Đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội trong bối cảnh mới
TCCS - Thời gian qua, du lịch Thủ đô đã và đang ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ tăng trưởng ổn định, quy mô hoạt động ngày càng mở rộng, đóng góp hiệu quả vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Hà Nội. Trong bối cảnh mới hiện nay, để tiếp tục phát triển ngành “công nghiệp không khói”, giữ vững vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trên thế giới, Hà Nội xác định thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó có đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch.
Chủ động, sáng tạo trong quảng bá, xúc tiến du lịch
Thời gian qua, với sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, ngành du lịch Thủ đô đã chủ động, sáng tạo triển khai nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch; duy trì và mở rộng các chương trình hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành phố trong nước và với các tổ chức Hà Nội là thành viên, như thực hiện chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thành viên Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á (CPTA) thông qua việc in tờ gấp quảng bá thủ đô của 10 nước thành viên, tham gia cuộc thi ảnh trên ứng dụng Instagram, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Điện Biên, Sơn La, Hòa Bình, Sở Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế in ấn bản đồ du lịch Hà Nội - Điện Biên, Hà Nội - Thừa Thiên Huế; bản đồ Hà Nội - Sơn La - Hòa Bình. Ngành du lịch Thủ đô cũng đã tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội tổ chức ký kết bản ghi nhớ chương trình hợp tác tuyên truyền quảng bá thành phố Hà Nội trên kênh CNN quốc tế giai đoạn 2019 - 2024 giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và Mạng tin tức truyền hình cáp CNN,...
Ngành du lịch Thủ đô cũng tham mưu nội dung ký kết hợp tác giữa Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội với Tổng công ty Hàng không Việt Nam giai đoạn 2019 - 2024; phối hợp với Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Khu vực miền Bắc và các đơn vị có liên quan tổ chức sự kiện “đón vị khách du lịch quốc tế đầu tiên đến Thủ đô Hà Nội năm 2019”; tổ chức đón các đoàn lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm. Hoạt động hợp tác tổ chức tham gia các hội chợ, sự kiện du lịch quốc tế và các hoạt động xúc tiến du lịch nước ngoài được đẩy mạnh; duy trì phối hợp tổ chức định kỳ 2 lần/năm chương trình quảng bá sản phẩm du lịch Thủ đô tại khu vực Vườn hoa Lý Thái Tổ. Vietnam Airlines đã thực hiện quảng bá du lịch Hà Nội thông qua trình chiếu 3 phim quảng cáo 30 giây về thành phố Hà Nội do CNN sản xuất trên 84 máy bay của hãng vào thời điểm cất cánh từ tháng 9-2018 đến hết tháng 2-2019; tiếp tục duy trì thực hiện công tác quảng bá đối ứng theo thỏa thuận. Ngành du lịch Hà Nội phối hợp với Hiệp hội Du lịch Việt Nam tổ chức thành công Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM Hà Nội 2019, tích cực tham gia xúc tiến du lịch tại các sự kiện trong nước do các tỉnh, thành phố tổ chức nhằm kết nối xây dựng sản phẩm, tuyên truyền quảng bá và xúc tiến du lịch; tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch gặp gỡ, trao đổi thông tin và khảo sát điểm đến…
Bên cạnh đó, Hà Nội tiếp tục triển khai xây dựng đề án hệ thống du lịch thông minh trong cấu thành thành phố thông minh với các thành phần cơ bản gồm: cơ sở dữ liệu dùng chung tích hợp vào hệ thống của thành phố, cổng thông tin du lịch Hà Nội, bản đồ số về du lịch theo công nghệ GIS và hệ sinh thái các ý tưởng hỗ trợ, như xây dựng phần mềm ứng dụng về du lịch dùng trên thiết bị di động cầm tay, phương tiện hỗ trợ truy nhập thông tin cho khách du lịch, phát triển hệ thống wifi công cộng (đã thực hiện lắp đặt hệ thống wifi công cộng giai đoạn 1 ở một số điểm du lịch trọng điểm, như không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và phụ cận, không gian biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố quận Tây Hồ, làng nghề gốm sứ Bát Tràng..., tiếp tục triển khai, lắp đặt ở nhiều điểm du lịch khác theo kế hoạch). Hà Nội cũng tiếp tục đưa vào ứng dụng trên điện thoại di động tại một số điểm du lịch trọng điểm (Hoàng Thành - Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, khu phố cổ Hà Nội, làng nghề Bát Tràng); cùng với đó nhiều điểm đến đã đưa hệ thống thuyết minh tự động vào hoạt động với nhiều ngôn ngữ (tiêu biểu tại Hoàng Thành - Thăng Long, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, làng nghề gốm sứ Bát Tràng). Sở Du lịch Hà Nội đã hoàn thành nâng cấp, phát triển trang thông tin du lịch Hà Nội với 3 ngôn ngữ tiếng Việt, Anh, Pháp kết nối cơ quan quản lý, doanh nghiệp với nhân dân và khách du lịch; đồng thời phối hợp với các đại sứ quán, các tổ chức quốc tế trên địa bàn thành phố để kết nối, giới thiệu quảng bá, hợp tác phát triển du lịch tại thị trường quốc tế và ngược lại.
Hà Nội cũng tổ chức các đoàn khảo sát liên kết sản phẩm du lịch với các địa phương trong nước (Khánh Hòa, Ninh Thuận, Sơn La, Tuyên Quang, Hà Giang…) và tại một số quận, huyện, thị xã trong thành phố (Thường Tín, Quốc Oai, Ba Vì, Mê Linh, Phú Xuyên, Đan Phượng…), qua đó góp phần hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp khảo sát liên kết, hợp tác xây dựng, hình thành các sản phẩm du lịch mới. Hà Nội duy trì triển khai đội hình tình nguyện hỗ trợ du lịch Thăng Long - Hà Nội, đưa 300 sinh viên tình nguyện từ 5 trường đại học trên địa bàn đến hỗ trợ khách du lịch tại 6 điểm đến du lịch trọng điểm; phối hợp với bộ phận tổng đài 1800556896 (VNPT Hà Nội) hỗ trợ, cung cấp thông tin cho 570 lượt khách du lịch về tuyến, điểm du lịch, các thông tin chỉ dẫn về khách sạn, bến xe, các điểm mua sắm, các thủ tục hành chính có liên quan đến hoạt động du lịch… Bộ phận thông tin - hỗ trợ khách du lịch đã tiến hành hỗ trợ, cung cấp cho nhiều nghìn lượt khách du lịch các thông tin trong lĩnh vực du lịch. Bên cạnh đó, Hà Nội tập trung hoàn thành xây dựng nhận diện thương hiệu, biển chỉ dẫn và sản phẩm lưu niệm du lịch Hà Nội.
Đặc biệt, thời gian qua, Hà Nội tập trung quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội tại các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm và tiềm năng của Thủ đô thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành du lịch tại Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan, Nga, Đức, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a...
Với cách làm sáng tạo và chủ động trong tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch, ngành du lịch Thủ đô tiếp tục duy trì được nhịp độ phát triển, từng bước nâng cao chất lượng sản phẩm du lịch; tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các đơn vị, doanh nghiệp. Mặc dù có khó khăn, nhất là những thách thức từ đại dịch COVID-19, ngành du lịch Thủ đô chủ động triển khai các giải pháp để giữ vững vị trí hàng đầu trong những điểm du lịch hấp dẫn du khách trên thế giới. Hình ảnh Thủ đô Hà Nội ngày càng được giới thiệu, quảng bá rộng rãi và tiếp tục được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Năm 2019, Hà Nội vinh dự là 1/19 ứng cử viên hạng mục “Điểm đến thành phố hàng đầu thế giới 2019”, được nhận giải Travellers’ Choice Awards năm 2019, xếp thứ 4/25 điểm đến hàng đầu châu Á và 15/25 điểm đến hàng đầu thế giới do du khách bình chọn trên trang TripAdvisor, CNN bình chọn Hà Nội là điểm đến của Việt Nam lọt top “Danh sách vàng những điểm du lịch tốt nhất châu Á”. Năm 2019, Hà Nội đón 28.945.000 lượt khách (tăng 10,1% so với năm 2018), trong đó khách du lịch quốc tế đến Hà Nội đạt 7.025.000 lượt khách (tăng 17,0% so với năm 2018). Tổng thu từ khách du lịch đạt 103.812 tỷ đồng (tăng 34,0% so với năm 2018).
Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội thời gian tới
Hiện nay, trước tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, ngành du lịch Hà Nội xác định thực hiện điều chỉnh chỉ tiêu phát triển của ngành trong năm 2020 phù hợp với tình hình mới. Một số nhiệm vụ trọng tâm được Hà Nội xác định cần thực hiện trong năm 2020, như tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá 4 năm thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 26-6-2016 của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển du lịch Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2016 - 2020 và những năm tiếp theo”. Phối hợp thúc đẩy tiến độ đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, phát triển các sản phẩm du lịch hoàn chỉnh, có chất lượng cao, hấp dẫn khách du lịch; tiến hành rà soát, đánh giá tiến độ thực hiện các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn thành phố, tổ chức hội nghị chuyên đề tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án, sớm đưa vào hoạt động các dự án khách sạn cao cấp. Trình cơ quan chức năng ban hành bộ tiêu chí chuẩn công nhận điểm du lịch, khu du lịch chất lượng cao của thành phố. Xây dựng đề án nâng cao chất lượng tại một số khu, điểm du lịch trọng điểm trên địa bàn thành phố. Quản lý nâng cao chất lượng dịch vụ lữ hành, lưu trú du lịch; bảo đảm môi trường hoạt động du lịch an toàn, thân thiện để phục vụ các sự kiện của Trung ương và thành phố năm 2020. Tiếp tục tổ chức điều tra, khảo sát, phân tích, đánh giá các chỉ tiêu khách du lịch, điểm đến và dịch vụ du lịch để đánh giá tác động của ngành du lịch đối với kinh tế - xã hội Thủ đô để phục vụ công tác tham mưu, chỉ đạo và tổ chức thực hiện sát thực tế. Khảo sát, điều tra, đánh giá nguồn nhân lực du lịch Hà Nội phục vụ công tác quản lý, định hướng phát triển nguồn nhân lực phát triển du lịch.
Để đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến phát triển du lịch, Hà Nội tập trung triển khai các nhiệm vụ, giải pháp sau:
Một là, tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của ngành du lịch nói chung và công tác quáng bá, xúc tiến du lịch nói riêng trong phát triển kinh tế - xã hội Thủ đô, nhất là trong bối cảnh mới với nhiều thời cơ nhưng không ít thách thức như hiện nay.
Hai là, tiếp tục triển khai hệ thống du lịch thông minh, hình thành và đưa vào khai thác, sử dụng các thành phần cơ bản của hệ thống bảo đảm tính tiện ích, hấp dẫn du lịch. Chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ du lịch gắn với thực tiễn cho các đối tượng tham gia hoạt động trong lĩnh vực du lịch, phát huy được vai trò tích cực của cộng đồng dân cư. Tiếp tục mở các lớp bồi dưỡng công chức, viên chức hoạt động trong lĩnh vực du lịch theo đề án “Nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức giai đoạn 2016 - 2020” đã được Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội phê duyệt.
Ba là, xây dựng và triển khai kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn thành phố năm 2020. Chủ động triển khai các giải pháp khắc phục sự giảm sút, khôi phục hoạt động du lịch sau dịch COVID-19.
Gắn hoạt động quảng bá, phát triển du lịch với thực tiễn của các doanh nghiệp du lịch. Các doanh nghiệp cần lựa chọn điểm đến phù hợp, vừa khai thác vừa đẩy mạnh quảng bá những điểm đến an toàn đến du khách; đồng thời chú trọng khai thác du lịch sinh thái gắn với bảo vệ môi trường. Đầu tư xây dựng các tuyến du lịch mới hướng đến những thị trường an toàn để thu hút du khách trong nước đang có nhu cầu đi du lịch, nhưng còn e ngại về dịch bệnh. Tạo chiến dịch truyền thông rộng khắp về việc Việt Nam hiện đang an toàn và kiểm soát phòng dịch COVID-19 một cách hiệu quả nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, giảm thiệt hại và tạo đà cho du lịch phục hồi sau dịch. Tăng cường khai thác các thị trường tiềm năng, tiếp tục duy trì xúc tiến các thị trường trọng điểm đặc biệt, có kết nối đường bay thuận tiện, đang có tốc độ tăng trưởng cao.
Bốn là, tiếp tục triển khai chương trình hợp tác giai đoạn 2019 - 2024 giữa thành phố Hà Nội và Tổng công ty hàng không Việt Nam năm 2020. Chủ động liên kết với các hãng hàng không và hãng lữ hành quốc tế lớn thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến du lịch Hà Nội tại chỗ, như tổ chức thực hiện quảng bá du lịch đối ứng giữa Hà Nội với các nước; phối hợp với Việt Nam Airlines, VietJetAir đón các đoàn lữ hành lớn tại các thị trường trọng điểm châu Âu, Á, Bắc Mỹ,... các đoàn báo chí, phóng viên quốc tế đến khảo sát sản phẩm, viết bài tuyên truyền quảng bá về du lịch Thủ đô. Tổ chức sự kiện đón vị khách quốc tế đầu tiên đến Hà Nội năm 2020.
Năm là, triển khai chương trình hợp tác giai đoạn 2019 - 2024 giữa thành phố Hà Nội và Mạng tin tức truyền hình cáp CNN năm 2020. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác, phối hợp với các cơ quan báo chí, truyền thông của Thành phố và cả nước trong tuyên truyền, quảng bá du lịch Hà Nội. Chủ động thực hiện tuyên truyền quảng bá du lịch thông qua các hoạt động đối ngoại của thành phố và các sự kiện thể thao quốc tế được tổ chức tại Hà Nội trong năm 2020.
Sáu là, cập nhật đầy đủ thông tin, dữ liệu về du lịch Hà Nội trên website du lịch Hà Nội để cung cấp thông tin cho du khách, tăng cường và liên kết giữa khách du lịch - các đơn vị cung cấp dịch vụ du lịch - cơ quan quản lý nhà nước về du lịch. Năm 2020, tiến hành nâng cấp website thêm một số ngôn ngữ (Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc). Triển khai số hóa các điểm đến du lịch của các quận, huyện trong hệ thống giới thiệu du lịch Thủ đô bằng giao diện 360°, 3D, flycam, công nghệ thực tế ảo để tăng cường ứng dụng công nghệ trong quảng bá du lịch.
Bảy là, triển khai hiệu quả công tác phối hợp, trao đổi kinh nghiệm; kết nối tour, tuyến và tham gia các hoạt động của Trung ương và các tỉnh, thành phố tổ chức nhằm thực hiện tốt liên kết phát triển du lịch. Tăng cường phối hợp liên kết ngành, liên kết quốc gia, liên kết với các tỉnh, thành phố trọng điểm về du lịch, như tham gia các hoạt động Năm du lịch quốc gia 2020 tại Ninh Bình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tổng cục Du lịch và tỉnh Ninh Bình tổ chức; tham gia hội thảo phát triển du lịch, các hoạt động hợp tác, liên kết phát triển du lịch; các sự kiện du lịch lớn trong nước, như Hội chợ Du lịch quốc tế Việt Nam - VITM, Hội chợ Du lịch quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh - ITE 2020…
Tám là, tham gia hội nghị thường niên và các hoạt động của Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á (CPTA) năm 2020; thực hiện chương trình quảng bá du lịch đối ứng với các nước thành viên Hội đồng Xúc tiến du lịch châu Á, như làm phim quảng bá du lịch, các sản phẩm truyền thông, làm biển bảng chỉ dẫn bằng các ngôn ngữ tại các điểm đến du lịch; tham dự hội nghị và các hoạt động hợp tác phát triển du lịch của Tổ chức Xúc tiến du lịch các thành phố châu Á- Thái Bình Dương (TPO) năm 2020. Tập trung quảng bá điểm đến du lịch Hà Nội tại các thị trường khách du lịch quốc tế trọng điểm và tiềm năng của du lịch Thủ đô thông qua việc tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế chuyên ngành du lịch, như Hội chợ Du lịch quốc tế JATA tại Tokyo (Nhật Bản), Hội chợ Du lịch quốc tế Top Resa tại Pa-ri (Pháp), Hội chợ du lịch thế giới WTM tại Luân-đôn (Anh), phối hợp với Tổng cục Du lịch tham dự các hội chợ và đoàn xúc tiến khác.../.
Truyền thông đối ngoại: Nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của Hà Nội  (27/11/2020)
Phát huy giá trị các di sản văn hóa trong phát triển du lịch Thủ đô  (27/11/2020)
Giao thông đô thị Hà Nội: Cần những đột phá mạnh mẽ trong quy hoạch bền vững, kết nối  (20/11/2020)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển