Hệ thống ngành kinh tế Việt Nam (VISIC 2018) gồm các hoạt động sau: 1- Hoạt động thuộc nhóm ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, như sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học; 2- Hoạt động thuộc nhóm ngành bán buôn và bán lẻ, sửa chữa mô tô, ô-tô, xe máy, đồ dùng cá nhân và gia đình (bán lẻ máy vi tính, thiết bị ngoại vi, phần mềm trong các cửa hàng chuyên doanh, bán lẻ thiết bị viễn thông trong các cửa hàng chuyên doanh); 3- Hoạt động thuộc nhóm ngành thông tin truyền thông, gồm xuất bản phần mềm, viễn thông, lập trình máy vi tính, dịch vụ tư vấn và các hoạt động khác liên quan đến máy vi tính, hoạt động dịch vụ thông tin.
Hai là, các hoạt động kinh tế sử dụng đầu vào số hoặc được tăng cường đáng kể bởi nền tảng số, gồm các hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, các giao dịch kinh doanh được hỗ trợ bởi công nghệ thông tin và truyền thông; hoạt động dựa vào đầu vào kỹ thuật số và các hoạt động kinh tế được tăng cường chủ yếu bởi nền tảng số (google, facebook, amazon, zalo, lazada, grap, bee, giao hàng tiết kiệm...), các sàn giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới, bán lẻ trực tuyến, đồng tiền số chung, nền tảng công nghiệp số, học trực tuyến, khám bệnh trực tuyến, làm việc từ xa, vận chuyển, giao nhận, quảng cáo trực tuyến,...
Phương pháp đo lường đóng góp của kinh tế số vào tăng trưởng kinh tế của Việt Nam
Đối với các hoạt động kinh tế số cốt lõi
Quy mô và đóng góp của các hoạt động kinh tế số cốt lõi được tính toán trực tiếp từ kết quả hoạt động của các doanh nghiệp, các đơn vị, tổ chức thực hiện các hoạt động đã liệt kê ở trên, thể hiện bằng chỉ tiêu giá trị tăng thêm là hiệu số của giá trị sản xuất và chi phí trung gian của các hoạt động đó.
Trong đó, giá trị sản xuất của từng hoạt động trên được tính theo phương pháp tính tương ứng theo quy định của hệ thống tài khoản quốc gia 2008; chi phí trung gian của từng hoạt động được tính toán dựa vào kết quả biên soạn hệ số chi phí trung gian 5 năm một lần do Tổng cục Thống kê thực hiện.
Đối với các hoạt động kinh tế sử dụng đầu vào số hoặc được tăng cường đáng kể bởi nền tảng số
Trong các hoạt động này, một số hoạt động hoàn toàn dựa vào đầu vào số, đồng thời cũng có nhiều hoạt động dựa một phần vào đầu vào số. Do đó, có sự đan xen lẫn nhau giữa hoạt động mang tính chất số và không mang tính chất số. Vì vậy, không áp dụng phương pháp tính toán trực tiếp từ giá trị sản xuất như đối với các hoạt động kinh tế số cốt lõi mà cần tiến hành bóc tách, cân đối cung và cầu của các ngành sản phẩm liên quan tới kinh tế số, để từ đó lượng hóa được kết quả tổng hợp chung của kinh tế số trong toàn bộ nền kinh tế. Một trong những công cụ hữu hiệu để đo lường kinh tế số là sử dụng bảng vào - ra (bảng IO). Bảng IO sẽ cho phép đo lường, đánh giá tác động trực tiếp, tác động gián tiếp và ảnh hưởng lan tỏa của kinh tế số đối với toàn bộ nền kinh tế. Từ đó sẽ cung cấp một bức tranh toàn cảnh về kinh tế số cũng như thấy được vai trò của kinh tế số trong tăng trưởng kinh tế.
Giải pháp và kiến nghị
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, công nghệ và đổi mới, sáng tạo sẽ đóng góp nhiều hơn vào chuyển đổi mô hình tăng trưởng; kết hợp xu thế sống chung an toàn với đại dịch COVID-19 đã tạo cơ hội cho các quốc gia trên thế giới cải cách toàn diện nền kinh tế, đồng thời đặt ra yêu cầu khẩn trương và quyết liệt trong việc tìm kiếm, khuyến khích các ngành, hoạt động kinh tế dựa trên nền tảng số.
Chính phủ Việt Nam nhận thức sâu sắc về bối cảnh và những vấn đề đặt ra, thể hiện nỗ lực và quyết tâm thúc đẩy kinh tế số phát triển. Nghị quyết số 52-NQ/TW, ngày 27-9-2019, của Bộ Chính trị, “Về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” nhấn mạnh cần chủ động và tích cực tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Kết luận số 77-KL/TW, ngày 29-5-2020, của Bộ Chính trị, “Về chủ trương khắc phục tác động của đại dịch COVID-19” nhấn mạnh yêu cầu tiếp cận các hình thức sản xuất, kinh doanh hiện đại, hiệu quả, tăng cường năng lực doanh nghiệp tham gia vào các chuỗi giá trị mới. Để đo lường đầy đủ, toàn diện đóng góp của kinh tế số tới tăng trưởng kinh tế cần thực hiện một số giải pháp sau:
Thứ nhất, nâng cao nhận thức của xã hội về vai trò của kinh tế số trong nền kinh tế.
Hiện nay, nhận thức, nhu cầu và hành động theo xu thế kinh tế số vẫn chưa đồng đều, thống nhất trong xã hội. Vì vậy, cần đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức, đồng thuận của xã hội về kinh tế số. Cần trang bị kiến thức thực tiễn để lãnh đạo, doanh nghiệp và người dân nắm rõ tầm quan trọng và xu hướng phát triển của kinh tế số hiện nay. Từ đó làm chuyển biến tư duy lãnh đạo quản lý và điều hành kinh tế - xã hội trong bối cảnh chuyển đổi số mạnh mẽ, để người dân, cộng đồng doanh nghiệp nói chung nắm vững được bản chất, ý nghĩa và vai trò của kinh tế số đối với tăng trưởng kinh tế.
Khuyến khích người dân thay đổi thói quen, hành vi mua sắm, thanh toán theo hình thức trực tuyến; khuyến khích doanh nghiệp phát triển công nghệ nền tảng số, chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng số hóa, áp dụng kỹ thuật số để nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng. Đồng thời, chú trọng bồi dưỡng, phổ biến, trang bị kiến thức cho đội ngũ doanh nhân đáp ứng yêu cầu của kinh tế số và xu thế cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư cũng như thích ứng với hội nhập thị trường thế giới trong thời kỳ mới.
Thứ hai, hoàn thiện cơ sở pháp lý để xây dựng việc đo lường các chỉ tiêu kinh tế số, đặc biệt là chỉ tiêu “tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP”.
Đây là cơ sở cho việc xây dựng, đề xuất Chương trình điều tra thống kê quốc gia để quy định các cuộc điều tra thu thập thông tin liên quan đến kinh tế số. Theo đó, tập trung nghiên cứu xác định nội hàm của kinh tế số, đo lường kinh tế số, xây dựng quy trình tính các chỉ tiêu về kinh tế số. Hoàn thiện, cập nhật bảng IO mới nhất để đánh giá đóng góp của các lĩnh vực, ngành sản phẩm có sử dụng công nghệ thông tin vào tăng trưởng kinh tế.
Thứ ba, tăng cường sự hợp tác, phối hợp giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ngành, địa phương.
Phối hợp chặt chẽ giữa Tổng cục Thống kê với các bộ, ngành, địa phương để tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin nhằm khai thác dữ liệu hồ sơ hành chính, giảm gánh nặng về điều tra thống kê nhưng vẫn bảo đảm dữ liệu có chất lượng về kinh tế số. Đồng thời, tích cực tham gia với các doanh nghiệp, viện nghiên cứu, trường đại học, hiệp hội về nghiên cứu, ứng dụng, phát triển khoa học dữ liệu, dữ liệu mở, dữ liệu lớn, góp phần nâng cao nhận thức và kỹ năng của đội ngũ khoa học dữ liệu nói chung và đội ngũ thống kê nói riêng./.
Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển kinh tế số  (19/12/2021)
Tọa đàm khoa học “Kinh tế số - đô thị sáng tạo” và Hội nghị cộng tác viên Tạp chí Cộng sản phía Nam  (14/12/2021)
Chuyển đổi số nền kinh tế Việt Nam trong giai đoạn tới  (29/11/2021)
Khai thác hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, mở rộng và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu  (15/10/2021)
Quan hệ sở hữu trong xu thế phát triển kinh tế chia sẻ ở Việt Nam  (28/08/2021)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm