Quan hệ thương mại Việt Nam - Lào: Thực tiễn và giải pháp

TS. Doãn Công Khánh Viện Nghiên cứu thương mại, Bộ Công Thương
21:14, ngày 24-08-2017

TCCSĐT - Từ năm 2012, hai nước Việt Nam - Lào đã phối hợp hoàn thành Quy hoạch mạng lưới chợ biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020. Hệ thống chợ biên giới tạo điều kiện cho giao thương giữa các địa phương biên giới, mở ra những cơ hội hợp tác, khai thác thế mạnh của nhau. Tuy nhiên, vẫn có những những lợi thế, tiềm năng còn bỏ ngỏ.

Bối cảnh và những vấn đề đặt ra

Việt Nam và Lào hiện có chung đường biên giới dài hơn 2.337km, đi qua địa giới hành chính của 10 tỉnh, thành gồm: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum với tổng diện tích tự nhiên hơn 154.000km². Các tỉnh biên giới của Lào tiếp giáp với Việt Nam gồm: Phông Xa Lỳ, Luông Pha Băng, Hủa Phăn, Xiêng Khoảng, Bô Ly Khăm Xay, Khăm Muộn, Xa Van Na Khẹt, Xa La Van, Xê Kông và At Ta Pư. Tháng 3-2016, hai bên đã ký Nghị định thư về đường biên giới, mốc quốc giới và Hiệp định về quy chế biên giới, cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào.

Quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Lào đã phát triển nhanh chóng kể từ năm 1962, khi hai nước chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai bên đã ký Hiệp định thương mại Việt Nam - Lào mới (tháng 3-2015) và Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam - Lào (tháng 6-2015), tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để tăng cường trao đổi thương mại giữa hai nước. Cho đến nay, trên toàn tuyến biên giới với Lào có 8 cửa khẩu quốc tế, 7 cửa khẩu chính, 18 cửa khẩu phụ cùng nhiều đường mòn và thành lập 9 khu kinh tế cửa khẩu nhằm tạo thuận lợi phát triển các hoạt động thương mại, dịch vụ của các tỉnh biên giới giữa hai nước Việt Nam - Lào.

Giai đoạn 2011 - 2015, thương mại song phương giữa hai nước đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 18,04%/năm. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Lào từ 274,1 triệu USD (năm 2011), lên 534,7 triệu USD (năm 2015), tăng bình quân 21,93%/năm. Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ Lào tăng từ 460,02 triệu USD năm 2011, lên 588,61 triệu USD năm 2015, đạt tốc độ tăng trưởng bình quân 15,07%/năm (xem bảng 1).

             Bảng 1: Xuất, nhập khẩu song phương Việt Nam - Lào

 

 

Năm

Kim ngạch xuất khẩu

(triệu USD)

Kim ngạch nhập khẩu

(triệu USD)

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (triệu USD)

Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu(%)

2011

274,1

460,02

734,12

44,26

2012

422,2

450,80

873,00

18,91

2013

422,2

668,73

1.090,93

24,96

2014

485,1

802,16

1.287,25

18,00

2015

534,7

588,61

1.123,31

-12,74

  2011-2015

-

-

-

18,04


Nguồn: Thống kê Hải quan (Hải quan Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương)

Đối với thương mại biên giới, xuất khẩu của Việt Nam sang Lào tăng trung bình 15,39%/năm và nhập khẩu ở mức - 2,40%/năm (xem bảng 2).

Bảng 2: Xuất, nhập khẩu biên giới giữa Việt Nam và Lào giai đoạn 2010 - 2015

 

 

Năm

Kim ngạch xuất khẩu

(triệu USD)

Kim ngạch nhập khẩu

(triệu USD)

Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu

(triệu USD)

Tăng trưởng tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu (%)

2011

219,17

594,35

813,520

-20,10

2012

381,90

693,5

1.075,40

32,19

2013

354,55

904,81

1.259,36

17,11

2014

440,01

1.071,61

1.511,62

20,03

2015

400,01

728,694

1.138,70

-25,33

2010 - 2015

      -

        -

        -

2,08


Nguồn: Thống kê Hải quan (Hải quan Việt Nam) và Viện Nghiên cứu Thương mại (Bộ Công Thương)

Lào là thị trường xếp thứ 33 trong khoảng 200 thị trường xuất khẩu của Việt Nam và chỉ chiếm 0,32% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam. Xét trong nội khối Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang thị trường Lào chỉ cao hơn kim ngạch xuất sang thị trường Mi-an-ma và Bru-nây.

Mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang thị trường Lào bao gồm: sắt thép và sản phẩm từ sắt thép, phương tiện vận tải, cờ-lanh-ke (clanke) và xi-măng, sản phẩm từ chất dẻo, dây và cáp điện, rau, củ, quả... Thông qua hoạt động thương mại biên giới, Việt Nam và Lào đã trao đổi được một khối lượng lớn các mặt hàng nông, lâm sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng công nghiệp và khoáng sản.

Nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam từ thị trường Lào chiếm khoảng 0,45% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam. Lào là thị trường xếp thứ 28 trong các thị trường cung cấp hàng hóa cho Việt Nam, trong đó gỗ và sản phẩm gỗ là nhóm hàng chủ yếu - chiếm trên 60% tổng kim ngạch nhập khẩu từ thị trường này.

Đánh giá chung có thể thấy, các mặt hàng xuất, nhập khẩu giữa hai nước mang tính bổ sung, không cạnh tranh trực tiếp đã đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng của người dân cũng như cho sản xuất của hai bên. Hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa và dịch vụ tại các cửa khẩu, chợ biên giới đã nhộn nhịp hơn, cơ bản đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân và doanh nghiệp, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực vùng biên giới.

Tuy nhiên, hoạt động xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và Lào chưa đạt được hiệu quả như mong muốn, cơ cấu hàng hóa xuất, nhập khẩu giữa hai nước còn thiếu sự đa dạng. Hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào vẫn tồn tại nhiều khó khăn, chưa đóng góp nhiều vào việc thực hiện mục tiêu trao đổi thương mại hai chiều. Kết quả hợp tác cụ thể còn có những hạn chế nhất định, chưa phát huy được tiềm năng, thế mạnh và mong muốn của hai nước. Các dịch vụ hỗ trợ xuất nhập khẩu hàng hóa, kết nối giao thông hai nước chưa phát triển. Các khu kinh tế cửa khẩu còn thiếu vốn đầu tư, các công trình, dự án dở dang nên không thể đi vào hoạt động được.

Để xứng với tiềm năng, thế mạnh

Để thúc đẩy quan hệ thương mại Việt Nam - Lào trong thời gian tới, cần tập trung một số giải pháp sau:

Một là, kiện toàn tổ chức bộ máy, đổi mới cơ chế và nâng cao hiệu quả hoạt động của Ủy ban Liên Chính phủ và bộ phận thường trực Phân ban hợp tác Việt Nam - Lào. Khẩn trương hoàn chỉnh bộ máy Ban Chỉ đạo Thương mại Biên giới của mỗi nước và xây dựng cơ chế phân cấp linh hoạt giữa Trung ương với địa phương, đồng thời xây dựng cơ chế phối hợp để kịp thời trao đổi thông tin, phối hợp trong công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào. Tiếp tục phối hợp, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hai nước sớm thành lập Hiệp hội Thương nhân hoạt động thương mại biên giới Việt Nam - Lào theo tinh thần Hiệp định Thương mại Biên giới giữa Việt Nam và Lào đã ký ngày 27-6-2015. Tăng cường phối hợp thực hiện đầy đủ các cam kết trong Hiệp định tạo thuận lợi vận chuyển người và hàng hóa qua biên giới (GMS - CBTA). Nhanh chóng triển khai Đề án nghiên cứu chung về tăng cường vận tải hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Lào.

Hai là, tiếp tục thực hiện cơ chế kiểm tra, kiểm soát “một cửa, một lần dừng” khi làm thủ tục thông quan qua cửa khẩu biên giới Việt Nam - Lào. Bảo đảm việc áp dụng hệ thống thông quan tự động trên 100% các đơn vị (gồm 2 hệ thống: Hệ thống thông quan tự động - VNACCS và Hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin nghiệp vụ - VCIS), rút ngắn thời gian thông quan, giải phóng hàng hóa, tránh ùn tắc tại cửa khẩu biên giới. Tổng kết và nhân rộng mô hình “một cửa - một lần dừng”, đến 2020 tiến tới thực hiện cơ chế thông quan “một cửa - một điểm dừng” tại tất cả các cặp cửa khẩu quốc tế trên tuyến biên giới Việt Nam - Lào, tạo điều kiện để thực hiện đồng bộ, thông suốt.

Ba là, triển khai Quyết định số 6299/QĐ-BCT phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển công nghiệp, thương mại tuyến biên giới Việt Nam - Lào đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; phát triển hệ thống chợ thị trấn, chợ trung tâm các huyện biên giới đặt tại các thị trấn huyện, nơi dân cư sinh sống tập trung; hệ thống siêu thị, trung tâm mua sắm, trung tâm thương mại nhằm phục vụ tiêu dùng của cư dân tại chỗ, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, thương nhân và nhà đầu tư. Đẩy nhanh đầu tư để sớm hình thành và hoàn thiện các hệ thống trung tâm trung chuyển và kho vận bao gồm: hệ thống kho ngoại quan và hạ tầng cho dịch vụ hải quan, hệ thống kho bãi tập kết hàng hóa và bãi đỗ xe.

Bốn là, nghiên cứu tổ chức thêm các Hội chợ thương mại Việt - Lào tại một số địa phương khác của Lào trong những năm tới. Tổ chức các hội chợ thương mại biên giới và các hội chợ tại các tỉnh biên giới hai nước. Đa dạng hóa và nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu theo hướng phù hợp với nhu cầu và thói quan tiêu dùng của người dân Lào, đáp ứng các tiêu chuẩn về chất lượng và nhãn mác hàng hóa của Lào, tích cực mở rộng hệ thống phân phối, quảng bá sản phẩm, cải tiến phương thức mua bán cho phù hợp với tập quán kinh doanh của thị trường này.

Năm là, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp hai nước liên doanh, liên kết, hình thành các chuỗi sản xuất cung ứng sản phẩm để tạo nguồn hàng trao đổi giữa hai nước cũng như xuất khẩu sang các nước khác. Trước mắt, hình thành các chuỗi sản xuất - cung ứng các sản phẩm mà hai nước có lợi thế như khai thác - chế biến - xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ, sản xuất và xuất khẩu cao-su, cà-phê, hạt điều, sản phẩm dệt may…

Sáu là, xây dựng cổng thông tin điện tử Thương mại Việt - Lào (song ngữ) nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu thông tin thị trường Lào cho các doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu; đồng thời, cổng thông tin này còn là cầu nối trực tiếp giữa các cơ quan quản lý nhà nước với các doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp nhanh chóng giải đáp những vướng mắc khi tham gia xuất, nhập khẩu.

Bảy là, phối hợp tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn nhằm nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ và cập nhật những kiến thức mới, những quy định mới trong lĩnh vực xuất, nhập khẩu, thương mại biên giới cho các lực lượng chức năng, cán bộ quản lý ở các tỉnh biên giới và cho các doanh nghiệp hoạt động thương mại của hai nước./.