Nhận diện một số xu thế trong thế giới tác động đến tư duy chiến lược và đối ngoại quốc gia hiện nay
TCCS - Thế giới ngày nay đang thay đổi mau lẹ, rất khó đoán định, đặt ra hàng loạt thách thức đối với chiến lược đối ngoại của các quốc gia. Để tiếp tục góp phần đắc lực vào thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa và nâng cao hơn nữa vị thế đất nước, nền ngoại giao Việt Nam cần kịp thời xử lý một số tiêu điểm lý luận và thực tiễn đang đặt ra hiện nay.
Đánh giá đúng đắn, kịp thời cục diện thế giới và khu vực
Đây là đòi hỏi hàng đầu đối với ngoại giao của mọi quốc gia trong bối cảnh cục diện toàn cầu vẫn đang trong quá trình định hình, còn nhiều biến động và mang những diện mạo khác nhau trong từng không gian địa chiến lược. Nhìn tổng thể, cục diện ngày nay là đa cực, đa trung tâm với Mỹ là siêu cường và một số cường quốc thế giới (Trung Quốc, Nga, một số nước Liên minh châu Âu (EU), Nhật Bản, Ấn Độ...). Quyền lực của các chủ thể quốc tế hàng đầu này được quyết định bởi “sức mạnh cứng” (quy mô lãnh thổ, tài nguyên, dân số, kinh tế, quân sự...) và “sức mạnh mềm” (khoa học - công nghệ, các giá trị văn hóa, giáo dục, sức mạnh từ lịch sử, truyền thống...). Tuy nhiên, cần nhận thức sáng tỏ hơn các đặc điểm của cục diện đa cực, đa trung tâm này.
Trước hết, đó là sự chênh lệch rất lớn về sức mạnh giữa các chủ thể quyền lực. Chỉ tính trong 5 - 6 nước lớn hàng đầu, quy mô GDP năm 2018 của Mỹ gấp gần 1,5 lần quy mô GDP của Trung Quốc, gấp 4 lần Nhật Bản, 5 lần Đức, 7 lần Anh và Pháp. Về ngân sách quân sự toàn cầu, Mỹ chiếm gần 50%, hơn 50% phần còn lại là của toàn thế giới, trong đó Trung Quốc gấp gần 4 lần Nga, Nga gấp 1,5 lần Đức. Trong tổng số các phát minh, sáng chế hằng năm và các trường đại học danh tiếng nhất thế giới..., siêu cường Mỹ cũng chiếm khoảng 50%. Trong giới nghiên cứu quốc tế, nhiều người nhận định rằng, lần đầu tiên trong lịch sử nhân loại đã xuất hiện một đế chế toàn cầu là Mỹ: sức mạnh của riêng Mỹ trên một số lĩnh vực bằng cả thế giới và vì vậy, có tầm ảnh hưởng toàn cầu; hợp tác với Mỹ, hay đơn giản chỉ là sự hiện diện của Mỹ, được xem như là một trong những nhân tố bảo đảm an ninh đối với nhiều quốc gia, khu vực trên thế giới ngày nay. Bộ khung cấu trúc quyền lực giữa các nước lớn vô cùng mất cân đối như vậy không thể không tạo ra chủ nghĩa đơn phương, cường quyền, sô-vanh trong đời sống quốc tế trong những thập niên tới, đồng thời làm cho cục diện đa cực, đa trung tâm trong không ít trường hợp mang nhiều tính danh nghĩa hơn là thực chất.
Hai là, cục diện châu Á - Thái Bình Dương vừa mang nét chung của cục diện đa cực, đa trung tâm, vừa có sự khác biệt, đặc thù - đó là cục diện hai siêu, nhiều cường. Với sự phát triển mạnh mẽ sau hơn 4 thập niên cải cách, mở cửa, Trung Quốc ngày nay trở thành nước lớn trong thời đại mới: là nền kinh tế thứ hai, dẫn đầu thế giới về quy mô sản xuất công nghiệp, ngoại thương, dự trữ ngoại tệ, mức độ đóng góp cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu...; có ngân sách quốc phòng lớn thứ hai thế giới, đạt 280 tỷ USD theo công bố năm 2018; là quốc gia hàng đầu thế giới trên một số mũi nhọn khoa học - công nghệ (mạng 5G, thiết bị cảm biến, trí tuệ nhân tạo...); là chủ thể đang dẫn dắt nhiều chương trình hội nhập quốc tế tầm cỡ thế kỷ, trong đó có sáng kiến “Vành đai, Con đường”... Với sự gần gũi về biên giới lãnh thổ, văn hóa, lịch sử với các quốc gia trong khu vực, Trung Quốc ngày nay thật sự có sức mạnh siêu cường ở châu Á - Thái Bình Dương, cạnh tranh chiến lược ngày càng lợi hại với siêu cường Mỹ, một siêu cường vốn từ thuở lập quốc đến nay, về cơ bản, là một quốc gia gắn kết với châu Âu - Đại Tây Dương. A-lân Grin-xpan (Alan Greenspan), cựu Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), một trong những bộ óc chiến lược Mỹ đã từng chua chát nhưng rất tỉnh táo nhận định, sự phát triển thần kỳ của Trung Quốc là sự kiện lớn nhất thế giới đến tận giữa thế kỷ XXI.
Hai siêu cường ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương này sẽ đẩy mạnh tập hợp lực lượng, trước hết là với các chủ thể lớn (ASEAN, Nga, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Ô-xtrây-li-a) nhằm giành lợi thế trong các cơ cấu quyền lực tại khu vực. Không nhận biết kịp thời và sáng tỏ sự thống nhất và khác biệt giữa cục diện thế giới và cục diện châu Á - Thái Bình Dương sẽ làm suy giảm đáng kể năng lực ứng phó với một thế giới đa dạng, phức tạp hiện nay.
Về tình hình thế giới, rất cần kịp thời nhận biết, đánh giá một số khuynh hướng mới. Trật tự kinh tế quốc tế sẽ có nhiều dịch chuyển do đã xuất hiện nhiều chủ thể mới, đang đấu tranh công khai yêu cầu điều chỉnh luật lệ, định chế quốc tế. Toàn cầu hóa mặc dù là xu thế không thể đảo ngược, nhưng gặp nhiều trở ngại từ chính sách bảo hộ tràn lan trên thế giới. Do vậy, kinh tế thế giới đứng trước nguy cơ suy thoái, thậm chí khủng hoảng - không phải khủng hoảng theo chu kỳ, mà là hậu quả của những chính sách vĩ mô sai lầm.
Tiếp cận và thích nghi với quản trị toàn cầu; thực hành quản trị quốc gia cả về đối nội và đối ngoại trong bối cảnh mới
Được Liên hợp quốc chủ trì nghiên cứu từ năm 1992 và ngay sau đó trở thành một trong những vấn đề nổi bật trong nền chính trị thế giới, quản trị toàn cầu (global governance) là tổng hợp các thiết chế quyền lực, định chế, quy định, chuẩn mực, phương thức và giá trị xuyên quốc gia được đông đảo cộng đồng quốc tế thừa nhận; phối hợp thực hiện nhằm giải quyết các vấn đề chung liên quan đến hòa bình, an ninh và phát triển của thế giới như một chỉnh thể, trong đó mỗi quốc gia, khu vực, tổ chức, cá nhân... là những bộ phận hữu cơ.
Năm 1995, Hội đồng học thuật của Liên hợp quốc cho ra mắt Tạp chí Quản trị toàn cầu (Global Governance Review), xuất bản 3 tháng một kỳ, chuyên sâu về chủ nghĩa đa phương và các tổ chức quốc tế. Trong bài xã luận của số đầu tiên, học giả nổi tiếng người Mỹ Lo-ren-xơ Fin-cơ-xtê-in (Lawrence Finkelstein) đã khẳng định: Quản trị toàn cầu không có nghĩa là chính phủ toàn cầu, mà là các hoạt động được phối hợp trên phạm vi toàn thế giới.
Chủ thể của quản trị toàn cầu bao gồm: các nhà nước hoặc chính phủ của các quốc gia, dân tộc; các tổ chức quốc tế; các tập hợp, phong trào, hiệp hội công dân toàn cầu; các tập đoàn độc quyền và các thực thể xuyên quốc gia... Cơ sở và tính chất của quyền lực quản trị toàn cầu đều mang tính đồng thuận, thống nhất và tự nguyện. Các quốc gia toàn quyền lựa chọn và quyết định sự tham gia hay không tham gia các thiết chế, định chế toàn cầu. Nhưng khi đã tự nguyện tham gia và ký kết các điều ước quốc tế, thì quốc gia mặc nhiên phải tuân thủ các quy định pháp lý quốc tế. Chiều hướng vận hành của quyền lực quản trị toàn cầu không thuần túy theo chiều từ trên xuống dưới, mà đa nguyên, đa chiều, trong đó phổ biến là theo chiều ngang. Hoạt động quản trị không chỉ là một quá trình ban bố mệnh lệnh, chế định chính sách đơn hướng, mà còn là một quá trình tác động qua lại giữa các chủ thể. Phạm vi quản trị toàn cầu vượt khỏi khuôn khổ lãnh thổ quốc gia, vừa có thể là một không gian bao gồm một phần lãnh thổ của nhiều quốc gia, vừa có thể là một không gian bao gồm toàn bộ lãnh thổ của nhiều quốc gia, hoặc toàn bộ lãnh thổ thế giới.
Trước thời điểm nổ ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, giới học giả và chính khách thống nhất xác định 4 vấn đề trung tâm mà quản trị toàn cầu cần tập trung giải quyết là: sự bất bình đẳng và mất cân đối về của cải giữa phương Nam nghèo khó và phương Bắc giàu sang; an ninh thế giới phức tạp, khó lường; biến đổi khí hậu toàn cầu; bình đẳng giới và quyền của phụ nữ. Sau cuộc khủng hoảng năm 2008, nội dung quản trị toàn cầu được bổ sung một số vấn đề sống còn và cơ bản khác: điều phối thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bao gồm 17 mục tiêu và 169 chỉ tiêu cụ thể; phòng, chống khủng bố; kinh tế số hóa toàn cầu; xã hội 4.0 và 5.0...
Trong bối cảnh xuất hiện nền quản trị toàn cầu, các nhà nước hoặc chính phủ của các nước trên thế giới đều phải thực hiện quản trị quốc gia trong khuôn khổ mới. Mặc dù nhà nước hay chính phủ quốc gia vẫn là chủ thể hàng đầu, không thể thay thế trong cơ cấu quyền lực chính trị hiện đại, nhưng không phải là duy nhất và toàn năng. Quyền tài phán tối cao của nhà nước hay chính phủ quốc gia đối với các vấn đề đối nội và đối ngoại của đất nước vẫn tiếp tục được khẳng định, nhưng phải gắn với hàng loạt trách nhiệm quốc tế ngày càng lớn, nặng nề. Tính tự chủ trong điều tiết kinh tế vĩ mô của chính phủ bị ràng buộc bởi nhiều biến động từ bên ngoài, trong đó có sự điều khiển nền kinh tế toàn cầu do những thế lực kinh tế siêu quốc gia, xuyên quốc gia tiến hành một cách hết sức lợi hại. Hơn nữa, sự phát triển sâu rộng của xã hội công dân toàn cầu đang tạo ra hàng loạt không gian quyền lực chung vượt ra ngoài tầm kiểm soát của chính phủ quốc gia.
Quản trị quốc gia qua hoạt động của bộ máy chính quyền và hệ thống chính trị của từng nước đã từng xuất hiện trong bối cảnh xã hội bắt đầu phân chia thành giai cấp và nhà nước ra đời. Quản trị toàn cầu thông qua mạng lưới các thiết chế quyền lực toàn cầu, mặc dù không có một chính quyền toàn thế giới, xuất hiện trong bối cảnh xu thế toàn cầu hóa đang biến toàn thế giới thành một thực thể nhất thể hóa trong phức hợp, đa dạng. Như vậy, cả hai loại hình quản trị này đều là sản phẩm tất yếu của lịch sử và cần được các chủ thể của thế giới ngày nay nhận thức, chấp nhận kịp thời, đúng đắn.
Quản trị toàn cầu và quản trị quốc gia không loại bỏ nhau và cũng không thay thế được cho nhau. Mỗi bên có chức năng, nhiệm vụ, phạm vi và phương thức quản trị của mình. Thế giới trên tất cả các tầng nấc địa phương, quốc gia, khu vực và quốc tế chỉ được quản trị đầy đủ và hiệu quả nếu hai loại hình quản trị này được phát huy, phối hợp. Điều này đặc biệt đúng với Việt Nam, một quốc gia đã và đang hội nhập quốc tế rất sâu về mọi mặt với thế giới qua hơn 30 năm đổi mới. Để đạt được Tầm nhìn 2030 hướng tới một xã hội khá giả, thịnh vượng thuộc nhóm nước có thu nhập trung bình cao và Tầm nhìn 2045 Việt Nam trở thành quốc gia phồn vinh, thịnh vượng, hạnh phúc, gia nhập nhóm nước có thu nhập cao, người dân có cuộc sống hạnh phúc, an toàn, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân phải nỗ lực, phấn đấu vượt bậc cả trong xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, cả nội trị và ngoại giao, trong đó kết hợp đúng đắn, có hiệu quả quản trị toàn cầu với quản trị quốc gia là một nội dung quan trọng không thể thiếu.
Cập nhật tình hình và triển vọng cuộc đấu tranh của các lực lượng cộng sản, cánh tả, cách mạng và tiến bộ trên thế giới
Thế giới trong mọi thời đại và thế giới ngày nay, trước hết là thế giới do các nước lớn định hình, chi phối. Tuy nhiên, thế giới ngày nay còn được phản chiếu qua hoạt động, tác động của đông đảo các nước phương Nam, của các lực lượng cộng sản, cánh tả, cách mạng và tiến bộ. Trong những năm qua, mặc dù còn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức, nhưng những lực lượng này đã có bước phục hồi, trụ vững, phát triển năng động không thể phủ nhận. Nhiều lực lượng đã giành được chính quyền thông qua con đường đấu tranh giai cấp, đấu tranh chính trị - xã hội, kiên định tập hợp quần chúng xây dựng một chế độ thay thế mô hình tự do mới của chủ nghĩa tư bản, góp phần tìm câu trả lời cho mục tiêu hòa bình, an ninh và phát triển mà toàn nhân loại đang chung tay, chung sức triển khai hiện nay.
Chưa bao giờ loài người sản xuất ra khối lượng của cải vật chất khổng lồ như bây giờ, mà về mặt lượng thuần túy, có thể bảo đảm dư dật lương thực, thực phẩm cho toàn bộ dân số thế giới. Nhưng như một nghịch lý, danh sách các quốc gia kém phát triển nhất (LDCs) lại ở con số 47 quốc gia tính đến năm 2017 (33 nước châu Phi, 9 nước châu Á, 4 nước châu Đại dương và 1 nước châu Mỹ), so với con số 25 quốc gia năm 1999. Ngoại trừ vài trường hợp của các quốc gia công nghiệp hóa mới (NICs), tuyệt đại đa số các quốc gia đang phát triển vẫn chìm đắm trong “bẫy thu nhập trung bình”. Thế giới ngày nay vẫn còn gần 900 triệu người nghèo đói cùng cực. Tuổi thọ bình quân của người dân các nước công nghiệp phát triển hiện nay cao hơn 32 năm so với tuổi thọ bình quân của người dân các nước châu Phi vùng nam Xa-ha-ra.
Nguyên nhân gây ra một thế giới ngày càng tương phản là do cơ chế phân phối sản phẩm bất công nghiêm trọng. Theo báo cáo của tổ chức Oxfam công bố năm 2017, khoảng cách giữa 1% giới siêu giàu và 99% phần còn lại của thế giới ngày càng có xu hướng tăng; 82% của cải trên thế giới được tạo ra đã rơi vào túi 1% số người giàu nhất thế giới; 8 người giàu nhất thế giới hiện có khối tài sản tương đương 3,6 tỷ người nghèo nhất cộng lại; 42 người giàu nhất thế giới nắm giữ 80% số tài sản toàn cầu. Ngân hàng Thế giới phản ánh, hiện nay 60% tổng sản phẩm toàn cầu nằm trong tay 10 nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Thế giới dưới sự thống trị của các quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa là một thế giới 1% và 99%: Sự giàu sang của một nhóm người hoặc một số quốc gia, tương phản với sự bần cùng của các nhóm người khác, quốc gia khác. Một thế giới như thế này không thể là sự lựa chọn của loài người, mà chỉ là sản phẩm ưa thích của chế độ tư bản chủ nghĩa biểu hiện thông qua mô hình tự do mới của nó!
Đúng như học giả người Pháp Rơ-nê Đu-mông (René Doumond) đã chua chát khẳng định, đó là “một thế giới không thể chấp nhận được”! Tỷ phú G. Xô-rốt (George Soros), từ đầu thế kỷ XXI, đã cảm nhận “thế giới này nhất định sẽ rơi vào khủng hoảng toàn cầu”.
Để tìm cách thoát khỏi bế tắc, chủ nghĩa tư bản ra sức triển khai chủ nghĩa tự do mới trên phạm vi toàn cầu với những “cơn hồng thủy” phi điều tiết hóa, tư nhân hóa, tự do hóa... buộc các nền kinh tế quốc gia phải mở cửa rộng rãi cho tư bản độc quyền quốc tế xâm nhập. Với tính cách là mô hình chủ nghĩa tư bản trong kỷ nguyên toàn cầu hóa, chủ nghĩa tự do mới làm cho phân cực giàu - nghèo ngày càng trầm trọng trên mọi cấp độ, kinh tế ảo vượt xa kinh tế thực do đầu cơ tài chính - tiền tệ toàn cầu, phản kháng xã hội gay gắt, văn hóa dân tộc bị chà đạp, môi trường sinh thái bị tàn phá nặng nề, nguy cơ đe doạ an ninh lan tràn khắp thế giới...
Đi tìm các phương án thay thế mô hình tự do tư bản chủ nghĩa (Alternatives to Neoliberalism) đã và đang trở thành khẩu hiệu đấu tranh của các lực lượng chính trị, xã hội rộng lớn trên thế giới từ cuối thế kỷ XX đến nay. Bắt đầu từ tháng 12-1999, vài chục nghìn người từ nhiều nơi trên thế giới, thuộc đủ màu da và khuynh hướng tư tưởng - chính trị khác nhau, rầm rộ biểu tình trên các đại lộ của thành phố Xi-a-tơn (Mỹ) phản đối Hội nghị Bộ trưởng Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự định thể chế hóa nền thương mại tự do toàn cầu. Kể từ thời điểm đó, hằng năm, hàng trăm nghìn công dân khắp năm châu đều đặn tụ họp trên các đường phố của nhiều nước phương Tây kiên quyết phản đối hệ thống toàn cầu hóa do các tập đoàn xuyên quốc gia và các thiết chế quyền lực tư bản độc quyền (G7, NATO, WTO, WB, IMF...) chi phối. Phong trào chống toàn cầu hóa tự do là sản phẩm độc đáo của một thế giới phải đối mặt với chủ nghĩa tư bản như thế lực đế chế toàn cầu; là sự phản kháng toàn cầu chống chủ nghĩa tư bản chưa hề có tiền lệ trong lịch sử loài người.
Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) được tổ chức thường niên tại Đa-vốt (Thụy Sĩ) là một trong những thiết chế toàn cầu của chủ nghĩa tư bản chuyên hoạch định chính sách kinh tế phục vụ các tập đoàn độc quyền. Đại diện của đông đảo các lực lượng tiến bộ toàn thế giới đã kiên quyết chống lại diễn đàn quyền lực ấy và tích cực chuẩn bị xây dựng một diễn đàn khác mang tên Diễn đàn thế giới các phương án thay thế phương án tự do mới. Tháng 3-1997, Diễn đàn này ra Tuyên ngôn kêu gọi đảo ngược tiến trình lịch sử tư bản, đưa kinh tế phục vụ các dân tộc, trả lại cho các giá trị cộng đồng vị trí trung tâm của cuộc sống... Đến năm 2000, với sáng kiến của Đảng Lao động Bra-xin và sự đồng tình của 4.700 đại biểu thuộc hơn 900 tổ chức chính trị - xã hội, trong đó có không ít trí thức, chính khách và chủ tư bản tiến bộ, Diễn đàn Xã hội thế giới (WSF) chính thức ra đời tại thành phố Poóc-tô A-lê-grê (Bra-xin) như một hình thức đối trọng với WEF. Đến nay, WSF mỗi năm được tổ chức một lần với sự tham dự của hàng trăm nghìn đại biểu, trở thành tập hợp công dân toàn cầu rộng lớn nhất chống chủ nghĩa tư bản, đã toàn cầu hóa cuộc đấu tranh xã hội hướng tới tương lai thế giới công bằng và bình đẳng, phát triển bền vững và tôn trọng phẩm giá con người. Khẩu hiệu tập hợp các lực lượng đấu tranh rất đa dạng này là Một thế giới khác tốt đẹp hơn là có thể (An other better world is possible). Đi đầu trong cuộc đấu tranh không chỉ có các lãnh tụ công nhân, mà còn có các nhân vật nổi tiếng trong thế giới tư bản chủ nghĩa: X. A-min (Samir Amin), R. Pê-trê-la (Ricardo Petrela), X. Gioóc-giơ (Suzan George), C. Ta-pla-đa (Carlos Taplada), F. Xơ-ny (Francois Chesney), F. Hu-tát (Francois Houtard), J. Tô-bin (James Tobin)... Chủ nghĩa tư bản, dưới hình thức hiện đại nhất của nó là chủ nghĩa tự do mới, đã bị phê phán quyết liệt ngay từ bên trong và ở quy mô toàn cầu.
Như sản phẩm tất yếu của cuộc đấu tranh chính trị - xã hội chống chủ nghĩa tư bản tự do mới ở Mỹ La-tinh, đã xuất hiện làn sóng cánh tả đầy sinh lực trong những năm đầu thế kỷ XXI, giành được chính quyền ở trên 15 quốc gia, trong đó nhiều quốc gia năng động và kiên định trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội thế kỷ XXI. Mặc dù trong 2 - 3 năm vừa qua, một số chính quyền cánh tả gặp khó khăn, tạm thời thất bại, nhưng phong trào đấu tranh của các lực lượng cánh tả Mỹ La-tinh vẫn duy trì sức mạnh và định hướng chống chủ nghĩa tư bản đế quốc, chống chủ nghĩa tự do mới.
Nhìn nhận và đánh giá thế giới ngày nay, nếu tiếp cận không đầy đủ, không đúng đắn một thế giới cánh tả, cách mạng, tiến bộ rộng lớn và sôi động này, sẽ là một khiếm khuyết, thậm chí một sai lầm gây ra nhiều hệ lụy không tích cực. Nó cần được cảnh báo từ sớm, từ xa, nhất là đối với tư duy đối ngoại của nhiều nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong một thế giới đang thay đổi với bộn bề các quá trình, sự kiện diễn ra một cách nhanh chóng, phức tạp trên nhiều tầng, nấc luôn luôn đòi hỏi tầm nhìn vừa toàn diện, tổng thể, vừa sâu sắc, cụ thể. Tư duy và đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta hiện nay, hơn lúc nào hết, cần phát huy có hiệu quả tư tưởng ngoại giao Hồ Chí Minh: nhất quán quan điểm, lập trường; kiên định về chiến lược và linh hoạt trong xử lý từng vấn đề, từng nơi, từng lúc, với từng đối tác, đối tượng./.
- Bảo đảm quyền lợi của người lao động trong mô hình kinh tế chia sẻ
- Hợp tác Việt Nam - Liên minh châu Âu trong bảo đảm an ninh lương thực: Cơ hội và thách thức
- Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức cơ sở đảng và nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong bối cảnh mới
- Tổng quan về chuyển đổi số ở Việt Nam
- Bảo tồn các di sản văn hóa vật thể trước thách thức của biến đổi khí hậu ở thành phố Cần Thơ hiện nay
-
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đến thế giới, khu vực và Việt Nam -
Quốc phòng - An ninh - Đối ngoại
Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bài học lịch sử và ý nghĩa đối với sự nghiệp đổi mới hiện nay -
Chính trị - Xây dựng Đảng
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 - Bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam trong thế kỷ XX -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Cách mạng Tháng Mười Nga năm 1917 và dấu ấn chính sách dân tộc của V.I. Lê-nin: Nhìn lại và suy ngẫm -
Thế giới: Vấn đề sự kiện
Một số lý giải về cuộc xung đột Nga - Ukraine hiện nay và tính toán chiến lược của các bên