Tổng quan an ninh quân sự toàn cầu năm 2019 và dự báo năm 2020
TCCS - Năm 2019, ngoài dấu hiệu tan băng trong quan hệ Nga - Ukraine và cải thiện quan hệ Nga - Liên minh châu Âu (EU), thế giới chứng kiến những biến động phức tạp của tình hình an ninh. Từ những bế tắc trong vấn đề phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên; những diễn biến mau lẹ và phức tạp ở Trung Đông; hay sự đổ vỡ của Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), tạo nguy cơ phá vỡ cân bằng chiến lược, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nền hòa bình và an ninh toàn cầu…
Năm 2020, tình hình thế giới được dự đoán sẽ còn phức tạp. Nhiều điểm nóng sẽ nảy sinh khi cạnh tranh quyền lực, lợi ích và vị thế chiến lược giữa các cường quốc đang diễn ra ngày càng quyết liệt; xu hướng liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng và chạy đua vũ trang mang tính đối đầu có chiều hướng gia tăng.
Cơ hội hòa bình cho Đông Ukraine và cải thiện quan hệ Nga – EU
Năm 2019, quan hệ Nga - Ukraine có dấu hiệu tan băng khi hai nước tiến hành trao đổi tù nhân và xúc tiến tổ chức các cuộc đối thoại. Đây là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa hai nước, được bắt đầu sau khi ông V.Zelensky nhậm chức Tổng thống Ukraine. Cuộc trao đổi tù nhân bước đầu góp phần xây dựng lại niềm tin, mở ra cơ hội đàm phán về giải pháp cho cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Quân đội Ukraine và phe ly khai đã thực hiện giai đoạn rút quân cuối cùng. Nga, Ukraine và phe ly khai đã thống nhất lộ trình cho phép thiết lập tình trạng đặc biệt cho lãnh thổ ly khai nếu họ tiến hành bầu cử tự do, công bằng theo Hiến pháp Ukraine.
Đầu tháng 12-2019, Hội nghị thượng đỉnh 4 bên giữa Nga, Pháp, Đức và Ukraine (gọi là “Bộ tứ Normandy”) tại Paris, Pháp, đã đạt bước tiến mới. Các bên thống nhất thực hiện đầy đủ lệnh ngừng bắn và rút quân khỏi miền Đông Ukraine. Sau cuộc gặp giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky tại Paris hôm 9-12-2019, hai bên ra thông cáo trong đó có đoạn viết: “Các bên cam kết thực hiện đầy đủ và toàn diện lệnh ngừng bắn, được củng cố bằng việc thực hiện tất cả biện pháp hỗ trợ ngừng bắn cần thiết trước khi kết thúc năm 2019”(1). Cũng theo thông cáo, thêm ba khu vực xung đột ở miền Đông Ukraine cũng nên đạt thỏa thuận để các bên tiến hành kế hoạch rút quân mới cho đến tháng 3-2020.
Quan hệ Nga - EU cũng được cải thiện khi các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Nga và Pháp ngày càng trở nên thường xuyên hơn. Hồi tháng 8, người đứng đầu hai nước đã trao đổi về việc bảo đảm an ninh tại châu Âu và hợp tác giữa Nga và EU, Kế hoạch Hành động Chung Toàn diện (JCPOA), cuộc khủng hoảng tại Syria, Ukraine, Lybia, chống khủng bố và an ninh mạng. Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định rằng, châu Âu sẽ không thể ổn định hoặc an toàn nếu không có sự rõ ràng trong quan hệ với Nga (2).
Quan hệ Nga - Đức trở nên nồng ấm từ năm 2018, khi Tổng thống Nga Putin hội đàm với Thủ tướng Đức Merkel về Dự án Dòng chảy phương Bắc 2, vấn đề hòa bình tại Syria, tình hình Ukraine... Những kết quả đạt được trong cuộc hội đàm giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Đức cho phép kỳ vọng về sự đóng góp của hai cường quốc này cho sự ổn định, hòa bình trong khu vực và trên thế giới, nhất là sáng kiến về cơ chế đối thoại 4 bên.
Trong bối cảnh Anh chuẩn bị rời EU, Mỹ từ bỏ vai trò tiên phong trong Khối Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), hòa bình và an ninh thế giới đang bị đe dọa nghiêm trọng, những bước đi chủ động, tích cực của Tổng thống Nga và Tổng thống Pháp, Thủ tướng Đức với tư cách là những nhà lãnh đạo hàng đầu châu Âu, đã mở ra thời kỳ mới cho quan hệ tốt đẹp hơn giữa các nước này và có thể cải thiện quan hệ Nga - EU. Tuy nhiên, quan hệ Nga - EU vấp phải trở ngại từ Mỹ khi Thượng viện nước này, ngày 17-12-2019, bỏ phiếu thông qua các biện pháp trừng phạt nhằm vào các công ty làm việc với đường ống dẫn khí của Nga vì cho rằng dự án trên sẽ giúp Nga thu được hàng tỷ USD và gia tăng tầm ảnh hưởng chính trị của nước này tại châu Âu (3).
Đàm phán phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên vẫn rơi vào bế tắc
Sau khi tạm ngừng một số vụ thử tên lửa để xúc tiến Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều tại Singapore (tháng 6-2018) và tại Việt Nam (tháng 2-2019), Triều Tiên nối lại việc phóng các tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Mỹ và Hàn Quốc cũng tổ chức tập trận chung Dong Maeng (Đồng Minh), đồng thời Hàn Quốc nhập khẩu nhiều vũ khí công nghệ cao, trong đó có F-35 của Mỹ. Điều này cho thấy nỗ lực đàm phán hòa bình và phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên chưa có sự tiến triển nào đáng kể.
Ngày 5-10-2019, cuộc đàm phán cấp chuyên viên giữa Mỹ và Triều Tiên tại Stockholm, Thụy Điển, về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng được nối lại sau nhiều tháng bế tắc. Dư luận kỳ vọng những tiến bộ đạt được từ vòng đàm phán này sẽ mở đường cho cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba giữa Tổng thống Mỹ D.Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un. Thế nhưng, cuộc đàm phán đã đổ vỡ ngay sau khi bắt đầu. Trưởng đoàn đàm phán Triều Tiên Kim Myong-gil cho rằng, lý do đàm phán không mang lại kết quả hoàn toàn là do phía Mỹ không chịu từ bỏ lập trường và quan điểm cũ. Trên thực tế, sự bế tắc trong các cuộc đàm phán Mỹ - Triều là do hai bên bất đồng quan điểm về vấn đề mấu chốt nhất liên quan tới lộ trình phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên và các biện pháp trừng phạt của Wasington đối với Bình Nhưỡng. Giáo sư Ryo Hinata-Yamaguchi, Đại học quốc gia Pusan, Hàn Quốc, cho rằng, lập trường của hai bên chưa thay đổi. Việc Triều Tiên đổ lỗi cho Mỹ làm cuộc đàm phán đổ vỡ cũng cho thấy sự nghi kỵ giữa hai bên vẫn tồn tại (4).
Sau cuộc đàm phán cấp chuyên viên, Mỹ đã chấp nhận lời mời của Thụy Điển trở lại Stockholm để tiếp tục thảo luận, trong khi đó Triều Tiên khẳng định các cuộc thương lượng sẽ không được nối lại ít nhất là trước cuối năm 2019. Dù vậy, Triều Tiên có thể tham gia thảo luận về “giai đoạn tiếp theo” của các biện pháp phi hạt nhân hóa, nếu Washington “hồi đáp chân thành” với các biện pháp mà Bình Nhưỡng đã chủ động thực hiện như ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Trong bối cảnh cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang đến gần và thời hạn chót mà Bình Nhưỡng đặt ra để Washington thay đổi quan điểm đã hết, cơ hội cho giải pháp đối thoại không còn nhiều. Những tuyên bố trái ngược của Mỹ và Triều Tiên cho thấy các cuộc gặp vẫn chưa giúp “gỡ rối” vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên. Thậm chí, thái độ của hai bên phần nào làm dấy lên lo ngại về một thời kỳ căng thẳng mới.
Diễn biến mau lẹ và phức tạp ở khu vực Trung Đông
Năm 2019, cuộc chiến tại Syria đang đi vào giai đoạn cuối thì bất ngờ Tổng thống Mỹ D. Trump quyết định rút toàn bộ quân đội khỏi Syria, khiến cuộc chiến tại đây chuyển sang ngã rẽ mới. Thổ Nhĩ Kỳ phát động chiến dịch “Mùa xuân hòa bình”, truy kích người Kurd ở Syria. Quân đội 2 nước Nga và Syria tiếp quản các vị trí ở thành phố chiến lược Manbij và khu vực xung quanh, theo yêu cầu của lực lượng vũ trang người Kurd sau khi Mỹ rút quân.
Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Syria. Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng ký một bản ghi nhớ quy định việc người Kurd rút quân và tuần tra chung giữa quân đội hai nước. Cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Hiến pháp Syria cũng đã được tổ chức. Mặc dù vậy, tiến trình hòa bình nơi đây vẫn còn gặp không ít trắc trở. Thổ Nhĩ Kỳ mặc dù đã đạt được mục tiêu nhưng dường như vẫn muốn chiếm giữ thêm một phần của lãnh thổ Syria. Mỹ tuyên bố rút hết quân nhưng trên thực tế, vẫn duy trì một lực lượng quân đội tại đây nhằm nắm giữ các mỏ dầu, sử dụng làm điều kiện trao đổi trong các cuộc đàm phán tiếp theo.
Trong khi đó, nội bộ Syria cũng còn nhiều bất đồng, Chính phủ Syria kêu gọi người Kurd gia nhập lực lượng vũ trang của nước này và hợp nhất lực lượng an ninh Asayesh của SDF vào cơ quan an ninh. Tuy nhiên, SDF lại muốn tính riêng biệt trong những khu vực mà họ hiện diện. Những quan điểm khác biệt, thiếu niềm tin giữa phe đối lập và Chính phủ Syria cũng đã bộc lộ tại cuộc họp đầu tiên của Ủy ban Hiến pháp Syria. Đặc phái viên Liên hợp quốc Pedersen nhấn mạnh: “Con đường phía trước sẽ không dễ dàng”, nhưng việc ra mắt Ủy ban Hiến pháp là bước đi đầu tiên tiến tới hòa hợp chính trị ở Syria (5).
Tại Yemen, cuộc chiến còn diễn biến phức tạp khi lực lượng Houthi ở nước này thực hiện vụ tấn công hai nhà máy lọc dầu của Saudi Arabia và sau đó là các cuộc tấn công đáp trả của Liên minh quân sự Arab. Sự kiện này đã làm tăng thêm căng thẳng giữa Mỹ và các đồng minh của Mỹ với Iran. Mỹ cáo buộc Iran là “kẻ chủ mưu” trong hai vụ tấn công trên và triển khai thêm quân đội cũng như hệ thống phòng không đến Saudi Arabia và Các tiểu Vương quốc Ả rập thống nhất (UAE). Trong khi đó, Iran tuyên bố đã sẵn sàng cho mọi “kịch bản” và sẽ bảo vệ đến cùng sự toàn vẹn lãnh thổ.
Cũng tại Trung Đông, chiến dịch quân sự của Israel chống lại Iran mở rộng cả vào đồng minh của Tehran ở Dải Gaza, Iraq và Lebanon. Israel tuyên bố đóng cửa không phận tại khu vực trên đường liên lạc với Lebanon. Động thái này đánh dấu sự leo thang đối đầu ngày càng khốc liệt giữa Israel và các lực lượng do Iran hậu thuẫn. Trong khi đó, tiến trình hòa bình giải quyết xung đột Israel - Palestine vẫn rơi vào bế tắc khi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cam kết áp đặt chủ quyền của Israel đối với Thung lũng Jordan và phía bắc Biển Chết, chiếm khoảng 1/3 diện tích khu Bờ Tây.
Cùng với những căng thẳng leo thang, khủng hoảng nhân đạo và sự lây lan của chủ nghĩa khủng bố ở khu vực Trung Đông vẫn tiếp diễn. Cuộc chiến Syria khiến 12 triệu người sống phụ thuộc cứu trợ nhân đạo (6). Xung đột tại Yemen cũng đã khiến hàng chục nghìn người thương vong, hàng triệu người phải sơ tán. Người dân nơi đây đang đứng bên bờ vực của nạn đói tồi tệ nhất thế giới trong vòng 100 năm qua.
Mạng lưới hoạt động của tổ chức Al-Qaeda vẫn được tăng cường và mở rộng ra toàn bộ khu vực. Theo ước tính của Liên hợp quốc, tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) vẫn sở hữu số tiền khoảng 300 triệu USD, đủ tài lực để tiếp tục hoành hành. Sự tạm lắng trong các cuộc tấn công do nhóm khủng bố chỉ đạo “có thể chỉ là tạm thời”(7). Mặc dù, Thủ lĩnh tối cao của IS Abu Bakr al-Baghdadi đã bị tiêu diệt, nhưng hiện có khoảng 12.000 nghi phạm của tổ chức IS đang bị giam giữ trong các nhà tù ở Đông Bắc Syria có thể tẩu thoát (8).
Cục diện Trung Đông đã có sự thay đổi lớn, với sự suy giảm ảnh hưởng của Mỹ tại đây, trong khi Nga lại đang nổi lên như một nhân tố quan trọng điều phối tình hình khu vực. Thổ Nhĩ Kỳ cũng giành thắng lợi và củng cố vị thế của mình. Tổng thống Assad dần củng cố quyền lực, nâng cao vị thế và Syria đứng trước thời cơ lớn để chấm dứt cuộc nội chiến. Người Kurd tại Syria rơi vào thế bất lợi và khó có thể thực hiện tham vọng tự trị.
Bạo loạn lan rộng ở khu vực Mỹ - Latin
Năm 2019, cả khu vực Mỹ - Latin rơi vào khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội, bạo loạn lan rộng. Tại Venezuela, khủng hoảng chính trị bùng phát khi nhà lãnh đạo đối lập Juan Guaido tự xưng là “tổng thống lâm thời”. Sau nỗ lực đảo chính bất thành hồi cuối tháng 4-2019, với sự hậu thuẫn của các thế lực từ bên ngoài, Guaido tiếp tục kêu gọi người dân xuống đường biểu tình và tổng đình công.
Tại Bolivia, tình hình diễn biến phức tạp khi cựu Tổng thống Morales bị cáo buộc đã có những hành vi gian lận để giành chiến thắng trong cuộc bầu cử hồi tháng 10-2019. Ông Morales đã bác bỏ và tuyên bố nhậm chức nhiệm kỳ thứ tư. Động thái này đã khiến người dân Bolivia phẫn nộ xuống đường biểu tình phản đối, khiến ông Morales buộc phải từ chức và chạy sang tị nạn chính trị tại Mexico.
Chile cũng đang phải đối mặt với làn sóng hỗn loạn. Hàng nghìn người xuống đường biểu tình gây tê liệt Thủ đô Santiago, dẫn đến việc nước này phải hủy bỏ việc đăng cai tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) lần thứ 31 và Hội nghị về biến đổi khí hậu của Liên hợp quốc (COP-25). Chính phủ Chile đã phải thông báo trưng cầu dân ý về một Hiến pháp mới.
Chính trường Peru cũng rơi vào khủng hoảng trong bối cảnh mâu thuẫn giữa Tổng thống Vizcarra với phe đối lập leo thang nghiêm trọng. Tuyên bố giải tán quốc hội của ông Vizcarra đã bị phe đối lập đáp trả bằng việc đình chỉ chức vụ tổng thống của ông và đề cử Phó Tổng thống Araoz vào chức Tổng thống lâm thời. Trong khi đó, những người biểu tình ủng hộ ông Vizcarra đã gây áp lực lên các nhà lập pháp buộc họ phải rời nghị viện. Tại Paragoay, một thỏa thuận mà chính phủ nước này ký với Brazil về Nhà máy thủy điện Itaipu bị cho là xâm hại lợi ích quốc gia, dẫn đến những cuộc biểu tình chống lại Tổng thống Mario Abdo.
Một số quốc gia khác ở khu vực Mỹ - Latin cũng đang rơi vào tình trạng tương tự. Biểu tình lan rộng ở Ecuador do tăng giá nhiên liệu làm tê liệt một phần đất nước, khiến chính quyền nước này phải chuyển ra khỏi thủ đô. Tổng thống Moreno đã cáo buộc người tiền nhiệm của ông đứng đằng sau các cuộc biểu tình. Tại Colombia, người dân cũng xuống đường phản đối, yêu cầu Tổng thống Ivan Duque từ chức, nhường chỗ cho nhà lãnh đạo khác hiệu quả hơn.
Châu Á - Thái Bình Dương tiềm ẩn những nguy cơ mất ổn định
Theo tuyên bố từ đầu năm, ngày 2-8-2019, Mỹ chính thức rút khỏi hiệp ước INF. Washington cho rằng, nước này đã tuân thủ hiệp ước, trong khi Nga lại có hành động vi phạm. Nga cũng đình chỉ các nghĩa vụ theo hiệp ước và cáo buộc Mỹ là nguyên nhân khiến hiệp ước này sụp đổ. Giới quan sát nhận định, việc đình chỉ các nghĩa vụ theo INF sẽ gây ra những hệ lụy khó lường. Mỹ sẽ tự do phát triển các vũ khí tầm trung và tầm ngắn, cùng với Trung Quốc, Ấn Độ, Pakistan, Israel và Triều Tiên, khơi mào cho một cuộc chạy đua vũ trang mới. Nga cũng tìm cách khôi phục cân bằng sức mạnh quân sự với Mỹ.
Đúng như nhận định của giới quan sát, sau khi rút khỏi INF, Mỹ đã lên kế hoạch triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, mà trước đây không được phép do vi phạm các điều khoản cấm của INF. Hệ thống tên lửa này có thể được triển khai ở Okinawa, Nhật Bản; đảo Guam phía Tây Thái Bình Dương và ở Hàn Quốc. Lý do cốt yếu để Mỹ triển khai hệ thống tên lửa tại khu vực này là nhằm ngăn chặn sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này của Mỹ đã bị Trung Quốc phản đối mạnh mẽ. Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố, Mỹ và các đồng minh của họ có thể đối mặt với biện pháp trả đũa nếu triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ tại châu Á - Thái Bình Dương. Bắc Kinh cũng cảnh báo Hàn Quốc, Nhật Bản và Australia không nên cho phép Mỹ triển khai tên lửa trên lãnh thổ của mình. Nếu các quốc gia này cho triển khai tên lửa, họ sẽ trở thành căn cứ tiền phương của Mỹ và có thể làm suy yếu an ninh khu vực.
Nga cũng chỉ trích kế hoạch triển khai tên lửa tầm trung của Mỹ và cho rằng hành động này đang tạo ra mối đe dọa an ninh mới cho khu vực. Chuyên gia quân sự Nga Alexei Leonkov cho rằng, với tầm hoạt động từ 500 - 5.500km, các tên lửa tầm trung của Mỹ, bố trí ở Okinawa hay Guam, sẽ đe dọa các vùng lãnh thổ của Nga và Trung Quốc. Nếu số lượng tên lửa lên tới hàng trăm chiếc thì sức mạnh tấn công hủy diệt tạo ra là rất đáng lo ngại (9).
Tình hình Biển Đông năm 2019 vẫn còn những căng thẳng. Tại Hội nghị Quan chức cao cấp ASEAN - Trung Quốc lần thứ 18 diễn ra tại thành phố Đà Lạt, Việt Nam, ngày 15-10-2019, các nước bày tỏ lo ngại về những diễn biến phức tạp trên Biển Đông, đặc biệt là các vụ, việc diễn ra trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam. Nếu tiếp tục kéo dài sẽ rất nguy hiểm, gia tăng nguy cơ va chạm cùng những tính toán sai lầm, đe dọa hòa bình, an ninh và ổn định ở khu vực.
Trong khi đó, tại Hong Kong, hàng loạt các cuộc biểu tình diễn ra nhằm phản đối dự luật dẫn độ do chính phủ nước này đề xuất năm 2019. Chính phủ Trung ương Trung Quốc đã tuyên bố đó là “cuộc khủng hoảng tồi tệ nhất tại Hong Kong” kể từ khi chuyển giao chủ quyền và kêu gọi người đứng đầu chính quyền Hong Kong chấm dứt xung đột.
Căng thẳng giữa Nhật Bản và Hàn Quốc leo thang khi Nhật Bản siết chặt các quy định xuất khẩu nguyên liệu công nghệ cao được sử dụng trong sản xuất chip điện tử và màn hình sang Hàn Quốc. Nhật Bản gạch tên Hàn Quốc khỏi “danh sách trắng”, Hàn Quốc cũng loại Nhật Bản khỏi danh sách các đối tác thương mại đáng tin cậy. Những căng thẳng lan sang cả lĩnh vực quân sự, khi Hàn Quốc dọa sẽ xem xét chấm dứt một thỏa thuận chia sẻ tình báo quân sự với Nhật Bản được ký năm 2016.
Dự báo tình hình an ninh quân sự năm 2020
Năm 2020, sự cọ sát và cạnh tranh chiến lược, điều chỉnh chiến lược, tranh giành ảnh hưởng giữa các nước lớn ngày càng gia tăng, quyết liệt, tác động sâu rộng đến tình hình an ninh, chính trị thế giới.
Trung Đông vẫn còn diễn biến phức tạp. Theo các nhà phân tích, cục diện Trung Đông đang thay đổi theo hướng có lợi cho việc thúc đẩy các giải pháp hòa bình. Tuy nhiên, tại đây vẫn tồn tại những nguy cơ bất ổn kéo dài, như: Mâu thuẫn dai dẳng giữa hai giáo phái lớn của Hồi giáo là dòng Sunni do Saudi Arabia đứng đầu và dòng Shiite do Iran lãnh đạo vẫn chưa được giải quyết, kéo theo các cuộc chiến ủy nhiệm chưa thể đi đến hồi kết; xu hướng giáo hóa nhà nước, suy giảm lòng tin đối với các thiết chế và tầm ảnh hưởng của nhà nước đối với người dân; sự chuyển dịch giữa các liên minh và xuất hiện “liên minh quyền lực” mới chống lại ảnh hưởng của liên minh khác.
Việc các nước lớn tiếp tục can dự vào khu vực với những mục tiêu và lợi ích khác nhau có thể làm phức tạp thêm tình hình tại đây. Mỹ tuy đã suy yếu tầm ảnh hưởng ở Trung Đông khi rút lực lượng quân đội khỏi Syria, nhưng sau đó quyết định duy trì một lực lượng quân đội tại đây nhằm nắm giữ các mỏ dầu để sử dụng làm điều kiện trao đổi trong các cuộc đàm phán tiếp theo với Tổng thống Assad và Nga chấp nhận yêu cầu của Mỹ trong quá trình giải quyết chính trị cuộc xung đột Syria.
Các quốc gia trong khu vực đang có những điều chỉnh chiến lược. Iran kiên quyết không “khuất phục” trước các lệnh trừng phạt của Mỹ. Saudi Arabia và Thổ Nhĩ Kỳ đều đánh giá cao mối quan hệ với Nga như một Kế hoạch B dự phòng trong khi Mỹ đang đánh mất lòng tin của các đồng minh. UAE và Saudi Arabia đang xích lại gần Nga trong bối cảnh Moscow hối thúc các nước thành viên của Liên đoàn Arab công nhận Syria. Bahrain tái thiết lập quan hệ ngoại giao với Syria vì muốn quan hệ với Nga.
Bất ổn ở khu vực Mỹ - Latin chưa thể giải quyết. Những khó khăn kinh tế và những hạn chế trong chính sách của các chính phủ đương nhiệm; tình trạng bất bình đẳng xã hội vẫn còn lớn, ảnh hưởng tiêu cực tới sự ổn định chính trị - xã hội của khu vực. Cùng với đó là nạn tham nhũng, ma túy và tội phạm tràn lan, cùng với tình trạng kiệt quệ các nguồn tài nguyên và nghèo hóa một bộ phận dân chúng. Sự đối kháng giữa lực lượng cánh tả và cánh hữu vẫn sẽ diễn ra quyết liệt. Tình trạng chia rẽ, phân hóa của các nước Mỹ Latin làm suy yếu khả năng giải quyết thách thức của mỗi quốc gia và ảnh hưởng đến toàn bộ khu vực. Sự can thiệp từ bên ngoài khiến tình hình tại khu vực Mỹ Latin thêm căng thẳng, đặc biệt là ở Venezuela.
Châu Á - Thái Bình Dương tiềm ẩn những nhân tố gây mất ổn định. Về vấn đề phi hạt nhân hóa Bán Đảo Triều Tiên, Tổng thống Mỹ D.Trump sẽ tiếp tục thúc đẩy cuộc gặp lần ba với Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un để tìm kiếm lợi thế trước cuộc bầu cử tổng thống năm 2020. Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục thử vũ khí mới để thăm dò phản ứng của Wasington, để ngỏ cơ hội gặp gỡ Tổng thống D.Trump và tập trung ổn định tình hình kinh tế nội địa.
Theo các chuyên gia, Triều Tiên sẽ thận trọng khi đưa ra những lời hứa, đồng thời tính đến việc đề nghị phía Mỹ nới lỏng các lệnh trừng phạt và tiến tới ký kết một hiệp ước hòa bình. Trong khi đó, Mỹ dường như chưa muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Triều Tiên. Quyền phủ quyết của Mỹ trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ cho phép nước này ngăn chặn mọi nỗ lực dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, mặc dù Trung Quốc và Nga tích cực kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Đồng thời, Mỹ sẽ gây áp lực lên các quốc gia khác, yêu cầu phối hợp thống nhất về vấn đề trừng phạt, lên án và đe dọa trừng phạt thứ cấp đối với những nước quyết định hợp tác với Triều Tiên.
Tại Biển Đông, việc ASEAN và Trung Quốc đẩy nhanh tiến trình đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có những phức tạp nhất định và cần có thêm thời gian, do ưu tiên, lợi ích của các bên vẫn còn sự khác biệt. Tuy nhiên, với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 cùng với các quyền và lợi ích hợp pháp của mình, Việt Nam sẽ đóng góp để đẩy nhanh tiến trình đàm phán hiệu quả hơn, đạt chất lượng cao hơn. Hy vọng vòng đàm phán thứ 2 sẽ hoàn tất trong năm 2020.
Thời gian tới, Trung Quốc sẽ nỗ lực hòa giải trong quan hệ với Nhật Bản, Ấn Độ và các nước ASEAN; tập trung vào giải quyết tranh chấp và hợp tác kinh tế; đẩy mạnh sáng kiến “Vành đai và Con đường” với các nước trong khu vực; đồng thời làm suy yếu việc triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở của Mỹ. Trong khi đó, Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện hải quân trên Biển Đông và eo biển Đài Loan; đẩy mạnh việc chuyển giao vũ khí cho Đài Loan; thực hiện các cuộc tuần tra chung trên biển, các cuộc tập trận quân sự chung và tăng cường các chuyến thăm các quốc gia trong khu vực, nhằm chiếm ưu thế trong cuộc cạnh tranh chiến lược, đối phó với sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc.
Nga tiếp tục chính sách xoay trục sang châu Á, mở rộng tầm ảnh hưởng tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thông qua hình thức hợp tác năng lượng, hợp tác quốc phòng, thực hiện các thương vụ bán vũ khí và thúc đẩy trật tự đa cực trong khu vực. Nga sẽ gắn kết chặt chẽ với Trung Quốc trên nhiều lĩnh vực; đẩy nhanh tiến trình giải quyết tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản; đẩy mạnh quan hệ với các nước khác ở khu vực Đông Nam Á; thực hiện những chuyến tuần tra khu vực từ căn cứ trên đất liền.
Nhật Bản sẽ tập trung xử lý quan hệ với Trung Quốc về kinh tế và tranh chấp vùng biển; quan tâm tới Đông Nam Á, tham gia tích cực hơn các cơ chế hợp tác do ASEAN chủ đạo để có vai trò lớn hơn; tiếp tục đàm phán với Nga về vấn đề chủ quyền của quần đảo Kuril. Nhật Bản cùng Ấn Độ và Australia sẽ mở rộng hợp tác an ninh với Mỹ nhưng cố gắng không tham gia vào các hoạt động của Mỹ ở Biển Đông để bảo đảm tự do hàng hải, cũng như tuần tra ở eo biển Đài Loan.
Châu Âu trước những thách mới về an ninh. Các thách thức an ninh xuất hiện từ sự phân hóa trong nội bộ Nghị viện châu Âu (EP) nhiệm kỳ 2019 - 2024. Tuy các đảng ủng hộ EU vẫn giữ được vị thế trong toàn bộ các nước thành viên, nhưng đã để mất khá nhiều phiếu, trong khi các đảng theo đường lối cực hữu, dân túy và bảo vệ môi trường giành được kết quả quan trọng. Khối Đảng Nhân dân châu Âu (EEP) và Liên minh tiến bộ xã hội và dân chủ (S&D) không còn giữ được vị thế độc tôn, điều đó có nghĩa là quá trình ra các quyết định lập pháp trong EP sẽ trở nên khó khăn hơn trong tương lai.
Tại Anh, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson giành thắng lợi trong bầu cử với 362/650 ghế trong hạ viện (10) đã mở ra cơ hội cho thực hiện Brexit và trên thực tế Nghị viện châu Âu đã thông qua thỏa thuận về việc Anh rời khỏi EU. Tuy nhiên trước mắt sẽ là những khó khăn trong các cuộc đàm phán giữa Anh và EU về mối quan hệ tiếp theo giữa hai bên.
Ngoài ra, châu Âu còn phải đối mặt với các thách thức khác, như: Sự chênh lệch tốc độ phát triển giữa các nước thành viên EU; cuộc khủng hoảng người nhập cư ở châu Âu; mâu thuẫn giữa chủ trương xây dựng Quân đội châu Âu với NATO; việc xử lý các mối quan hệ với Mỹ, Trung Quốc, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ và việc trở về châu Âu của hàng trăm tù nhân IS từ Syria, Iraq...
Như vậy, sự biến động phức tạp của tình hình thế giới năm 2019 phản ánh cuộc đấu tranh quyền lực, lợi ích và vị thế địa - chính trị giữa các cường quốc, xu hướng liên minh, liên kết, tập hợp lực lượng và chạy đua vũ trang ngày càng gia tăng. Năm 2020 được dự đoán tiếp tục là một năm đầy thách thức đối với an ninh quân sự ở các khu vực trên thế giới bắt nguồn từ sự chuyển dịch quyền lực và sự điều chỉnh chiến lược của các cường quốc nhằm giữ và giành vị thế trong trật thế giới mới đang chuyển mạnh từ định hướng sang định hình. Vì thế, năm 2020 giới chuyên gia dự báo sự cọ sát, cạnh tranh chiến lược ngày càng quyết liệt hơn giữa các cường quốc thế giới và khu vực là có cơ sở./.
-----------------
Tài liệu tham khảo
1. Hội nghị thượng đỉnh về Ukraine đạt bước tiến đăng trên vnexpress.net ngày 10-12-2019
2. Pháp tuyên bố đã đến thời điểm EU cần cải thiện quan hệ với Nga đăng trên kinhtedothi.vn ngày 10-9-2019
3. Quốc hội Mỹ thông qua lệnh trừng phạt đường ống dẫn khí Nord Stream 2 của Nga đăng trên
nangluongquocte.petrotimes.vn ngày 18-12-2019
4. Cuộc đấu cân não Mỹ-Triều đăng trên baotintuc.vn ngày 6-10-2019
5. Con đường tiến tới hòa hợp dân tộc ở Syria còn chặng đường dài đăng trên vov.vn ngày 31-10-2019
6. Syria đang đối mặt với cuộc khủng hoảng nhân đạo trầm trọng đăng trên vietnamplus ngày 25-4-2019
7. IS có “ngân sách” 300 triệu USD để thực hiện các vụ khủng bố toàn cầu đăng trên baotintuc.vn ngày 7-8-2019
8. Chiến sự Syria: Bất ngờ phục kích tấn công quân đội Syria ở Daraa, IS thất bại cay đắng đăng trên nguoiduatin.vn ngày 25-10-2019
9. Mỹ sắp triển khai hệ thống tên lửa tầm trung tại Nhật Bản? đăng trên vtc.vn ngày 23-10-2019
10. Đảng của Thủ tướng Anh Johnson thắng áp đảo đăng trên vnexpress.net ngày 13-12-2019
Kế thừa, phát huy truyền thống xây dựng nền quốc phòng toàn dân để thực hiện kế sách “giữ nước từ khi nước chưa nguy”  (28/01/2020)
Xung đột và thỏa hiệp trong quan hệ quốc tế  (14/01/2020)
Sức mạnh mềm trong một thế giới đang thay đổi  (09/01/2020)
- Nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng, đảng viên trong Công an nhân dân đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới
- Một số vấn đề về xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa: Thành tựu phát triển lý luận của Đảng qua gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới (kỳ 2)
- Phát huy hệ giá trị con người Việt Nam, hoàn thiện chuẩn mực đội ngũ cán bộ ngành ngoại giao trong thời kỳ mới
- Xây dựng, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị Việt Nam “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” theo chỉ dẫn của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Mối quan hệ giữa Đảng Cộng sản Việt Nam và Đảng Cộng sản Pháp: Nền tảng góp phần phát triển quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Pháp
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Nghiên cứu - Trao đổi
Quan điểm của C. Mác về lực lượng sản xuất và vấn đề bổ sung, phát triển quan điểm này trong giai đoạn hiện nay