Chiến lược phát triển nền kinh tế số của Pháp: Một số gợi mở đối với Việt Nam
TCCS -Trong thời đại bùng nổ của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, kinh tế số trở nên phổ biến và là xu hướng tất yếu đối với bất kỳ quốc gia nào nếu không muốn tụt lại phía sau. Tuy nhiên, để phát triển nền kinh tế số, đòi hỏi kết cấu hạ tầng đồng bộ và khả năng tài chính, nguồn lực và quỹ đầu tư dài hạn. Do đó, việc lựa chọn và ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm để đầu tư phát triển là yếu tố then chốt quyết định thành công trong việc phát triển nền kinh tế số của mỗi quốc gia. Pháp là một trong những quốc gia đi đầu về nắm bắt xu thế và có những chiến lược đầu tư hiệu quả để phát triển nền kinh tế số.
Bối cảnh phát triển nền kinh tế số ở Pháp
Nền kinh tế số trở thành xu hướng tất yếu của một xã hội hiện đại, mỗi quốc gia đều xây dựng cho mình những chiến lược phát triển riêng. Pháp cũng không phải là trường hợp ngoại lệ. Chính phủ Pháp đã vạch ra chiến lược quốc gia để đạt được mục tiêu là quốc gia dẫn đầu trong phát triển kinh tế số. Trong quá trình triển khai chiến lược, Pháp chịu tác động của nhiều yếu tố, trong đó có cả những thuận lợi và những khó khăn.
Thứ nhất, Pháp là quốc gia mạnh về nghiên cứu và đổi mới sáng tạo. Với 8.241 đơn xin cấp bằng sáng chế quốc tế PCT vào năm 2016, Pháp được xếp hạng thứ năm trên thế giới. Trong những năm qua, Chính phủ Pháp chú trọng hỗ trợ mạnh mẽ cho đổi mới sáng tạo, đặt mục tiêu đến năm 2025 sẽ có một nền kinh tế đột phá dựa trên công nghệ(1).
Thứ hai, Pháp là một quốc gia có tính kết nối cao với mục tiêu cả nước được bao phủ bởi băng thông rộng tốc độ cao vào năm 2022, đứng thứ hai trên thế giới về chất lượng và khả năng truy cập của các dịch vụ trực tuyến công(2), đứng thứ 3 trên thế giới về đăng ký băng thông rộng tốc độ cao cố định(3).
Thứ ba, đại dịch COVID-19 tạo ra nhiều khó khăn khiến mọi hoạt động của các quốc gia rơi vào tình trạng đóng cửa hoàn toàn, nhưng đây cũng là cú huých để Pháp nói riêng và các nước trên thế giới nói chung đẩy mạnh đầu tư phát triển nền kinh tế số, nêu bật tầm quan trọng của chiến lược kỹ thuật số.
Thứ tư, với mạng lưới kết cấu hạ tầng viễn thông thuộc hạng tốt nhất trên thế giới về chất lượng, tính khả dụng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh cùng với sự hấp dẫn của các chính sách thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, Pháp là một điểm đến hấp dẫn, đang thu hút những doanh nghiệp kỹ thuật số khổng lồ từ các nước khác. Đây là yếu tố thuận lợi cho phát triển nền kinh tế số của Pháp.
Bên cạnh những thuận lợi, Pháp cũng gặp một số khó khăn:
Một là, mặc dù có những lợi thế trên, nhưng các quy định nghiêm ngặt về bảo vệ dữ liệu vốn đã làm chậm tiến độ số hóa ở các nước châu Âu khác, trong đó có Pháp.
Hai là, bên cạnh những mặt tích cực mà nền kinh tế số đem lại, cũng làm phát sinh những lo ngại liên quan đến việc phân phối việc làm. Ngoài tác động đối với một số ngành, nghề nhất định, nền kinh tế số đang gây ra những thay đổi về cấu trúc trong phân phối việc làm trong toàn xã hội. Điều này đặt ra thách thức mới về mặt pháp lý đối với pháp luật lao động và an sinh xã hội của Pháp.
Ba là, mặc dù kết cấu hạ tầng số của Pháp tương đối tốt, tuy nhiên, mức độ phủ sóng ở khu vực có mật độ dân cư thấp và khu vực nông thôn vẫn còn hạn chế, cụ thể mức độ phủ sóng ở những khu vực này mới chỉ đạt khoảng 28,4% mục tiêu đề ra trong năm 2019(4). Sự chênh lệch về mức độ phủ sóng như vậy sẽ không bảo đảm sự phát triển kinh tế số đồng đều giữa các khu vực.
Chiến lược phát triển nền kinh tế số
Để phát huy những yếu tố thuận lợi và khắc phục những khó khăn, Chính phủ Pháp có những chiến lược tập trung ưu tiên các lĩnh vực trọng tâm để thúc đẩy nền kinh tế số phát triển.
Một là, xây dựng kết cấu hạ tầng kỹ thuật số.
Năm 2020, Ủy ban châu Âu (EC) đã đưa ra bộ chỉ số đánh giá kinh tế, xã hội kỹ thuật số của các nước thành viên EU, theo đó, với điểm kết nối tổng thể là 49,8 điểm, Pháp đứng thứ 18 trong số các nước thành viên EU. Điểm số của Pháp tăng liên tục ở hầu hết chỉ số: Tỷ lệ sử dụng băng thông rộng cố định ở mức 71% (mức trung bình của EU là 78%); phạm vi phủ sóng băng thông rộng nhanh tăng lên ở mức 62% vào năm 2019 so với mức 58% vào năm 2018. Nhờ đạt được thỏa thuận giữa Chính phủ Pháp và các nhà khai thác di động, vùng phủ sóng 4G đã tăng lên ở mức 99% vào năm 2019. Mức độ sẵn sàng cho 5G của Pháp ở mức 33%, cao hơn đáng kể so với mức trung bình 21% của EU(5).
Trong hai năm, từ năm 2019 đến năm 2020, việc sử dụng các dịch vụ internet ở Pháp tăng nhẹ. Tỷ lệ người sử dụng internet ở Pháp tăng từ 85% lên 87%, vượt mức trung bình của EU. Người dân sử dụng internet trực tuyến chủ yếu trong các hoạt động giao dịch ngân hàng, bán hàng và mua sắm(6).
Để có được nền tảng số phát triển như vậy, Pháp đã đưa ra một số sáng kiến dựa trên công nghệ, như: “Cuộc đua kỹ thuật số của Pháp” (Tour de France digitale);“Kỹ thuật số của Pháp”(France digital); và gần đây nhất là “Kế hoạch tốc độ cao của Pháp”(Plan France très haut débit). “Kế hoạch tốc độ cao của Pháp” có mục tiêu là cải thiện vùng phủ sóng kết nối tốc độ cao, tăng tốc độ triển khai của mạng cáp quang và kết nối các hộ gia đình với tốc độ 30 Mbps (trở lên) vào năm 2022. Kế hoạch này được bắt đầu triển khai từ năm 2013 và đến nay, Pháp tiếp tục đầu tư ước tính tổng cộng khoảng 20 tỷ euro(7).
Hai là, phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin.
Để phát triển nguồn nhân lực cho nền kinh tế số, các nhà hoạch định chính sách của Pháp tập trung vào cấu trúc ngành và hỗ trợ những doanh nghiệp đóng vai trò chính. Một trong những sáng kiến đáng chú ý là dự án “Công nghệ Pháp”(La French Tech) được thực hiện từ năm 2013 nhằm tập hợp các hệ sinh thái kỹ thuật số nổi bật nhất trên khắp nước Pháp. Kể từ năm 2018, mục tiêu của sáng kiến là bảo đảm sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ Pháp và kỳ vọng trở thành một trong những hệ sinh thái hấp dẫn và toàn diện nhất trên thế giới.
Vào tháng 5-2015, Chính phủ Pháp và thành phố Paris đưa ra chính sách với tên gọi “Thẻ công nghệ” (The French Tech Ticket), nhằm thu hút những người nước ngoài muốn tạo dựng hoặc phát triển công ty khởi nghiệp tại Paris, theo đó, ngoài những khoản hỗ trợ đào tạo, họ còn được tạo điều kiện để có được giấy phép cư trú tại Pháp(8).
Năm 2019, để phát triển hơn nữa nguồn nhân lực trong lĩnh vực công nghệ ở các nhóm đối tượng khác nhau từ học sinh đến người trưởng thành, Pháp thiết lập khung quốc gia về năng lực kỹ thuật số dựa trên khung năng lực kỹ thuật số của châu Âu, bao gồm các cấp học từ tiểu học đến đại học(9). Ngoài ra, để thúc đẩy các kỹ năng kỹ thuật số, Pháp đã đưa các khóa học bắt buộc mới về kỹ thuật số và khoa học máy tính áp dụng cho các trường trung học từ năm 2019. Theo Bộ Giáo dục Pháp, các khóa học này đã được giảng dạy trong hơn một nửa số trường công lập của Pháp(10).
Bên cạnh đó, để nâng cao trình độ kỹ năng số của đội ngũ giảng viên, nhiều khóa đào tạo cho các giảng viên được xây dựng, theo đó có hơn 2.000 giảng viên được đào tạo tại 19 trường đại học(11). Các sáng kiến khác bao gồm thiết lập các khóa đào tạo cho giáo viên cấp trung học phổ thông của Viện Khoa học kỹ thuật số của Pháp (INRIA). Hơn 13.000 giáo viên đã đăng ký khóa học kể từ khi các khóa đào tạo được triển khai vào tháng 2-2019(12).
Ba là, tích hợp công nghệ kỹ thuật số trong các doanh nghiệp.
Theo báo cáo của EC năm 2020, trong lĩnh vực tích hợp công nghệ số của các doanh nghiệp, Pháp đứng thứ 11 trong số các quốc gia EU. Tỷ lệ các doanh nghiệp sử dụng các giải pháp chia sẻ thông tin điện tử cao hơn nhiều so với mức trung bình của EU (48% so với 34% năm 2020). 16% doanh nghiệp Pháp sử dụng các giải pháp dữ liệu lớn, cao hơn 4% so với mức trung bình của EU năm 2020. Tuy nhiên, ở một số chỉ số mặc dù có tăng hơn so với năm trước như số lượng các doanh nghiệp hoạt động trên mạng xã hội, song vẫn dưới mức trung bình của EU. Để cải thiện tình hình, Pháp tiến hành chiến lược toàn diện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc số hóa hoạt động kinh doanh và phát triển một hệ sinh thái kỹ thuật số năng động thúc đẩy sự xuất hiện của các doanh nghiệp có tốc độ tăng trưởng cao, cụ thể:
Đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ Pháp có những chương trình khấu trừ thuế 40% nếu đầu tư vào chuyển đổi kỹ thuật số và hỗ trợ tài chính để giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai công nghệ kỹ thuật số, chuyển đổi mô hình kinh doanh và hiện đại hóa phương thức sản xuất, thông qua sáng kiến ngành công nghiệp của tương lai(13). Kể từ tháng 7-2018, Hội đồng Công nghiệp quốc gia (CNI) của Pháp có một nhánh dành riêng cho kỹ thuật số, tập hợp các lĩnh vực công nghiệp với sự hỗ trợ tích cực từ Chính phủ. Mục tiêu là xây dựng một kế hoạch hành động chiến lược chung để hỗ trợ các ngành công nghiệp xác định và đưa ra các giải pháp kỹ thuật số phù hợp với nhu cầu của ngành.
Ngoài ra, để hỗ trợ số hóa các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ Pháp xây dựng một website quốc gia (www.francenum.gouv.fr, đã đi vào hoạt động từ tháng 10-2018), cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong mọi lĩnh vực có thể thực hiện dự án số hóa của mình bằng cách kết nối các doanh nghiệp này với mạng lưới các nhà tư vấn chuyên ngành (cả nhà nước và tư nhân) và các nhà cung cấp dịch vụ, đồng thời cung cấp cho họ quyền truy cập vào nhiều nội dung phù hợp, bao gồm cả các gói tài trợ có sẵn.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc ứng phó với những khó khăn do sự bùng phát của dịch bệnh COVID-19, Chính phủ Pháp kêu gọi các doanh nghiệp kỹ thuật số lớn trong lĩnh vực thị trường kỹ thuật số, nền tảng giao hàng, giải pháp thanh toán trực tuyến…, cung cấp quyền truy cập vào toàn bộ các mã giảm giá, các ưu đãi. Mục đích là giúp các doanh nghiệp tiếp tục bán các sản phẩm và dịch vụ của họ thông qua các kênh kỹ thuật số trong bối cảnh việc mua sắm thực tế bị hạn chế do các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19, thậm chí ngay cả sau khi thời hạn giãn cách đã được dỡ bỏ. Cho đến nay đã có hơn 40 giải pháp kỹ thuật số được liệt kê trên trang web của Chính phủ, chia thành 5 danh mục khác nhau: thương mại điện tử, thanh toán điện tử, giao hàng/ hậu cần, tìm kiếm thị trường, thông tin liên lạc/ khắc phục khủng hoảng. Và nhiều doanh nghiệp kỹ thuật số dự kiến sẽ tham gia sáng kiến này trong tương lai gần(14).
Chính phủ Pháp cũng ban hành một bộ hướng dẫn trên cổng thông tin (www.francenum.gouv.fr) vào giữa tháng 3-2020 dành cho thợ thủ công, chủ cửa hàng và chủ doanh nghiệp. Trên trang web này có những hướng dẫn cụ thể về cách cập nhật thông tin của cửa hàng, doanh nghiệp lên trang web, cách duy trì công việc kinh doanh từ xa và giữ liên lạc với khách hàng, cách để bắt đầu số hóa doanh nghiệp và cách để nhận tư vấn và hỗ trợ tài chính trong giai đoạn khó khăn đối phó với dịch bệnh. Trong bối cảnh các tin tức giả mạo, không đáng tin cậy và lừa đảo lan truyền rất nhanh trên internet, có thể dựa vào các hướng dẫn chính thức này để tránh được rủi ro, nhất là giúp các doanh nghiệp nhỏ dễ bị tổn thương. Những biện pháp như vậy của Chính phủ Pháp đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ sẵn sàng tăng tốc số hóa để tiếp cận khách hàng thông qua các kênh mới(15).
Bốn là, về chiến lược đầu tư. Bên cạnh việc đầu tư vào từng nhóm đối tượng như các công ty khởi nghiệp công nghệ, các doanh nghiệp vừa và nhỏ, Chính phủ Pháp đặc biệt chú ý đầu tư vào các quỹ, các doanh nghiệp lớn. Khủng hoảng kinh tế là giai đoạn chuyển tiếp đối với nhiều doanh nghiệp, nhiều hoạt động hợp nhất, mua lại doanh nghiệp diễn ra. Việc đầu tư mạnh hơn vào các quỹ, vào các doanh nghiệp công nghệ lớn nhằm tạo nên nguồn lực tài chính đủ mạnh để có thể mua lại các doanh nghiệp nhỏ hơn có nhu cầu bán lại hoặc hợp nhất. Việc thúc đẩy các công ty khởi nghiệp phát triển thông qua đầu tư công có thể mang lại lợi ích cho hệ sinh thái kỹ thuật số của Pháp. Nếu bỏ lỡ, những gã khổng lồ công nghệ như Google và Facebook, sẽ mua lại các công ty khởi nghiệp hứa hẹn phát triển trong tương lai này(16).
Ngoài ra, vào đầu tháng 12-2020, Chính phủ Pháp đã công bố một gói kích thích trị giá 120 tỷ USD (100 tỷ euro), chiếm 4% GDP của Pháp, để phục hồi sau suy thoái kinh tế. Trong đó, dành một khoản đáng kể chi cho những lĩnh vực liên quan tới kỹ thuật số - đầu tư khởi nghiệp, đầu tư kết cấu hạ tầng và chuyển đổi kỹ thuật số. Bộ trưởng Kỹ thuật số của Pháp Cédric O cho biết, Pháp sẽ chi 8,4 tỷ USD (7 tỷ euro) cho các khoản đầu tư kỹ thuật số(17).
Không chỉ vậy, Chính phủ Pháp cũng chi 300 triệu USD (250 triệu euro) để đưa kỹ thuật số vào các cơ quan công quyền nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các dịch vụ hành chính. Trước đây, Chính phủ Pháp cũng đã phân bổ một số tiền để đưa kỹ thuật số vào hoạt động quản lý nhà nước, nhưng số vốn khi đó chỉ là 18 triệu USD (15 triệu euro). Trong lĩnh vực giáo dục, Pháp cũng chi 360 triệu USD (300 triệu euro) cho lĩnh vực công nghệ. Một khoản chi tiêu công cho kết cấu hạ tầng cũng đã được tính đến, như chi thêm 290 triệu USD (240 triệu euro) cho mạng cáp quang và 2 tỷ USD (1,7 tỷ euro) để hiện đại hóa hệ thống thông tin công cộng(18).
Một số gợi mở đối với Việt Nam
Ngày 3-6-2020, Thủ tướngChính phủ đã ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg, phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, với mục tiêu phấn đấu đưa Việt Nam thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về chính phủ điện tử, liên quan đến phát triển kinh tế số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; mục tiêu đến năm 2025, kinh tế số chiếm 20% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 10%; đến năm 2030, kinh tế số chiếm 30% GDP, tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt tối thiểu 20%(19).
Trong 10 năm qua, nền kinh tế số của Việt Nam đã phát triển nhanh chóng cả nền tảng hạ tầng lẫn thị trường kinh doanh. Với dân số hơn 98 triệu người, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển kinh tế số ở mức khá trong khu vực Đông Nam Á. Việt Nam ghi nhận sự xuất hiện xu hướng số hóa ở nhiều lĩnh vực, ngành kinh tế, từ thương mại, thanh toán cho đến giao thông, giáo dục, y tế, tuy nhiên chỉ tập trung chủ yếu ở các thành phố lớn. Hiện Việt Nam có khoảng 64 triệu người dùng internet(20). Qua nghiên cứu những chính sách để phát triển kinh tế số của Pháp có thể rút ra một số giá trị tham khảo đối với Việt Nam nhằm tận dụng những thuận lợi, khắc phục những hạn chế để phát triển nền kinh tế số trong tương lai.
Một là, về kết cấu hạ tầng số. Với nguồn lực tài chính công còn hạn chế, cần có các chính sách cụ thể để thúc đẩy, thu hút nhiều hơn nữa khu vực tư nhân vào đầu tư cho phát triển hạ tầng số, bảo đảm bao phủ sóng trên tất cả các vùng, miền, tạo sự công bằng về cơ hội tiếp cận dịch vụ số cho người dân trong cả nước, bảo đảm 100% hộ gia đình được kết nối internet tốc độ cao… Ngoài ra, cần xác định những ngành, lĩnh vực đột phá giúp đẩy nhanh mở rộng thị trường, thúc đẩy tiêu dùng, như thông tin số, liên lạc số, giải trí số, thương mại điện tử… để có giải pháp, chính sách hợp lý trong đầu tư phát triển. Hoàn thiện thể chế tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, toàn diện cho việc triển khai, xây dựng phát triển nền kinh tế số.
Hai là, về nguồn nhân lực. Đây là nhân tố quan trọng trong cạnh tranh và phát triển kinh tế số. Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là nhân lực công nghệ thông tin, truyền thông, nhân lực cho các lĩnh vực công nghệ mới, như trí tuệ nhân tạo (AI)… Giáo dục Việt Nam chưa theo kịp xu thế phát triển của kinh tế số. Chính vì thế, cần có những chính sách thu hút các chuyên gia từ khắp nơi trên thế giới, trang bị cho người dân kỹ năng số cơ bản thông qua việc chuẩn hóa giáo dục khung kỹ năng số, đưa kiến thức, kỹ năng số vào hệ thống giáo dục từ tiểu học đến đại học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, thúc đẩy giảng dạy qua môi trường số, đẩy mạnh liên kết đào tạo và thực hành giữa các trường và khu vực doanh nghiệp trong ứng dụng công nghệ số, đổi mới sáng tạo trong giáo dục phổ thông, thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin.
Ba là, tuyên truyền phổ biến cho người dân, doanh nghiệp nhận thức rõ hơn những giá trị mà công nghệ thông tin đem lại cho phát triển kinh tế. Tuyên truyền, hướng dẫn giới trẻ sử dụng internet hiệu quả, biết tận dụng, khai thác kho kiến thức khổng lồ này trong việc học tập, kinh doanh, phát triển bản thân, tránh lãng phí quá nhiều thời gian vào những hoạt động không cần thiết.
Bốn là, cần có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích doanh nghiệp vừa và nhỏ triển khai chuyển đổi số; thành lập các website chính thức của chính phủ để thông tin, hỗ trợ hỏi đáp, tiếp cận nguồn vốn, nhận tư vấn từ các chuyên gia giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ có nguồn thông tin tin cậy, có định hướng tốt giúp doanh nghiệp bớt khó khăn trong quá trình chuyển đổi số.
Năm là, việc bảo đảm an ninh mạng, bảo mật, an toàn thông tin. Nền kinh tế số dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, internet luôn chứa đựng nguy cơ lớn về bảo mật, an toàn thông tin, tài chính và tính riêng tư của dữ liệu, của các chủ thể tham gia kinh tế số. Việt Nam là một trong những quốc gia bị tấn công mạng nhiều nhất trong những năm gần đây. Điều này cho thấy, có một lỗ hổng lớn trong lĩnh vực bảo đảm an ninh mạng, an toàn thông tin của Việt Nam. Nếu không bảo đảm an ninh mạng và an toàn thông tin, sẽ cản trở mục tiêu đưa kinh tế số trở thành một trong những trụ cột chính của nền kinh tế đất nước.
Bên cạnh đó, cần có những chính sách sớm giải quyết những mặt trái phát sinh trong phát triển kinh tế số; xác định rõ các ngành, nghề sẽ bị “khai tử”, những ngành, nghề mới xuất hiện, những lao động sẽ bị thay thế bằng robot, trí tuệ nhân tạo; bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian số; an ninh mạng, an ninh thông tin; các mâu thuẫn, xung đột giữa các loại hình, cơ chế kinh doanh truyền thống với những loại hình, cơ chế kinh doanh mới xuất hiện… để có những giải pháp, chính sách phù hợp./.
----------------------
(1) Choose France: “France, a digital economy”,https://investinfrance.fr/digital-economy/
(2) United Nations: “E-Government Survey 2018”, https://publicadministration.un.org/egovkb/portals/egovkb/documents/un/2018-survey/e-government%20survey%202018_final%20for%20web.pdf
(3) OCDE: “Digital Economic Outlook, 2019”, https://www.oecd.org/digital/oecd-digital-economy-outlook-2020-bb167041-en.htm
(4), (5), (6), (7), (9), (10), (12), (13) European Commission: “Digital Economy and Society Index 2020”, https://digital-strategy.ec.europa.eu/en/policies/desi-france
(8) Ingrid Nappi:“France’s digital economy: A growing ecosystem needs the right infrastructure”,https://knowledge.essec.edu/en/innovation/frances-digital-economy-growing-ecosystem-needs-ri.html
(11) Ministère De Leducation Nationale: “Lenumériqueauservicedel’Ecoledelaconfiance”,https://www.education.gouv.fr/cid133192/le-numerique-service-ecole-confiance.html.
(14), (15) Report for the G20 Digital Economy Task Force Saudi Arabia: “Policy to support digitalization of business models during COVID-19: Annex”, https://www.oecd.org/sti/policy-options-to-support-digitalization-of-business-models-during-covid-19-annex.pdf
(16), (17), (18) Romain Dillet: “France to spend $8.4 billion on digital as part of stimulus plan”, https://techcrunch.com/2020/09/03/france-to-spend-8-4-billion-on-digital-as-part-of-stimulus-
(19) Quyết định số 749/QĐ-TTg, ngày 3-6-2020, của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”
(20) WeAreSocial khảo sát trên những người dùng internet (từ 16 - 64 tuổi) có sử dụng ít nhất một trong số các thiết bị có khả năng kết nối với mạng viễn thông
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính kết thúc tốt đẹp chương trình làm việc tại Vương quốc Anh, bắt đầu chuyến thăm chính thức Cộng hòa Pháp  (03/11/2021)
Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục trong giai đoạn hiện nay  (30/10/2021)
Hà Nội đẩy mạnh đổi mới mô hình tăng trưởng dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo  (25/10/2021)
Tiếp tục hoàn thiện hệ sinh thái thể chế để thúc đẩy doanh nghiệp nhà nước tích cực tham gia xây dựng nền kinh tế Việt Nam độc lập, tự chủ trong bối cảnh mới  (23/10/2021)
Trung tâm Công nghệ thông tin BIDV: Dặm dài phát triển  (07/10/2021)
- Hội nghị Trung ương 3 khóa XX Đảng Cộng sản Trung Quốc: Chú trọng duy trì ổn định và phát triển chất lượng cao
- Tư duy lý luận của Đảng về xây dựng mô hình chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam từ năm 1991 đến nay
- Nhận diện một số tiêu chí cơ bản của xã hội văn minh ở Việt Nam qua gần 40 năm đổi mới
- Vai trò của Hội Xuất bản Việt Nam trong việc phát triển ngành xuất bản và nguồn nhân lực ngành xuất bản
- Vận dụng quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về gia đình trong xây dựng chính sách gia đình hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm