Xây dựng Phú Thọ giàu đẹp, văn minh và tiến bộ xứng đáng với quê hương đất Tổ
Phú Thọ là vùng đất Tổ, đất phát tích của dân tộc Việt Nam, vùng đất lưu giữ nhiều di tích lịch sử, cách mạng, di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đặc sắc. Từ bao đời nay, nhân dân Phú Thọ luôn giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu "Giàu sáng tạo trong lao động, sản xuất; giàu khí phách trong đấu tranh cách mạng; giàu nhân ái, thủy chung trong cuộc sống". Những năm gần đây, nhờ khai thác tốt những tiềm năng, lợi thế, kinh tế của Phú Thọ đã có bước khởi sắc đáng kể; đặc biệt, sau 10 năm tái lập tỉnh, Phú Thọ đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong vùng kinh tế trung du, miền núi Bắc Bộ.
Sau một thời gian sáp nhập thành tỉnh Vĩnh Phú, từ ngày 1-1-1997, Phú Thọ được tái lập. Nằm ở đỉnh tam giác châu thổ sông Hồng, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 80 km, trong hành lang kinh tế Côn Minh - Hải Phòng, là cửa ngõ tiếp giáp với các tỉnh miền núi giàu tiềm năng phát triển kinh tế như: Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Yên Bái, lại có hệ thống giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nên Phú Thọ có nhiều cơ hội để phát triển kinh tế và giao lưu văn hóa.
Bên cạnh đó, thiên nhiên cũng ban tặng cho Phú Thọ một quỹ đất dồi dào để phát triển nông lâm nghiệp, phát triển các khu công nghiệp, các khu đô thị lớn. Đất đồi rừng chiếm tỷ lệ đáng kể nhất trong tổng quỹ đất của Phú Thọ với đặc điểm thổ nhưỡng phù hợp cho phát triển các loại cây công nghiệp dài ngày như: chè, cây ăn quả, cây nguyên liệu giấy. Tài nguyên rừng của Phú Thọ rất dồi dào với trữ lượng khoảng 3,5 triệu m3gỗ. Địa thế của một tỉnh nhiều sông, hồ, ao, đầm cũng cho Phú Thọ một khoảng diện tích lớn để phát triển, nuôi trồng thủy sản theo hướng thâm canh và sản xuất hàng hóa.
Phú Thọ còn được kế thừa những cơ sở sản xuất công nghiệp có từ những năm 60 của thế kỷ XX, là một trong những lợi thế cơ bản để Phú Thọ hình thành và phát triển một số cơ sở công nghiệp có ý nghĩa đối với cả nước như: giấy, phân bón, hóa chất... Tài nguyên khoáng sản của Phú Thọ khá phong phú về chủng loại, dồi dào về trữ lượng cũng là điều kiện thuận lợi để Phú Thọ phát triển công nghiệp khai thác và chế biến khoáng sản, công nghiệp gốm, sứ, xi măng và sản xuất vật liệu xây dựng.
Là vùng đất cổ, kinh đô xưa của Nhà nước Văn Lang, Phú Thọ nổi tiếng là nơi có nhiều di tích lịch sử, văn hóa đặc sắc từ thời đại Hùng Vương; với nhiều cảnh quan thiên nhiên phong phú, hấp dẫn, nhiều danh lam thắng cảnh có giá trị, vì vậy rất thuận lợi cho phát triển du lịch mang đậm bản sắc truyền thống, cội nguồn và sinh thái.
Nhưng bên cạnh những thuận lợi trên, Phú Thọ cũng gặp không ít khó khăn trong phát triển kinh tế:
- Xuất phát điểm kinh tế thấp. Tỉnh có 50 xã đặc biệt khó khăn. Tỷ lệ hộ nghèo của Phú Thọ thường cao hơn mức chung của cả nước (năm 2006 là 26,6%). Trong tỉnh tuy sớm có một số cơ sở công nghiệp vào loại lớn nhất cả nước, nhưng được đầu tư từ những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, đến nay thiết bị hầu hết đã lạc hậu.
- Trong 12 huyện, thành, thị có tới 10 huyện thuộc diện miền núi, nên Phú Thọ không có nhiều lợi thế về đất đai cho việc phát triển nông nghiệp như các tỉnh đồng bằng (diện tích bình quân đất nông nghiệp đầu người chỉ có 746 m2, bằng 70% mức bình quân của cả nước). Thế nhưng phần đông dân số lại chủ yếu sống bằng nghề nông (trên 70%), các ngành nghề phi nông nghiệp ít phát triển.
- Kết cấu hạ tầng chậm phát triển, vì vậy tỉnh gặp rất nhiều khó khăn, trong khi các dự án lớn của Nhà nước về phát triển giao thông và vùng kinh tế trọng điểm có tác động ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh lại chậm được đầu tư...
Để khắc phục khó khăn, tận dụng những thuận lợi, khai thác các tiềm năng, lợi thế vốn có, phát triển kinh tế - xã hội một cách toàn diện, Phú Thọ đã xác định rõ những lĩnh vực trọng tâm, trọng điểm để tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo, bứt phá đi lên; trong đó, cải cách hành chính, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng và phát triển du lịch đã được chọn làm khâu đột phá để thúc đẩy kinh tế phát triển.
Cải cách hành chính đã được tỉnh chỉ đạo triển khai từ rất sớm tại 24 cơ quan sở, ban, ngành ở tỉnh. Sau 10 tháng thực hiện, lại được tiếp tục triển khai đồng loạt ở 12 huyện, thành, thị và 274 xã, phường, thị trấn, với 287 lĩnh vực, công việc. Với việc triển khai khoa học, hiệu quả trên tinh thần vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nên việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa" đạt được những kết quả thiết thực, bước đầu đã công khai hóa, minh bạch các thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, công dân đến giao dịch, củng cố được lòng tin của nhân dân đối với các cơ quan hành chính ở địa phương, góp phần đổi mới mối quan hệ giữa cơ quan hành chính nhà nước với tổ chức và cá nhân theo hướng phục vụ, tạo môi trường kinh doanh thông thoáng thu hút đầu tư.
Cùng với cải cách hành chính, Phú Thọ cũng đã tập trung sự lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt khâu đột phá đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. Tỉnh đã xây dựng mới và điều chỉnh các cơ chế chính sách huy động vốn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, đầu tư vào các công trình gắn với lợi ích trực tiếp của người dân. Tổ chức tốt cơ chế tài chính sử dụng quỹ đất tạo vốn xây dựng kết cấu hạ tầng. Tăng cường quảng bá xúc tiến, thu hút vốn đầu tư, khuyến khích các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển theo hình thức BOT, nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, khu đô thị mới, khu vui chơi giải trí. Làm tốt công tác lập và giới thiệu dự án, công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án. Thực hiện chính sách tiết kiệm, dành từ 10% đến 12% vốn nội thu và 50% vốn vượt thu từ ngân sách tỉnh cho đầu tư phát triển. Quản lý chặt chẽ nguồn thu cấp huyện, xã, có cơ chế điều tiết hợp lý, tăng chi đầu tư phát triển cho cấp huyện và cấp xã. Vì vậy, Phú Thọ đã huy động được tối đa các nguồn lực từ Trung ương, vốn ODA, vốn tập trung từ ngân sách và vốn trong nhân dân để phát triển kết cấu hạ tầng. Chỉ tính trong 5 năm gần đây, Phú Thọ đã huy động được hơn 15 ngàn tỉ đồng cho đầu tư phát triển, tăng 31,9%/năm và tăng trên 5,1 lần so với lúc mới được tái lập tỉnh. Từ đó, đầu tư tăng thêm được 737 km đường nhựa, 786 km đường bê-tông và 523 km đường cấp phối, 180 công trình thủy lợi, kiên cố hóa 646 km kênh mương, tăng thêm 4.176 ha được tưới tiêu chủ động, xây dựng và cải tạo 1.277 phòng học và 136 trạm y tế cơ sở. Đến hết năm 2005, bảo đảm tất cả các xã trên địa bàn tỉnh đều có đường ô-tô đến trung tâm xã, có máy điện thoại, điện sinh hoạt, đài truyền thanh....
Thấy rõ được tiềm năng phát triển du lịch, Tỉnh ủy, Hội đồng Nhân dân, Ủy ban Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã có nhiều văn bản định hướng và quy định về cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy du lịch phát triển, coi du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Đến nay, tỉnh đã hoàn thành Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2001-2010, định hướng đến 2020 và một số quy hoạch chi tiết các khu, điểm du lịch tập trung trên địa bàn tỉnh. Nguồn vốn được đầu tư bước đầu đã đáp ứng tốt nhu cầu phát triển du lịch hiện tại của tỉnh. Tổng số vốn đã đầu tư cho phát triển du lịch khoảng 311 tỉ đồng, trong đó ngân sách tỉnh 35 tỉ, vốn mục tiêu do Trung ương hỗ trợ 26 tỉ đồng, vốn từ các thành phần kinh tế 250 tỉ đồng. Bên cạnh đó, tỉnh đã chỉ đạo các ngành gắn kết phát triển du lịch với các chương trình phát triển kinh tế - xã hội để đầu tư có hiệu quả kết cấu hạ tầng đến các khu du lịch trên địa bàn. Với 150 di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật được xếp hạng, trong đó có nhiều di tích nổi bật, Phú Thọ đã hình thành được các tour, tuyến du lịch với nhiều loại hình du lịch đặc sắc như: du lịch văn hóa, tâm linh tại Đền Hùng, đền Mẫu Âu cơ, đền Hiền Quan, đình Bảo Đà...; du lịch sinh thái tại rừng quốc gia Xuân Sơn (diện tích 30.000 ha) và trên 10 km các hang động; du lịch chữa bệnh tại khu nước khoáng nóng Thanh Thủy; du lịch thăm các chiến khu Hiền Lương, Minh Hòa, chiến thắng sông Lô...; du lịch lễ hội Đền Hùng, Bạch Hạc, Chu Hóa, thành phố Việt Trì... và hình thành các cụm, khu, tuyến du lịch kết hợp với các tỉnh khác như chương trình du lịch hướng về cội nguồn giữa 3 tỉnh Phú Thọ - Yên Bái - Lào Cai, các tuyến du lịch đường bộ, đường sông, đường sắt.
Trên cơ sở xác định hướng đi đúng, Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đã đoàn kết, sáng tạo khắc phục những khó khăn, phát huy thuận lợi, khai thác những tiềm năng, lợi thế, nỗ lực phấn đấu và đạt được nhiều kết quả quan trọng trong phát triển kinh tế, tạo được những bước đi lên vững chắc. Cụ thể như sau:
1 - Trong sản xuất nông nghiệp đã tạo được bước đột phá trong việc nâng cao năng suất cây trồng thông qua việc áp dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, tăng cường đầu tư thâm canh, tăng vụ để tăng sản lượng. Nhờ đó, mặc dù không có lợi thế về đất đai, nhiều năm trước vẫn còn bị thiếu lương thực, đến nay Phú Thọ đã bảo đảm an toàn lương thực. Sản lượng lương thực tăng từ 26,7 vạn tấn (năm1997) lên trên 43 vạn tấn (năm 2006), đưa lương thực bình quân đầu người tăng từ 207 kg/người/năm lên 340 kg/người/năm và đưa Phú Thọ đứng thứ 2 trong 11 tỉnh vùng Đông Bắc Bộ về sản xuất lương thực.
Song song với việc bảo đảm an ninh lương thực, tỉnh cũng đã xây dựng và triển khai thực hiện 6 chương trình nông nghiệp trọng điểm, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, góp phần đưa sản xuất nông nghiệp liên tục tăng trưởng với tốc độ cao (bình quân 8,1% /năm). Đến nay, Phú Thọ đã tăng nhanh được diện tích cây ăn quả, mở rộng được vùng nuôi trồng thủy sản tập trung, đưa chăn nuôi dần trở thành ngành sản xuất chính trong nông nghiệp; hình thành vùng sản xuất nguyên liệu giấy, sản xuất chè có quy mô lớn; trong đó, diện tích chè đứng thứ ba trong cả nước và đứng thứ nhất về sản xuất chè đen. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch nhanh theo hướng tăng tỷ trọng chăn nuôi, thủy sản và nguyên liệu chế biến. Giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, hiệu quả sản xuất đều tăng cao so với thời điểm tách tỉnh; sản xuất hàng hóa bước đầu phát triển, đã có sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến và với vùng nguyên liệu. Tư duy sản xuất của nông dân trong tỉnh có sự chuyển biến tích cực, chuyển từ sản xuất nhỏ sang sản xuất hàng hóa gắn với thị trường. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng quỹ đất nông - lâm nghiệp, bảo vệ và phát triển vốn rừng đã được triển khai theo các chương trình, dự án kinh tế. Mười năm qua, toàn tỉnh đã trồng mới gần 100.000 ha rừng, trong đó, có hàng chục ngàn héc-ta cây nguyên liệu giấy. Nhờ đó, đã hình thành các mô hình kinh tế đồi rừng, kinh tế trang trại tổng hợp; mô hình liên doanh, liên kết trồng rừng cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng độ che phủ rừng lên 46%, bảo đảm môi trường sinh thái bền vững. Hiện toàn tỉnh có 489 trang trại đạt tiêu chí, trong đó có 146 trang trại quy mô tương đối lớn, hình thành hàng trăm mô hình cánh đồng, khu đồi rừng và hàng ngàn hộ nông dân thu nhập cao.
2 - Trong sản xuất công nghiệp, sau khi tách tỉnh, mặc dù kém lợi thế cạnh tranh vì hầu hết các nhà máy, xí nghiệp được đầu tư từ những năm 59 - 60 của thế kỷ XX nên thiết bị, công nghệ lạc hậu, năng lực sản xuất hạn chế, song vận dụng sáng tạo các quan điểm của Đảng và Nhà nước vào hoàn cảnh đặc điểm của địa phương, tỉnh Phú Thọ đã có nhiều biện pháp đổi mới cơ chế quản lý công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, tăng cường thu hút đầu tư, tập trung thực hiện các chương trình công nghiệp trọng điểm như: Chế biến nông - lâm sản thực phẩm; khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón, hàng may mặc xuất khẩu; phát huy hiệu quả hợp tác với các địa phương và hợp tác quốc tế, khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế trên địa bàn. Vì thế, đến nay, Phú Thọ có trên 17 ngàn cơ sở sản xuất công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp trong các lĩnh vực thuộc mọi thành phần kinh tế, trong đó có 11 doanh nghiệp quốc doanh, 55 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, 231 hợp tác xã, 41 doanh nghiệp tư nhân và 16.415 cơ sở sản xuất quy mô hộ... Phú Thọ có 2 khu công nghiệp tập trung đã được Thủ tướng phê duyệt. Đó là khu công nghiệp Thụy Vân - Việt Trì và khu công nghiệp Trung Hà - Tam Nông. Hầu hết các huyện, thị đều có các cụm, điểm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề. Mặc dù kém lợi thế so sánh trong thu hút vốn đầu tư nước ngoài, nhưng nhờ có những giải pháp đúng đắn nhằm tạo ra môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn (như giảm các chi phí bất hợp lý để giảm giá thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng đến tận công trình, giải phóng mặt bằng bằng tiền của tỉnh, cho mượn đất, vay vốn, cải cách thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa"...) nên tỉnh đã thu hút được 55 dự án đầu tư nước ngoài, 18 dự án đầu tư của tỉnh ngoài, với tổng số vốn đăng ký gần 700 triệu USD, trong đó trên 40 dự án đã đi vào hoạt động. Các cơ sở sản xuất kinh doanh đều đầu tư vào những lĩnh vực ngành nghề có lợi thế của tỉnh là chế biến nông, lâm sản thực phẩm; khai thác và chế biến khoáng sản, sản xuất vật liệu xây dựng, hóa chất, phân bón; hàng may mặc xuất khẩu... Vì vậy, sản xuất công nghiệp liên tục phát triển, giá trị sản xuất công nghiệp tăng bình quân 14,8%/năm (cao hơn mức bình quân của cả nước là 12,2%). Các ngành công nghiệp mũi nhọn phát triển khá, một số cơ sở công nghiệp có ý nghĩa lớn cho kinh tế trên địa bàn và đã tạo ra được nhiều sản phẩm có chất lượng cao, được thị trường chấp nhận như gạch CMC, bia Henninger, xi-măng, hóa chất phân bón, giấy... Công nghiệp phát triển nhanh đã góp phần giải phóng sức sản xuất, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP bình quân trong 5 năm 2001 - 2005 là 9,73%/năm) và là cơ sở để cơ cấu kinh tế của tỉnh chuyển biến theo hướng tích cực (năm 2006, công nghiệp - xây dựng: 38,7%; dịch vụ: 34,3%; nông - lâm nghiệp: 27%). Công nghiệp phát triển còn tạo ra được sự đột phá trong phát triển cả số doanh nghiệp, vốn, lao động, doanh thu và nộp ngân sách. Có thể nói, sau 10 năm tái lập, giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh đã tăng 3,5 lần, góp phần đưa Phú Thọ vươn lên vị trí số 1 trong 14 tỉnh trung du, miền núi Bắc Bộ và đứng thứ 18 trong cả nước về sản xuất công nghiệp.
3 - Cùng với nông nghiệp, công nghiệp, trong lĩnh vực thương mại và du lịch cũng đạt thành tích khá. Năm 2006 giá trị kim ngạch xuất khẩu của Phú Thọ đạt 132,2 triệu USD, tăng 15% so với năm 2005. Các mặt hàng xuất khẩu ngày càng đa dạng, phong phú, có uy tín, được thị trường quốc tế chấp nhận được mở rộng sang nhiều nước và khu vực như: Mỹ, Đông Âu, EU, I-rắc, Nga,... Những mặt hàng xuất khẩu truyền thống như chè chế biến, may mặc tiếp tục tăng. Trên địa bàn đã hình thành được các chợ đầu mối, trung tâm giao dịch, trung tâm phân phối hàng hóa, trung tâm thương mại - dịch vụ. Mạng lưới thương mại dịch vụ được quy hoạch sắp xếp lại, đồng thời tăng cường công tác quản lý thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và kinh doanh trái phép, bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, nhà sản xuất và đẩy mạnh tiêu thụ. Trong hoạt động kinh tế đối ngoại, do đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư, có chính sách ưu đãi, tạo môi trường thuận lợi nên tỉnh đã thu hút được các dự án đầu tư nước ngoài và những dự án này đã tạo ra 12% GDP của tỉnh, 27% giá trị sản xuất công nghiệp, 70% giá trị kim ngạch xuất khẩu, có số vốn đầu tư chiếm 29% trong tổng vốn đầu tư của tỉnh. Hoạt động du lịch nhờ có nhiều tiềm năng và được quan tâm phát triển nên chỉ riêng năm 2005 đã đón và phục vụ được trên 185 ngàn lượt khách (bằng 269% so với năm 2000), 168 ngàn ngày khách lưu trú (bằng 246% so với năm 2000), công suất phòng đạt 61%, doanh thu đạt 145 tỉ đồng, nộp ngân sách 14 tỉ đồng.
4 - Các ngành dịch vụ khác có bước phát triển, với nhiều loại hình dịch vụ phong phú đa dạng, đáp ứng được yêu cầu của sản xuất và đời sống nhân dân. Mạng lưới dịch vụ từ chỗ hoạt động phân tán, quy mô nhỏ bé, chất lượng phục vụ thấp, giá trị tăng bình quân mới đạt 7,2%/năm (năm 1997), đến nay đã được mở rộng cả về quy mô, lẫn chất lượng phục vụ. Giá trị dịch vụ tăng bình quân trên 12%/năm. Hệ thống khách sạn, nhà hàng của tỉnh được tăng cường đầu tư, xây dựng; dịch vụ vận tải tăng nhanh; dịch vụ bưu chính - viễn thông được hiện đại hóa và phát triển với số máy điện thoại năm 1997 chỉ đạt 0,9 máy/100 người dân, đến năm 2006 đã đạt 15 máy.
5 - Về vấn đề lao động, việc làm, nhờ chủ trương khuyến khích phát triển các thành phần kinh tế: kinh tế quốc doanh (nhất là trong công nghiệp xây dựng) giữ vai trò chủ đạo, kinh tế ngoài quốc doanh được khuyến khích, khơi dậy mọi tiềm năng, tạo nhiều cơ hội, nên sản xuất, kinh doanh trong tỉnh phát triển tạo điều kiện giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 16,2 ngàn lao động, trong đó có 8,7 ngàn chỗ làm mới. Ngoài ra, để giải quyết tình trạng dư thừa lao động trong nông nghiệp, tỉnh đã có chính sách khuyến khích xuất khẩu lao động. Đến nay tỉnh có trên 3.000 lao động đang làm việc tại Ma-lai-xi-a, Đài Loan, Xin-ga-po... góp phần tăng thu nhập cho các gia đình.
Những thành tích xuất sắc mà Đảng bộ và nhân dân Phú Thọ đạt được trong 10 năm qua đã cho phép khẳng định: Một tỉnh dù còn có khó khăn, nhưng biết vận dụng sáng tạo các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, luôn giữ vững và tăng cường khối đoàn kết, thống nhất trong Đảng và sự đồng thuận xã hội, biết phát huy lợi thế so sánh, phát huy tinh thần tự lực tự cường, tranh thủ và khai thác tốt mọi nguồn lực cho phát triển, nhất định sẽ tìm được lối ra, vượt qua khó khăn, tạo thế và lực mới để vững bước tiến lên.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, Phú Thọ vẫn là tỉnh nghèo, kinh tế - xã hội còn gặp nhiều khó khăn. Tăng trưởng kinh tế chưa thực sự vững chắc, GDP bình quân đầu người mới bằng khoảng 60 % so với mức trung bình của cả nước, thu mới bảo đảm 40% chi. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế còn chậm, công nghiệp, du lịch, dịch vụ phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Quản lý nhà nước về quy hoạch, kiến trúc đô thị, tài nguyên đất đai có mặt còn chưa đáp ứng yêu cầu; khắc phục ô nhiễm môi trường đô thị, khu công nghiệp còn chậm. Chất lượng cuộc sống giữa các vùng, miền còn khoảng cách chênh lệch.
Để khắc phục những hạn chế nêu trên trong định hướng phát triển kinh tế - xã hội 5 năm tới, Phú Thọ đã nêu cao quyết tâm đẩy mạnh nhiệm vụ phát triển kinh tế, tạo sự chuyển biến cả về tốc độ và chất lượng tăng trưởng với mức cao hơn nhiệm kỳ 2000 - 2005, phấn đấu GDP đạt 10% trở lên, bắt nhịp với đà phát triển chung của cả nước; phấn đấu đến năm 2010, thoát khỏi tỉnh nghèo. Tiếp tục đổi mới toàn diện, khai thác triệt để tiềm năng, thế mạnh để phát triển, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế. Nâng cao hiệu quả các nguồn lực đầu tư, cải thiện chất lượng kết cấu hạ tầng, đẩy nhanh quá trình đô thị hóa gắn với phát triển các vùng nông thôn. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tiếp tục xác định khâu đột phá quan trọng là "phát triển kết cấu hạ tầng".
Bên cạnh phát triển kinh tế sẽ gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đẩy lùi tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc; thực hiện tốt các chính sách xã hội, từng bước thu hẹp khoảng cách về thu nhập và mức sống giữa các vùng miền. Gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với tăng cường công tác quốc phòng - an ninh, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.
Tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh toàn diện; thực hiện có hiệu quả cuộc vận động, xây dựng, chỉnh đốn đảng, tự phê bình và phê bình, xây dựng tiêu chuẩn đạo đức, lối sống cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là tổ chức cơ sở đảng. Thực hiện toàn diện cải cách hành chính, đổi mới hoạt động của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; thực hiện tốt "Quy chế Dân chủ ở cơ sở"; nâng cao chất lượng xây dựng đảng, chính quyền, đoàn thể trong sạch, vững mạnh.
* Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phú Thọ
“Quyết tâm” xây dựng Nghệ An “trở thành một tỉnh gương mẫu”  (17/05/2007)
Ninh Thuận sau hơn 20 năm đổi mới và phát triển  (17/05/2007)
Thực hiện Quy chế Dân chủ ở Thái Bình - thành tựu và kinh nghiệm  (17/05/2007)
Quan niệm của C.Mác về văn hóa và vai trò nền tảng tinh thần của văn hóa  (17/05/2007)
Một số vấn đề về phát triển báo chí nước ta hiện nay  (17/05/2007)
- Phát huy vai trò của công tác cán bộ để nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng
- Ấn Độ: Hướng tới cường quốc kinh tế và tri thức toàn cầu trong nhiệm kỳ thứ ba của Thủ tướng Na-ren-đra Mô-đi
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 1)
- Nhìn lại công tác đối ngoại giai đoạn 2006 - 2016 và một số bài học kinh nghiệm về đối ngoại trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam
- Ý nghĩa của việc hiện thực hóa hệ mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam
-
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Kinh tế
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa : Quan niệm và giải pháp phát triển